BỘ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN


Năm thánh 2025: Xóa nợ sinh thái


Trong những thập niên gần đây, khái niệm nợ sinh thái đã xuất hiện như một chìa khóa hữu hiệu để giải thích các bất công về môi trường trên bình diện toàn cầu.

Từ lâu, thuật ngữ ‘nợ’ vốn gắn liền với tình trạng tài chính của nhiều quốc gia đang phát triển vốn mắc nợ các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cách hiểu này đã bỏ qua một thực tại căn bản: trong suốt lịch sử, các quốc gia có nền công nghiệp phát triển không chỉ là tác nhân chính gây nên phần lớn lượng khí thải nhà kính, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà còn đạt được sự thịnh vượng của mình qua việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên tại các nước đang phát triển, thường gây ra những thiệt hại lớn cho các cộng đồng và hệ sinh thái địa phương.

Chính sự mất cân bằng này đã khiến nhiều người tin rằng các quốc gia đang phát triển được quyền đòi hỏi một “tín chỉ sinh thái” (lợi ích sinh thái có thể đo lường được) cụ thể và xác thực từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hơn, như một hình thức bù đắp, dù chỉ là phần nào cho món nợ tài chính mà họ đang phải gánh chịu. Trong viễn cảnh đó, một bước đi thực tế có thể là việc kích hoạt những cơ chế tái cơ cấu nợ, công nhận sự tồn tại của hai hình thức nợ đan xen lẫn nhau trong thời đại chúng ta: nợ kinh tế và nợ sinh thái. Các cơ chế này có thể được phát triển hơn nữa trong khuôn khổ của một cuộc cải cách cần thiết của các hệ thống tài chính đa phương, nhằm làm cho chúng phù hợp hơn với mục tiêu xoá bỏ đói nghèo và bảo vệ thụ tạo.

Tiếp nối truyền thống Năm thánh về sự tha nợ, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông sắc khai mạc Năm thánh 2025,[1] đã một lần nữa kêu gọi tha nợ cho các quốc gia nghèo nhất, đồng thời kêu gọi một cấu trúc tài chính toàn cầu mới, thừa nhận tín chỉ sinh thái mà các nước đang phát triển đáng được hưởng.

Nợ tài chính và nợ sinh thái: “Hai mặt của cùng một đồng xu”

Thực sự có một “món nợ sinh thái,” đặc biệt giữa các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu, liên quan đến sự mất cân bằng thương mại, ảnh hưởng đến môi trường và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách quá mức của một số quốc gia trong suốt một thời gian dài (Laudato si’, số 51).

Ngày nay, nợ tài chính và nợ sinh thái đại diện cho hai chiều kích gắn bó mật thiết với nhau đến mức chúng trở thành “hai mặt của cùng một đồng xu, đang đánh đổi tương lai của các thế hệ mai sau.”[2] Cả hai đều phản ánh mối quan hệ về quyền lực một cách bất cân xứng giữa Bắc và Nam bán cầu, bắt nguồn từ một lịch sử lâu dài của sự bất bình đẳng, bóc lột và sự lệ thuộc mang tính cơ cấu.

Cuộc khủng hoảng nợ hiện đang đè nặng lên phần lớn các nước đang phát triển được kế thừa từ chủ nghĩa thực dân. Nhiều quốc gia, sau khi giành được độc lập vào thế kỷ XX, đã phải đối mặt với các khoản nợ cũ và buộc phải vay thêm để đảm bảo các dịch vụ thiết yếu và cơ sở hạ tầng cơ bản. Điều này đã tạo ra một sự lệ thuộc lâu dài vào các thể chế tài chính quốc tế lớn, hình thành cái gọi là bẫy nợ: một vòng luẩn quẩn trong đó việc trả lãi đã rút cạn các nguồn lực công căn bản phải được phân bổ, ví dụ như y tế và giáo dục, từ đó làm cản trở bất cứ khả năng phát triển tự trị thực sự nào. Cần lưu ý rằng, ngay cả trước đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đang phát triển đã ở trong tình trạng nợ không ổn định, và từ đó đến nay, sự chồng chất của các cuộc khủng hoảng – đại dịch, biến đổi khí hậu, lạm phát và xung đột – đã làm cho tình hình thêm trầm trọng. Theo số liệu của UNCTAD, từ năm 2004 đến 2023, nợ công của các nước đang phát triển đã tăng gấp bốn lần, từ 2.600 tỷ USD lên 11.400 tỷ USD.[3]

