Lễ Dầu
(18.04.2019)
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CHÚA GIÊSU
VÀ ĐÁM ĐÔNG
Dưới đây là bài giảng của Đức
Thánh Cha Phanxicô trong Lễ Truyền Dầu tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
sáng ngày 18.04.2019:
Anh chị em thân mến,
Tin mừng theo Thánh Lu-ca mà
chúng ta vừa lắng nghe khiến chúng ta hồi tưởng lại sự phấn khởi của giây phút
khi Chúa lấy lời của ngôn sứ I-sai-a chỉ về chính mình, khi Ngài trịnh trọng đọc
nó giữa những người trên quê hương của Ngài. Hội đường Na-da-rét đầy những người
thân thuộc, hàng xóm, người quen, bạn bè… của Ngài. Mọi người chăm chú nhìn
Ngài. Giáo hội luôn chăm chú nhìn lên Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được Xức Dầu, được
Thần Khí sai xuống để xức dầu cho dân Thiên Chúa.
Các Tin mừng thường trình bày
cho chúng ta hình ảnh này của Chúa ở giữa một đám đông, bị mọi người vây quanh
và xô đẩy để tiến đến Ngài cùng với những người bệnh, họ xin Ngài xua đuổi các
tà thần, họ lắng nghe những lời giảng dạy của Ngài và cùng đi với Ngài trên con
đường. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga
10:27-28).
Chúa không bao giờ đánh mất sự
liên hệ trực tiếp đó với con người. Giữa các đám đông, Ngài luôn luôn giữ ơn gần
gũi với mọi người nói chung, và với mỗi cá nhân. Chúng ta nhìn thấy điều này
trong suốt cuộc đời công khai của Ngài, và vì thế ngay từ ban đầu: ánh hào
quang của Chúa Con nhẹ nhàng cuốn hút những mục đồng, các vua và những người
già mang ước mơ như ông Si-mê-on và bà An-na. Vì thế trên thập già: Trái tim của
Ngài kéo mọi người đến gần với Ngài (Ga 12:32): bà Ve-rô-ni-ca,kẻ trộm, viên đại
đội trưởng …
Cách nói “đám đông” không có ý
xem thường. Có thể đối với một số người, nó gợi lên một đám đông không có khuôn
mặt, không có tên tuổi … Nhưng trong Tin mừng chúng ta nhìn thấy rằng khi đám
đông tương tác với Chúa – Đấng đứng giữa họ như một mục tử giữa đoàn chiên của
mình – liền có một điều gì đó xảy ra. Tận trong sâu thẳm, mọi người cảm thấy
khao khát đi theo Chúa Giê-su, sự kinh ngạc lớn lên, sự phân định nhanh chóng
phát triển.
Tôi muốn cùng mọi người suy tư
về ba ơn là nét đặc trưng cho mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và đám đông.
Ơn tìm đến
Thánh Lu-ca nói rằng những đám
đông “tìm đến Chúa Giê-su” (4:42) và “cùng đi với Ngài” (14:25). Họ “chen lấn”
và xô đẩy Người” (8:42-45); họ “tuôn đến để nghe Người” (5:15).
“Sự tìm đến” của họ là một điều
gì đó hoàn toàn bất ngờ, vô điều kiện và đầy cảm mến. Nó đối nghịch với sự nhỏ
nhen của các môn đệ, thái độ của họ với người dân có phần tàn nhẫn khi họ đề
nghị với Chúa rằng Ngài phải giải tán họ, để họ kiếm cái gì đó để ăn.
Tôi tin rằng đây là bước khởi đầu
của tính giáo sĩ trị: với mong muốn có sự bảo đảm cho bữa ăn và sự thoải mái cá
nhân mà không hề quan tâm đến người khác. Chúa cắt đứt ngay cám dỗ đó: “Các con
hãy cho họ ăn!” là câu trả lời của Chúa Giê-su. “Hãy chăm sóc dân chúng!”
Ơn ngạc nhiên
Ơn thứ hai mà đám đông nhận được
khi họ đi theo Chúa Giê-su là ơn đầy sự ngạc nhiên. Người ta ngạc nhiên bởi
Chúa Giê-su (Lc 11:14), bởi những phép lạ, nhưng trên hết bởi chính con người của
Ngài. Người ta thích được gặp Ngài trên đường, để nhận phúc lành của Ngài và
chúc lành cho Ngài, như người phụ nữ ở giữa đám đông chúc phúc Mẹ Người. Chính
Chúa cũng ngạc nhiên trước niềm tin của mọi người; Ngài vui mừng và không bỏ lỡ
cơ hội để nói về nó.
