NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ

Ngày 29 tháng 12

Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse

Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse thường được cử hành vào Chúa nhật sau Lễ Giáng sinh. Lễ này khởi đầu từ đầu thế kỷ 19 tại Canada và sau đó lan rộng ra toàn thể Giáo hội vào năm 1920. Ban đầu, lễ được cử hành vào Chúa nhật sau Lễ Hiển Linh. Đây là một lễ nhằm miêu tả Thánh Gia tại Nadarét như là “tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước” (x. Lời nguyện Nhập lễ), từ Thánh Gia, các gia đình chúng ta có thể kín múc được nguồn cảm hứng và biết được nơi để tìm kiếm sự nâng đỡ và ủi an.

Năm A

Năm B

NĂM C


Năm A

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.”… Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen. Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Nadarét” (Mt 2,13-15, 19-23).

Gia đình đang chuyển động

Nếu có một điều nổi bật khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, thì đó chính là các động từ diễn tả sự “chuyển động”: ra về, trỗi dậy, trốn sang, tìm nơi ẩn náu, ở lại…. Thậm chí còn có một bản đồ các địa danh cũng rất ấn tượng: Bêlem, Ai Cập, rồi đến Nadarét. Chắc chắn, chìa khóa để hiểu tất cả những “chuyển động” này được tìm thấy trong trích dẫn từ ngôn sứ Hôsê: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập” – một nơi trú ẩn cho những người bị bách hại và cũng là nơi khởi hành cuộc Xuất hành của dân Israel. Do đó, Thánh Gia Nadarét như dõi theo hành trình của biết bao người bị bách hại và tị nạn trong suốt dòng lịch sử. Đồng thời, hành trình ấy cũng gợi nhớ bàn tay quyền năng của Thiên Chúa, Đấng biết cách giải thoát dân Người.

Kinh nghiệm của Thánh Gia Nadarét không thể không làm chúng ta nghĩ đến nhiều gia đình ngày nay cũng đang “chuyển động” – đặc biệt là những gia đình buộc phải rời bỏ nhà cửa và quê hương để tìm kiếm hòa bình, an vui và công ăn việc làm, nhưng còn là những gia đình sống trong lo lắng và bất an vì không đủ điều kiện sống, vì những bất ổn trong hôn nhân, hay vì nỗi sợ hãi bệnh tật…

Nơi Thánh Gia Nadarét, các gia đình chúng ta, cũng như gia đình nhân loại, có thể học cách để bản thân mình được bàn tay quyền năng của Thiên Chúa dẫn dắt. Nếu đúng là trong nhiều hoàn cảnh, con người cảm thấy mình như “người tị nạn”, “kẻ xa lạ ngay trong chính quê hương mình” hay trong lòng người thân yêu, thì cũng đúng rằng mọi trở ngại, mọi khó khăn đều có thể biến thành cơ hội để “ra đi”, cơ hội cho một “hành trình hoán cải” – hành trình duy nhất có thể dẫn tới an vui, hòa bình và ổn định.

Chúa Thánh Thần nói với các gia đình ngày nay

Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn “mọi dân tộc”, “mọi đôi vợ chồng”, “mọi bậc cha mẹ”. Nhưng chúng ta cần lắng nghe Thánh Thần, Đấng đang nói trong lòng chúng ta. Nếu Con Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta như một trẻ thơ, và chỉ có đôi mắt đức tin mới nhận ra sự hiện diện của Người, thì điều quan trọng biết bao là chúng ta phải nhắc nhở mình rằng những điều hằng ngày không bao giờ là tầm thường, rằng những biến cố thường nhật không bao giờ vô nghĩa hay chỉ là sự ngẫu nhiên. Đôi mắt đức tin là điều cần thiết để nhận ra những thứ ẩn giấu và vượt lên trên cái nhìn bề mặt. Mọi sự đều trở thành “nơi chốn” để gặp gỡ hoặc chối từ sự hiện diện của Thiên Chúa. Mọi sự đều là dấu chỉ dành cho những ai biết tin.

