Bài Ðọc I: G 3, 1-3. 11-17. 20-23
“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?”
Trích sách ông Gióp.
Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: “Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: ‘Con người chịu thai’. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?
“Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.
“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 87, 2-3. 4-5. 6. 7-8
Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu.
Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa.
2) Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế.
Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa.
3) Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương.
Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa.
4) Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào.
Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa.
Alleluia: Tv 18,9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng soi con mắt. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 51-56
“Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Sống là lên đường.
Hai lần tiên báo về cái chết sắp đến
cho thấy Đức Giêsu biết rõ con đường mình sắp đi,
và những gì sẽ xảy ra ở cuối đường (Lc 9, 22. 44).
Bị bắt, bị nộp, bị loại bỏ, bị giết chết,
là những điều tự nhiên ai cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh.
Đức Giêsu cũng vậy, vì Ngài mang trọn phận người như ta.
“Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem” (c. 51).
Lên Giêrusalem là một quyết định đắn đo và nghiêm túc,
cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giêsu,
bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát.
Giêrusalem là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo,
những người đang âm mưu bắt được Đức Giêsu để thủ tiêu.
Muốn được sống yên thân, Đức Giêsu chỉ cần đừng lên thành đô ấy,
chỉ cần giới hạn hoạt động của mình ở Galilê.
Lên Giêrusalem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ
là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy.
Nhưng Đức Giêsu không sợ đến với nơi Cha muốn mình đến:
“Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi,
vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33).
Giêrusalem là nơi Đức Giêsu hiến mình qua cái chết vì vâng phục,
nhưng Giêrusalem cũng là nơi Ngài được phục sinh và rước lên trời (c. 51).
Tin Mừng Luca coi việc lên Giêrusalem như một hành trình dài (9, 51-19, 27).
Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Samari.
Giữa người Do Thái và người Samari có sự xung khắc.
Người Do Thái khinh người Samari, người Samari thù người Do Thái.
Chính vì thế khi biết nhóm Thầy trò lên đường đi Giêrusalem dự lễ,
người dân một ngôi làng Samaria đã từ chối tiếp đón.
Giacôbê và Gioan, từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17),
đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy.
Họ muốn làm như ngôn sứ Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12),
“khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54).
Nhưng Thầy Giêsu, người dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông.
Ngài chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình.
Ngài sống điều Ngài đã giảng cho các môn đệ (Lc 6, 29).
Làm sao có thể giết người khác chỉ vì họ không đón nhận mình?
Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt,
cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người.
Sự bao dung của Đức Giêsu cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này.
Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực.
Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay.
Chúng ta không chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế.
Thầy Giêsu và các học trò đã đi sang làng khác (c. 56).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning Christ)