Một thiếu nữ đạo đức, người con thiêng liêng của Cha thánh Piô, đã đính hôn với một thanh niên đã xa rời đức tin. Cô kiên quyết không tiến hành việc chuẩn bị hôn lễ nếu anh không trở lại với các bí tích. Tuy nhiên, người thanh niên ấy lại chế giễu cha linh hướng của cô, Cha Piô, anh ta gọi ngài là kẻ bịp bợm, lợi dụng lòng tin đơn sơ của người khác bằng những dấu thánh của ngài. Bất chấp sự phản đối và thái độ nghi ngờ của vị hôn phu, cô gái vẫn tiếp tục tham dự thánh lễ do Cha Piô cử hành, bởi vì cô đang theo kế hoạch gồm 5 phần trên đàng thánh thiện mà Cha Piô đã đề ra, với trọng tâm là thánh lễ hằng ngày và việc lãnh nhận Thánh Thể. Một lần nọ, cô cố thuyết phục người bạn trai cùng đi tham dự thánh lễ với mình. Trong lúc thánh lễ đang diễn ra, người thanh niên bỗng trở nên biến sắc và thì thầm hỏi: “Chuyện này xảy ra mỗi ngày sao?” Cô đáp: “Vâng,” nhưng không hiểu được ý nghĩa sâu xa trong câu hỏi của anh.
Điều khiến cô gái vô cùng kinh ngạc là vị hôn phu của cô bắt đầu thường xuyên tham dự các thánh lễ do Cha Piô cử hành. Và rồi, một ngày nọ, anh bật khóc nức nở không thể kìm lại, khi tận mắt nhìn thấy ba mão gai đan xen vào nhau quấn quanh đầu Cha Piô, xuyên vào sọ ngài, khiến máu chảy ròng ròng xuống gương mặt.
Cô gái trẻ không nhìn thấy mão gai và cảm thấy bối rối; chẳng lẽ người hôn phu đã từng chế nhạo Cha Piô lại được thị kiến điều mà mọi người khác đều không thể thấy? Trong lần xưng tội sau đó với Cha Piô, cô đã hỏi người cha linh hướng của mình xem điều ấy có thật không. Cha Piô xác nhận rằng, quả thật, ngài mang mão gai trong mỗi thánh lễ, mão gai đó được mang đặc biệt bởi Đức Kitô để đền tội cho những tư tưởng tội lỗi.
Thị kiến siêu nhiên về cuộc khổ nạn này chính là chất xúc tác cho sự hoán cải của chàng trai trẻ. Sau đó, đôi bạn trẻ đã tiến tới hôn nhân và cùng nhau bước đi trên nấc thang năm bậc mà Cha Piô trao cho mọi người con thiêng liêng của ngài cho việc nên thánh của họ: rước lễ hằng ngày, xưng tội hằng tuần, suy niệm, xét mình và đọc sách thiêng liêng.
Cha Piô khuyên các tín hữu nên xưng tội thường xuyên như vậy bởi ngài nói rằng linh hồn giống như một ngôi nhà cần được dọn dẹp sạch sẽ mỗi tuần. Ngài không buộc phải làm điều đó, nhưng coi đó là một lời khuyên thiết yếu.
Có những lúc Pio đưa nhiều linh hồn vào đàn chiên của mình nhưng lại từ chối tha tội cho họ trong một thời gian. Ngài đã làm như thế cho tới khi họ có thái độ xứng hợp để xưng tội và thực sự có ý hướng hoán cải đời sống. Một trong những tội trọng nhất khiến Cha Piô từ chối ban ơn tha tội chính là tội phạm thánh, tức là rước Mình Thánh Chúa trong khi đang ở trong tình trạng tội trọng. Theo lời Cha Piô, chỉ khi nào một người đón nhận được “một ân sủng đặc biệt, là ân huệ chỉ có được nhờ lời cầu nguyện của các linh hồn ở rất gần Thiên Chúa,” thì người ấy, nếu từng phạm thánh mới hy vọng được tha thứ. Chính Cha Piô có thể nhận biết ân sủng đặc biệt này nơi linh hồn.
