Mục vụ cho người nước ngoài tại TP. HCM.

Có lẽ cần phải nói ngay rằng tuy công việc phục vụ di dân người nước ngoài là rất nhiều và đa dạng trên toàn quốc, sự hình thành rất mới mẻ của tiểu ban1- trong sự hình thành cũng còn mới mẻ của toàn thể Uỷ ban di dân trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam - đã không cho phép chúng tôi có một cái nhìn đầy đủ hơn về các hoạt động của chính mình. Trong tinh thần đó, Tiểu ban di dân người nước ngoài xin được vắn tắt trình bày những công việc của tiểu ban trong thời gian qua tại Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh như sau:

Trong bốn khía cạnh quan yếu của mục vụ di dân nói chung: (1) giúp cho người di dân hội nhập vào xã hội tại nơi họ sinh sống, (2) giúp cho người di dân hội nhập vào đời sống Giáo hội tại nơi họ sinh sống, (3) giúp cho người di dân giữ vững những giá trị tốt đẹp thuộc nền văn hoá bản địa của họ, và (4) giúp cho người di dân gắn bó với giáo hội gốc của họ, thì Tiểu ban di dân người nước ngoài chỉ mới tập trung nhiều vào hai khía cạnh (1) và (2) vừa kể trên.

(1) Giúp cho người di dân hội nhập vào xã hội

Bằng công việc kinh doanh, ngoại giao, học tập, sinh hoạt thường ngày của mình, anh chị em người ngoại quốc tại TP. Hồ Chí Minh xem ra gặp nhiều thuận lợi trong sự hội nhập vào đời sống xã hội Việt Nam. Với lòng hiếu khách đặc biệt của dân tộc Việt Nam, đại đa số người nước ngoài khi được hỏi đều phát biểu là cảm thấy được tiếp đón cách trọng thị, được hưởng nhiều quyền lợi;2 và hệ quả tự nhiên thường được di dân ngoại quốc nói với dân Việt là “Tôi yêu / rất thích Việt Nam”.

(2) Giúp cho người di dân hội nhập vào đời sống Giáo hội

Về phương diện giúp cho người di dân nước ngoài hội nhập vào đời sống Giáo hội tại Việt Nam thì Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực đáng kể. Thánh lễ, các cử hành phụng vụ, các lớp giáo lý, các hoạt động mục vụ được cung ứng tại nhiều nơi, bằng nhiều thứ tiếng, cho anh chị em người ngoại quốc có nhu cầu. Chẳng hạn:

(1*) tại Nhà thờ chánh tòa Sài Gòn, thánh lễ tiếng Anh được cử hành mỗi sáng Chúa nhật lúc 09g30; (2*) tại Hội trường lầu 3 Trung tâm mục vụ tổng giáo phận, thánh lễ tiếng Anh được cử hành mỗi chiều thứ bảy lúc 18g30, mỗi thứ sáu đầu tháng còn có Chầu Thánh Thể lúc 18g00; (3*) tại Nhà thờ Thánh Tống Viết Bường, thánh lễ tiếng Anh được cử hành mỗi thứ bảy đầu tháng lúc 19g30; (4*) tại Nhà thờ Mai Khôi, thánh lễ tiếng Pháp được cử hành mỗi sáng Chúa nhật lúc 10g00; (5*) tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (Nhà thờ Cha Tam), thánh lễ tiếng Hoa được cử hành mỗi ngày lúc 17g30, riêng Chúa nhật thì có ba thời điểm: 19g30 (thứ 7), 7g00 và 17g00 (Chúa nhật); (6*) tại Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình, thánh lễ tiếng Hoa được cử hành mỗi sáng Chúa nhật lúc 8g00; và (7*) tại Nhà thờ Vườn Xoài, thánh lễ tiếng Hàn được cử hành mỗi sáng Chúa nhật lúc 9g30 và 11g00.

Như vậy, trong phạm vi của Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh, với sự hiện diện của khoảng 48.434 người ngoại quốc (khoảng 15% là người Công giáo) và một số nhỏ anh chị em Hoa kiều Công giáo (đã sinh sống lâu nay tại Sài Gòn), thì có ít là bảy nhà thờ tương đối thường xuyên cung cấp việc chăm sóc mục vụ cho các anh chị em di dân này. Ngoài ra, cũng phải nói rằng còn có những sinh hoạt mục vụ khác của một số các anh chị em di dân này tại các xứ đạo khác nữa.3

""

Trong phạm vi nhỏ bé của một tiểu ban mới hình thành, vì ích lợi của việc phục vụ anh chị em di dân Công giáo người nước ngoài tại Việt Nam - những Kitô hữu mà vì những lý do khác nhau (lao động, học tập, buôn bán…) đã phải rời quê hương để xây dựng cuộc sống mới tạm thời hay vĩnh viễn tại Việt Nam - Tiểu ban di dân người nước ngoài mạo muội nghĩ đến những phối kết, những trợ giúp cần phải có nhiều hơn nữa từ các ban di dân của các giáo phận, giáo hạt, giáo xứ. Trong tinh thần Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi, chúng ta cần cùng nhau tiếp tục: (1) duy trì, tạo thêm điều kiện thuận lợi để xây dựng đức tin vững mạnh hơn cho anh chị em di dân người nước ngoài tại Việt Nam theo truyền thống, phong tục và văn hoá của địa phương gốc của họ; (2) giúp họ nỗ lực từng bước hội nhập vào giáo hội địa phương bằng cách tham gia vào chính các sinh hoạt phụng vụ, mục vụ tại chính giáo xứ nơi họ đang sinh sống.

Như thế, cũng cần sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa các Hội đồng Giám mục các nước liên hệ, cách riêng là vai trò bao quát của Ủy ban di dân Công giáo quốc tế (The International Catholic Migration Commission). Sự hợp tác phục vụ di dân, tình liên đới trách nhiệm trong tinh thần bác ái Kitô giáo sẽ giúp chúng ta phục vụ hiệu quả hơn cho anh chị em di dân nói chung, anh chị em di dân người nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.

Ngày 4.2.2009

----------------------------------

1 Tiểu ban hiện có năm nhân sự phục vụ, chủ yếu tại Trung tâm mục vụ tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh: (1) Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, (2) Lm. Rôcô Nguyễn Duy, (3) Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, (4) Ông Winston Mayo, và (5) Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng.

2 X. http://www.nld.com.vn/229929P0C1078/hon-20000-nguoi-nuoc-ngoai-o-viet-nam-co-quyen-mua-nha.htm

3 X. Dân số Việt Nam được cho là trên dưới 85.000.000 người, trong đó khoảng 7% là Công giáo; theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trong số 80.000 người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay thì có khoảng 8% là người Kitô giáo (x. http://www.omf.org/uk/about_asia/countries/vietnam/vietnam_profile).