Song song đó, một món nợ sinh thái phức tạp đã tích luỹ và khó định lượng. Trong số các yếu tố chính là trách nhiệm khác nhau của các quốc gia trong việc góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến lượng khí thải lịch sử của họ, vốn khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia và các nhóm quốc gia. Gần 80% lượng khí thải tích lũy từ nhiên liệu hóa thạch và thay đổi sử dụng đất đến từ các quốc gia G20, với mức phát thải cao nhất từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu; trong khi đó, các quốc gia kém phát triển nhất chỉ đóng góp 4%.[4]

Con số nêu trên cho thấy sự bất bình đẳng sâu sắc trong việc phân bổ về cả nguyên nhân lẫn hệ quả của cuộc biến đổi khí hậu. Do đó, Toà thánh đã nhiều lần kêu gọi rằng cần thiết phải tìm ra những phương thế thích hợp để xoá bỏ các khoản nợ tài chính đang đè nặng trên nhiều quốc gia, đồng thời lưu tâm đến món nợ sinh thái mà họ đáng được đền bù.

Các cộng đồng ít chịu trách nhiệm nhất trong cuộc khủng hoảng khí hậu lại chính là những người đang gánh chịu các hậu quả nặng nề nhất. Sự khan hiếm nước, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tình trạng di dời bị ép buộc do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cùng với suy thoái của các hệ sinh thái đang ảnh hưởng cách đặc biệt đến các cộng đồng thuộc Nam bán cầu, vốn đã chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng về cấu trúc. Vì thiếu các nguồn lực kinh tế và cơ sở hạ tầng cần thiết để thích ứng hoặc ứng phó, những cộng đồng này phải gánh chịu hậu quả cao nhất của một cuộc khủng hoảng mà họ không tạo ra.

Một yếu tố chính làm gia tăng món nợ sinh thái là tiến trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Dù được trình bày như một giải pháp bền vững đối với khủng hoảng môi trường, quá trình chuyển đổi công nghệ và công nghiệp này có nguy cơ lặp lại - thay vì vượt qua - lối tư duy khai thác và những bất bình đẳng cấu trúc vốn đã in đậm dấu ấn trong tương quan giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu.

Thực tế, việc gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với các nguyên liệu thô thiết yếu đang tạo ra áp lực khai thác mới, chủ yếu tập trung tại các vùng lãnh thổ của Nam bán cầu, nơi thường thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội. Toàn bộ hệ sinh thái bị tổn hại để nuôi dưỡng một chuỗi sản xuất nhằm cung ứng cho thị trường của các nước giàu có hơn, những nước tiếp tục được hưởng lợi từ những lợi ích kinh tế chính, trong khi hậu quả về môi trường và con người lại rơi vào các cộng đồng địa phương.

Hiểu về ý nghĩa của “nợ sinh thái”: một viễn tượng của công bằng, trách nhiệm và liên đới

Sự gia tăng tình trạng nợ không ổn định là một trong những nút thắt đang làm trầm trọng thêm các bất bình đẳng kinh tế và xã hội trên bình diện toàn cầu. Vì lý do đó, Giáo hội Công giáo đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này, nhận ra những tác động sâu sắc về con người, xã hội và đạo đức của nó.