Một phụ nữ người Anh một lần kia đến tòa giải tội của Cha Piô, nhưng ngài đóng mạnh cửa lại và gay gắt nói với bà: “Tôi không có thời gian cho bà.” Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì quay lại trong suốt hai mươi ngày liên tiếp và lần nào cũng bị từ chối với cùng một thái độ nghiêm khắc. Vào ngày thứ hai mươi mốt, Cha Piô đồng ý nghe bà xưng tội. Ngài nói với bà: “Con là một thụ tạo đáng thương và mù lòa,” rồi chỉ bảo: “Thay vì than phiền về sự nghiêm khắc của cha, con hãy tự hỏi lòng mình: làm sao Lòng thương xót của Thiên Chúa lại có thể đón nhận con sau nhiều năm con phạm thánh? Con có nhận ra mình đã làm điều khủng khiếp thế nào không? Chỉ để giữ thể diện và danh giá bề ngoài, con đã rước lễ suốt bao năm bên cạnh mẹ và chồng mình trong khi con đang ở trong tình trạng tội trọng.”
Cha Piô nói rõ: “Ai phạm thánh thì tự chuốc lấy án phạt đời đời.” Để được thanh tẩy khỏi tội lỗi ghê tởm này, cần có một ân sủng đặc biệt mà chỉ có thể đạt được nhờ lời cầu nguyện của những linh hồn “đang ở rất gần Thiên Chúa.” Cần nhấn mạnh chi tiết này: đó không phải là lời cầu nguyện của một linh hồn, mà là của nhiều linh hồn, nghĩa là hơn những lời cầu nguyện của một người.
Chúng ta hãy suy niệm cách đạo đức và nghiêm túc điều này như một chiến lược thiêng liêng để cứu các linh hồn. Nếu chúng ta có một người bạn hay người thân đã phạm thánh, hãy nhờ đến những người sống thánh thiện cầu nguyện cho họ. Đã có hai mươi mốt ngày kể từ lần đầu tiên người phụ nữ kia tìm đến tòa giải tội cho đến khi bà được lãnh nhận bí tích, và khoảng thời gian ấy hầu như chính là lúc Cha Piô âm thầm cầu nguyện cho linh hồn bà. Và khi ngài chấp thuận nghe lời xưng tội của bà, ngài đã ban ơn tha tội. Linh hồn người phụ nữ Anh ấy được phục hồi tình trạng ân sủng, và bà đã hoàn toàn từ bỏ nếp sống tội lỗi xưa kia.
Có lẽ trường hợp nổi tiếng nhất về việc Cha Piô từ chối ban ơn tha tội là khi một phụ nữ xưng tội phá thai. Trong quá trình nghiên cứu về những trường hợp như vậy, tôi nhận thấy rằng lý do khiến Cha Piô trì hoãn việc ban ơn tha tội thường là vì người phụ nữ sau khi phá thai chưa thực sự ăn năn. Trong một trường hợp, một người phụ nữ đã nghiện thuốc sau khi phá thai và bị từ chối được nhận lãnh ơn tha tội vì người phụ nữ ấy không thực sự ăn năn. Cô ấy phải thực sự ăn năn, và điều này mất cả một năm trời. Nhưng khi cô trở về với tình trạng ăn năn thực sự, Cha Pio đã tha tội cho cô. Dù trước đó cô ấy là một tín hữu đã bỏ đạo, nhưng từ đó cô bắt đầu đi xưng tội mỗi tuần một lần. Cô trở nên vui tươi hơn bao giờ hết và đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào thuốc an thần. Biết bao người, khi thực hành việc xưng tội hằng tuần, đã tìm lại được sự bình an sâu thẳm hơn cả điều họ có thể nghĩ tới.
Song song với việc lãnh nhận các bí tích, Cha Piô luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc suy niệm. Ngài dạy rằng: “Suy niệm là chìa khóa để tiến triển trong sự hiểu biết chính mình cũng như trong sự hiểu biết Thiên Chúa, và nhờ đó, chúng ta đạt được mục tiêu của đời sống thiêng liêng, đó là được biến đổi trong Đức Kitô.” Suy niệm chính là “chìa khóa” dẫn đến sự hiểu biết bản thân và sự hiểu biết Đấng Toàn Năng, đồng thời là con đường để Đức Kitô thực sự biến đổi chúng ta từ bên trong. Có lẽ chúng ta cần xin ơn Chúa giúp mình để thực sự ghi khắc lời dạy của Cha Piô về việc suy niệm bằng trái tim và thực hành phương pháp mà ngài đã chỉ dẫn.