Ơn biết phân định
Ơn thứ ba mà người dân được đón
nhận là ơn biết phân định. “Đám đông dân chúng biết thế [nơi Chúa Giê-su đến],
liền đi theo Người” (Lc 9:11). Họ “sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người
giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7:28-29; x. Lc 5:26). Đức Ki-tô, Ngôi
Lời Thiên Chúa nhập thể, đánh thức trong mọi người đặc sủng phân định này, chắc
chắn đó không phải là sự phân định của những người chuyên gia trong các câu hỏi
tranh luận. Khi những người Pha-ri-sêu và những thầy thông luật tranh luận với
Ngài, điều mà dân chúng nhận ra là uy quyền của Chúa Giê-su, uy quyền của lời dạy
của Ngài chạm đến tâm hồn của họ, và sự thật là các tà thần phải tuân phục Ngài
(ngay lập tức làm cho những người muốn đưa ngài vào bẫy bằng những câu hỏi của
họ phải nín lặng; dân chúng thích điều đó).
Chúng ta nhìn gần hơn vào cách
Tin mừng mô tả đám đông. Lu-ca chỉ ra bốn nhóm đám đông rất lớn là những người
được thụ hưởng việc xức dầu của Chúa: người nghèo, người mù, người bị áp bức và
người bị giam cầm. Ngài nói về họ bằng những cụm từ tổng quát, nhưng rồi chúng
ta vui mừng khi nhìn thấy rằng, trong suốt cuộc đời của Chúa, những người được
xức dầu này dần dần có những tên và những khuôn mặt rõ ràng. Khi dầu được xức
trên một phần thân thể, kết quả tốt lành của nó lan tỏa đi khắp thân thể. Cũng
như vậy, Chúa lấy lời sứ ngôn của I-sai-a, đặt tên cho “những đám đông” khác
nhau là những người mà Thần Khí sai Ngài đến với họ, tùy theo điều mà chúng ta
có thể gọi là một “sự ưu ái bao gồm”: ơn sủng và đặc sủng được trao ban cho một
người hay một nhóm người có kết quả âm vang sự tốt lành đến cho tất cả mọi người,
giống như mọi hoạt động của Thần Khí.
Người nghèo (tiếng Hy lạp là
ptochoi) là những người phải cong lưng xuống, như những người hành khất cúi
mình xin của bố thí. Người nghèo (ptochè) cũng vậy, như người đàn bà góa được xức
dầu bằng những ngón tay của bà với hai đồng kẽm là tất cả những gì bà có để sống
trong ngày hôm đó. Việc xức dầu của người đàn bà góa đóng góp của bố thí chẳng
thu hút được sự chú ý của bất kỳ con mắt của người nào ngoại trừ Chúa Giê-su,
là người trìu mến nhìn đến sự nhỏ bé của bà. Qua bà, Chúa có thể hoàn thành trọn
vẹn việc loan báo Tin mừng cho người nghèo.
Nghịch lý thay, các môn đệ nghe
được tin vui mà những người như bà sống. Bà – một người phụ nữ quảng đại –
không hề tưởng tượng rằng bà lại “được đưa vào Tin mừng,” rằng hành động đơn sơ
của bà lại được ghi vào trong Tin mừng. Cũng như tất cả những người nam và nữ
là “những thánh nhân hàng xóm,” bà hân hoan trong lòng vì những hành động của
bà “rất nặng ký” trong Nước Trời, và đáng giá hơn tất cả những sự giàu có trên
thế gian.
Người mù được đại diện bởi một
trong những nhân vật được yêu thích nhất trong Tin mừng: Ba-ti-mê (x. Mt
10:46-52), một người hành khất mù lấy lại được đôi mắt sáng, và từ giây phút đó
chỉ có đôi mắt để đi theo Chúa Giê-su trên con đường của Ngài. Việc xức dầu của
cái nhìn! Cái nhìn của chúng ta, cái nhìn mà chỉ ánh mắt của Chúa Giê-su mới có
thể phục hồi lại ánh sáng bằng một tình yêu nhưng không, ánh sáng đó mỗi ngày bị
đánh cắp dần dần bởi những hình ảnh hấp dẫn và vô vị của thế gian bủa vây chúng
ta. Nói đến những người bị áp bức (tiếng Hy lạp là tethrausmenoi), Thánh Lu-ca
sử dụng một từ có hàm chứa ý tưởng về một “trauma” (người bị thương). Từ ngữ đó
đủ để gợi lên dụ ngôn về người Sa-ma-ri Tốt lành – có lẽ là từ ngữ yêu thích nhất
của Thánh Lu-ca – người dùng dầu xức và băng bó những vết thương (traumata: Lc
10:34) của người đàn ông bị những kẻ cướp đánh đập tàn nhẫn và để nằm bên vệ đường.
