LỄ MÌNH
MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Nhật Báo La
Croix
Đâu là nguồn gốc của Lễ này?
Năm nay được cử hành vào ngày 11/6, Lễ Mình Máu
Thánh Chúa Kitô là một lễ khẳng định và tôn thờ sự hiện diện thực sự của Chúa
Giêsu Kitô trong bánh và rượu được truyền phép trong thánh lễ.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô là một lễ của người
Công giáo và Anh giáo, được cử hành trên nguyên tắc vào ngày thứ Năm sau Lễ
Chúa Ba Ngôi (liên hệ đến Thứ Năm Tuần Thánh), tức là sáu mươi ngày sau Lễ Phục
Sinh. Nhưng, Phụng vụ cho phép dời lễ này vào Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi nơi
các nước mà lễ này không được ghi vào số những ngày nghỉ việc (Pháp, Ý…). Hiện
này, tên chính thức của lễ này trong Giáo hội Công giáo là “Kính trọng thể Mình
Máu Chúa Kitô”. Lễ này tưởng niệm sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí
tích Thánh Thể, dưới hình bánh và rượu được truyền phép trong thánh lễ.
Nguồn gốc lễ này lên đến thế kỷ XIII. Việc nâng
cao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ đã biểu lộ ước muốn chiêm ngắm Thánh Thể.
Nhưng sự thôi thúc có tính quyết định nhắm đến một lễ đặc biệt đã được đưa ra bởi
thánh Julienne de Cornillon và chân phước Ève de Liège. Lễ được chính thức thiết
lập vào ngày 8/9/1264 bởi Đức Thánh Cha Urbanô IV.
Đó là một ngày nghỉ lễ ở một số nước Công giáo.
Trong cuộc rước Mình Thánh Chúa, linh mục mang Thánh Thể trong một mặt nhật đi
qua các đường phố và quảng trường mà ngày xưa từng được trang trí lộng lẫy với
màn và vòng hoa. Mình Thánh Chúa được đặt dưới một cái phương du được khiêng bởi
bốn người có địa vị. Người ta thường đi trên một tấm thảm với những cánh hoa hồng
mà các trẻ em rải trên đường rước kiệu.
Lịch sử của lễ trọng thể này nằm trong cuộc
tranh luận thần học do lạc giáo Béranger de Tours khơi lên, ông đã phủ nhận sự
hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Trong sắc lệnh Transiturus thiết
lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Urbanô IV viết rằng “tuy
nhiên, để làm hỏng sự điên rồ của một số kẻ lạc giáo, thật đúng đắn khi nhắc lại
sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể”. Sự tiến triển của thần
học bí tích và sự phát triển của nó trong các trường phái của thế kỷ XII và
XIII đã mang tính quyết định. Yếu tố quyết định cho phép thiết lập và đón nhận
lễ trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Kitô trước hết là sự tiến triển của lòng đạo đức
bình dân vốn đi kèm với những tiến triển thần học này nhờ sự phát triển của việc
giảng thuyết. Sự đánh thức này đi kèm với một ước muốn có thể chiêm ngắm Mình
Thánh Chúa trong thánh lễ: chính tại Paris, vào khoảng năm 1200, mà sự tồn tại
của nghi thức “nâng cao” Mình Thánh Chúa, vào lúc truyền phép, lần đầu tiên được
chứng thực.
Kể từ cuộc cải cách phụng vụ của Vatican II, Lễ Mình Thánh Chúa (Fête-Dieu) được gọi là “Lễ Bí tích Mình Máu Thánh Chúa Kitô”. Ý nghĩa của nó hơi khác một chút so với ý nghĩa của lễ Fête-Dieu vốn tập trung vào việc tôn thờ sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô hơn. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô tưởng nhớ việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Nó là một lời mời gọi đào sâu ý nghĩa của bí tích Thánh Thể và chỗ đứng của bí tích này trong cuộc sống của chúng ta.
Tại sao cầu nguyện trước bí tích Thánh Thể?
Các Kitô hữu tin vào sự hiện diện thực sự của
Thiên Chúa trong bánh thánh được truyền phép. Trong thánh lễ, khi lời Chúa Kitô
biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài, thì Thiên Chúa hiện diện ở đó. Từ
thời Trung Cổ, các Kitô hữu tôn thờ bí tích Thánh Thể bên ngoài thánh lễ.
