LOAN BÁO TIN MỪNG: PHIM KHÔNG CHỈ LÀ ẢO ẢNH
Vi Hữu -
Jenith Sekar
WGPSG (25.7.2021) - Người có công nhiều
nhất trong việc làm cho suy nghĩ và ý tưởng của đạo diễn trở thành ‘thực tại’
đầy sức sống, chính là ‘nhà quay phim'...
KHÔNG
CHỈ LÀ ẢO ẢNH
Phim ảnh không chỉ là ảo ảnh, cũng không chỉ là
những hình ảnh diễn tả phần nào đời thực, không chỉ mang phần nào bóng dáng của
thực tại.
Nói cho đúng, phim ảnh chính là một dạng thực tại
đặc biệt. Đạo diễn Jean-Luc Goddard đã nghĩ như thế khi ông nhận định: “Điện
ảnh không phản ảnh thực tại (reflection of reality), mà chính là ‘thực tại được
phản ảnh’ (reality of reflection)”.
Trước khi trở thành một thực tại được mọi
người nhận biết, phim được cưu mang dưới dạng những ý tưởng trong đầu của nhà
biên kịch và đạo diễn. Sau đó đoàn làm phim đã biến những ý tưởng này
thành bộ
phim. Và khi được công chiếu, phim đã trở thành một dạng thực tại đặc
biệt hấp dẫn, cuốn hút nhiều người tham gia vào thực tại này bằng cách xem
phim. Khi đó phim đi vào tâm tưởng người xem, cuốn hút họ hành động theo một
cách thức nào đó, và như thế phim ảnh đã đi vào đời thường của con người trong
xã hội: phim ảnh đã trở thành một thực tại xã hội, góp phần biến đổi xã hội như
rất nhiều thực tại khác trong xã hội.
Một ví dụ cụ thể, từ lúc phim ảnh ra đời đến
nay, thập niên nào cũng có những bộ phim tiêu biểu và chất lượng về Chúa Giêsu,
diễn tả cách nhìn của con người trong thập niên đó về Đấng Cứu Thế. Khi xem
phim về Chúa Giêsu, khán giả không chỉ thấy những ảo ảnh chóng qua về Chúa
Giêsu, mà có thể bắt gặp những hình ảnh sống động về Ngài, ghi khắc sâu đậm
bóng dáng của Ngài vào trong tâm tưởng của mình, để có thể thực sự sống với
Ngài một cách sâu đậm nhất trong khi xem phim và sau khi xem phim. Như vậy
những bộ phim về Chúa Giêsu cũng là những thực tại thật quý giá, có khả năng
đưa người xem đi vào thực tại Giêsu trong lòng mình và trong lòng xã hội hôm
nay.
Đối với các nhà làm phim, ‘thực tại được phản ảnh’
của phim ảnh cần phải được ‘hiện thực’ (trở thành thực tại) nhiều hơn nữa, nhờ
những kỹ thuật điện ảnh được sử dụng mỗi ngày một thêm điêu luyện.
KỸ
THUẬT QUAY PHIM
Người có công nhiều nhất trong việc làm cho suy
nghĩ và ý tưởng của đạo diễn trở thành ‘thực tại’ đầy sức sống, chính là ‘nhà
quay phim (DP: Director of Photography)’.
Với sự tư vấn của đạo diễn, nhà quay phim có thể
thực hiện được những tác phẩm hình ảnh sống động và hấp dẫn khi điều khiển
những chuyển động của máy quay, góc máy, ánh sáng, bố cục, khung hình và thậm
chí cả vị trí của đối tượng.
Nhà quay phim giỏi có thể đưa người xem lên tầm cao
của cõi thiên đường khi giúp họ hình dung được cõi thiên đường ấy nhờ những
hình ảnh đầy tính sáng tạo và thẩm mỹ trong các cảnh quay do nhà quay phim cung
cấp.
Trong cuốn ‘Film: A Critical Introduction’, tác giả
Tom Wallis nói: “Kỹ thuật điện ảnh không chỉ đơn giản thể hiện chuyên môn kỹ
thuật, mà còn khơi gợi những phản ứng tình cảm, trí tuệ và óc thẩm mỹ.” Nếu nhà
văn sử dụng ngôn từ để diễn tả suy tư của họ, thì nhà quay phim sử dụng hình
ảnh để miêu tả ý tưởng của mình.
