CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU NĂM A
Bài 18: CHẠNH LÒNG THƯƠNG, SAO CHÚA CÒN NỔI GIẬN?
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng
Đại Diện TGP. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
WGPSG
(15.06.2023) - Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su là dịp cho chúng ta chiêm ngắm mầu
nhiệm “Thiên Chúa Tình Yêu” biểu lộ nơi Trái Tim Yêu
Thương Chúa Giê-su.
Trong bài này, chúng ta sẽ nói về lòng chạnh thương của
Thiên Chúa, và cả về cơn giận của Người.
I. Chạnh lòng thương
Trong tiếng Híp-ri, “thương xót”, “chạnh lòng
thương” được dịch bởi động từ “ra-kham” רָחַם, hay danh
từ “ra-kha-mim” רַחֲמִים diễn tả tình yêu vô song của
Thiên Chúa. Các hạn từ này cùng gốc với danh từ “re-khem” רֶ֖חֶם có
nghĩa là “dạ mẹ”. Theo ngôn ngữ của người Sê-mít (tương tự như người Việt chúng
ta), “lòng - dạ” gắn liền với nhiều cảm xúc mãnh liệt. Chúng ta thường nói “đau
lòng xót dạ”, “hả dạ thoả lòng”, “lòng dạ sắt son”... Vì vậy, Cựu Ước
dùng hạn từ này để nói về tình Chúa thương dân Người sâu thẳm như
lòng mẹ vậy.
Ngôn sứ I-sai-a kể lại lời than thở của dân
Xi-on rằng : “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã
quên tôi !” Nhưng Chúa đã đáp lại với tất cả tình xót thương hải
hà : “Phải chăng người phụ nữ sẽ quên đứa con thơ của mình,
không xót thương đứa con của lòng dạ mình ? Ngay
cả chúng sẽ quên, thì Ta, Ta sẽ không quên ngươi” (Is 49,14-15).
Ra-kha-min “lòng chạnh thương” là từ khoá quan
trọng của Cựu Ước, diễn tả sự khác biệt của Thiên Chúa
Ít-ra-en, là vị Thiên Chúa rất mực xót thương.
Ít-ra-en đã cảm nhận và tìm cách mô tả về một
Thiên Chúa gần gũi lắng nghe, bồi hồi thổn thức, luôn “chạnh lòng xót thương”
(ra-kham) đối với con người.
Lòng chạnh thương của Thiên Chúa không là một cảm xúc nhất
thời, nhưng mang lại cho người tín hữu một cảm thức tín thác và an toàn để
nương tựa, bởi Chúa luôn thấu cảm và đồng hành để củng cố niềm tin, để yêu
thương gìn giữ, để nâng đỡ chữa lành.
Lòng chạnh thương của Chúa luôn được diễn đạt bằng hành động.
Thật vậy, trải qua bao thăng trầm, cho dù dân Ít-ra-en bội nghĩa vong
ân thì :
“Đức Chúa vẫn tỏ lòng nhân từ và chạnh
lòng thương đoái nhìn họ ...” (2 V 13,23).
“Tội dân đã phạm, Chúa cũng ném thật xa. Như người
cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng
thương kẻ kính tôn Người” (Tv 103,13).
“Ai bé mọn yếu đuối, Người ra tay đáp cứu, bởi Người là Đấng
nhân từ chính trực, Thiên Chúa một dạ xót thương” (Tv 116,5),
Quả thế, dân Ít-ra-en lòng chai dạ đá, đã luôn xúc phạm đến
Chúa, và đã chuốc lấy thảm cảnh lưu đày và bao nỗi khốn khổ khác. Nhưng rồi
chính Chúa lại “đổi số phận của họ và xót thương toàn thể
nhà Ít-ra-en” (Ed 39,23-26), chính Chúa “đem lòng chạnh thương và
cho dân trở về phần gia nghiệp, về phần đất của mình” (Gr 12,15).
Tương tự như vậy, trong Tân Ước, tình yêu và lòng
thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Giê-su, Đấng chạnh lòng xót
thương.
Danh từ Híp-ri “ra-kha-mim” được dịch sang tiếng
Hy-lạp là “splan-kh(ơ)-na” σπλάγχνα, lòng trắc ẩn.
Động từ Hy-lạp “ê-lê-ê-ô” ἐλεέω được
dịch là “thương xót”, có nghĩa là “yêu thương với ước muốn làm điều nhân
nghĩa” ; còn động từ “splan-kh(ơ)-ni-zô-mai” Σπλαγχνίζομαι thì
diễn tả thái độ “chạnh lòng thương” trước hoàn cảnh khốn khổ của người
khác và tìm cách chia sẻ nỗi đau, cứu giúp họ. Thuật ngữ này thường được sử dụng
để nói đến thái độ của Đức Giê-su đối với bất kỳ ai đang lâm cơn khốn
quẫn. Vì vậy, lòng chạnh thương của Đức Giê-su không dừng lại ở việc
thương hại hay cảm thông, mà bao hàm một tình yêu hành động biến đổi mọi sự nên
tốt lành.
