MỤC SUY NIỆM

Nhờ cầu nguyện, cộng đoàn được liên kết với Chúa và gắn bó với nhau

(Bài giảng Giáo lý của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI về sách Khải Huyền)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn nói về cầu nguyện trong sách Khải huyền, quyển cuối cùng trong Tân ước. Đây là một quyển sách khó đọc nhưng chứa đựng một kho tàng phong phú. Sách Khải huyền đưa chúng ta đến với việc cầu nguyện sống động, sốt mến của cộng đoàn Kitô hữu họp nhau vào “ngày của Chúa” (Kh 1, 10). Vì thế đây là mạch chính khai triển bản văn.

Một người đọc sách giới thiệu cho cộng đoàn sứ điệp Chúa gửi cho Thánh Gioan, tác giả sách Phúc âm. Có thể nói người đọc sách và cộng đoàn là hai nhân vật chính được sách nói đến. Ngay từ đầu, sách Khải huyền đã gửi đến hai nhân vật này những ước nguyện thiết tha: “Phúc cho người đọc và cho những ai lắng nghe những lời tiên tri này” (Kh 1, 3). Lời cầu nguyện hòa điệu phát sinh từ cuộc đối thoại bền bỉ giữa hai người, mở ra những hình thức đa dạng đến tận phần kết. Lắng nghe người đọc giới thiệu sứ điệp, đồng thời lắng nghe và chăm chú theo dõi tác động đối với cộng đoàn, lời cầu nguyện của họ sẽ trở thành của chúng ta.

Phần đầu tiên của sách Khải huyền (Kh 1, 4-3, 22) giới thiệu ba giai đoạn nối tiếp nhau trong thái độ của cộng đoàn đang cầu nguyện.

Giai đoạn thứ nhất (Kh 1, 4-8) gồm cuộc đối thoại, diễn ra một lần duy nhất trong Tân ước, giữa cộng đoàn vừa quy tụ và người đọc sách đang gửi đến cộng đoàn lời chúc và phép lành: “Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an” (Kh 1, 5). Tiếp đến người đọc sách nhấn mạnh lời nguyện chúc này phát xuất từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu Kitô cùng tham gia hoàn thành chương trình tạo dựng và cứu chuộc nhân loại. Cộng đoàn lắng nghe và lúc Danh Đức Giêsu Kitô được xướng lên thì như nhảy mừng, hân hoan đáp lại bằng lời nguyện chúc tụng: “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!” (Kh 1, 5b-6). Được tình yêu của Đức Kitô bao bọc, cộng đoàn thấy mình thoát khỏi mọi dây ràng buộc của tội lỗi và được gọi là “vương quốc” của Chúa Giêsu Kitô, hoàn toàn thuộc về Người. Với phép Rửa đã lãnh nhận, cộng đoàn biết mình được trao sứ vụ lớn lao đưa Chúa ngự đến trong trần gian. Cộng đoàn kết thúc lời chúc tụng bằng cách hướng về Chúa Giêsu và xúc động tuyên xưng “vinh quang và uy quyền” của Chúa Giêsu đã cứu thoát nhân loại. Lời “Amen” kết thúc thánh thi chúc tụng Đức Kitô.

Bốn câu đầu tiên này là cả một kho tàng hướng dẫn phong phú, cho chúng ta biết cầu nguyện trước hết phải lắng nghe Chúa đang nói với chúng ta. Chìm nghỉm giữa biết bao ngôn từ, chúng ta ít có thói quen lắng nghe, nhất là biết sống thinh lặng nội tâm và giữ im lặng bên ngoài, để lắng nghe những điều Chúa muốn nói. Những câu trong sách Khải huyền dạy chúng ta biết, khi cầu nguyện -vốn chúng ta thường chỉ cầu xin- trước hết hãy chúc tụng Chúa đã yêu thương và ban Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta, để được Người mang lại sức mạnh, niềm hy vọng và ơn cứu độ.