Từ Năm thánh 2000[5] và với sự cấp thiết được canh tân trong Năm thánh Hy vọng này,[6] lời thỉnh cầu xin xoá nợ cho các quốc gia nghèo nhất đã được Giáo hội trình bày không chỉ như một hành động quảng đại và liên đới, mà còn như một đòi hỏi công bằng, dựa trên nhận thức về những sự không cân bằng mang tính hệ thống và các quan hệ kinh tế không cân xứng giữa các quốc gia có nền công nghiệp phát triển và các quốc gia đang phát triển. Trong bối cảnh ấy, giáo huấn của Đức thánh cha Phanxicô đã làm nổi bật khái niệm “nợ sinh thái”, hoà nhập nó vào trong giáo huấn xã hội của Giáo hội như một chìa khóa đạo đức và chính trị để đọc ra các trách nhiệm lịch sử liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu. Việc nhìn nhận này không phải là một lời kêu gọi bác ái, nhưng là một lời mời gọi cấp bách để sửa chữa các bất công cơ cấu và vượt qua những mô hình phát triển không bền vững.

Cam kết của Giáo hội trong việc công nhận món nợ sinh thái được cụ thể hóa qua lời mời gọi xây dựng một liên minh mới giữa các dân tộc, đặt nền tảng trên các quy tắc kinh tế được cải cách sâu rộng, và một mô hình phát triển con người toàn diện bền vững đích thực, có khả năng kết hợp việc chăm sóc công trình sáng tạo, công bằng môi trường và việc thăng tiến hoà bình. Một liên minh mới hướng đến việc hiện thực hóa nhiều nguyên tắc trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội, như: thăng tiến và chia sẻ thiện ích chung; trách nhiệm – cả đối với sự thay đổi cần thiết trong lối sống và các mô hình sản xuất, tiêu dùng; công bằng xã hội; liên đới; bổ trợ; tham gia; công bằng nội thế hệ và liên thế hệ; gìn giữ và chăm sóc công trình sáng tạo; khôn ngoan và thận trọng; tiếp cận các thiện ích cơ bản – bao gồm việc giáo dục về sinh thái toàn diện; và định hướng phổ quát của các tài nguyên và hoa trái do hoạt động của con người tạo ra.

Những định hướng mục vụ

Việc cử hành Năm thánh làm sống lại nhận thức trong Kinh thánh về sự cần thiết của những khởi đầu mới qua việc bồi thường và phân chia lại, giải thoát và giải phóng. Việc xoá nợ, trả tự do cho tù nhân và tái phân bổ đất đai là những biểu tượng của một nền công lý phản ánh quyền tối thượng của Thiên Chúa trên trái đất – một quyền năng của sự sống mở rộng hơi thở và những chân trời. Khuynh hướng tự nhiên của con người là tích lũy, ganh đua và khẳng định lý lẽ riêng của mình, điều này trái ngược với nhu cầu sâu xa hơn của con người, là nhận ra món nợ mà mỗi người mang lấy trước Đấng Tạo Hóa và các thụ tạo – vì nếu không có Thiên Chúa và các thụ tạo, thì con người không thể tồn tại. Các Thông điệp Laudato si’Fratelli tutti đã đặt lại trọng tâm vào mối tương quan hỗ tương mà mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng nhân loại đều mắc nợ. Tất cả đang mời gọi một sự thay đổi hướng đi sâu sắc, chất vấn lương tâm của cả tín hữu lẫn người không tin: trái tim – như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong Thông điệp mới nhất Dilexit nos, số 28:“Chỉ bằng cách bắt đầu từ trái tim, các cộng đồng của chúng ta mới có thể hiệp nhất và hòa giải những tâm thức và ý chí khác biệt, để Chúa Thánh Thần có thể hướng dẫn chúng ta trong hiệp nhất như anh chị em. Hoà giải và bình an cũng được sinh ra từ trái tim. [7]