Tin Mừng về gia đình

Sống Tin Mừng về gia đình không phải là điều dễ dàng trong thời đại hôm nay. Những người muốn bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai thường bị chỉ trích hoặc tấn công. Thế nhưng, trong Tin Mừng, chúng ta tìm thấy con đường để sống một đời sống đẹp đẽ ở cả cấp độ cá nhân và gia đình, một con đường chắc chắn đầy thách đố, nhưng lại cuốn hút và bao trùm tất cả. Đây là con đường vẫn đáng để chúng ta tín thác và bước theo, noi gương và nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gia Nadarét. Mỗi gia đình đều có những khoảnh khắc hạnh phúc và buồn bã, bình yên và khó khăn. Đó chính là cuộc sống. Sống “Tin Mừng về gia đình” không có nghĩa là tránh được những khó khăn, căng thẳng, hay những lúc mạnh mẽ đầy an vui lẫn yếu đuối đầy đau khổ. Những gia đình bị tổn thương, mang dấu vết của yếu đuối, thất bại, và khó khăn… vẫn có thể đứng lên nếu họ biết cách kín múc từ nguồn mạch Tin Mừng. Chính nơi đó, họ có thể tìm lại những cơ hội mới để bắt đầu lại.

Lời nguyện

Cuộc sống ẩn dật tại Nadarét
cho phép mỗi người
hiệp thông với Chúa Giêsu
trong những lối đi bình thường nhất của đời sống hằng ngày.

Nadarét là trường học
để chúng con khởi sự tìm hiểu
cuộc đời của Chúa Giêsu;
đó là trường học của Tin Mừng.

Trước hết, xin cho chúng con học được sự thinh lặng.
Ôi! Ước chi nơi mỗi chúng con
lại nảy sinh lòng quý trọng sự thinh lặng
là điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho tinh thần.

Xin cho chúng con biết cách sống trong gia đình.
Nadarét nhắc nhở chúng con về gia đình,
về sự hiệp thông yêu thương,
về vẻ đẹp đơn sơ và nghiêm trang của nó,
về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của nó...

Cuối cùng, xin cho chúng con học được bài học về lao động.
Ôi! Ngôi nhà Nadarét,
ngôi nhà của “Con bác thợ mộc”!
Tại đây, chúng con đặc biệt muốn hiểu rõ
cách ca ngợi luật lệ nghiêm nhặt nhưng mang tính cứu chuộc
của sức lao động con người...
Chúng con muốn gửi lời chào đến những người lao động trên khắp thế giới
và giới thiệu với họ mẫu gương tuyệt vời,
Người Anh Cả Thần Linh của họ. Amen.

(Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Bài diễn văn ngày 5/1/1964)


Năm B

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa… Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. (Lc 2,22-40)

Bảo vệ trẻ em

Trong ngày Lễ Thánh Gia, chúng ta tự nhiên nghĩ đến mọi gia đình và vai trò của các bậc cha mẹ, những người được mời gọi “vun trồng và chăm sóc” (x. St 2,15) sự sống của con cái mình từ khi chúng được hình thành trong lòng mẹ (x. Is 49,1; Tv 139,13-15 – “Tạng phủ con, chính Ngài đã tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con”), giúp chúng lớn lên và trưởng thành.

Sứ mạng của Chúa Giêsu

Việc dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ và những lời của cụ Simêon cùng bà Anna nói với cha mẹ Người đã hé lộ sứ mạng của Chúa Giêsu, những lời này mở ra một chân trời mới. Simêon và Anna là những người cao niên, đã sống trong niềm mong đợi ngày này. Cụ Simêon là người đạo đức sâu sắc, chú tâm lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần đến mức Thánh Sử nhấn mạnh điều này đến ba lần (x. Lc 2,25.26.27): Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25); ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết… (c. 26); Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ (c. 27).