Người đọc sách nói tiếp, nhắc lại với cộng đoàn: khi đã được tình yêu của Đức Kitô chiếm lĩnh, phải quyết đưa tình yêu này vào cuộc sống của mình. Người đọc sách nói: “Này Người đến giữa những đám mây, mọi người sẽ thấy Người, kể cả những kẻ đã đâm Người; và khi nhìn thấy Người, mọi bộ tộc trên trái đất sẽ than khóc” (Kh 1, 7a). Sau khi lên trời trên một “đám mây”, biểu tượng của sự siêu việt (x. Cv 1, 9), Đức Giêsu Kitô sẽ trở lại như Người đã lên trời (x. Cv 1, 11b). Bấy giờ mọi dân nước sẽ nhận biết Người. Thánh Gioan đã nói về điều này trong sách Phúc âm thứ bốn “Chúng sẽ ngước mắt nhìn Đấng chúng đã đâm” (Ga 19, 37). Họ sẽ suy nghĩ về tội lỗi mình đã khiến Người phải chịu đóng đinh vào thập giá và sẽ “đấm ngực” (x. Lc 23, 48) như những người đã trực tiếp chứng kiến cảnh tượng diễn ra trên đồi Calvariô, rồi xin Người tha thứ để bước theo Người trong cuộc sống, chuẩn bị hiệp thông trọn vẹn với Người, sau khi Người trở lại lần sau hết. Cộng đoàn hồi tâm suy tưởng sứ điệp này và thưa: “Vâng, thật vậy! Amen” (Kh 1, 7b). Qua lời đáp “Vâng”, cộng đoàn nói lên sự chấp nhận hoàn toàn những gì đã được thông truyền và nài xin cho điều đó trở thành hiện thực. Đó là lời cầu nguyện của cộng đoàn đang chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện cách cao cả trên thập giá, đồng thời xin được sống liên kết làm môn đệ của Đức Kitô.

Chúa đã trả lời: “Ta là Alpha và Omega, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1, 8). Thiên Chúa, Đấng mặc khải Ngài là khởi đầu và kết thúc của lịch sử, đang nhận lấy và lưu tâm về lời nài xin của cộng đoàn. Chúa đã, đang và sẽ hiện diện và hoạt động với tình yêu của Ngài trong mọi việc của loài người trong hiện tại và tương lai cũng như trong quá khứ, cho đến cùng tận. Chúa đã hứa như vậy.

Đến đây, chúng ta nhận ra một yếu tố quan trọng: việc cầu nguyện bền bỉ sẽ giúp chúng ta ý thức về ý nghĩa sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình và trong lịch sử. Sự hiện diện của Chúa mang lại sự nâng đỡ, dẫn dắt và ban niềm hy vọng lớn lao giữa cảnh thế sự tràn ngập bóng tối.

Mặt khác, mỗi khi cầu nguyện, dù trong tình thế hết sức cô độc, cũng không phải lẻ loi và vô ích nhưng là nguồn sinh lực nuôi dưỡng đời sống người Kitô hữu, giúp họ luôn biết dấn thân và liên kết cùng nhau.

Giai đoạn hai (Kh 1, 9-22), việc cầu nguyện của cộng đoàn đi sâu vào mối liên hệ với Chúa Giêsu Kitô: Chúa cho chúng ta nhìn, nói, làm, và cộng đoàn luôn gần ở bên Người thì lắng nghe, đáp lại và đón nhận. Trong sứ điệp được người đọc sách giới thiệu, thánh Gioan thuật lại kinh nghiệm của bản thân được gặp gỡ Đức Kitô: ông đang ở đảo Patmos vì “Lời Chúa và lời chứng của Đức Giêsu” (Kh 1, 9), hôm đó là “ngày của Chúa” (Kh 1, 10a), ngày Chúa nhật, mừng Chúa Phục sinh. Và thánh Gioan thấy mình “được Thần khí linh hứng” (Kh 1, 10a). Chúa Thánh Thần đã đến với ông, đổi mới ông, giúp ông được thêm khả năng đón nhận Chúa Giêsu, Đấng kêu mời ông hãy viết về Người. Việc cầu nguyện của cộng đoàn đang lắng nghe sẽ từng bước đạt đến sự chiêm niệm, được miêu tả qua các động từ: “thấy”, “nhìn”. Quả thật, cộng đoàn chiêm ngắm, khắc ghi vào lòng và biến thành của mình những gì được người đọc sách gợi lên.