Đó là tôn thờ Thiên Chúa đang ở trước mặt chúng
ta, để bản thân được dạy dỗ bởi sự hiện diện này và, nếu Chúa Thánh Thần soi
sáng chúng ta điều đó, nói với Ngài tình yêu của chúng ta bằng cách tỏ bày với
Ngài những điều sâu thẳm nhất trong trong tâm hồn chúng ta. Bí tích Thánh Thể,
đó đơn giản là Chúa Kitô hiện diện trong tấm bánh được truyền phép trong thánh
lễ mà không được tiêu thụ.
Sự hiện diện này không phải mang tính biểu tượng,
nhưng thực sự. Đó là sự hiện diện tích cực, được dâng hiến, đó là khuôn mặt của
Thiên Chúa. Người Công giáo và Chính Thống giáo đồng thuận với nhau trong việc
nhìn nhận nơi bánh và rượu được truyền phép của thánh lễ là Mình và Máu Chúa
Kitô.
Việc tôn thờ Thánh Thể là một hình thức đạo đức
xưa. Nó có nguồn gốc từ thời Trung Cổ. Vì các tín hữu rất hiếm khi rước lễ, nên
người ta có thói quen đặt Mình Thánh Chúa cho họ tôn thờ, vào cuối thánh lễ.
Trước khi kết thúc việc đặt Mình Thánh Chúa này, các tín hữu được ban phép lành
bằng Mình Thánh Chúa. Vào ngày Lễ Mình Thánh Chúa, người ta rước kiệu Mình
Thánh Chúa, được đặt trong một mặt nhật. Ngày nay, thói quen này không còn.
Công đồng Vatican II muốn trở lại với một quan
niệm khác về bí tích Thánh Thể. Đó là một sự tưởng nhớ, một bữa ăn, một hy tế.
Công đồng muốn nói rằng Chúa Giêsu không phải là “tù nhân của nhà tạm”
và Ngài cũng hiện diện trong Lời Chúa (Thánh Kinh) và trong mỗi người.
Sự trở lại với điều cốt lõi này phần nào che khuất
một hình thức đạo đức. Cha de Foucauld đã cầu nguyện nhiều bên Nhà Tạm. Các Tiểu
Đệ và Tiểu Muội Chúa Giêsu đã giữ thói quen này và các nhà nguyện của họ là những
nơi cầu nguyện mãnh liệt.
Ngày nay, nhiều giáo xứ làm sống lại việc chầu Thánh Thể. Và nhiều người tìm thấy ở đó niềm vui thiêng liêng thực sự. Tuy nhiên, sẽ là đáng tiếc nếu việc tôn thờ này bị tách rời khỏi việc cử hành Thánh Thể. Nó phải là một phần kéo dài chứ không phải là một mục đích tự nó.
Sự hiện diện thực sự nào trong bí tích Thánh Thể?
Cha Maldamé, Dòng Đaminh và tiến sĩ thần học, trả
lời cho câu hỏi về sự hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể bằng cách mời gọi
chúng ta suy nghĩ từ kinh nghiệm nhân loại về sự hiện diện.
“Tôi” trong các mệnh đề sau đây dẫn đến cái phổ
quát.
1. Tôi có thể ở bên cạnh ai đó trên xe buýt hay
tàu điện ngầm. Có một sự hiện diện thuần túy không gian và cùng tồn tại. Đó là
sự hiện diện thể lý.
2. Tôi có thể ở với một đồng nghiệp trong một
công việc chung. Có một sự hiện diện thể lý và trí thức của sự hợp tác.
3. Tôi có thể ở trong một mối tương quan tình cảm
phong phú, nơi có sự hỗ tương tình cảm: đời sống lứa đôi, đời sống gia đình,
tình bạn…Có một sự hiện diện dấn thân con người của những ai đang hiện diện hỗ
tương.
4. Có một sự hiện diện của một người vắng mặt…bằng
ý nghĩ và bằng trái tim. Đó là một phương thức hiện diện mà người ta có thể gọi
là thiêng liêng và cần thiết cho cuộc sống. Chúng ta nghĩ đến cha mẹ, người
thân, thầy cô, bạn bè…
Các phương thức hiện diện khác nhau
Những hoàn cảnh này có thể được đa dạng hóa và
mang nhiều sắc thái. Nhưng sự đa dạng cũng đủ để cho thấy rằng sự hiện diện của
Chúa Kitô không thể bị giảm thiểu thành một phương thức duy nhất. Chúa Kitô hiện
diện với tư cách là Đấng sáng tạo, với tư cách là Trưởng Tử từ cõi chết, với tư
cách là Chúa hiển vinh, với tư cách là Đấng Mêsia đau khổ…và phương thức hiện
diện có thể là đa dạng. Sự hiện diện có thể ý thức hay không…lạnh lùng hay tình
cảm…thinh lặng hay cầu nguyện trong cộng đoàn…
Trong số tất cả các phương thức mà Chúa Kitô phục sinh hiện diện, có các bí tích. Trong một bí tích, có một yếu tố chất thể vốn thể hiện một sự hiện diện theo cách thức mà yếu tố này biểu thị. Như thế, khi tự hiến mình làm của ăn trong việc rước lễ, qua dấu hiệu của bánh và rượu được Chúa Thánh Thần thánh hiến trong thánh lễ, Chúa Kitô tự hiến mình trở nên lương thực làm cho sống sự sống đời đời. Phương thức này là phương thức chung của đời sống Kitô hữu. Nó có thuận lợi là mọi người đều có thể tiếp cận được trong chân lý về cuộc sống của con người vốn dấn thân cả thân xác và linh hồn.