Việc xức dầu cho da thịt bị thương tổn của Đức Ki-tô! Trong việc xức dầu đó
chúng ta tìm được phương thuốc chữa lành cho tất cả những người bị thương tổn
trong đó gồm những cá nhân mỗi người, những gia đình và toàn thể các dân tộc bị
quên lãng, bị loại trừ và bị gạt bỏ, bên lề của lịch sử.
Người bị giam cầm là những tù
nhân chiến tranh (tiếng Hy lạp là aichmalotoi), những người bị đưa ra trước mũi
giáo (aichmé). Chúa Giê-su sử dụng cùng một từ để nói về việc chiếm thành
Giê-ru-sa-lem là thành trì thân thương của Ngài, và sự lưu đày của dân thành
(Lc 21:24). Các thành phố của chúng ta hôm nay không trở thành tù nhân đến mức
phải đứng trước mũi giáo như ngày xưa, nhưng bởi những phương tiện thuộc địa hệ
tư tưởng tinh vi.
Chỉ bằng việc xức dầu văn hóa,
được xây dựng bằng sức lao động và nghệ thuật của cha ông chúng ta, thì mới giải
thoát các thành phố của chúng ta khỏi những hình thức nô lệ mới này.
Về phần chúng ta, thưa các anh
em linh mục thân yêu, chúng ta không được quên rằng những gương mẫu rao giảng
phúc âm của chúng ta là “những người” đó, là “đám đông” với những khuôn mặt thật,
mà việc xức dầu của Chúa nâng dậy và làm hồi sinh.
Họ là những người làm cho việc
xức dầu của Thần Khí trong chúng ta trở nên trọn vẹn và xác thực; họ là những
người mà chúng ta được xức dầu để xức dầu họ. Chúng ta được chọn ở giữa họ, và
chúng ta đừng e sợ đồng nhất hóa mình với những người này. Họ là hình ảnh của
linh hồn chúng ta và là một hình ảnh của Giáo hội. Mỗi người họ là hiện thân của
một tâm hồn của dân tộc chúng ta.
Người linh mục chúng ta là người
nghèo và chúng ta cần phải có tâm hồn của bà góa nghèo khi chúng ta làm phúc bố
thí, chạm đến bàn tay của người hành khất và nhìn vào đôi mắt của họ. Người
linh mục chúng ta là những Ba-ti-mê, và mỗi sáng thức dậy chúng ta cầu nguyện rằng:
“Lạy Chúa, xin cho con được đôi mắt sáng.” Ở một mức độ tội lỗi nào đó của
chúng ta, người linh mục là người đàn ông bị đánh đập bởi những kẻ cướp. Và trước
hết chúng ta muốn được ở trong bàn tay đầy lòng trắc ẩn của người Sa-ma-ri Tốt
lành, để rồi từ đó có khả năng thể hiện lòng trắc ẩn với người khác bằng đôi
bàn tay của chúng ta.
Tôi thú thật với anh em rằng bất
cứ khi nào tôi truyền chức, tôi thích làm vấy bẩn trán và bàn tay của người tôi
xức dầu bằng dầu thánh hiến. Trong cách xức dầu dư tràn như vậy, chúng ta có thể
cảm nhận rằng việc xức dầu của chúng ta đang được đổi mới. Tôi muốn nói như vầy:
chúng ta không phải là những người phân phát dầu được đóng trong chai. Chúng ta
xức dầu bằng việc phân phát chính bản thân của chúng ta, phân phát ơn gọi và
tâm hồn của chúng ta. Khi chúng ta xức dầu người khác, là chính chúng ta được xức
dầu một lần nữa bằng đức tin và lòng yêu mến của con người. Chúng ta xức dầu bằng
cách làm bẩn đôi bàn tay của chúng ta khi chạm đến những vết thương, những tội
lỗi và những điều lo lắng của con người. Chúng ta xức dầu bằng cách xức dầu
thơm cho bàn tay chúng ta khi chạm đến đức tin của họ, những hy vọng, lòng
trung thành và lòng quảng đại cho đi vô điều kiện của họ.
Những ai học được cách xức dầu
và chúc phúc lành thì được chữa lành khỏi sự ích kỷ, lạm dụng và độc ác.
Qua cách cùng đặt mình ở giữa
dân của chúng ta cùng với Chúa Giê-su, nguyện xin Chúa Cha đổi mới Thần Khí của
sự nên thánh tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta; xin Người ban cho chúng ta trở
thành người biết khẩn xin lòng thương xót cho dân được trao phó dưới sự chăm
sóc của chúng ta và cho toàn thế giới. Bằng cách này, sự đông đảo của các dân tộc,
được Đức Ki-tô tụ họp về, có thể trở thành một dân tộc trung thành của Chúa, là
dân tộc sẽ đạt được sự kiện toàn trong Nước Trời (x. Lời cầu nguyện truyền chức
linh mục).
Chuyển ngữ: Tri Khoan
Nguồn: daminhtamhiep.net