Vì thế, muốn đánh giá một bộ phim truyện, người xem
cần có những kiến thức về kỹ thuật quay phim, nhờ đó có thể hiểu được cách diễn
tả trong phim và cách hình thành bộ phim.
Các kỹ thuật quay phim chủ yếu xoay quanh: khoảng
cách, tiêu điểm, chuyển động và góc nhìn của máy quay. Dưới đây là một cái nhìn
thoáng qua về các kỹ thuật ấy.
KHOẢNG
CÁCH CỦA MÁY QUAY
Khoảng cách của máy quay (Camera distance) xác lập
khoảng cách xa hay gần giữa người xem phim và các nhân vật trong phim: người
xem phim thấy nhân vật trong phim đang ở xa, hay đang cận kề bên mình, trong
một bối cảnh cụ thể.
Khoảng cách của máy quay cũng cho thấy vai trò của
máy quay trong việc ghi hình ảnh các đối tượng: nhân vật và khung cảnh trong
phim sẽ có những kích cỡ khác nhau (còn được gọi là các cỡ cảnh: toàn cảnh
rộng, toàn cảnh, trung cảnh dài, trung cảnh ngắn, cận cảnh, đặc tả...) khi
người quay phim sử dụng máy quay ở những khoảng cách khác nhau như: cực xa
(extreme long), xa (long), trung bình xa (medium), trung bình gần (medium close-up),
gần (close-up), cực gần (extreme close-up)…
Extreme
Long shot (ELS):
‘Cảnh quay cực xa’ cho thấy chi tiết môi trường chung quanh đối tượng. Nhân vật
trong cảnh quay này được thấy toàn thân và hòa nhập trong môi trường của mình
(toàn cảnh rộng).
Long
shot (LS): Trong
‘cảnh quay xa’, hình đối tượng được nhìn thấy từ đầu đến chân với một số chi
tiết của hậu cảnh. ‘Cảnh quay xa’ thiết lập tính cách của nhân vật trong tâm
trí người xem phim. Nó cũng cho thấy đối tượng có thoải mái hay không đối với
môi trường chung quanh mình (toàn cảnh).
Medium
Shot (MS): ‘Cảnh
quay trung bình xa’ sẽ cho thấy hình nhân vật từ thắt lưng lên đến đầu. Nó cũng
cho thấy các chuyển động của tay, và xác định hành động cũng như cử chỉ của đối
tượng. Trong ‘cảnh quay trung bình xa’, đối tượng và môi trường được quan tâm
ngang bằng nhau (trung cảnh dài).
Medium
Close-up Shot (MCU): ‘Cảnh quay trung bình gần’ cho thấy đầu và vai người từ ngực trở lên.
Các nhà quay phim sử dụng các cảnh quay trung bình gần để tập trung vào các
cuộc đối thoại và diễn tả mối tương tác của các nhân vật (trung cảnh
ngắn).
Close-up
Shot (CS): ‘Cảnh
quay gần’ cho thấy đầu và cổ của nhân vật với rất ít chi tiết hậu cảnh. ‘Cảnh
quay gần’ sẽ làm nổi bật những biểu cảm trên khuôn mặt, những dấu hiệu cảm xúc
và những manh mối khám phá ra được từ nét mặt của nhân vật (cận cảnh).
Extreme
Close-up Shot (ECS): Trong ‘cảnh quay cực gần’, chỉ một phần khuôn mặt của nhân
vật được hiển thị. Nó đưa người xem phim vào gần gũi với nhân vật trong phim,
thấy rõ các đặc điểm trên khuôn mặt của nhân vật như chuyển động mắt, mí mắt, kết
cấu của da, trán, môi, mũi và các chi tiết khác trên khuôn mặt. Trong ‘cảnh
quay cực gần’, cảm xúc của các nhân vật trong phim được trình bày rất chi tiết
và trực quan (đặc tả).
Trong thực tế, một người quay phim không thể đánh
giá ngay tại chỗ: khoảng cách nào là thích hợp nhất để tức thời bấm máy đúng
khoảng cách. Vì thế cần có nhiều máy quay, đặt ở những khoảng cách khác nhau,
và bấm máy cùng một lúc, để có những cảnh quay ghi được những kích cỡ khác nhau
(toàn, trung, cận...) của cùng một đối tượng trong cùng một thời điểm. Những
cảnh quay ấy sẽ được gửi về cho người dựng phim để chọn lựa ra được một cảnh
quay thích hợp nhất.
