Một món quà gửi đến những người cha
Từ
những kinh nghiệm sống
Một linh mục chuyên lo cho trẻ bụi đời kể
lại: Có lần tôi kể câu truyện Tin Mừng về Người
cha nhân hậu (Lc 15,11-32) cho các em nghe. Hầu hết các em là những thiếu
niên sống trong những gia đình bất hạnh với người cha dữ tợn. Khi kể đến chỗ
người cha thấy đứa con hoang đàng từ đàng xa trở về, tôi dừng lại rồi hỏi các
em xem người cha sẽ làm gì. Em nhỏ tuổi nhất trong đám trả lời ngay: “Thế nào
ông ấy cũng cho thằng đó một trận nhừ tử”. Hầu hết các em đều đồng ý như vậy,
và chúng cho đó là chuyện đương nhiên, không phải tranh cãi gì nữa. Chính vì
thế, tất cả các em đều hết sức ngỡ ngàng khi tôi kể tiếp câu truyện: người cha
trông ngóng, chạy lại ôm con, không cần nghe con xin lỗi, ra lệnh đem áo mới và
nhẫn mới cho con, mở tiệc ăn mừng. Chúng không thể tin nổi có một người cha như
thế vì tất cả kinh nghiệm chúng có về người được gọi là “cha” là kinh nghiệm
đầy đau buồn về những lời mắng chửi, những cơn say xỉn, những trận đòn thừa
sống thiếu chết!
Hỏi rằng với những thiếu niên có kinh
nghiệm đau buồn về người cha trần thế như vậy, các em sẽ nghĩ sao nếu được giới
thiệu về Thiên Chúa là Cha?
Lại rất ngỡ ngàng khi đọc được nhận định
của một học giả người Nhật: người Nhật có ba mối sợ là sóng thần, động đất và
người cha. Sợ sóng thần và động đất thì hiểu được do hoàn cảnh địa lý của nước Nhật. Nhưng
sợ người cha là điều chưa nghe đến. Học giả này cho biết trong gia đình người
Nhật, bà mẹ chăm lo việc nhà, còn người cha ra ngoài làm việc. Tối đến, ông gọi
con đến và dạy dỗ rất nghiêm khắc. Truyền thống đó in sâu vào tâm trí những
người con hình ảnh người cha đáng kính và cũng đáng sợ.
Hỏi rằng với một truyền thống văn hóa như
thế, liệu có dễ dàng để tin vào Thiên Chúa là Cha? Tôi tự hỏi có phải đây là
một trong nhiều lý do khiến người Nhật khó đón nhận Kitô giáo, tôn giáo gọi
Thiên Chúa là Cha?
May mắn thay, bên cạnh những kinh nghiệm
đau buồn ấy, vẫn luôn có nhiều kinh nghiệm tích cực. Giáo Hội công giáo vui
mừng vì có thêm vị chân phước, lại là người rất gần gũi, là Đức Gioan Phaolô
II. Vị chân phước này có hoàn cảnh thật đặc biệt. Mới 9 tuổi đã mất mẹ. Hai năm
sau, mất luôn người anh trai duy nhất. Chỉ còn lại người cha và may mắn cho
ngài, người cha ấy là người cha tuyệt vời như ngài mô tả: “Đôi khi tôi thức
giấc giữa đêm và thấy cha tôi đang quỳ gối cầu nguyện như tôi vẫn thấy ông quỳ
cầu nguyện ở nhà thờ”. Ngài còn kể lại cho André Frossard: “Khi tôi lên 10, 12
tuổi, tôi gia nhập ca đoàn thiếu nhi, nhưng phải thú thật là tôi không được
chăm chỉ lắm. Mẹ tôi mất rồi… nhưng cha tôi thấy vậy, một ngày kia ông gọi tôi
đến và bảo: Con không phải là thiếu nhi tốt. Con không chịu cầu nguyện với Chúa
Thánh Thần. Con phải cầu nguyện với Ngài. Thế rồi cha tôi dạy tôi một bài kinh…
Đó là bài học thiêng liêng lớn nhất, có hiệu quả mạnh mẽ và bền vững hơn tất cả
những giảng khóa mà tôi sẽ học sau này. Niềm xác tín của cha tôi khi dạy tôi
cầu nguyện với Chúa Thánh Thần nói lên điều đó. Kể cả đến hôm nay, tôi vẫn như
đang nghe thấy tiếng cha tôi đọc bài kinh này. Kết quả cuối cùng từ bài học từ
thuở ấu thơ đó chính là thông điệp của tôi về Chúa Thánh Thần, Dominum et Vivificantem”.
Có bao giờ chúng ta dám nghĩ rằng một
thông điệp lớn của một giáo hoàng nổi tiếng thánh thiện và tài giỏi lại được
khơi nguồn từ bài kinh người cha dạy cho con lúc còn bé? Nếu ngài đã chia sẻ
kinh nghiệm như thế, có thể hỏi thêm rằng: Phải chăng những giáo huấn của vị
giáo hoàng này về Thiên Chúa giàu lòng thương xót cũng được khơi nguồn từ kinh
nghiệm về người cha trần thế?
