MAU VỀ VỚI ANH VÀ CON NHÉ!
Joseph Vulo
WGPSG
(31.8.2021) -
Tiếng chuông điện thoại reo. Một số máy lạ gọi tới. Quẹt nút xanh,
tôi nghe giọng nói run run từ đầu đây kia vang lên: “Chào thầy, con là
chồng của bệnh nhân V.T.K.H. Nếu thầy có gặp vợ con thì cho con biết tình hình
sức khỏe của vợ con nhé! Đã hơn tuần nay con không được thấy vợ con rồi. Con lo
lắm! Miễn là được biết tin vợ con, mọi thứ giờ với con chỉ cần thế!”…
Ngồi bên cửa sổ ngắm những hạt mưa rơi, nhâm nhi tách cà phê pha
vội sau giờ tan ca, tôi nhớ về một Sài Gòn hoa lệ, tấp nập xe cộ ngược xuôi.
Những quán bar, nhà hàng sang trọng hoạt động không có giờ nghỉ. Những đôi bạn
trẻ đương yêu nắm tay nhau tung tăng dạo bước trên con phố hoa lộng lẫy. Giọng
nói vồn vã trên sóng radio VOV giao thông đưa tin về mật độ xe lưu thông tại
các điểm nóng, thỉnh thoảng bị chen ngang bởi những bài hát yêu thích được phát
lớn tiếng trên chuyến xe buýt đông người. Những bài thánh ca trong vút, sâu
lắng cất lên trong những ngôi thánh đường vào lúc tàn nắng hay sáng bình minh.
Một Sài Gòn với những tiếng xe container, xe tải đang tần tảo xình xịch lăn
bánh vận chuyển hàng vào lúc rạng đông. Những âm thanh khó nghe từ động cơ tàu
bay, xe lửa chạy rần rần đã trở nên quen thuộc tự thuở nào. Tiếng hát karaoke trật
nhịp, tiếng nhạc xập xình nhức tai của một giọng ca 'lệ rơi' nào đó đang buông
hồn giải tỏa sau những giờ làm mệt mỏi và căng thẳng. Giờ thì còn đâu! Nhớ lắm
những lúc kẹt xe, chen cứng người! Những con phố tấp nập giờ trở nên vắng lặng,
sâu hút. Những khu chợ giao thương náo nhiệt, giờ đóng cửa ngủ đông im lìm.
Những âm thanh ngang tai của một ca sĩ nghiệp dư nào đó được thế bằng tiếng còi
réo nhói đau của lớp lớp xe cứu thương đang miệt mài chở bệnh nhân Covid.
Mấy hôm nay, Sài Gòn mưa. Sài Gòn buồn. Sài Gòn rơi lệ như đang
thổn thức cho những cuộc chia ly không hẹn ngày về và chào biệt những con người
đang âm thầm lặng lẽ ra đi. Con virus bé nhỏ chẳng thể nhìn thấy bằng mắt
thường nhưng gây bao tang thương và chia cắt. Sự sống và cái chết mong manh
quá! Sinh và tử như không có lằn ranh. Chứng kiến bao người ra đi không kèn
trống, không hương hoa, không người thân đưa tiễn, tôi càng thấy đời người ngắn
ngủi, phận người mỏng manh. Những bệnh nhân trần trụi đang nằm dài thở máy, chỉ
đắp hờ một tấm drap trắng bâng quơ. Họ cố giành giật lấy sự sống từ tay tử thần
trong từng nhịp thở yếu ớt. Xót xa thay! Thương lắm! Còn lại gì sau một đời mưu
sinh?
Cô H là tiểu thương ở một khu chợ nhỏ Q.5, Sài Gòn. Hằng ngày,
trên chiếc xe gắn máy đã xỉn màu, cô lấy hàng từ lúc mặt trời còn chưa kịp nhô
lên phía hừng Đông, chú gà trống cô nuôi còn chưa kịp test giọng báo hiệu ngày
mới. Cô phải lấy sớm để về kịp dọn hàng bày bán. Một mình bươn chải kiếm sống
từ nhỏ nên đã rèn nắn cô trở nên cứng cáp hơn. Cô là chỗ dựa kinh tế chính cho
cả gia đình.