TIÊU
ĐIỂM CỦA MÁY QUAY
Cùng với việc xác lập khoảng cách giữa người
xem phim với đối tượng trong phim, việc lấy nét cho thật rõ đối tượng
trong phim là điều cực kỳ quan trọng. Cảnh quay có thể chỉnh sửa được nếu nó bị
phơi sáng ít hoặc phơi sáng quá mức. Nhưng nếu đối tượng trong cảnh quay bị mất
nét, không thấy rõ, thì cảnh quay ấy không còn sử dụng được nữa.
Vì thế, việc xác định được tiêu điểm để lấy
nét cho tiêu điểm là điều cực kỳ cần thiết. Tiêu điểm là điểm quan trọng trong
khung hình, luôn cần phải được làm cho thật rõ nét.
Các nhà quay phim sử dụng tính thẩm mỹ của tiêu
điểm để truyền tải ý nghĩa và thông điệp của phim. Tính thẩm mỹ của việc lựa
chọn tiêu điểm thể hiện qua việc ‘lấy nét sâu (deep focus)’, hoặc ‘xóa phông
nền (defocus)’ hay ‘chuyển đổi tiêu điểm (shift focus)’.
Deep
focus: Trong Deep
Focus (lấy nét sâu), cả tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh của cảnh quay đều
được lấy nét. Ví dụ: trong một chuỗi khiêu vũ, cả nhân vật chính và các nghệ sĩ
nhảy làm nền đều được lấy nét cho thật rõ. James Wong Howe (1899-1976) là nhà
quay phim được ngưỡng mộ nhất ở Hollywood, người đã giới thiệu kỹ thuật lấy nét
sâu trong các rạp chiếu phim Hollywood trong thời kỳ hoàng kim đó.
Defocus: Ngược lại với việc
‘lấy nét sâu (deep focus)’ chính là ‘xóa phông nền (defocus)’. Đây là một yếu
tố khác của kỹ thuật quay phim: đối tượng ở tiền cảnh được lấy nét thật rõ
trong khi hậu cảnh thì bị mất nét. Các nhà quay phim sử dụng hiệu ứng của kỹ
thuật này để làm nổi bật vẻ đẹp và tầm quan trọng của đối tượng và do đó thu
hút sự chú ý hoàn toàn vào đối tượng.
Shift
focus: ‘Chuyển đổi
tiêu điểm’ - thay đổi đối tượng cần lấy nét theo thứ tự đã được định trước -
nhằm giải quyết việc thay đổi tiêu điểm từ chủ thể ở tiền cảnh sang chủ thể ở
hậu cảnh. Khi đối tượng này được lấy nét, đối tượng khác sẽ bị mất nét. Sự thay
đổi tiêu điểm, thay đổi đối tượng cần lấy nét, diễn ra một cách có hệ thống và
theo chu kỳ phù hợp, tùy theo tầm quan trọng của nhân vật và thông điệp được
truyền tải.
CHUYỂN
ĐỘNG CỦA MÁY QUAY
Sau khi xác lập được được khoảng cách từ người
xem phim đến nhân vật trong phim và xác định được tiêu điểm cần lấy nét,
các nhà quay phim bắt đầu thực hiện chuyển động của máy quay (còn
được gọi là động tác máy). Các chuyển động này bao gồm: Pan, Tilt,
Pedestal, Dolly, Truck, Roll, Boom/Crane, Aeral Shot, Hand-held, Zoom in, Zoom
out…
Các chuyển
động của máy quay phim sẽ truyền đạt ý nghĩa và thông điệp của phim, đưa khán
giả đến một thế giới hấp dẫn, làm cho họ chìm đắm vào cảm xúc của nhân vật và
đón nhận được những cảm giác mà nội dung phim muốn gửi đến cho họ, nhờ những
chuyển động thích hợp của máy quay phim.
Trước hết, chuyển động lia ngang và lia dọc (pan và
tilt) của máy quay phim khiến người xem bị cuốn vào lãnh địa vật lý và tâm lý
của câu chuyện.
