GƯƠNG CHỨNG NHÂN

Ngày 17/03: Thánh Patrice - giám mục (385 - 461)

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Thánh Patrice, được gọi là vị Tông Đồ của Ái Nhĩ Lan, sinh tại nước Anh vào khoảng năm 385; đời sống của ngài có đầy chuyện phiêu lưu và truyền thuyết. Người ta nói vào lúc 16 tuổi, ngài bị rơi vào tay bọn cướp biển; họ đã bán ngài đến Ireland như nô lệ phải đi chăn chiên. Sau khi tìm cách trốn thoát, ngài theo thuyền về xứ Gaule, làm môn đệ nơi hai vị thánh Amateur và Germain ở Auxerre.

Sau khi được đào tạo kỹ lưỡng, đặc biệt về mặt Thánh Kinh, Patrice được thụ phong giám mục do thánh Germain, và, năm 432, ngài trở lại Ái Nhĩ Lan để truyền giáo. Giáo lý của ngài dựa trên Thánh Kinh, trở thành điểm đặc biệt cho Giáo Hội Ái Nhĩ Lan. Cố gắng cách nhiệt thành để rao giảng và tổ chức Hội thánh, ngài biết hoà hợp Kitô giáo với điều kiện xã hội và chính trị cũng như với những truyền thống khác nhau của các dân celtes. Nhờ ngài, Giáo Hội Ái Nhĩ Lan có được một cơ cấu vững chắc và cắm rễ sâu trong đất nước này với ngai tòa của ngài tại Armagh (khoảng năm 444).

Cuối đời, thánh giám mục rút vào yên tịnh để chuẩn bị chết. Ngài qua đời vào ngày 17.03.461 và người ta đã chôn ngài trong một thành phố, từ bấy giờ, được gọi là Downpatrick (miền bắc Ái Nhĩ Lan). Được cả Ái Nhĩ Lan tôn kính vào thế kỷ thứ VIII và cả nước Anh vào thế kỷ thứ X, nhưng chỉ được ghi vào lịch Rôma vào năm 1362.

Việc tôn kính thánh Patrice được phổ biến trong thế giới là nhờ vào các nhà truyền giáo Ái Nhĩ Lan, luôn hiện diện trong nhiều nước truyền giáo. Trong xứ Ái Nhĩ Lan, lễ thánh Patrice là lễ quốc gia. Mỹ thuật trình bày thánh nhân như một vị giám mục đang xua đuổi hay chà đạp dưới chân các con rắn.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Trong bản Tuyên xưng đức tin (trích Phụng Vụ Giờ Kinh), thánh Patrice diễn tả khao khát được tận hiến cho việc rao giảng Tin Mừng: “Khao khát của tôi là: dù không có khả năng chu toàn một công trình tốt đẹp và xứng đáng, tôi ước ao giống như những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Người trên khắp thế giới”.

b. Trước khi là con người hoạt động, thánh Patrice được ca tụng về sự khổ hạnh và cầu nguyện không ngừng. Người ta nói về ngài: “Mỗi ngày, ngài hát tất cả Thánh Vịnh, thánh thi, Khải Huyền và tất cả bài ca trong Thánh Kinh, dù ngài có đi du hành hay không”. Người ta xem đây là lời cầu nguyện của ngài: “Lạy Chúa Kitô xin ở với con ! Lạy Chúa Kitô xin ở trước con ! Lạy Chúa Kitô xin ở sau con ! Chúa Kitô luôn thấy con; Chúa Kitô luôn nghe con. Trong Đức Kitô là ơn cứu độ. Ước gì ơn cứu độ của Người luôn ở với chúng ta”.

Lòng nhiệt thành trong sứ vụ xuất phát từ tình yêu đối với Thiên Chúa: “Do đâu mà tôi được ơn to lớn dường này là được biết Chúa và yêu mến Người, dù phải mất cả quê hương, gia đình và đến với dân Ái Nhĩ Lan để rao giảng Tin Mừng... Nếu thực sự con xứng đáng, con đây xin dâng hiến cho đến cuối đời, không do dự, để làm sáng danh Chúa”.

c. Người ta tin rằng thánh Patrice xây dựng rất nhiều Đan viện và “những trường học Đan viện”, được lan rộng rất nhanh trong nhiều thế kỷ, đã lôi kéo được nhiều sinh viên ngoại quốc (trong số đó có: Alcuin, Dagobert). Nhờ đó, Ái Nhĩ Lan được gọi là “Đảo của các nhà trí thức” (Duns Scot), “Đảo của các vị thánh” (Fursa, Fiacre, Kilian, Colomban...) và người Ái Nhĩ Lan là “dân tộc truyền giáo tuyệt hảo”.

Phụng Vụ ngày lễ thánh Patrice mời gọi chúng ta cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của thánh Patrice, xin cho những người vui vì được làm Kitô hữu, luôn rao giảng những kỳ công của tình yêu Chúa”. Lời Tuyên xưng đức tin của thánh Patrice nhắc lại lời Thánh Kinh: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi trở thành ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất. Và: Họ đến từ đông sang tây để cùng ngồi đồng bàn với Abraham, Isaac và Giacóp.

Enzo Lodi
Nguồn:
tgpsaigon.net