NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ

Ngày 02 tháng 02

Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh

Bốn mươi ngày sau Lễ Giáng sinh, Giáo hội cử hành Lễ Dâng Chúa trong đền thánh, một biến cố được Thánh sử Luca thuật lại trong Chương 2 của Tin Mừng theo Thánh Luca. Tại phương Đông, việc mừng lễ này đã có từ thế kỷ thứ 4. Đến khoảng năm 450, lễ này được gọi là Lễ Gặp gỡ của Chúa vì Chúa Giêsu tiến vào Đền Thờ và “gặp gỡ” các tư tế, cùng với ông Simêon và bà Anna, những đại diện của dân Thiên Chúa. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5, chúng ta biết rằng lễ này cũng đã được cử hành tại Rôma. Sau đó, nghi thức làm phép nến được thêm vào để nhắc nhở rằng Chúa Giêsu là “ánh sáng soi đường cho muôn dân.” Vì thế, lễ này đôi khi còn được gọi là Lễ Nến.

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.” (Lc 2,22-25. 27-32)

Lễ dâng

Theo luật Môsê, người con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Chúa và được định sẵn để phục vụ trong Đền Thờ. Sau này, khi dòng dõi Lêvi, tức các thầy Lêvi, đảm nhận việc phục vụ trong Đền Thờ, quy định này không còn được áp dụng nữa. Tuy nhiên, con trai đầu lòng vẫn phải được chuộc lại bằng một khoản tiền quyên góp nhằm duy trì hoạt động của các tư tế.

Cuộc gặp gỡ với ông Simêon

“Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.” Đây là một chi tiết cần được nhấn mạnh. Ông Simêon được Thánh Thần linh hứng. Điều này giải thích cách ông “nhận ra” Chúa Giêsu là Đấng Được Mong Đợi, ánh sáng soi đường cho dân ngoại. Người là Ánh sáng mà trước mặt Người, mỗi người cần phải đưa ra lập trường của mình: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người... nhưng thế gian lại không nhận biết Người” (Ga 1,9-10).

Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà

Simêon chúc phúc cho cả hai cha mẹ, nhưng những lời ông nói là chỉ nói với Mẹ Hài Nhi. Hài Nhi sẽ là dấu hiệu cho người ta chống đối: Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, nhưng Người sẽ bị từ chối. Chúa Giêsu sẽ được ngưỡng mộ và yêu mến, nhưng Người sẽ chịu đóng đinh, chịu thất bại. Ngài sẽ chết và sống lại. Người sẽ đi con đường của sự chống đối, con đường sẽ đâm thấu tâm hồn của Mẹ Người.

Cuộc gặp gỡ với bà Anna

Nữ ngôn sứ Anna cũng đến Đền Thờ. Từ những chi tiết mà Thánh sử ghi lại, rõ ràng bà cũng là một người phụ nữ đạo đức. Bà đã cao tuổi, là một góa phụ. Việc bà được gọi là 'nữ ngôn sứ' cho thấy bà có khả năng nhận ra điều mà người khác khó nhìn thấy: sự hiện diện của Thiên Chúa. Bà biết cách vượt qua vẻ bề ngoài để nhận ra Hài Nhi mà dân tộc mình đang mong đợi.

Sự kỳ diệu

Tuổi thọ trung bình vào thời Chúa Giêsu khoảng 40 năm. Nhưng Thánh Luca nói rằng cả ông Simeon và bà Anna đều 'cao tuổi'. Thông thường, những người cao tuổi thường sống với ký ức, hoài niệm về quá khứ. Trong khi đó, người trẻ sống với niềm hy vọng, hướng về tương lai. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta chứng kiến hai người cao niên, trước Hài Nhi này, lại hướng về tương lai, trông đợi điều gì đó, và cảm nghiệm sự kỳ diệu. Họ cất tiếng ca vui mừng và hy vọng. Những chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng tâm hồn họ thật trẻ trung vì Thiên Chúa và lời hứa của Ngài cư ngụ trong lòng họ – và Thiên Chúa không bao giờ làm ai thất vọng.

Các ngôn sứ

Chúng ta cũng được mời gọi tham gia vào ‘thị kiến’ này, vì tất cả những ai sống Tin Mừng đều là và sẽ trở thành dấu hiệu cho người ta chống đối. Điều này đòi hỏi lòng can đảm để đứng vững trước Chúa Giêsu, Đấng là 'Ánh sáng soi đường cho muôn dân'. Hơn thế nữa, điều này trước hết đòi hỏi chúng ta phải 'thuộc về Thiên Chúa', như ông Simêon và bà Anna. Thêm vào đó, cần phải ý thức rằng không phải mọi sự lúc nào cũng hoàn toàn rõ ràng. Bởi lẽ, ngay cả Thánh Giuse và Đức Maria cũng đã 'ngạc nhiên' trước những điều được nói về Hài Nhi. Nhưng, như chúng ta biết, trước khó khăn ấy, Mẹ Maria đã 'hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng'.

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News