BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA
Lễ Dầu (17.04.2014)

ĐƯỢC XỨC BẰNG DẦU HOAN LẠC

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục sống niềm vui được xức dầu để phục vụ, và sống tinh thần thanh bần, trung thành và vâng phục. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu sáng thứ năm Tuần Thánh 17-4-2014 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Anh em linh mục thân mến!

Ngày thứ năm Tuần Thánh hôm nay, ngày mà Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta đến tột cùng (Xc Ga 13,1), chúng ta tưởng niệm ngày hạnh phúc Chúa lập chức linh mục và ngày chúng ta chịu chức linh mục. Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô, Ngài xức bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và lãnh nhận hồng ân cao cả này: niềm vui, niềm hoan lạc linh mục. Niềm vui của chức linh mục là một thiện ích quí giá không những cho đương sự nhưng còn cho toàn thể dân trung thành của Thiên Chúa: dân trung thành mà linh mục được kêu gọi đến giữa họ để được xức dầu và được sai đi để xức dầu cho dân.

Được xức bằng dầu hoan lạc để đi xức cho người khác bằng dầu hoan lạc. Niềm vui linh mục có nguồn mạch từ Tình Thương của Chúa Cha và Chúa muốn rằng niềm vui của Tình Thương này ở “trong chúng ta” và “được viên mãn” (Ga 15,11). Tôi vui mừng nghĩ đến niềm vui khi chiêm ngắm Đức Mẹ: Đức Maria, “người Mẹ của Tin Mừng sinh động, là nguồn vui cho những người bé nhỏ” (Tông huấn 'Niềm Vui Phúc âm', 288) và tôi tin là chúng ta không nói quá khi khẳng định rằng linh mục là một người rất bé nhỏ: hồng ân cao cả vô biên được ban cho chúng ta để thi hành sứ vụ, xếp chúng ta vào số những người bé nhỏ nhất trong loài người. Linh mục là người nghèo nàn nhất trong nhân loại nếu Chúa Giêsu không làm cho linh mục được phong phú nhờ cái nghèo của Ngài; linh mục là người đầy tớ vô ích nhất nếu Chúa Giêsu không kiên nhẫn giáo huấn như Ngài đã làm với thánh Phêrô; linh mục là người yếu thế nhất trong số các Kitô hữu nếu vị Mục Tử Nhân Lành không củng cố linh mục giữa đoàn chiên. Không ai bé nhỏ hơn một linh mục bị bỏ mặc cho sức riêng của mình; vì thế kinh nguyện của chúng ta để chống lại mưu chước của ma quỉ chính là kinh nguyện của Mẹ chúng ta: tôi là linh mục vì, trong lượng nhân lành của Ngài, Chúa đã nhìn đến sự bé nhỏ của tôi (Xc Lc 1,48). Và từ sự bé nhỏ ấy chúng ta đón nhận niềm vui của mình. Niềm vui trong sự nhỏ bé của chúng ta!

Tôi tìm thấy 3 đặc tính đầy ý nghĩa trong niềm vui linh mục của chúng ta: đó là một niềm vui xức dầu cho chúng ta (không làm cho chúng ta trở thành yểu điệu, khoe khoang và tự phụ); đó là một niềm vui không bị hư nát; và là một niềm vui thừa sai, niềm vui chiếu tỏa và thu hút tất cả mọi người, bắt đầu từ những người xa xăm nhất.

- Một niềm vui xức dầu chúng ta. Nghĩa là sự xức dầu ấy thấu nhập tận thâm tâm chúng ta, uốn nắn con tim chúng ta và củng cố bằng bí tích. Các dấu hiệu phụng vụ lễ truyền chức nói với chúng ta về một ước muốn từ mẫu mà Giáo Hội muốn chuyển đạt và thông truyền tất cả những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta: cử chỉ đặt tay, xức dầu hương thảo, mặc phẩm phục thánh, tham gia ngay vào việc truyền phép đầu tiên.. Ơn thánh làm cho chúng ta được tràn đầy và lan tỏa toàn vẹn, dồi dào và sung mãn nơi mỗi linh mục. Được xức dầu đến tận xương tủy.. và niềm vui của chúng ta, trào ra từ nội tâm, chính là âm vang của sự xức dầu ấy.

Một niềm vui không thể bị hư hỏng. Hồng ân toàn vẹn mà không ai có thể tước mất hoặc thêm thắt, chính là nguồn mạch không ngừng mang lại niềm vui: một niềm vui không thể hư mất, mà Chúa đã hứa là không ai có thể tước đoạt (Xc Ga 16,22). Niềm vui ấy có thể 'ngái ngủ' hoặc bị tội lỗi hoặc những lo lắng bận bịu của cuộc sống bóp nghẹt, nhưng xét cho cùng niềm vui ấy vẫn còn nguyên vẹn như than hồng dưới lớp tro, luôn luôn có thể được khơi dậy. Lời nhắn nhủ của thánh Phaolo với Timothê vẫn luôn có tính chất thời sự: Cha nhắc nhở con hãy khơi dậy ngọn lửa hồng ân của Thiên Chúa trong con do việc đặt tay của cha (Xc 1 Tm 1,6).