Chú là thương binh thương tật 41%. Chiến tranh đã cướp đi phần
nhiều sức lao động của chú. Cô quen chú trong lần lấy hàng giúp. Hai con
tim chạm vào nhau từ lúc nào chẳng hay. Hai mảnh đời rệu rã vội vã va vào nhau
bởi họ cần nhau, và vì họ đã thấy mảnh ghép phân nửa của đời mình. Số trời đã
định. Họ đến với nhau bất chấp hai bên gia đình ngăn cản.
Những năm đầu của thập niên 90, với số tiền dành dụm được từ bấy
lâu và vay mượn ngân hàng, cô chú cũng mua được căn nhà đơn sơ 25m2 nằm
sâu trong con hẻm nhỏ gọi là có chỗ trú ngụ để tiện bề buôn bán. Sau 10 năm
chung sống, cô sinh được một bé trai kháu khỉnh. Và 2 năm sau, là một bé gái dễ
thương. Ngỡ tưởng mọi thứ ổn định, nhưng càng lớn hình như những đứa con của cô
không được như những đứa trẻ khác, chúng đều chậm phát triển. Chắc có lẽ là hậu
quả của những thương tật và chất độc do chiến tranh gây nên. Sống trong cảnh
đó, gạt đi nước mắt, họ vẫn yêu thương nhau và lan tỏa yêu thương ấy cho mọi
người.
Rồi đến một ngày, trong những ngày đầu Sài Gòn lâm bệnh, cô đi chợ
cất hàng, dọn đồ bày bán như thường lệ. Tối hôm đó, nấu bữa cơm còn đang dở,
đột nhiên, cô thấy trong người khó chịu, thân nhiệt cứ nóng dần lên, cổ họng cô
khô rát. Ngày một ngày hai, những triệu chứng ấy ngày càng nặng hơn, lại thêm
khó nuốt. Chú đưa cô tới bệnh viện. Sau khi test nhanh, cô nhận kết quả dương
tính với Covid. Cả nhà lo lắng. Cô được vô Bệnh viện Ung Bướu cơ sở II - nơi
được trưng dụng để điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid. Mấy ngày đầu còn khỏe,
cô vẫn hay gọi video về cho chú và hai đứa con lớn ngây dại. Họ cười nói và
động viên nhau giữ gìn sức khỏe. Không quên nhắc nhau năng xúc miệng và rửa mũi
bằng nước muối ấm. “Nhớ uống nhiều nước để tống khứ con virus xuống dạ dày, để
tránh nó làm tổ và ủ trong cổ họng rồi chui vô phổi. Nhớ đeo khẩu trang và rửa
tay bằng dung dịch sát khuẩn khi nhận đồ ăn và tiếp xúc với người khác.” - Cô
nhắc kỹ chú và các em những điều ấy vì chính cô đã lơ là và đã nhiễm bệnh từ
nguồn lây nhiễm đó.
Cô vô đây, chú và các em không được gặp. Bác sĩ, nhân viên y tế và
các tình nguyện viên là người nhà của cô tự bao giờ. Thay vì chiếc xe gắn máy
cũ kỹ, cái sọt đồ hàng rỉ sắt, chiếc mũ bảo hiểm trầy xước bạc màu, thì mớ dây
rợ, máy móc, ống thở là những vật dụng dần trở nên quen thuộc với cô. Lúc còn
tự thở, cô cũng thường hay kể cho chú nghe về cô được mọi người nơi đây yêu
thương, hỏi thăm và chăm sóc ra sao.
Nhưng đã hơn tuần nay, chẳng còn cuộc gọi nào reo lên từ số vợ yêu
đều đặn 8 giờ hay 21 giờ như những ngày trước nữa. Chú bồn chồn lo lắng, trong
lòng cứ rạo rực như có một điều gì đó không hay xảy ra. Đúng là cô đã được
chuyển xuống khoa ICU - khoa Hồi sức tích cực chăm sóc những bệnh nhân nặng và
rất nặng từ hôm đó.
Giờ đây, cô nằm trong phòng này, thứ âm thanh quen thuộc là những
tiếng bíp bíp của máy trợ thở, trợ tim đang hoạt động hết công suất hòa lẫn với
những tiếng bước chân vội vã của y bác sĩ, điều dưỡng đang ngày đêm giúp cô
tranh đấu với tử thần. Đúng là con virus quái ác, chúng tấn công và đánh gục hệ
miễn dịch hô hấp quá nhanh, nhất là với những người có bệnh nền. Giờ cô đang
nằm bất động, được trợ thở bằng máy thở hạng nặng.