Chuyện đời của chân phước Gioan Phaolô II
gọi về tâm tình của Thánh nữ Têrêxa Avila. Người ta đã nói nhiều về người cha
thánh thiện của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Nhưng người cha của thánh
Têrêxa Avila cũng rất tốt lành. Thánh nữ cũng mất mẹ từ sớm (bà mẹ chết khi mới
33 tuổi, lúc Têrêxa 12 tuổi) và cũng thật may mắn, thánh nữ có một người cha
tuyệt vời như ngài mô tả bằng những dòng hồi ức thật thân thương: “Cha tôi là
một người giàu lòng bác ái đối với người nghèo, rất cảm thương những người đau
ốm, cả với những người giúp việc trong nhà, người cũng thương xót họ đến nỗi
không bao giờ mua giữ kẻ nô lệ cả. Khi một người nô lệ của chú tôi có dịp đến
nhà tôi, người xử với cô như với con cái vậy”. Người cha này cũng rất khôn
ngoan, khi thấy con gái mình có khuynh hướng đua đòi thói xấu, ông gửi con vào
một tu viện, nhưng rất khéo léo: “Cha tôi thực hiện dự định này cách rất kín
đáo nên chỉ một hai người thân và tôi biết mà thôi. Cha tôi đợi đến lúc thuận
tiện để sự kiện ấy không có gì lạ thường, nghĩa là lúc mà chị tôi đi lập gia
đình và tôi không còn mẹ săn sóc; nếu không vào lưu trú trong đó mà ở nhà một
mình thì không tiện.”
Khám
phá ơn gọi và sứ mệnh người cha
Những câu chuyện trên và biết bao câu
chuyện tương tự đều nói lên mối quan hệ mật thiết giữa kinh nghiệm tâm lý tự
nhiên và kinh nghiệm tôn giáo siêu nhiên. Con người đón nhận bài học nhân văn,
tinh thần và tôn giáo không chỉ bằng lý thuyết thuần túy như trong các ngành
khoa học tự nhiên, nhưng còn với kinh nghiệm sống động của bản thân. Nhờ có
người cha tuyệt vời nơi trần thế mà thánh nữ Têrêxa Avila và chân phước Gioan Phaolô II đến với
Chúa là Cha và sống tình con thảo với Ngài cách dễ dàng. Ngược lại, những đứa
trẻ bụi đời khó lòng đón nhận Thiên Chúa là Cha vì kinh nghiệm quá đau buồn của
chúng về người cha trần thế.
Từ đó mới thấy ý nghĩa cao cả của ơn gọi
làm cha. Làm cha không chỉ là chức năng về mặt sinh học vì sinh ra đứa con.
Cũng không chỉ là chức năng về mặt tâm lý vì sẽ trưởng thành hơn khi có trách
nhiệm với con cái, hoặc cảm nhận hạnh phúc khi có đứa con. Nhưng làm cha còn mang
một chiều kích thiêng liêng cao cả vì chia sẻ chức năng làm cha của chính Thiên
Chúa. Đó là lý do chức năng làm cha được diễn đạt trong Công giáo bằng từ ngữ
thật trang trọng: Ơn Gọi. Làm cha là
một thiên chức. Thiên chức làm cha phát xuất từ tiếng gọi từ trời cao, tiếng
gọi của Thiên Chúa là Cha.
Ơn gọi thật cao cả nên sứ mệnh cũng thật
vĩ đại và nặng nề. Làm cha là họa lại, mặc khải, diễn đạt cho con cái tình yêu
của Thiên Chúa là Cha. Thể hiện trong tư cách người cha một gia đình. Và cả trong
tư cách người cha một cộng đoàn như các linh mục.
Ơn gọi và sứ mệnh cao cả đó mời gọi người
cha chiêm ngắm Thiên Chúa là Người Cha tuyệt hảo để cố gắng họa lại trong đời
sống của mình.
Sống
phụ tính của Thiên Chúa
Một lần nữa, hình ảnh người cha trong dụ
ngôn Người cha nhân hậu thật đáng cho
chúng ta chiêm ngắm. Henri Nowen đã dành nhiều tháng ngày để chiêm ngắm người
cha này qua họa phẩm của Rembrandt và viết thành cả cuốn sách The Prodigal Son. Ở đó, tình yêu của
người cha được khắc họa rõ nét hơn bao giờ.
1. Tình yêu ấy là một tình yêu thuần
khiết, tình yêu chỉ vì hạnh phúc của con cái chứ không vì bất cứ điều gì khác.
