CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA NĂM A
Bài 17: MÁU ĐỨC KI-TÔ (αἷμα Χριστοῦ)
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng
Đại Diện TGP. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
WGPSG
(07.06.2023) - Trong lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Phụng vụ Lời
Chúa năm A, trong bài đọc 2 và bài Tin Mừng đã nhắc đến “Máu Đức Ki-tô” (1 Cr
10,16 ; Ga 6,53-56). Vậy thì “Máu Đức Ki-tô” có ý nghĩa đặc biệt như thế
nào trong đời sống đức tin của Ki-tô hữu chúng ta ?
I. Máu trong Cựu Ước
Trước hết, chúng ta tìm hiểu xem từ “máu” trong Cựu Ước có ý
nghĩa gì ?
Trong Kinh Thánh Híp-ri, từ “đam” דׇם nghĩa
là máu, hiểu là nguồn mạch của sự sống, và là chính
sự sống. Cũng như các tôn giáo thời xưa, Do-thái giáo nhìn nhận máu có tính thần
thiêng và máu được coi như sự sống, là nguyên lý của sự sống, mà những gì liên
quan đến sự sống thì liên quan mật thiết với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng
ban sự sống, như sách Lê-vi đã nói : “vì mạng sống của xác thịt thì ở
trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi” (Lv 17,11 ; x. St
9,4 ; Đnl 13, 23). Do đó, máu biểu trưng cho tính linh thánh của sự sống
do Thiên Chúa ban cho.
Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, nên từ thời ông Nô-ê, luật
của Ít-ra-en đã có những điều cấm liên quan đến máu như :
không được ăn huyết/máu súc vật (x. St 9,4-6 ; Lv 17,10-16 ; Đnl
12,15-18), vì ăn hay uống máu là “phạm tội nghịch cùng Đức Chúa” (1
Sm 14,34). Kẻ nào làm đổ máu giết người thì sẽ bị đền mạng, vì máu của nạn
nhân sẽ kêu đòi báo thù, như trong câu chuyện Ca-in giết A-ben, Đức Chúa hạch tội
Ca-in : “Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng
máu của em ngươi đang kêu lên Ta !” (St 4,10). Vì thế,
hành động của người đòi nợ máu được xem là hợp lý (x. St 9,6 ; Ds
35,19), và luật cho phép được báo thù, gọi là luật “ta-li-on” hay luật “mắt đền
mắt”, có nghĩa là ăn miếng trả miếng ; luật này cũng nhằm hạn chế việc báo
oán thái quá (x. Xh 21,23-24 ; Lv 24,20-21). Hơn nữa vì con người được dựng
nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), nghĩa là thông phần sự sống của
Thiên Chúa, nên máu lại càng cao quý. Điều đó làm nền tảng cho một giới luật
trong Thập Giới là : “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13).
Cũng vì máu mang tính chất thần thiêng và là biểu tượng của
sự sống, nên máu có một vai trò quan trọng trong phụng tự của Do-thái giáo, cụ
thể là :
– Giao ước giữa dân Ít-ra-en và Thiên Chúa được đóng ấn bằng
một nghi thức rảy máu trên bàn thờ và trên dân chúng hiện diện. Sách Xuất hành
tường thuật Giao Ước Xi-nai được thiết lập giữa Đức Chúa và dân Ít-ra-en mà ông
Mô-sê là trung gian (x. Xh 24,1-8 ; Xh 20,18-22). Ông nối kết dân với Đức
Chúa bằng việc rảy máu của con vật hiến tế lên bàn thờ –tượng trưng cho Đức
Chúa– rồi rảy lên dân chúng. Máu đó là dấu chỉ sự hiệp thông giữa Đức Chúa và
dân Ít-ra-en. Như vậy, Giao Ước được lập bằng nghi thức đổ máu và ông Mô-sê đã
giải thích như sau : “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em”
(Xh 24,8).
– Trong Do-thái giáo cũng như các tôn giáo cổ xưa, hy lễ hay
lễ tế được xem là một yếu tố trung tâm trong phụng tự, nhằm làm cho con người
được liên lạc và kết hợp với Thiên Chúa hay các thần linh. Do-thái giáo có nhiều
loại hy lễ : lễ toàn thiêu (Lv 1), hy lễ kỳ an (Lv 3), hy lễ tạ tội (Lv
4,1-5.13 ; 6,17-23). Trong các hy lễ đó đều có nghi thức rảy máu chung
quanh bàn thờ (Lv 1,5.11 ; 9,12), bởi vì máu chính là sự sống nên có hiệu
lực đền tội (x. Lv 17,11,). Trong Ngày Xá Tội, thượng tế A-ha-ron sẽ đi vào
Thánh Điện, rảy máu của con vật được hiến tế lên “Nắp xá tội” trên Hòm Bia và
trên bàn thờ (x. Lv 16,14-19). Máu trong hy lễ xá tội được dâng lên để xin ơn
tha tội, nói cách khác, máu của con vật hiến tế là một tặng phẩm Thiên Chúa ban
cho con người để con người dùng nó như một phương thế đền tội.
Như vậy, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa mà con người được
ban cho một phương thế để có thể sám hối trở về với Chúa, và được Chúa thứ tha
tội lỗi, đồng thời được xoá bỏ hình phạt tội lỗi. Một con vật phải bị giết chết
thay cho họ. Con người nhận được sự tha thứ nhờ máu của con vật, điều đó có
nghĩa là qua cái chết của con vật như của lễ xá tội thay cho mạng sống của con
người (x. Lv 17,11). Ý nghĩa biểu trưng của máu được thấy rõ vào thời lễ
Vượt Qua được thực hiện ở Ai-cập : Việc bôi máu chiên lên khung cửa nhà của
người Do-thái, là dấu hiệu để thoát được tai ương bị tiêu diệt khi Đức Chúa rảo
khắp đất Ai-cập mà sát hại các các con đầu lòng, từ loài người cho đến loài vật
(x. Xh 12,12-13.21-23).