Pan: Chuyển động lia máy
quay theo chiều ngang (lia máy quay từ trái sang phải - hay ngược lại -
theo một trục nằm ngang trong khi đế của nó vẫn ở một vị trí cố định) - được
Edwin Poter giới thiệu lần đầu trong phim ‘Cuộc đời của một người lính
cứu hỏa Mỹ’ - chủ yếu được sử dụng để thiết lập cảnh trí, vị trí, sao cho phù
hợp với những cảnh quay ở bối cảnh rộng lớn như ngoài trời. Động tác máy
này giúp người quay lấy được toàn cảnh môi trường mà không cần sử dụng ống
kính góc rộng.
Swish
Pan: Chuyển
động ngang thật nhanh của máy quay diễn tả sự căng thẳng, sợ hãi và các
tình huống kinh hoàng đang gia tăng.
Tilt: Chuyển động máy
quay, nghiêng lên lên hoặc nghiêng xuống, trong khi vẫn giữ trục ngang của
nó không đổi - giống như khi đầu của bạn cúi xuống và ngẩng lên - đó chính là
chuyển động Tilt. Chuyển động này chủ yếu dùng để biểu thị cái nhìn chủ
quan về vị thế cao hay thấp của các nhân vật. Khi máy quay nghiêng lên trên
theo chiều dọc để quay một nhân vật đang nhìn xuống người khác, hình ảnh thu
được sẽ cho thấy sự thống trị và kiêu ngạo của nhân vật này đối với người kia.
Khi nghiêng máy quay xuống dưới theo chiều dọc, khán giả cảm nhận được thái độ
kém cỏi, phục tùng, dễ bị tổn thương hoặc tầm thường của đối tượng mà máy quay
đang hướng về. Do đó, động tác tilt của máy ảnh nhằm truyền tải tâm trạng và
thông điệp về sự xung đột giữa các nhân vật.
Dolly là bệ lăn, được các nhà
quay phim sử dụng để đặt máy quay có trọng lượng lớn lên trên chiếc bệ đó và di
chuyển máy quay này - tới hay lui - mà không bị giật hoặc rung. Dolly-in có
nghĩa là tiến về phía trước cùng với đối tượng, còn dolly-out có
nghĩa là lùi lại phía sau với máy quay, giữ nguyên mức thu phóng. Những cảnh
quay tiến hay lùi được thực hiện trên bệ lăn, tạo nên mối tương quan chuyển
động đều giữa máy quay và đối tượng. Bằng cách sử dụng bệ lăn, các chuyển động
Dolly liền mạch của máy quay đưa người xem đi vào chiều sâu nội tâm của
chủ thể, nhấn mạnh biểu cảm của nhân vật trong các cảnh đối thoại quan
trọng, bằng cách di chuyển máy quay theo sát khuôn mặt cùng với những biểu cảm
của các nhân vật.
Truck: Chuyển động Truck của
máy quay, giống như chuyển động Dolly, nhưng không phải là chuyển động tới hay
lui, mà là chuyển động ngang (sang bên trái hoặc sang bên phải). Và cũng
khác với Pan, trong chuyển động Truck, máy quay không xoay quanh một trục cố
định, nhưng toàn bộ máy quay di chuyển ngang, đi theo nhân vật, dọc
theo một đoạn đường. Chuyển động Truck của máy quay cung cấp độ tương phản
trong chuyển động của máy quay từ cảnh này sang cảnh tiếp theo để cho
người xem biết sự thay đổi về tốc độ.
Roll: Chuyển động Roll
của máy quay diễn ra khi máy quay xoay tròn theo đường chéo, làm cho hình
ảnh có vẻ lung lay, thường được sử dụng để gợi ý nhân vật đang bị ốm hoặc bị
‘phê thuốc’.
Aerial
shots: Máy
quay - gắn trên ‘máy bay không người lái (drone)’ hoặc ‘máy bay trực thăng (helicopter)’
- thực hiện ‘cảnh quay từ trên không’, tạo ra tầm nhìn toàn cảnh và cung cấp
thông tin một cách ấn tượng. Các ‘cảnh quay trên không’ giúp người xem hiểu rõ
hơn về những gì đang xảy ra, trong một cảnh tượng bao la mà người xem có thể
quan sát được với tầm nhìn rộng đến 360 độ ảo, thay vì chỉ thấy được ở một góc
nhìn chật hẹp của máy quay. ‘Cảnh quay trên không’ giúp người xem xác định được
nhân vật cùng với toàn thể không gian hoạt động rộng lớn của nhân vật này trong
phim.