Về bà Anna, bản văn nói rằng: “Bà không rời bỏ Đền Thờ” (c. 37). Những đặc điểm này rất quan trọng, vì chúng cho thấy sự thân thiết của hai cụ già này với Chúa và minh chứng lòng họ luôn khao khát Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã tiên báo. Chính sự thân thiết này làm cho họ “có khả năng” nhận ra Chúa khi Người đến. Họ biết cách đọc mọi sự dưới ánh sáng của Lời Chúa mà họ suy gẫm ngày đêm, và họ biết cách vượt lên trên những gì là hiển nhiên. Chính Thánh Thần đã hướng dẫn cụ Simêon và bà Anna để đón chào và nhận ra Chúa Giêsu. Trong thế giới này, họ đã được mãn nguyện, họ không còn mong đợi gì nữa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi…” (c. 29).

Chúa Thánh Thần nói với các gia đình ngày nay

Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn “mọi dân tộc”, “mọi đôi vợ chồng”, “mọi bậc cha mẹ”. Nhưng chúng ta cần lắng nghe Thánh Thần, Đấng đang nói trong lòng chúng ta. Nếu Con Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta như một trẻ thơ, và chỉ có đôi mắt đức tin mới nhận ra sự hiện diện của Người, thì điều quan trọng biết bao là chúng ta phải nhắc nhở mình rằng những điều hằng ngày không bao giờ là tầm thường, rằng những biến cố thường nhật không bao giờ vô nghĩa hay chỉ là sự ngẫu nhiên. Đôi mắt đức tin là điều cần thiết để nhận ra những thứ ẩn giấu và vượt lên trên cái nhìn bề mặt. Mọi sự đều trở thành “nơi chốn” để gặp gỡ hoặc chối từ sự hiện diện của Thiên Chúa. Mọi sự đều là dấu chỉ dành cho những ai biết tin.

Tin Mừng về gia đình

Sống Tin Mừng về gia đình không phải là điều dễ dàng trong thời đại hôm nay. Những người muốn bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai thường bị chỉ trích hoặc tấn công. Thế nhưng, trong Tin Mừng, chúng ta tìm thấy con đường để sống một đời sống đẹp đẽ ở cả cấp độ cá nhân và gia đình, một con đường chắc chắn đầy thách đố, nhưng lại cuốn hút và bao trùm tất cả. Đây là con đường vẫn đáng để chúng ta tín thác và bước theo, noi gương và nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gia Nadarét. Mỗi gia đình đều có những khoảnh khắc hạnh phúc và buồn bã, bình yên và khó khăn. Đó chính là cuộc sống. Sống “Tin Mừng về gia đình” không có nghĩa là tránh được những khó khăn, căng thẳng, hay những lúc mạnh mẽ đầy an vui lẫn yếu đuối đầy đau khổ. Những gia đình bị tổn thương, mang dấu vết của yếu đuối, thất bại, và khó khăn… vẫn có thể đứng lên nếu họ biết cách kín múc từ nguồn mạch Tin Mừng. Chính nơi đó, họ có thể tìm lại những cơ hội mới để bắt đầu lại.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse,
Thánh Gia Nadarét,
hôm nay chúng con hướng mắt nhìn lên Thánh Gia,
với lòng ngưỡng mộ và tín thác.
Nơi Thánh Gia, chúng con chiêm ngưỡng
vẻ đẹp của sự hiệp thông trong tình yêu đích thực.
Chúng con xin phó dâng tất cả các gia đình,
để họ được đổi mới trong ân sủng kỳ điệu này.

Lạy Thánh Gia Nadarét,
ngôi trường cuốn hút của Tin Mừng thánh thiện:
xin dạy chúng con bắt chước các nhân đức của Thánh Gia
với một kỷ luật thiêng liêng khôn ngoan.
Xin ban cho chúng con một tầm nhìn thanh sạch,
biết nhận ra công trình của Chúa Quan Phòng
trong những biến cố hằng ngày của cuộc sống.

Lạy Thánh Gia Nadarét,
đấng trung tín gìn giữ mầu nhiệm cứu độ:
xin ban cho chúng con một lòng yêu mến mới đối với sự thinh lặng,
biến gia đình chúng con thành nơi cầu nguyện
và đổi mới chúng thành những Hội Thánh tại gia nhỏ bé.
Xin làm mới lòng khao khát sống thánh thiện của chúng con,
nâng đỡ sự vất vả cao quý của lao động, giáo dục,
lắng nghe, thấu hiểu và tha thứ lẫn nhau.

