LỜI CHỦ CHĂN GIÁO
PHẬN XUÂN LỘC
THÁNG 6 – NĂM 2022
“Đấng ngự trên
ngai đã phán:
‘Này Ta làm mới mọi sự’” (Kh 21: 5)
Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,
Là người đã lãnh nhận Thánh ân Linh mục, đã tuyên khấn hiến
dâng cuộc đời cho Chúa và cho tha nhân, chúng ta được Mục tử nhân lành ủy thác
đặc biệt sứ mạng cứu thế của Người. Trong khi nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng,
chúng ta hãy lưu tâm lời khuyên nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô[1]. Cần làm sáng
tỏ tâm điểm của Tin Mừng: Vẻ đẹp và tình thương cứu độ của Thiên
Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết. Vượt lên trên
những bận tâm với việc thông truyền thật nhiều giáo thuyết phải theo, sứ điệp cần
tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, hấp dẫn nhất
và đồng thời cần thiết nhất. Chân lý thâm sâu của sứ điệp trở nên mạnh
mẽ và thuyết phục.
Nghiền ngẫm Phụng vụ Lời Chúa mùa Phục sinh, chúng ta khám
phá tâm điểm của Tin Mừng qua lời sách Khải Huyền: ‘Đấng ngự trên ngai
phán: Này Ta làm mới mọi sự’ (Kh 21: 5). Con Chiên chịu sát tế và phục
sinh làm mới mọi sự trong chính Ngài là cái mới mẻ tuyệt đối của Thiên Chúa cứu
độ.
1. Cái mới đầu tiên căn bản, vô tiền khoáng hậu, Chúa
Kitô, Thiên Chúa làm người, chịu đóng đinh thập giá và từ cõi chết sống lại. Biến
cố quá mới khiến chính các Tông đồ thoạt tiên ‘hoài nghi’ (Mt 28: 17), ‘hoảng hồn’
(Lc 24: 22), ‘lòng chai đá’ (Mc 16: 14)… Các Thượng tế và hàng niên trưởng bóp
méo sự thật, dặn dò lính canh: ‘Các anh hãy nói: Môn đồ hắn đã đến ban đêm, trộm
hắn, đang lúc chúng tôi ngủ’ (Mt 28: 13). Tại Athena, nước Hy Lạp, khi Phaolô
loan báo Đức Kitô sống lại từ cõi chết, ‘vừa nghe đến việc người chết sống lại,
thì có kẻ cười nhạo, có kẻ lại rằng: Chúng tôi mong được nghe ông lại khi khác
nữa về điều ấy’ (TđCv 17: 32)… Cùng với sự kiện mồ trống, chính Chúa Kitô Phục
Sinh ban Thánh Thần đưa các Tông đồ vào chân lý vẹn toàn, làm cho các ông trở
thành những con người mới của ‘ngày thứ nhất trong tuần’ (Ga 20: 21) lấy mạng sống
mình làm chứng điều cực kỳ mới mẻ ‘đã thấy đã nghe’ (TđCv 4: 20).
2. Chúng ta hãy hướng về Công đồng đầu tiên tại
Giêrusalem. Giáo hội từ khởi thủy xác tín Chúa Kitô là sự mới mẻ tuyệt
đối. Một cuộc tranh luận về một vấn đề quan trọng được đặt ra cho Giáo hội
sơ khai. ‘Có những người Biệt phái đã tin, đứng dậy tuyên bố phải bắt người ngoại
chịu cắt bì và truyền cho họ giữ luật Môsê’ (CvTđ 15: 5). Cuộc tranh luận phản
ánh sự việc nghiêm trọng tiêu biểu diễn ra tại cộng đoàn tín hữu Antiokia: ‘cái
cũ – cái mới’ (Rm 6: 3.4; Gal 2: 3-21) và nỗ lực của Giáo hội đi tìm ‘sự thật của
Tin Mừng’ (Gal 2: 5). Thánh Phêrô, hiệp thông với Tông đồ Phaolô, Giacôbê, đã đứng
dậy nói với cộng đoàn về ân huệ dân ngoại đã được nghe Tin Mừng. ‘Thiên Chúa…
đã ban Thánh Thần cho họ cũng như cho chúng ta. Và Người đã không đặt một chút
phân biệt nào giữa ta và họ.’ (CvTđ 15: 8.9). Sau đó, các Tông đồ và cộng đoàn
Giêrusalem gởi các sứ giả mang theo bức thư gởi tín hữu Antiokia, qua đó,
‘Thánh Thần và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em’
(CvTđ 15: 28)… Đức Kitô là sự mới mẻ tuyệt đối của ơn cứu độ.