Hand-held
camera movement: Những
cảnh quay - được nhà quay phim thực hiện với máy quay được cầm chắc trong tay -
khiến khán giả khi xem phim sẽ hòa nhập trọn vẹn chính mình vào nhân vật của
phim. Những khúc phim được quay theo cách này sẽ làm cho khán giả trở nên một
với máy quay; màn hình không còn là một bức tường nữa nhưng đã trở thành một
không gian mà khán giả có thể đi vào và chìm đắm trong thế giới mới do phim tạo
ra. Những người theo chủ thuyết ‘Điện Ảnh Trực Tiếp’ và ‘Làn Sóng Mới’ đã sử
dụng kỹ thuật ‘máy quay cầm tay’ để ghi lại tình huống thực tế bằng cách cầm
vững máy quay và di chuyển cùng nhịp với đối tượng.
Zooming
in: Không di
chuyển máy quay; chỉ xoay ống kính từ Wide (cảnh quay xa) đến Télé (cảnh quay
gần). Đối tượng được phóng to ra giúp khán giả thấy được các chi tiết của nhân
vật mà ngay trước đó không nhìn thấy. ‘Zooming in’ được sử dụng để gây ngạc
nhiên cho người xem về nhân vật.
Zooming
out: Không di
chuyển máy quay; chỉ xoay ống kính từ Télé (cảnh quay gần) đến Wide (cảnh quay
xa) khiến khán giả ngạc nhiên về môi trường xung quanh nhân vật vì phát hiện
thêm nhiều chi tiết của hậu cảnh.
GÓC
NHÌN CỦA MÁY QUAY
Nhà quay phim được coi là thành công khi đặt được
máy quay của mình vào đúng vị trí thích hợp, khiến khán giả thấy được cảnh quay
đúng với góc nhìn của nhà làm phim.
Thông tin, ý tưởng và tâm trạng của khán giả sẽ
khác nhau khi họ xem những đoạn phim thu được từ những góc quay khác nhau.
Những góc quay thích hợp có được là nhờ nhà quay phim trước đó đã chọn đúng
khoảng cách, tiêu điểm và chuyển động của máy quay.
Có thể kể ra một số góc nhìn chính yếu của máy quay
phim: Bird's eye, Worm’s eye, High angle, The point of View, Eye-level, Dutch
angel, Over-the-shoulder…
Bird's
eye: Góc
nhìn Bird's eye (mắt chim) của máy quay chủ yếu đưa các nhân vật và mối quan hệ
của họ vào trong bối cảnh rộng lớn của chuyện phim. Các nhà quay phim sử dụng
‘máy bay không người lái (drone)’, máy bay trực thăng hoặc cần cẩu để có được
những cảnh quay ở góc nhìn Bird's eye. Nó tạo ra một hiệu ứng tối giản nhưng
đầy tính thẩm mỹ, lôi cuốn người xem cách mãnh liệt, đồng thời cho thấy
sự hào hùng và tầm mức hoạt động rộng lớn của các nhân vật trong phim.
Worm’s
eye: Góc máy
Worm’s eye (mắt giun) - đối lập với góc máy Worm’s eye - được thực hiện khi máy
ảnh được đặt từ vị trí chạm mặt đất và hướng ống kính lên phía trên. Nó cung
cấp các chi tiết rất nhỏ, mà mắt chúng ta thường không nhìn vào, để nó truyền
đạt được kích thước, thể tích và cử chỉ nổi trội của đối tượng.
High angle: Góc máy High angle được thực hiện khi máy quay ở vị trí cao hơn so với đối tượng, thường được dùng để khắc họa điểm yếu và tính dễ bị tổn thương của đối tượng.
The
point of View: Góc
máy Point of View hiển thị góc nhìn của chính đối tượng. Nó tập trung vào bất
cứ thứ gì được đối tượng nhìn đến và tương tác. Góc máy này giúp người xem nhận
biết chủ thể và đặt mình vào hành động của chủ thể. Khi làm phim về các sắc
tộc, các nhà quay phim thường sử dụng ‘máy quay cầm tay’ với góc máy Point of
View để tạo ra cảm giác nắm bắt thời sự thực tế nơi người dân địa phương đang
sinh sống.