Lạy Thánh Gia Nadarét,
xin đánh thức trong xã hội chúng con ý thức
về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình,
một giá trị vô giá và không thể thay thế được.
Ước gì mỗi gia đình trở thành nơi đón tiếp sự thiện lành và bình an,
cho trẻ em và người già,
cho những ai đau bệnh và cô đơn,
cho những người nghèo và túng thiếu.

Lạy Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse,
chúng con khẩn cầu với lòng tín thác,
chúng con vui mừng phó dâng chính mình cho Thánh Gia.

(Đức Thánh Cha Phanxicô, Lời nguyện trước icon Thánh Gia nhân Ngày Thế giới Các Gia đình, ngày 27/10/2013)


NĂM C

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Lc 2,41-52)

Món quà

Sự kiện đầu tiên nổi bật trong các bản văn Kinh Thánh dành cho ngày lễ này là: mỗi một đứa trẻ là món quà từ Thiên Chúa. Chúng ta thấy điều này trong Bài Đọc I khi thuật lại sự ra đời của ngôn sứ Samuel. Điều này cũng được gợi lên từ câu trả lời của Chúa Giêsu với cha mẹ Người trong Đền Thờ.

Sự không hiểu

“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Trong câu hỏi của Đức Maria: “Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con,” Đức Maria đang nghĩ đến cha nuôi của Người, là Thánh Giuse. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu lại nhắc đến Thiên Chúa là Cha của Người. Đức Maria và Thánh Giuse “không hiểu”, mặc dù họ biết rằng đứa trẻ này là “món quà từ Thiên Chúa”. Cuối cùng, chỉ nơi Thập Giá mới hoàn toàn mặc khải tất cả về Chúa Giêsu là ai – Con Thiên Chúa.

Hành trình đức tin của Đức Maria

Câu trả lời đó không hề dễ dàng đối với Đức Trinh Nữ Maria. Thực vậy, Thánh Sử ghi lại rằng Mẹ “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” Mẹ không xóa bỏ ký ức về biến cố này khỏi trí nhớ và trái tim mình. Trái lại, Mẹ nhận ra rằng cần phải chờ đợi để hiểu được tất cả. Đây chính là hành trình đức tin, nơi mà sự hoài nghi không ngăn cản niềm hy vọng, nhưng mở ra trong sự mong đợi.

Thánh Giuse và Đức Maria – bậc làm cha mẹ

Cũng như các bậc cha mẹ ngày nay, Thánh Giuse và Đức Maria đã trải qua những khó khăn trong việc hiểu những lời nói và chọn lựa của Chúa Giêsu, Con của họ. Trên hết, các bậc cha mẹ ngày nay có thể học từ các Ngài rằng một đứa trẻ cần được trưởng thành và chắc chắn được kêu gọi để đáp lại nhiều kỳ vọng đặt trên mình – kỳ vọng của cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp… Nhưng còn có một kỳ vọng còn quan trọng hơn, cơ bản hơn, đó là kỳ vọng đến từ Thiên Chúa, là Chúa Cha và là Đấng Tạo Hóa. Trước kỳ vọng này, đến như một “lời mời gọi” trong lòng mỗi người, thái độ phù hợp nhất chính là cầu nguyện, là “giữ điều ấy” trong lòng, để mọi sự được tỏ lộ vào đúng thời và đúng lúc.