3. Chúa Kitô Phục Sinh đã làm nên một cộng đoàn chứng
nhân ‘mới mẻ’, ‘Đại hội mới’, Giáo hội được thiết lập trên nền tảng
các Tông đồ, với Phêrô làm đầu, những người được Chúa Kitô Phục Sinh ‘thổi hơi
trên họ và nói với họ: ‘Hãy chịu lấy Thánh Thần’ (Ga 20: 22). Những chứng nhân
được tuyển chọn này là những người đã ở cùng Đức Giêsu ‘suốt cả thời gian Người
đã ra vào giữa họ, khởi từ lúc Gioan thanh tẩy, cho đến ngày Người được cất khỏi
họ’ (x. TđCv 1: 21). Họ lấy mạng sống làm chứng Tin Mừng. Bên cạnh các Tông đồ,
nổi bật ban đầu là Phêrô và Gioan, Tông đồ Phaolô sau hành trình truyền giáo thứ
nhất (năm 45-48), trở về cộng đoàn Antiokia, đã ‘trần thuật lại mọi điều Thiên
Chúa đã làm với các ông, là Thiên Chúa đã mở cửa đức Tin cho các dân ngoại’ (TđCv
14: 27). Giáo hội của Chúa là Công giáo, giang rộng đôi tay và tấm lòng đón
toàn nhân loại.
4. Không thể tìm thấy nơi đâu, trong bất kỳ niềm tin nào…
loại lương thực ‘mới mẻ’ và ý nghĩa hơn, ‘lương thực sẽ lưu lại mãi đến
sự sống đời đời, mà Con Người sẽ ban… vì chính Người là Đấng mà Cha và là Thiên
Chúa đã niêm ấn’ (Ga 6: 27), ‘Bánh bởi trời đích thật’ (Ga 6: 32), ‘ai ăn thịt
Ta và uống máu Ta thì lưu lại trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, Đấng
hằng sống, đã sai Ta, và Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ
Ta’ (Ga 6: 56.57). Dù ‘trong các môn đồ của Ngài có nhiều người nói: ‘Lời chi
mà sống sượng thế! Ai nào có thể nghe nổi ?’ (Ga 6: 60), ‘nhiều môn đồ đã rút
lui’ (Ga 6: 66), nhưng Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh: ‘Lời Ta đã nói…
là Thần Khí và là sự sống’ (Ga 6: 63).
5. Theo dòng lịch sử nhân loại, Giáo hội luôn là dân đăng
trình. Hằng ngày dân đăng trình được nên mới nhờ sống lòng
Tin: ‘Bánh sự sống, chính là Ta! Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và kẻ tin
vào Ta sẽ không hề khát bao giờ’ (Ga 6: 35); hô hấp lòng mến: ‘Lạy
Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa’ (Ga 21: 17); và giữa
những thăng trầm lịch sử, không ngơi nguyện cầu hướng về ‘niềm hy vọng hồng
phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con’… Dân Thiên
Chúa đăng trình, Chúa Kitô mục tử dẫn đường, về quê hương, cõi phúc nơi
Chúa Cha. ‘Thầy đi dọn chỗ cho các con. Và nếu Thầy ra đi và dọn chỗ cho
các con, thì Thầy sẽ đến lại và đem các con theo Thầy, để Thầy ở đâu các con
cũng ở đó’ (x. Ga 14: 2.3).
Anh chị em thân mến,
Đức cha Jacques-Bénigne Bossuet (1627-1704) nhận định: ‘Sách
Khải Huyền là Tin Mừng Chúa Phục Sinh’. Phụng vụ trên trời mới đất mới công
bố Tin Mừng cho dân Chúa trong thân phận đăng trình: ‘Đấng từ trên ngai
phán: ‘Này Ta làm mới mọi sự’ (Kh 21: 5).
Chúng ta hãy hân hoan loan Tin Mừng, ‘cái mới’
vô tiền khoáng hậu này…
Chúng ta hãy đón nhận vào cuộc đời Đấng đổi
mới mọi sự… và sốt sắng nguyện cầu trong tâm tình tháng sáu tôn thờ Thánh Tâm:
+ Gioan Đỗ Văn
Ngân
Giám mục Giáo phận
Xuân Lộc
Nguồn: giaophanxuanloc.net
(12.6.2022)