Gioan nghe “có một tiếng lớn như thể tiếng kèn” (Kh 1, 10b). Tiếng nói đặt cho ông nhiệm vụ gửi sứ điệp cho “bảy Hội Thánh” (Kh 1, 11) ở Tiểu Á, và qua những Hội Thánh này, hiệp nhất với các mục tử, gửi đến tất cả các Hội Thánh qua mọi thời đại. Kiểu nói “tiếng kèn” có xuất xứ từ sách Xuất hành (x. Xh 20, 18), gợi lại việc Chúa hiện ra với Môisê trên núi Sinai, cho biết đó là tiếng Chúa phán từ trời cao, từ cõi siêu việt của Ngài. Còn ở đây là tiếng của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, Đấng từ cõi vinh quang của Cha, nói với cộng đoàn đang cầu nguyện bằng tiếng nói của Thiên Chúa. Gioan quay lại “nhìn tiếng của ai đang nói” (Kh 1, 12) và thấy “bảy cây đèn vàng, và ở giữa các cây đèn, có ai như Con Người” (Kh 1, 12-13). Con Người, từ ngữ được Gioan đặc biệt quen dùng để chỉ chính Chúa Giêsu. Những cây đèn vàng, với những ngọn nến cháy sáng, chỉ Giáo Hội mọi thời đại đang cầu nguyện qua phụng vụ: Chúa Giêsu Phục sinh. “Con Người”, ngự giữa Hội Thánh, mặc phẩm phục thượng tế trong Cựu ước, thực hiện phận sự tư tế, làm trung gian với Chúa Cha.

Tiếp theo, trong sứ điệp mang tính biểu tượng của Gioan, là cuộc hiện ra sáng láng của Chúa Kitô Phục sinh với những đặc điểm riêng của Thiên Chúa, khiến chúng ta nhớ lại những gì đã viết trong Cựu ước.

“Tóc trắng như len, như tuyết” (Kh 1, 14) là biểu tượng về sự hằng có đời đời của Thiên Chúa (x. Đnl 7, 9) và về sự Sống lại.

Biểu tượng thứ hai là lửa. Trong Cựu ước, lửa thường được gắn với Thiên Chúa để chỉ hai đặc tính của Ngài. Thứ nhất là tình yêu ghen tuông dữ dội của Ngài dẫn đến việc đặt ra giao ước với con người (x. Đnl 4, 24). Tình yêu nồng nàn như lửa cháy này phản chiếu trong ánh mắt của Đức Giêsu Phục sinh: “Mắt Người như ngọn lửa cháy” (Kh 1, 14b). Đặc tính thứ hai là khả năng chiến thắng sự dữ không gì ngăn cản được, như một “ngọn lửa thiêu” (Đnl 9, 3).

Như vậy, chính “đôi bàn chân” của Chúa Giêsu bước trên đường đối đầu và hủy diệt sự dữ cũng tỏa sáng như “đồng đỏ quý giá” (Kh 1, 15). Giọng nói của Chúa Giêsu “tựa như tiếng nước lũ” (Kh 1, 15c) ầm vang “vinh quang Thiên Chúa của Israel” hướng về Giêrusalem, đã được tiên tri Êzêkiel nói đến (x. Ez 43, 2).

Tiếp theo là ba yếu tố biểu tượng khác. Những yếu tố này cho thấy tất cả những gì Đức Giêsu Phục sinh đang làm cho Hội Thánh của Người: Người dùng tay hữu giữ chặt lấy Hội Thánh. Đây là một hình ảnh có ý nghĩa quan trọng: Chúa Giêsu giữ Hội Thánh trong tay Người. Người nói với Hội Thánh bằng sức mạnh xuyên thấu của một thanh kiếm sắc và tỏ cho Hội Thánh thấy ánh quang rạng ngời Người là Thiên Chúa: “Mặt Người như mặt trời tỏa sáng chói ngời” (Kh 1, 16). Gioan bị tác động mãnh liệt trước trải nghiệm phi thường này về Đấng Phục sinh nên ngất đi, vật ngã như chết.