Thật ra, chú và tôi liên lạc được với nhau là cả một kỳ tích. Chú
đã tìm kiếm bôn ba cùng khắp để kiếm thông tin về cô, chỉ một tuần thôi mà ngỡ
dài như cả đời. Chú nhờ cả một cô bạn thân bên Mỹ liên hệ với một người quen
làm ngành y ở Việt Nam để tìm kiếm thông tin. Tạ ơn Chúa! Qua mấy số liên lạc,
cuối cùng, chú và tôi liên hệ được với nhau.
Tiếng chuông điện thoại reo. Một số máy lạ gọi tới. Quẹt nút xanh,
tôi nghe giọng nói run run từ đầu đây kia vang lên: “Chào thầy, con là
chồng của bệnh nhân V.T.K.H. Nếu thầy có gặp vợ con thì cho con biết tình hình
sức khỏe của vợ con nhé! Đã hơn tuần nay con không được thấy vợ con rồi. Con lo
lắm! Miễn là được biết tin vợ con, mọi thứ giờ với con chỉ cần thế!”…
Đúng là lúc này, với chú, chẳng còn gì quý hơn là tình yêu, vì
người mình yêu mà phải lao lực tìm kiếm, không ngưng nghỉ thì cũng đáng. Cuộc
tìm kiếm đó dẫu có chênh chao mờ tối nhưng còn hy vọng là còn nắm, còn giữ, còn
kiếm tìm. Quả thật, những lúc gian nan mới thấy tình yêu người ta dành cho nhau
được hiển lộ đáng quý dường bao!
Hôm nay, đúng ca trực, tôi xin phép chị điều dưỡng trưởng được gọi
video cho chú gặp cô. Gọi là gặp nhưng đâu có nói được câu nào. Chú nhìn cô
lặng lẽ với tấm thân trần trụi, cơ thể tiều tụy, tiếng thở yếu ớt cùng với mớ
dây rợ chằng chịt quanh người. Tôi nghe thấy chú khóc. Nước mắt của người đàn
ông khi chứng kiến "một nửa đời mình" đang nằm thoi thóp mà không thể
làm gì hơn. Bất lực. Cổ họng khô cứng. Đôi tay như ngắn lại, như thể càng vươn
tới thì càng không thể chạm được. Vô vọng. Lặng nhìn người mình yêu một đời bôn
ba, tảo tần, hết mình vì chồng vì con vì tổ ấm yêu thương giờ đây đang ngã quỵ
mà nuốt từng nỗi đau. Tôi nghe tiếng nấc nghẹn vội vã, dồn dập không thành câu:
“Em ráng khỏe nhé! Đừng lo cho anh và hai con. Anh và con tự chăm
sóc cho mình được. Yên tâm. Hai đứa vẫn khỏe. Anh cũng khỏe. Mau về với anh và
con nhé! Cả nhà chờ em!”
Nghe những lời này, tim tôi quặn thắt. Đôi dòng nước mắt rơi tự
thuở nào hòa lẫn với những giọt mồ hôi lăn dài trên má trong bộ đồ bảo hộ kín
mít. Chắc cô cũng nghe được những lời ấy, mắt cô ngấn lệ. Bế tắc thật sự! Tôi
chẳng biết phải làm gì khi chứng kiến cảnh ấy. Tôi trân người nhìn cô hồi lâu
rồi lấy khăn ướt lau mặt cho cô và nắm tay cô một cái thật chặt. Tôi thầm khẩn
cầu cùng Chúa cho cô và gia đình được bình an đón nhận mọi thử thách dù chẳng
biết tương lai sẽ thế nào. Và khẽ nói gần tai cô:
"Cô ơi! Chú và hai em đang đợi cô! Họ đang rất nhớ cô! Mau
khỏe, cô nhé!"
Phóng tầm mắt nhìn trời, Sài Gòn giờ đã tạnh mưa. Những vạt nắng
lấp ló sau làn mây đang vươn mình trỗi dậy. Hy vọng hồi sinh!
Thương Sài Gòn, những ngày lâm bệnh! Thương bao cảnh, người đi tìm
người! Thương…!
Nguồn: tgpsaigon.net