Thánh Mác-cô kể rằng “Trong những ngày ấy, có một
đám rất đông và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói :
‘Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã
ba ngày rồi mà không có gì ăn ! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về
nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường’” (Mc 8,1-3). Và thế là phép lạ bánh
hoá nhiều đã xảy ra cho nhiều ngàn người được no nê.
Hoặc “Khi ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám
người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người
chăn dắt” (Mc 6,34 ; x. Mt 14,14).
Hoặc khi Lu-ca nói về người con hoang đàng trở về nhà cha
mình, khi anh ta “còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh
lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20).
Thuật ngữ chạnh lòng thương vì thế luôn
mang nghĩa “thấu cảm, thương xót, hành động”. Trái tim Đức Giê-su luôn
rung cảm trước những gì Người nhìn thấy, lắng nghe để rồi hành động biến đổi mọi
sự.
II. Cơn giận của Thiên Chúa
Nhiều lần Kinh Thánh nói Thiên Chúa nổi giận, nổi
lôi đình hay nổi cơn thịnh nộ :
“Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Ít-ra-en và đã trao họ vào
tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột” (Tl 2,14) ;
“Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Ít-ra-en và đẩy
Ít-ra-en cho khuất nhan Người” (2 V 17,18) ;
“Họ lập đàn thờ quấy mà trêu giận Chúa Trời, lại tôn
sùng ngẫu tượng khiến Chúa phải ghen tuông. Nghe thấy thế, Người nổi cơn
thịnh nộ, quyết tình ruồng rẫy Ít-ra-en” (Tv 78,58-59).
Đó là lối nói như nhân cho thấy Thiên Chúa được trình bày
cách gần gũi và cụ thể như con người. Cơn lôi đình của Chúa hẳn không phải vì
Người sân hận như chúng ta, nhưng đó là cơn giận thánh (ira
sancta) đòi hỏi lẽ công bằng hoặc bảo vệ sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Chẳng
hạn khi dân Ít-ra-en thờ ngẫu tượng, tức là đặt chúng ngang hàng với Thiên Chúa
là Chúa duy nhất của họ, nên Chúa nổi giận đòi lại sự công bằng.
Kinh Thánh cũng nhiều lần cho thấy Chúa chậm giận và rất mực
khoan nhân :
“Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận,
lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Tv 85,15).
“Người chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi
mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm”
(Tv 102,9-11).
“Con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Gn 4,2).
Nhưng một khi Thiên Chúa đã nổi lôi đình thì sao ?
Thưa, cơn giận thánh của Chúa thường được xoa dịu vì lòng
thương xót của Người :
Ngôn sứ I-sai-a nói : “Lửa giận bừng bừng,
Chúa đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn đến dân, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời,
Chúa lại chạnh lòng thương xót” (Is 54,8).
“Người nổi giận, giận trong giây lát ; nhưng yêu
thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã
vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6).
Theo Tin Mừng, Đức Giê-su cũng từng nổi giận, ví dụ như với
những kẻ buôn bán trong Đền Thờ (Mt 21,12-13 ; Mc 11,15-18 ; Ga
2,13-22). Cảm xúc của Đức Giê-su là chính đáng bởi lòng nhiệt thành của Người đối
với Nhà Chúa (Ga 2,17). Cơn thịnh nộ của Người thì thanh khiết và công chính nhằm
bảo vệ những giá trị thiêng thánh đang bị đe doạ như Người đã dạy : “Của
Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 12,17).
Nhiều người cho rằng nổi giận là một cảm xúc xấu phải bị loại
trừ khỏi con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nổi giận là một cảm xúc
phi luân lý. Thánh Phao-lô răn dạy tín hữu Ê-phê-xô rằng : “Anh em nổi
nóng ư ? Đừng phạm tội : chớ để mặt trời lặn mà cơn giận
vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng !” (Ep 2,26-27).
Nhưng người ta thường cả giận thì mất khôn.
Chúng ta thường thất bại khi hành động trong cơn tức giận. Cần lắng nghe lời dạy
của thánh Gia-cô-bê rằng : “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói,
và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính
của Thiên Chúa” (Gc 1,19b-20).
Cầu nguyện với Tv 90
Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
2 Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa,
từ muôn thuở cho đến muôn đời.
3 Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo :
“Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”
4 Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !
5 Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
6 nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
7 Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong,
nổi trận lôi đình : thấy mà khủng khiếp !
8 Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài,
lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ.
9 Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài.
10 Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
11 Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh,
trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên ?
12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
13 Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao
giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.
14 Từ buổi mai,
xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
17 Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.
Nguồn: tgpsaigon.net