Eye-level: Góc máy ‘ngang tầm
mắt’ tạo cho người xem cảm giác đang tham gia vào các mục tiêu chính của các
nhân vật trong phim. Những cảnh quay này chủ yếu được sử dụng cho các chương
trình đọc tin tức và phỏng vấn. Các nhà quay phim tận dụng hiệu quả của góc máy
‘ngang tầm mắt’ để nhấn mạnh phản ứng và cảm xúc của các nhân vật.
Over-the-shoulder: Góc máy ‘qua vai’ thiết
lập khoảng cách giữa nhân vật và những gì nhân vật đang quan sát, chủ yếu được
sử dụng trong cuộc trò chuyện giữa hai đối tượng và để tạo ra mối quan hệ không
gian giữa cả hai.
KẾT
LUẬN
Để đánh giá một cảnh quay, người xem phim có thể
đặt những câu hỏi theo thứ tự:
- Cảnh quay này thuộc cỡ cảnh nào: toàn cảnh rộng,
toàn cảnh, trung cảnh dài, trung cảnh ngắn, cận cảnh, đặc tả... (khoảng
cách nào của máy quay: cực xa, xa, trung bình xa, trung bình gần, gần, cực
gần...)? Tại sao nhà quay phim lại chọn cỡ cảnh hay khoảng cách ấy?
- Cảnh quay này được nhìn dưới góc quay nào: từ
dưới lên, từ trên xuống, ngang tầm mắt, qua vai, dưới góc nhìn của nhân vật,
theo đường chéo...? Tại sao nhà quay phim chọn góc quay này?
- Góc quay này được thực hiện nhờ chuyển động nào
của máy quay: Pan, Tilt, Pedestal, Dolly, Truck, Roll, Boom/Crane, Aeral
Shot, Hand-held, Zoom in, Zoom out…? Tại sao nhà quay phim lại sử dụng chuyển
động ấy của máy quay?
- Tiêu điểm có rõ nét không? Nhà quay phim
chọn tiêu điểm như thế nào: lấy nét sâu (deep focus), hoặc xóa phông
nền (defocus), hay chuyển đổi tiêu điểm (shift focus)?
Trong bộ phim ‘Jesus 1999’, ngay trong phút đầu
tiên, vào giây thứ 27 (0:00:27), nhà quay phim sử dụng ‘cảnh quay cực gần (ECS
- đặc tả)’ với góc nhìn ‘high angle’ của máy quay từ trên cao nhìn xuống, đã
cho người xem thấy rõ những cảm xúc nơi khuôn mặt của Chúa Giêsu đang nằm trên
mặt đất trong hoang mạc, đang nghĩ về bao cảnh tang thương của nhân loại. Sau
đó, nhà quay phim sử dụng chuyển động Roll 180 độ của máy quay để đột ngột xoay
khuôn mặt của Chúa Giêsu đảo ngược từ dưới lên trên.
Cảnh quay này đưa người xem vào gặp gỡ một Giêsu
rất gần gũi với họ, đang ở với họ trong cát bụi cuộc đời, đang thương xót chia
sẻ với họ mọi nỗi gian truân của cuộc sống.
Bộ phim đã đưa người xem vào ‘thực tại Giêsu’ rất sống động trong tâm hồn con người và trong lòng thế giới hôm nay.
Nhiều người trên thế giới đã từng làm những bộ phim
có giá trị Tin Mừng như thế.
Trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh Covid-19, để
giải khuây, ta có thể sử dụng máy quay gia đình hoặc điện thoại di động để quay
lại những sinh hoạt gia đình với những nhân vật thân thương ở trong nhà. Đó sẽ
là những khúc phim kỷ niệm quý giá. Và nếu ta có thể nghĩ ra những câu chuyện
nho nhỏ, có kịch tính và mang đôi chút giá trị Tin Mừng, ta có thể gợi ý cho
người trong nhà diễn xuất, rồi quay lại những cảnh diễn xuất đó để tạo ra những
phim truyện ngắn Công giáo thú vị. Những phim này, dù đơn sơ thôi, cũng có khả
năng đưa người xem vào ‘thực tại Giêsu’ với những giá trị Tin Mừng của Ngài.
Rất mong có nhiều bộ phim đưa người xem vào ‘thực
tại Giêsu’ như thế…
Vi Hữu (TGPSG)
Tham khảo Jenith
Sekar (giảng viên khóa TOT 2021)
Nguồn: tgpsaigon.net