Từ ngữ có sức mạnh to lớn: nâng đỡ hoặc gây tổn thương, làm sáng tỏ hoặc gây nhầm lẫn, xây dựng cầu nối - hoặc hủy hoại chúng. Trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy sự khôn ngoan về món quà của lời nói và trách nhiệm mà nó mang lại. Trong thời đại giao tiếp nhanh chóng, nơi mà nói hành nói xấu và sự thiếu tử tế có thể lan truyền chỉ bằng một cái vuốt ngón tay, thì những bài học sau đây trở nên cấp thiết.
Lời mời gọi kiềm chế của Kinh Thánh
Kinh Thánh Cựu ước thường cảnh báo về những nguy hiểm của lời nói bất cẩn. Cn 18,21 nhắc nhở chúng ta rằng “sự chết và sự sống nằm trong sức mạnh của cái lưỡi.” Tương tự như vậy, Cn 10,19 khuyên “nơi nào lắm lời, tội lỗi chẳng thiếu; nhưng ai kiềm chế được môi miệng mình mới là khôn ngoan.” Thông điệp rất rõ ràng: lời nói của chúng ta có hậu quả, và lời nói thiếu suy nghĩ dễ khiến chúng ta lầm đường lạc lối.
Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh về trách nhiệm này. Trong Mt 12,36-37, Người phán rằng: “Ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ trả lẽ về mọi lời nói vô ích mình đã thốt ra. Vì nhờ lời nói của mình, các ngươi sẽ được minh oan, và cũng tại lời nói của mình, các ngươi sẽ bị kết án.” Lời dạy này nhấn mạnh về cách mà lời nói thể hiện trạng thái của tâm hồn chúng ta và chiều sâu (hoặc sự thiếu hụt) tình yêu của chúng ta dành cho người khác.
Thánh Tông đồ Giacôbê đi xa hơn khi so sánh cái lưỡi như một ngọn lửa có khả năng đốt cháy cả khu rừng (x. Gc 3,6). Tuy nhiên, ngài cũng khẳng định rằng lời nói, nếu được sử dụng đúng cách, có thể gieo rắc hòa bình và sự chữa lành.
Nói hành nói xấu: Một tội của tập thể
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần cảnh báo về tội nói hành nói xấu, gọi đó là “một tai họa khủng khiếp hơn cả covid.” Với sự thẳng thắn đặc trưng của mình, ngài đã từng nói: “Nói hành nói xấu là khủng bố vì người nói hành nói xấu giống như một tên khủng bố ném quả bom rồi bỏ đi, hủy diệt người khác.” Những lời của ngài lặp lại Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), trong đó phân loại nói hành nói xấu là vi phạm Điều răn thứ Tám.
Theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, “Tôn trọng danh dự của người khác ngăn cấm mọi thái độ và lời nói có thể gây tổn thương bất công cho họ.” (GLHTCG, 2477) Khi chúng ta can dự vào việc nói hành nói xấu hoặc vu khống, chúng ta làm tổn hại đến các mối quan hệ, nuôi dưỡng sự chia rẽ và làm xói mòn lòng tin - những hành vi trái ngược với lời mời gọi yêu thương và hiệp nhất của Tin Mừng.
Phản ứng của người Kitô hữu
Giữ gìn lời nói của mình không có nghĩa là lãng tránh những cuộc trò chuyện khó khăn hoặc rút lui vào im lặng. Nó có nghĩa là dùng lời nói của mình một cách chu đáo và có chủ đích, đảm bảo rằng chúng được “thêm sự mặn mà” (x. Cl 4,6). Trước khi nói, chúng ta có thể tự hỏi: Những gì tôi sắp nói có đúng đắn hay không? Có tử tế hay không? Có cần thiết hay không?
Thánh Phanxicô Assisi đã nêu gương tuyệt đẹp về điều này khi ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa.” Lời cầu nguyện của ngài nhắc nhở chúng ta rằng lời nói của chúng ta phải đóng vai trò mở rộng tình yêu của Thiên Chúa trên thế giới, xây dựng người khác thay vì hạ bệ họ.
Lời nói như công cụ của ân sủng
Sách Giáo lý cũng dạy rằng “miệng lưỡi phải được dùng để ngợi khen thay vì để nguyền rủa.” (GLHTCG 2143) Bằng cách nói một cách trung thực, khiêm nhường và bác ái, chúng ta góp phần vào sự hưng thịnh của những người xung quanh.
Trong thời đại mà sự tiêu cực và tin đồn thường thống trị ngôn luận, các Kitô hữu được mời gọi phải phản kháng lại nét văn hóa này. Dù trực tuyến hay trực tiếp, lời nói của chúng ta phải phản ánh lòng nhân từ của Thiên Chúa, đóng vai trò như ánh sáng cho người khác và nhắc nhở về phẩm giá thiêng liêng trong mỗi con người.
Cuối cùng, khi chúng ta bảo vệ miệng lưỡi của mình, chúng ta đang bảo vệ người khác và liên kết chặt chẽ hơn với ý muốn của Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, “Vì lòng đầy tràn, thì miệng mới nói ra.” (Mt 12,34) Chúng ta hãy đảm bảo rằng trái tim và lời nói của chúng ta phải luôn đong đầy yêu thương.
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (02/01/2025)
Nguồn: giaophanvinhlong.net