BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ Vọng Phục Sinh năm B

THINH LẶNG HAY CÔNG BỐ NIỀM VUI TIN MỪNG

Tối thứ Bảy ngày 31.03.2018, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Đêm Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đây là bài giảng của ngài:

Anh chị em thân mến!

Chúng ta đã bắt đầu buổi Phụng Vụ này từ bên ngoài, bị dìm vào trong bóng tối của đêm đen và với cái lạnh đi kèm của nó. Chúng ta cảm thấy gánh nặng của sự lặng thinh khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu, đó là một sự lặng thinh mà mỗi người trong chúng ta đều tái nhận ra mình trong đó, và sự lặng thinh đó đang nhấn chúng ta vào trong những khe nứt của tâm hồn người môn đệ vẫn đang câm lặng khi chứng kiến Thập Giá.

Đó là những giờ của người môn đệ đang câm lặng khi chứng kiến nỗi khổ đau mà nó bị khơi lên thông qua cái chết của Chúa Giêsu. Người ta nên nói gì khi nghĩ đến thực tế đó? Người môn đệ trở nên câm lặng vì ông ý thức về những phản ứng của mình trong những giờ phút có tính quyết định trong cuộc đời của Chúa Giêsu: khi chứng kiến sự bất công mà nó đã kết án Thầy, các môn đệ đã lặng thinh; khi chứng kiến những điều vu khống và những lời chứng gian mà Thầy đã phải chịu đựng, các môn đệ đã lặng thinh. Trong những giờ phút khó khăn và đầy khổ đau của cuộc khổ hình, theo một cách thế bi ai, các môn đệ đã có được kinh nghiệm về sự bất lực của mình trong việc dám mạo hiểm để thực hiện một điều gì đó cho Thầy, để nói một điều gì đó có lợi cho Thầy; tồi tệ hơn nữa là họ đã chối phăng Ngài, họ đã bỏ mặc Ngài, họ đã chạy trốn, và họ đã lặng thinh (xc. Ga 18,25-27).

Đó là đêm câm lặng của người môn đệ đang bị rét cóng và bị tê liệt, mà không hề biết mình nên đi đâu khi chứng kiến quá nhiều những trạng huống khổ đau mà chúng đang vây hãm ông và đang làm ông ngã lòng. Người môn đệ hôm nay là người bị câm lặng khi chú trọng tới một thực tại mà nó nẩy sinh trong đầu óc ông, trong lúc nó làm cho ông có cảm tưởng, và – còn tồi tệ hơn nữa – nó làm cho ông tin rằng, người ta không thể làm được bất cứ điều gì để vượt thắng những nỗi bất công, mà rất nhiều anh chị em chúng ta đang phải trải qua nơi thân xác họ.

Đó là người môn đệ lầm lạc. Vì ông bị dìm vào trong một thói quen có tính lấn át, mà thói quen đó đã cướp đi khỏi ông sự hồi tưởng, nó bắt niềm hy vọng phải câm lặng, và nó làm cho ông quen dần với phương châm: “Người ta vẫn làm như vậy rồi mà”. Đó là người môn đệ bị câm lặng và bị rối trí, tức người làm quen với cách nói của thượng tế Caipha, và coi cách nói ấy là điều bình thường: “Các ông chẳng chịu nghĩ đến điều có lợi cho mình hay sao: thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).

Và giữa tất cả những câm lặng của chúng ta, nếu chúng ta câm lặng với một cách thức mạnh mẽ như thế, thì rồi những viên đá sẽ bắt đầu reo lên (xc. Lc 19,40: Tôi nói cho các ông biết: nếu họ lặng thinh thì sỏi đá sẽ hô lên!”), và để tạo không gian cho sự công bố vĩ đại mà một lúc nào đó, lịch sử có thể mang trong lòng nó: “Ngài không còn đây nữa nhưng đã sống lại rồi” (Mt 28,6). Tảng đá trước cửa mộ sẽ reo lên, và với tiếng reo hò của mình, nó công bố cho tất cả biết về một con đường mới. Thiên nhiên chính là kẻ đầu tiên để cho cuộc khải hoàn sự sống vang lên trên mọi thực tại, mà những thực tại ấy đang cố gắng bắt Niềm Vui Tin Mừng phải câm miệng và làm thinh. Tảng đá trước cửa mộ chính là kẻ đầu tiên nhảy lên, và theo cách thức của mình, cất lên bài ca ngợi khen, bài ca hào hùng, vui tươi và đầy hy vọng mà tất cả chúng ta sẽ được tham dự vào đó.