Những lời dạy của Cha Piô về việc suy niệm và xét mình là hai mặt của cùng một đồng xu: theo ngài, suy niệm như một tấm gương phản chiếu linh hồn, giúp chúng ta nhận ra những thất bại của bản thân; còn việc xét mình với lòng khiêm nhường và chủ đích sẽ dẫn chúng ta đến việc thừa nhận tội lỗi và đối diện với lương tâm của chính mình. Sau đó, chúng ta mang ý thức về bản thân đầy vết thương tội lỗi ấy đến tòa giải tội và kinh nghiệm được sự thanh sạch của linh hồn chúng ta.
Cha Piô thường tỏ ra tức giận khi có người đến tòa giải tội mà không chuẩn bị kỹ lưỡng việc xét mình. Điều đó buộc ngài phải dành thêm thời gian để hướng dẫn họ, thời gian mà có lẽ nên dành cho những hối nhân khác đang thực sự cần. Đã có rất nhiều trường hợp, người ta đến với Cha Piô chỉ vì tò mò, mà không thực sự xét mình cách nghiêm túc. Điều này làm cho Cha Pio tức giận và góp phần tạo nên tiếng đồn rằng ngài nóng tính. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn việc đó từ quan điểm của ngài: Cha Piô thường bị đối xử như một trò vui mang tính lễ hội, như một điểm đến phải ghé qua trong danh sách du lịch, và tệ hơn cả, như một “người kỳ dị.”
Việc xét mình cẩn trọng là một hành vi vị tha và trao ban, đòi hỏi chúng ta phải nghĩ đến người khác, nhìn nhận cách chân thành những thiếu sót của bản thân, và dứt khoát quyết tâm trước mặt Chúa là không tái phạm những điều đã gây tổn thương cho mình hoặc cho tha nhân. Việc xét mình là điều cần thiết để chấm dứt vòng luẩn quẩn của việc xưng tội mà không có mục đích hoán cải cần thiết và kiên quyết.
Tôi xin được quay lại lời khuyến dụ của Cha Piô về việc rước lễ hằng ngày. Ngài thường nói: “Trừ khi con chắc chắn mình đang ở trong tình trạng tội trọng, thì con phải rước lễ mỗi ngày.” Có lần, Cha Piô đã quở trách nặng lời một người đàn ông chỉ vì ông ta ngủ quên và không đến tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thận trọng để không biến Cha Piô thành một hình mẫu cực đoan hay cuồng tín, như thể ngài không bao giờ chấp nhận ngoại lệ. Trường hợp sau đây minh chứng rằng ngài rất linh hoạt, đặc biệt là với những người sống bậc hôn nhân:
Rosa, một người con thiêng liêng của Cha Piô, cảm thấy hoang mang. Cha Piô đã ra lệnh cho cô ở nhà, không được đến tham dự thánh lễ do ngài cử hành. Rosa và Cha Piô có một câu chuyện dài: chồng của Rosa, Giovanni, đã bị mù khi một quả thuốc nổ phát nổ trúng mặt anh, chính Cha Piô đã chuyển cầu để anh được phục hồi thị lực. Vì thế, trong lần này, Rosa, khi ấy đã mang thai được tám tháng, đã vâng lời Cha Piô và ở nhà, dù điều đó trái với chương trình tham dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày mà ngài từng hướng dẫn cô. Và cô rất mừng vì đã nghe lời ngài, bởi ngay hôm đó, cô chuyển dạ và sinh một bé trai sinh non nhưng hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu hôm đó cô cố đến thánh lễ, có lẽ cô đã phải sinh con ngay trên chuyến xe buýt!
Chuyển ngữ: Nữ tu Têrêsa Thuỳ Dung
Nguồn: catholicexchange.com