Sau khi được mặc khải, vị tông đồ đã thấy Chúa Giêsu đứng trước mặt. Chính Chúa đã nói với ông, an ủi, đặt tay lên đầu ông và tỏ cho biết chính Người đã chịu đóng đinh, đã sống lại và nay trao cho ông nhiệm vụ truyền sứ điệp của Người đến các Hội Thánh (x. Kh 1, 17-18). Thiên Chúa hiện ra trước mặt ông đẹp đến mức khiến ông choáng váng, ngã xuống như chết. Chúa là bạn của sự sống, Ngài đã đặt tay lên đầu vị tông đồ. Là bạn của Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ được như vậy. Bởi thế, sự tỏ mình của Thiên Chúa Phục sinh, của Đức Kitô Phục sinh sẽ không gây kinh hoàng nhưng là cuộc gặp gỡ giữa những người bạn với nhau. Cộng đoàn cũng được cùng Gioan sống giây phút đặc biệt được cảm nhận ánh sáng trước nhan Chúa, hợp cùng kinh nghiệm hằng ngày vẫn được gặp gỡ Chúa Giêsu, cảm nhận sự phong phú khi được tiếp xúc với Chúa, Đấng hiện diện tràn trề trong cuộc sống.

Trong giai đoạn ba và cuối cùng của phần thứ nhất sách Khải huyền (Kh 2-3), người đọc trình bày với cộng đoàn sứ điệp của Chúa Giêsu, trong đó Chúa nói ở ngôi thứ nhất. Sứ điệp của Chúa Giêsu gửi cho bảy Giáo Hội ở Tiểu Á, chung quanh Êphêsô, xuất phát từ hoàn cảnh riêng của từng Hội Thánh, từ đó mở rộng cho Giáo Hội mọi thời. Chúa Giêsu đề cập ngay đến tình cảnh hiện đang diễn ra trong đời sống của từng Giáo Hội, nêu rõ ánh sáng và bóng tối trong Giáo Hội và thúc giục: “Hãy hối cải” (Kh 2, 5.16; 3, 19c); “Hãy nắm chắc điều ngươi đang có” (Kh 3, 11); “Hãy làm những việc ngươi đã làm từ ban đầu” (Kh 2, 5); “Hãy nhiệt tâm và hối cải” (Kh 3, I9b)... Nếu biết lấy đức Tin mà lắng nghe, những lời Chúa Giêsu nói sẽ sinh hiệu quả tức thời: Hội Thánh sẽ được biến đổi nếu biết cầu nguyện và đón nhận Lời Chúa. Hội Thánh phải chăm chú lắng nghe Lời Chúa và mở lòng đón nhận Thần Khí như chính Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại lệnh truyền này đến bảy lần: “Ai có tai hãy nghe những điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Kh 2, 7.11. 17.29; 3, 6.13.22). Cộng đoàn lắng nghe sứ điệp bằng cách quyết tâm ăn năn trở lại, nhẫn nại, thêm lòng mến yêu, xác định hướng đi cho đúng.

Anh chị em thân mến,

Sách Khải huyền trình bày cho chúng ta một cộng đoàn được quy tụ trong cầu nguyện, bởi trong cầu nguyện, chúng ta ngày càng thêm cảm nhận Chúa ở với chúng ta và trong chúng ta. Càng cầu nguyện kiên trì và sốt sắng, chúng ta càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và được Chúa đi vào và hướng dẫn cuộc sống chúng ta, được Chúa ban niềm vui và bình an trong cuộc sống. Càng nhận biết, yêu mến và bước theo Chúa, chúng ta càng nhận thấy cần phải dừng lại và cầu nguyện với Chúa để được sống an hòa, hy vọng và thêm mạnh sức.

Cảm ơn anh chị em. 

Ngày 5.9.2012
Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Trích Bản tin Hiệp Thông số 73 (Tháng 11 & 12 năm 2012)
Truyền Thông HĐGMVN