Chúa Thánh Thần nói với các gia đình ngày nay

Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn “mọi dân tộc”, “mọi đôi vợ chồng”, “mọi bậc cha mẹ”. Nhưng chúng ta cần lắng nghe Thánh Thần, Đấng đang nói trong lòng chúng ta. Nếu Con Thiên Chúa đã đến sống giữa chúng ta như một trẻ thơ, và chỉ có đôi mắt đức tin mới nhận ra sự hiện diện của Người, thì điều quan trọng biết bao là chúng ta phải nhắc nhở mình rằng những điều hằng ngày không bao giờ là tầm thường, rằng những biến cố thường nhật không bao giờ vô nghĩa hay chỉ là sự ngẫu nhiên. Đôi mắt đức tin là điều cần thiết để nhận ra những thứ ẩn giấu và vượt lên trên cái nhìn bề mặt. Mọi sự đều trở thành “nơi chốn” để gặp gỡ hoặc chối từ sự hiện diện của Thiên Chúa. Mọi sự đều là dấu chỉ dành cho những ai biết tin.

Tin Mừng về gia đình

Sống Tin Mừng về gia đình không phải là điều dễ dàng trong thời đại hôm nay. Những người muốn bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai thường bị chỉ trích hoặc tấn công. Thế nhưng, trong Tin Mừng, chúng ta tìm thấy con đường để sống một đời sống đẹp đẽ ở cả cấp độ cá nhân và gia đình, một con đường chắc chắn đầy thách đố, nhưng lại cuốn hút và bao trùm tất cả. Đây là con đường vẫn đáng để chúng ta tín thác và bước theo, noi gương và nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gia Nadarét. Mỗi gia đình đều có những khoảnh khắc hạnh phúc và buồn bã, bình yên và khó khăn. Đó chính là cuộc sống. Sống “Tin Mừng về gia đình” không có nghĩa là tránh được những khó khăn, căng thẳng, hay những lúc mạnh mẽ đầy an vui lẫn yếu đuối đầy đau khổ. Những gia đình bị tổn thương, mang dấu vết của yếu đuối, thất bại, và khó khăn… vẫn có thể đứng lên nếu họ biết cách kín múc từ nguồn mạch Tin Mừng. Chính nơi đó, họ có thể tìm lại những cơ hội mới để bắt đầu lại.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse,
Thánh Gia Nadarét,
hôm nay chúng con hướng mắt nhìn lên Thánh Gia,
với lòng ngưỡng mộ và tín thác.
Nơi Thánh Gia, chúng con chiêm ngưỡng
vẻ đẹp của sự hiệp thông trong tình yêu đích thực.
Chúng con xin phó dâng tất cả các gia đình,
để họ được đổi mới trong ân sủng kỳ điệu này.

Lạy Thánh Gia Nadarét,
ngôi trường cuốn hút của Tin Mừng thánh thiện:
xin dạy chúng con bắt chước các nhân đức của Thánh Gia
với một kỷ luật thiêng liêng khôn ngoan.
Xin ban cho chúng con một tầm nhìn thanh sạch,
biết nhận ra công trình của Chúa Quan Phòng
trong những biến cố hằng ngày của cuộc sống.

Lạy Thánh Gia Nadarét,
đấng trung tín gìn giữ mầu nhiệm cứu độ:
xin ban cho chúng con một lòng yêu mến mới đối với sự thinh lặng,
biến gia đình chúng con thành nơi cầu nguyện
và đổi mới chúng thành những Hội Thánh tại gia nhỏ bé.
Xin làm mới lòng khao khát sống thánh thiện của chúng con,
nâng đỡ sự vất vả cao quý của lao động, giáo dục,
lắng nghe, thấu hiểu và tha thứ lẫn nhau.

Lạy Thánh Gia Nadarét,
xin đánh thức trong xã hội chúng con ý thức
về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình,
một giá trị vô giá và không thể thay thế được.
Ước gì mỗi gia đình trở thành nơi đón tiếp sự thiện lành và bình an,
cho trẻ em và người già,
cho những ai đau bệnh và cô đơn,
cho những người nghèo và túng thiếu.

Lạy Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse,
chúng con khẩn cầu với lòng tín thác,
chúng con vui mừng phó dâng chính mình cho Thánh Gia.

(Đức Thánh Cha Phanxicô, Lời nguyện trước icon Thánh Gia nhân Ngày Thế giới Các Gia đình, ngày 27/10/2013)

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News