Và nếu hôm qua, cùng với các phụ nữ, chúng ta đã chiêm ngưỡng Đấng “bị lưỡi đòng đâm thâu” (Ga 19,37; xc. Hc 12,10), thì hôm nay, cùng với các bà, chúng ta lại được kêu gọi hãy quan sát ngôi mộ trống và lắng nghe những lời của Thiên Thần: “Các bà đừng sợ […] Ngài đã sống lại rồi” (Mt 28,5-6). Đó là những lời mà chúng muốn gặp gỡ sự xác tín và niềm tin tưởng sâu thẳm nhất của chúng ta, cách thức của chúng ta trong việc đánh giá và giải quyết những sự kiện hằng ngày, đặc biệt là cách thức của chúng ta trước việc bước vào trong mối tương quan với những người khác. Ngôi mộ trống muốn thách đố, muốn lay động, muốn đặt ra những vấn nạn, nhưng đặc biệt là muốn khích lệ chúng ta tin tưởng và có niềm xác tín rằng, Thiên Chúa đang “bước vào” trong bất cứ trạng huống nào, và trong bất cứ con người nào, cũng như xác tín rằng, ánh sáng của Ngài sẽ có thể xâm nhập vào trong mọi ngóc ngách dù u ám và khép kín nhất của kiếp sống chúng ta. Ngài đã phục sinh từ cõi chết; Ngài đã phục sinh từ nơi mà không ai mong chờ bất cứ điều gì từ đó, và Ngài chờ đợi chúng ta – như Ngài đã đợi chờ các phụ nữ -, để làm cho chúng ta tham dự vào công trình cứu độ của Ngài. Và điều đó chính là nền tảng và sức mạnh mà chúng ta có được với tư cách là những người Ki-tô hữu, để đặt cuộc sống, năng lực, trí tuệ, cảm nghĩ và ý chí của chúng ta vào cuộc tìm kiếm phẩm giá, và đặc biệt là vào việc tạo ra những con đường dẫn tới công trình ấy. Ngài không còn đây nữa… Ngài đã sống lại rồi! Đó là sự công bố mà nó hỗ trợ niềm hy vọng của chúng ta, và biến niềm hy vọng ấy thành những hành động Đức Ái cụ thể. Sẽ là điều rất tốt cho chúng ta, nếu sự giòn mỏng của chúng ta được “xức dầu” bởi kinh nghiệm đó. Sẽ là điều rất tốt cho chúng ta, nếu Đức Tin của chúng ta được canh tân, để những đường chân trời ngắn cũn của chúng ta sẽ bị đặt thành vấn đề và được canh tân bởi sự công bố này! Ngài đã phục sinh, và với Ngài, niềm hy vọng sáng tạo của chúng ta cũng sẽ được tái sinh để đặt chúng ta vào trong những vấn đề hiện tại, vì chúng ta biết rằng, mình không cô độc.

Cử hành Đại Lễ Phục Sinh có nghĩa là tái tin rằng, Thiên Chúa vẫn đang bước vào và Ngài không bao giờ ngừng bước vào lịch sử chúng ta, bằng cách là Ngài thách thức chủ thuyết định mệnh có tính đơn điệu và có khả năng gây tê liệt của chúng ta. Cử hành Đại Lễ Phục Sinh có nghĩa là, để cho Chúa Giêsu vượt thắng bất cứ thái độ và hành vi nhút nhát nào mà nó thường vây hãm chúng ta và cố gắng chôn lấp niềm hy vọng theo cách thức đó.

Hòn đá trước cửa mộ đã thực hiện phần của nó, các phụ nữ cũng đã thực hiện phần của họ, giờ đây, lời mời gọi lại một lần nữa được công bố cho anh chị em và cho cả Cha nữa: đó là lời mời gọi hãy đoạn tuyệt với những thói quen đơn điệu để canh tân cuộc sống, canh tân những quyết định và canh tân kiếp hiện sinh của chúng ta. Đó là lời mời gọi mà nó sẽ đi tới đó, tới nơi mà chúng ta đang hiện diện, tới điều mà chúng ta đang làm và đang là; đoạn tuyệt với “sự chia sẻ quyền lực” mà chúng ta đang có. Liệu chúng ta sẽ tham gia vào việc công bố sự sống này hay sẽ câm lặng mãi khi chứng kiến những biến cố ấy?

Ngài không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi! Và Ngài đang đợi chờ bạn tại Galilêa, Ngài mời gọi bạn, hãy quay về với thời gian và với nơi của Tình Yêu ban đầu, để nói với bạn: “Đừng sợ, hãy theo Thầy!“

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Thiệu O.Cist

Nguồn: daminhtamhiep.net