Chính trong bối cảnh này, sự đan xen giữa nợ tài chính và nợ sinh thái đòi hỏi một tầm quan trọng về mục vụ, mời gọi các Giáo hội địa phương – tại cả các quốc gia có nền công nghiệp phát triển và đang phát triển – lớn lên trong nhận thức, củng cố các mối dây tương hỗ và giúp đỡ lẫn nhau, cũng như đảm nhận một vai trò ngôn sứ trong các cuộc tranh luận công khai. Trong nhiều quốc gia, sự chú ý hiện nay đang bị phân tâm bởi những vấn đề lớn về các mô hình tăng trưởng, sự tập trung của cải và những mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, qua đó cho thấy sự cần thiết của những thay đổi mô hình đầy can đảm. Mô hình của hệ sinh thái toàn diện, tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội đòi hỏi việc áp dụng Học thuyết Xã hội của Giáo hội vào các bối cảnh đa dạng và những thách đố cụ thể mà con người phải đối diện tại mọi miền trên thế giới trong thời điểm lịch sử hiện nay. Một mô hình có khả năng nuôi dưỡng một cuộc hoán cải sinh thái toàn diện “cá nhân và cộng đồng”,[8] đòi hỏi không chỉ sự tham gia ý thức và có trách nhiệm của từng cá nhân và các cộng đồng, nhưng còn kêu gọi các Kitô hữu “hãy để cho cuộc gặp gỡ của họ với Đức Giêsu được biểu lộ trong mối tương quan của họ với thế giới chung quanh.” [9]

Lời mời gọi củng cố các mối dây hiểu biết và cộng tác giữa các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới – đồng thời tận dụng những lợi ích mà các công nghệ mới mang lại để kết nối giữa các cá nhân và các nhóm – chính là một biểu hiện thiết yếu của tính công giáo và tính hiệp hành. Cách riêng, người trẻ xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm của một mùa vụ truyền giáo mới. Vì thế, Đức Giáo hoàng Lêô XIV mời gọi chúng ta “cùng nhau suy tư về khả năng xoá nợ công và nợ sinh thái”, và chỉ ra rằng chúng ta phải “trở thành những người xây dựng những cây cầu hiệp nhất [...], dấn thân vì công bằng sinh thái, xã hội và môi trường.”

 

Chuyển ngữ: Nữ tu Maria Hoài Ân

Từ: humandevelopment.va

______________

[1] x. Đức Phanxicô, Sắc chỉ Công bố Năm thánh thường lệ 2025, Spes non confundit, ngày 09/5/2024, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/spes-non-confundit-hy-vong-khong-lam-that-vong---sac-chi-cong-bo-nam-thanh-thuong-le-2025

[2] Đức Phanxicô, Sứ điệp gửi Hội nghị thượng đỉnh COP29 về biến đổi khí hậu, Baku, ngày 11/11/ 2024, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-van-duc-thanh-cha-phanxico-danh-cho-hoi-nghi-thuong-dinh-ve-khung-hoang-khi-hau-nam-2024

[3] Cr. UNCTAD, News, 17/3/ 2025, tại https://unctad.org/news/debt-crisis-developing-countries-external-debt-hitsrecord-114-trillion.

[4] x. UNEP, Báo cáo Khoảng cách phát thải 2023, https://www.unep.org/interactives/emissions-gapreport/2023/#section_0

[5] x. Đức Gioan Phaolô II, Sắc chỉ Công bố Năm thánh 2000, Incarnationis mysterium, 29/11/1998, số 12, và Tông thư Novo millennium ineunte, 06/01/2001, số 14.

[6] x. Đức Phanxicô, Spes non confuntit, số 16, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/spes-non-confundit-hy-vong-khong-lam-that-vong---sac-chi-cong-bo-nam-thanh-thuong-le-2025

[7] Đức Phanxicô, Thông điệp Dilexit nos, số 28.

[8] x. Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato si’, số 216.

[9] Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato si’, số 217