Tại sao rước Mình Thánh Chúa Kitô?
“Tôi thích thánh lễ, nhưng tôi khó chịu với ý tưởng
rằng Chúa Kitô ban cho chúng ta “thịt” Ngài làm của ăn. Điều đó muốn nói gì?
Cha Dominique Fontaine, linh mục của Hội Thừa Sai Pháp, trả lời câu hỏi của
Micheline, từ Nancy.
Bạn không phải là người duy nhất đặt ra cho mình
câu hỏi này. Tôi biết những bạn trẻ lần đầu tiên đến thánh lễ và tự hỏi đâu là
ý nghĩa của nghi thức kỳ lạ này.
Một sai lầm giúp soi sáng
Chính một đứa trẻ học giáo lý đã soi sáng cho
tôi. Tôi là một linh mục trẻ, các em chuẩn bị rước lễ. Làm thế nào giúp hiểu được
rằng bánh trở nên Mình Chúa Kitô? Kết thúc phần lập luận, một người hướng dẫn hỏi
các em: “Linh mục nói gì trong thánh lễ?” Thay vì trả lời: “Chúa Giêsu cầm lấy
bánh và nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy được ban cho các con”,
một em bị nhầm khi nói: “Chúa Giêsu đã cầm lấy mình Ngài và nói: Các con hãy cầm
lấy mà ăn, đây là bánh được ban cho các con.”
Em nhỏ này có lý: cần phải đảo ngược câu nói của
Chúa Giêsu để hiểu nó! Cần phải hiểu rằng Chúa Giêsu biến cuộc đời mình thành tấm
bánh để có thể nói rằng tấm bánh trở thành mình Chúa Kitô.
Chúa Giêsu ban cho chúng ta cả cuộc đời của Ngài
làm lương thực
Chúa Giêsu đã không ngừng trao hiến mạng sống của
mình. Ngay tối hôm đó, Ngài đã nói: “Mạng sống của tôi, không ai có thể lấy đi
được, chính tôi trao hiến nó”. Ngài nắm trong tay toàn bộ cuộc sống của mình,
cuộc sống bằng xương bằng thịt của mình, toàn bộ con người của Ngài, cách tương
quan độc đáo của Ngài với mọi người, nghị lực sống và hiệp thông của ngài với Đấng
mà Ngài gọi là Cha của mình. Khi nói “đây là mình Thầy”, chính tất cả điều đó
mà ngài “đặt trên bàn ăn”.
Và Ngài trao ban điều đó cho các môn đệ của
mình. Và Ngài ban điều đó cho chúng ta. Bánh mà Ngài ban cho chúng ta, mà Ngài
chia sẻ với chúng ta để chúng ta có thể được nuôi sống từ đó và hiệp thông với
nhau, đó là tất cả cuộc sống của Ngài. Như thế, chúng ta có thể hiểu được lời mầu
nhiệm này: “Cũng như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì cũng thế kẻ ăn tôi cũng
sẽ sống nhờ tôi” (Ga 6, 57).
Micheline, tôi xin phép đưa ra một lời khuyên: khi rước lễ, trước khi nói “Lạy Chúa, con chẳng đáng…”, bạn hãy nói trong lòng mình: “Chúa Kitô Giêsu đã biến cuộc đời mình thành tấm bánh cho cuộc sống chúng ta”. Bạn sẽ thấy, điều đó sẽ thay đổi cách sống bí tích Thánh Thể. Và bạn sẽ khám phá ra rằng cùng nhau, nhờ Ngài, chúng ta có thể trở thành “tấm bánh tốt lành” cho tha nhân.
Tý Linh
(tổng hợp theo nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (10.06.2023)