NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ LÀ CƠ HỘI KHÔI PHỤC LẠI PHẨM GIÁ CHO NHỮNG NGƯỜI BỊ BỎ RƠI

Salvatore Cernuzio

“Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia” là chủ đề của Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi lần thứ 3, sẽ được cử hành vào ngày 23/7. Nó được liên kết với Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon sẽ diễn ra vào ngày 1/8, để làm nổi bật sự đối thoại với giới trẻ. Ngày Ông Bà là cơ hội suy nghĩ với và cho người cao tuổi. Salvatore Cernuzio phỏng vấn ông Gleison De Paula Souzan, thư ký của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.

Salvatore Cernuzio: Đâu là ý nghĩa của chủ đề này?

Gleison De Paula Souzan: Chủ đề được chọn phù hợp với chủ đề của Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon: “Maria đã chỗi dậy và vội vã lên đường”, được rút ra từ Tin Mừng theo thánh Luca. Câu ngắn “Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia” cũng được rút ra từ Tin Mừng theo thánh Luca và tạo nên phần cuối của phần đầu tiên của bài ca Magnificat, khi Đức Maria, ngay sau khi Sứ thần truyền tin, đã đến gặp gỡ người chị họ Êlisabeth cao tuổi của mình. Do đó, đây là một chủ đề nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại giữa các thế hệ, nền tảng để nhận ra và chiêm ngắm hành động thương xót của Thiên Chúa đối với con người.

Salvatore Cernuzio: Ông đã đề cập đến Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon. Làm thế nào Ngày Ông Bà liên kết với sự kiện sẽ quy tu giới trẻ của năm lục địa ở Bồ Đào Nha?

Gleison De Paula Souzan: Quả thế, đây là những sự kiện gần nhau: Ngày Thế giới Ông Bà sẽ được cử hành vào ngày 23/7 và Ngày Quốc tế Giới trẻ vào ngày 1/8. Nhưng đó không phải chỉ là một liên kết lịch….Tôi đã tìm hiểu và được biết rằng lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai nói về người cao tuổi tại Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Rio vào năm 2013, nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ giữa người cao tuổi và giới trẻ, trong đó người cao tuổi truyền đạt sự khôn ngoan và kinh nghiệm sống, và người trẻ thông truyền sức mạnh và niềm hy vọng cho tương lai. Do đó, mối liên hệ giữa hai sự kiện bắt nguồn từ nhận thức này: người trẻ và người già cần đến nhau.

Salvatore Cernuzio: Để trở lại với Ngày Ông Bà, Đức Thánh Cha đã muốn thiết lập nó để cổ võ một hạng người thường bị loại bỏ, bị gạt sang bên lề, bị suy yếu. Sáng kiến này đã thúc đẩy hành động và sự quan tâm đến người cao tuổi như thế nào?

Gleison De Paula Souzan: Đức Thánh Cha luôn có câu hỏi này trong lòng. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vượt qua “nền văn hóa vứt bỏ” và dấn thân vào một nền văn hóa tương quan. Ngày này, tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang sống trong một xã hội mà người già không nằm ở trung tâm. Suy tư của Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta đặt ra cho mình những câu hỏi trong tâm hồn: “Chúng ta đang làm gì cho người cao tuổi? Chúng ta quan tâm đến họ như thế nào? Người cao tuổi có cảm thấy cô đơn không? Họ thực sự có phẩm giá không?” Ở đây, chúng ta phải đặt người cao tuổi ở trung tâm và học hỏi từ họ, mong muốn nghĩ đến họ và biết họ như thế nào. Theo tôi, đó là một vài hoa trái mà suy tư của Đức Thánh Cha đã khơi dậy nơi mỗi người chúng ta. Ngày này cũng giúp khơi dậy trong tâm hồn chúng ta ước muốn suy nghĩ và tìm kiếm các giải pháp để mang lại phẩm giá cao hơn cho ông bà của chúng ta.

Salvatore Cernuzio: Chúng ta có thể mang lại phẩm giá theo cách cụ thể nào? Lịch sử kể lại những trường hợp người cao tuổi bị bỏ rơi trước và ngay cả sau khi chết, vì cô đơn…Vào thứ Năm này nữa, Đức Thánh Cha đã tố giác việc loại trừ việc chăm sóc y tế. Do đó, làm thế nào chúng ta có thể diễn giải một cách cụ thể, ngay cả ở cấp độ mục vụ và giáo phận, lời mời gọi của Đức Thánh Cha đặt người cao tuổi ở trung tâm?

Gleison De Paula Souzan: Thật không may, tất cả mọi người và tất cả các tổ chức không quan tâm đến hoàn cảnh của “các ông bà”. Thật không may…Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu bật tai họa của “nền văn hóa vứt bỏ” này. Vì thế, vào lúc này, Giáo hội có bổn phận đồng hành mục vụ, gần gũi và mang lại nâng đỡ cần thiết cho rất nhiều người cao tuổi. Đức Thánh Cha nhấn mạnh và mời gọi tất cả các giáo phận tổ chức cách cụ thể việc mục vụ cho người cao tuổi, mà họ là những nhân vật chính. Điểm khởi đầu là mỗi giáo phận, mỗi giáo xứ và mỗi cộng đồng Giáo hội có thể cử hành Ngày Ông Bà, đây thực ra là thời điểm lý tưởng để cảm ơn ông bà về tất cả những gì họ đã và còn đang làm cho Giáo hội và xã hội. Đó cũng là một cơ hội tuyệt vời để bắt đầu suy tư mục vụ về họ, cho họ và với họ. Vấn đề về người cao tuổi không chỉ là công việc của Giáo hội, người cao tuổi cũng cần sự nâng đỡ chính trị.

Salvatore CernuzioVới tư cách là một Bộ, ông có yêu cầu và đề xuất gì cho các tổ chức để đạt được điều gì đó cụ thể không?

Gleison De Paula Souzan: Vâng, chúng tôi nói với tư cách là một Bộ, nhưng chính Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói trong các bài phát biểu của mình rằng điều cần thiết là tạo ra những chính sách công có lợi cho người cao tuổi. Các yêu cầu liên quan đến lương hưu có thể được cải thiện, việc tiếp cận với các loại thuốc miễn phí hoặc ít tốn kém, sự nâng đỡ thể lý, những thời điểm chung sống vui vẻ. Nói tóm lại, có nhiều phương tiện được đưa ra để phục hồi phẩm giá cho người cao tuổi. Nhiệm vụ của Bộ chúng tôi là xin tất cả các Giáo hội và tổ chức quan tâm đến người cao tuổi, gần gũi họ, đấu tranh cho họ nữa.

 Tý Linh
(theo Salvatore Cernuzio, nhật báo Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (14.04.2023)