II. Máu Đức Ki-tô trong Tân Ước
Hạn từ Hy-lạp chỉ máu là hai-ma (αἷμα).
Tiếp nối ý nghĩa đền tội, xá tội hay chuộc tội của “máu”
trong giao ước và các hy lễ được nói đến trong Cựu Ước, chúng ta tìm hiểu xem
đâu là ý nghĩa của máu Đức Ki-tô theo Tân Ước.
Những kiểu nói trong Tân Ước như “nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra”
(x. Rm 5,7-9 ; Ep 2,13), “nhờ máu Đức Giê-su đổ ra trên thập giá”
(Cl 1,20), “nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn” (1 Pr
1,19) là muốn nói rằng nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra mà con người được cứu chuộc, được
nên công chính (Rm 5,9), được tha thứ mọi tội lỗi (Ep 1,7) được thanh tẩy (x. 1
Ga 1,7 ; Kh 1,5 ; 5,9) và được sống đời đời (Ga 6,54-58).
Thật vậy, trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28 ; x. Lc 22,20 ; 1 Cr 11,25). Như thế, Đức Giê-su đã minh nhiên công bố Giao Ước Mới mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã loan báo với lời Thiên Chúa hứa ban ơn tha thứ tội lỗi : “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới,… Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31,31-34). Vậy máu Chúa Giê-su đổ ra thiết lập Giao Ước Mới thay cho Giao Ước Cũ bằng máu chiên bò dưới chân núi Xi-nai, qua trung gian ông Mô-sê (x. Xh 24, 6-8). Giao Ước Mới được mở rộng cho muôn người, nghĩa là cho toàn thể nhân loại. Và như vậy, Chúa Giê-su đã thực hiện điều ngôn sứ I-sai-a nói về Người Tôi Tớ của Đức Chúa chết để chuộc tội cho nhân loại (x. Is 42,6 ; 49,6 ; 53,12). Do đó, nhờ máu vô tội của Chúa Giê-su thật sự đã được hiến dâng cho Thiên Chúa như hy lễ lập Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người, mà loài người được ơn tha tội, vì “không có máu đổ ra, không có ơn tha thứ” (Hr 9,22).
Chúng ta hãy nghe tác giả thư Híp-ri giải thích tại sao máu
Đức Ki-tô vô cùng cao quý hơn mọi thứ máu trong thời Cựu Ước : “Người
đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với
chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn
cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con
bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm
uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong
sạch, thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ
Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật
vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng
ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ
Thiên Chúa hằng sống” (Hr 9,12-15).
Hình ảnh vị thượng tế mỗi năm một lần vào cung thánh là hình
ảnh báo trước Đức Ki-tô, vị Thượng Tế duy nhất đời đời (Hr 7,11-28) bước vào
Thánh Điện trên trời (Hr 8,1) với máu của chính mình làm hy lễ duy nhất và vĩnh
hằng mang lại ơn cứu chuộc đời đời (x. Hr 9,11-12). Không những máu của Đức
Ki-tô chuộc tội cho con người, nhưng “máu Đức Ki-tô còn thanh tẩy lương tâm
chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết một cách hữu hiệu hơn biết mấy, để
chúng ta phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Hr 9,14). Như vậy, nhờ máu Đức
Ki-tô đã cứu chuộc chúng ta, chúng ta được trở nên những thụ tạo mới trong Người
(x. 2 Cr 5,17), và máu của Người đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi để phụng sự
Thiên Chúa hằng sống, tôn vinh Người và vui sống trong Người mãi mãi.
Kết :
Bài tìm hiểu trên đây giúp chúng ta ý thức về tầm quan trọng
của Máu Thánh Chúa Ki-tô. Cho dù chúng ta rước lễ bằng hình bánh hay hình rượu,
thì chúng ta cũng được lãnh nhận toàn vẹn Mình và Máu Thánh Chúa ; bởi vì
trong Mình Thánh hay trong Máu Thánh, Chúa Giê-su đều hiện diện một cách toàn vẹn,
và đều sinh hiệu quả đích thực như lời Chúa hứa : “Ai ăn thịt tôi và uống
máu tôi, thì có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”
(Ga 6, 54). Và để kết thúc bài tìm hiểu này, chúng ta cùng nhau đọc lại những
câu thật ý nghĩa trong bài Thánh Thi của Kinh Chiều II Lễ Mình Máu Thánh
Chúa :
Câu tuyên phán của
Ngôi Lời nhập thể
Đã làm cho bánh thật
nên Mình Người,
Rượu nho thành bao giọt
máu hồng tươi,
Mắt chẳng thấy nhưng
lòng tin vững mạnh.
Ôi bí tích thật cao vời
khôn sánh,
Ta bái thờ Chúa đang
ngự nơi đây,
Nghi lễ xưa đâu sánh
bí tích này,
Niềm tin thế cho giác
quan cảm nghiệm.
Lòng hớn hở, cùng tán
dương trìu mến
Cha uy quyền và Con Một
từ nhân,
Cùng tôn vinh ca ngợi
Chúa Thánh Thần,
Xin chúc tụng Ba Ngôi
ngàn muôn thuở.
Nguồn: tgpsaigon.net