Đức Bênêđictô XVI ghi nhận rằng hai từ “tình yêu” ngày nay bị lạm dụng đến độ
làm cho nhiều người cảm thấy ngượng ngùng khi nói đến hai từ này. Thật vậy, rất
nhiều khi cái gọi là tình yêu chỉ là những cảm xúc nhất thời, khát vọng chiếm
hữu, kể cả nặng màu nhục dục. Còn tình yêu thuần khiết của Thiên Chúa là tình
yêu của người chỉ nhắm đến hạnh phúc của người mình yêu đến độ dám hi sinh mạng
sống cho hạnh phúc đó.
Trong cuộc đời này, có lẽ chỉ có tình yêu
cha mẹ dành cho con cái là tình yêu thể hiện rõ nét nhất tình yêu thuần khiết của
Thiên Chúa. Mới đây có người gửi cho tôi câu truyện về vụ cháy rừng ở công viên
quốc gia Yellowstone bên Mỹ. Sau vụ cháy, các
nhân viên kiểm lâm vào rừng để đánh giá tổn thất. Rồi có nhân viên phát hiện
một con chim như hóa đá, vẫn nguyên hình dáng nhưng khi đụng vào thì tan thành
tro. Điều lạ lùng là chính lúc đó ba chú chim nhỏ bay ra. Ấy là vì chim mẹ biết
nguy hiểm sắp tới, đã giương cánh ôm lấy ba đứa con, nhờ đó chúng vẫn sống. Con
chim mẹ đã có thể bỏ ba đứa con ở lại, bay đi nơi khác để tránh nạn, nhưng nó
đã ở lại, chấp nhận chết cho con được sống! Ở cuối câu truyện ấy, người ta ghi
chú câu Thánh vịnh 91,4:
“Chúa
phù trì che chở, dưới cánh Ngài bạn có chỗ ẩn thân,
Lòng
Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ”.
2. Tình yêu ấy còn là tình yêu tôn trọng
tự do của con cái. Rabindranat Tagore viết:
“Những
người yêu con trong cuộc đời này luôn giữ con trong vòng tay,
tình
Ngài yêu con không bờ không bến, con cất cánh bay tự do”.
Các bậc cha mẹ có thể rơi vào hai trường
hợp khi giáo dục con. Một là vì lòng thành, ép con cái phải thực hiện ước mơ mà
bản thân mình chưa làm được, đang khi đứa con lại không có thiên hướng và khả
năng trong lãnh vực đó. Hai là khi con cái có những quyết định khác với ý muốn
của cha mẹ, thì cha mẹ từ bỏ luôn đứa con của mình. Người cha trong dụ ngôn không
như thế. Ông biết con sai và chỉ cho nó thấy những hiểm nguy, nhưng khi nó vẫn
cương quyết ra đi thì ông chấp nhận chia gia tài cho con và để nó ra đi. Đó
cũng là mầu nhiệm của tự do trong lịch sử cứu độ. Thiên Chúa tôn trọng tự do
của con người đến mức khó hiểu, đến mức chấp nhận để con người nhân danh chính
quà tặng Ngài ban mà phản bội Ngài. Người cha trong dụ ngôn để con ra đi mà vẫn
đau đáu một niềm âu lo và thương nhớ. Để con ra đi mà vẫn ngày ngày trông ngóng
và khi nó trở về thì vui mừng, có lẽ còn vui hơn cả chính đứa con, vì “con Ta
đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
3. Tình yêu ấy còn là tình yêu bao dung.
Người cha trong dụ ngôn có tấm lòng bao dung cả với đứa con hoang đàng cũng như
với đứa con ở lại trong nhà mà không cảm nhận được tình cha. Anh con cả không
bỏ nhà đi, anh vẫn ở nhà với cha nhưng lại không học được tấm lòng bao dung của
cha. Anh làm mọi việc trong nhà nhưng lòng vẫn đầy ích kỷ, ghen ghét và vụ lợi,
nên khi đứa em hoang đàng trở về, anh không vui mà lại buồn đến độ nổi giận và
khước từ dự tiệc. “Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha và chẳng khi nào
trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng
với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với
bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng”. Những lập luận thật xác
đáng trên cơ sở công bằng pháp lý. Tiếc thay lập luận đó lại chưa vươn đến tầm
cao của lòng thương xót và tình yêu bao dung: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui
vẻ chứ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Kết
luận
Vậy thì, “Cha ơi, cha là ai?”
Cha là họa ảnh tình yêu của Cha trên
trời.
Tình yêu dẫn lối cho con vào đời,
Tình yêu nghiêm khắc dạy con đường công
chính,
mạnh
mẽ nâng con dậy khi yếu đuối.
Tình yêu tha thứ khi con lầm lỡ,
bao
dung lúc con sai phạm,
Tình yêu đau nỗi đau của con,
vui
niềm vui của con,
Tình yêu hi sinh tất cả để con được sống,
hạnh phúc và bình an.
Chỉ đơn giản, vì cha là cha của con.
Nhân
Ngày Người Cha 19-6-2011