- Một niềm vui thừa sai. Đặc tính thứ ba này tôi muốn chia sẻ và nhấn mạnh một cách đặc biệt: niềm vui của linh mục được đặt trong quan hệ thân mật với dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì đó là một niềm vui có đặc tính truyền giáo cao độ. Việc xức dầu cho linh mục là để xức dầu dân thánh trung thành của Thiên Chúa: để rửa tội và thêm sức, để săn sóc và thánh hiến, để chúc lành, để an ủi và loan báo Tin Mừng.

Và vì là một niềm vui có ảnh hưởng khi vị mục tử ở giữa đoàn chiên - (kể cả trong kinh nguyện thinh lặng, vị mục tử thờ lạy Chúa Cha giữa đoàn chiên của mình)- là một “niềm vui được chính đoàn chiên của mình bảo tồn”. Cả trong những lúc buồn sầu, khi mọi sự dường như trở nên u tối và sự cô lập choáng váng cám dỗ chúng ta, trong những lúc lãnh đạm và chán nản mà nhiều khi chúng ta gặp phải trong đời linh mục (và tôi cũng đã trải qua những lúc như thế), cả trong những lúc ấy, dân Chúa có khả năng bảo tồn niềm vui, có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.

“Niềm vui được đoàn chiên bảo tồn” và cũng được canh giữ nhờ 3 người em quây quần, bảo vệ và bênh đỡ: người em khó nghèo, người em trung thành và người em vâng phục.

Niềm vui linh mục là một niềm vui có người em là đức thanh bần. Linh mục nghèo niềm vui phàm tục: linh mục đã từ bỏ rất nhiều! Linh mục là người đã cho tha nhân rất nhiều, và vì nghèo, nên linh mục phải xin niềm vui ấy từ Chúa và từ dân trung thành của Chúa. Linh mục không được tự ban cho mình niềm vui ấy. Chúng ta biết rằng dân của chúng ta thật là quảng đại trong việc biết ơn các linh mục vì những cử chỉ ban phúc lành bé nhỏ nhất, đặc biệt là các bí tích. Khi nói về cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, nhiều người không để ý rằng căn tính ấy giả thiết phải có sự thuộc về ai. Sẽ không có căn tính - và vì thế không có niềm vui sống - nếu không có thái độ tích cực thuộc về dân trung thành của Chúa (Xc “Niềm vui Phúc Âm”, 268). Linh mục nào tự phụ mình tìm được căn tính linh mục bằng cách nhìn vào nội tâm của mình mà thôi, thì có thể sẽ không tìm được điều gì khác ngoài những dấu hiệu bảo “hãy ra ngoài”: ra khỏi chính con người của bạn, hãy ra ngoài để đi tìm Thiên Chúa trong sự thờ lạy, hãy ra ngoài và trao cho dân điều đã được ủy thác cho bạn, và dân của bạn sẽ lo liệu cho bạn cảm thấy và nếm hưởng bạn là ai, bạn tên là gì, đâu là căn tính của bạn, và dân sẽ làm cho bạn vui mừng gấp trăm lần như Chúa đã hứa cho các tôi tớ của Ngài. Nếu bạn không ra khỏi chính mình, thì dầu sẽ bị ôi và việc xức dầu không thể mang lại kết quả phong phú. Ra khỏi chính mình đòi phải từ bỏ mình, và bao hàm sự thanh bần.

Niềm vui linh mục là một niềm vui có em là lòng trung thành. Không phải theo nghĩa tất cả chúng ta sẽ trở nên “không vết tỳ ố” (Ước gì chúng ta được như vậy nhờ ơn Chúa!) vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng đúng hơn theo nghĩa một sự trung thành luôn mới mẻ đối với vị Hôn Thê duy nhất là Giáo Hội. Đây chính là chìa khóa của sự phong phú. Các con cái tinh thần mà Chúa ban cho mỗi linh mục, những người mà linh mục rửa tội, những gia đình mà ngài chúc lành và giúp họ tiến bước, những bệnh nhân mà linh mục nâng đỡ, những người trẻ mà linh mục dạy giáo lý và huấn luyện, những người già mà linh mục cứu giúp .. họ là “vị Hôn Thê” mà linh mục vui mừng đối xử như người yêu ưu tiên và duy nhất và luôn luôn chung thủy. Đó là Giáo Hội sinh động, với tên tuổi, mà linh mục chăm sóc trong giáo xứ hoặc trong sứ vụ được ủy thác, chính Giáo Hội ấy mang lại niềm vui cho linh mục khi linh mục trung thành, khi linh mục làm tất cả những gì phải làm và bỏ đi tất cả những gì phải bỏ miễn là ở lại giữa đoàn chiên mà Chúa đã ủy thác cho linh mục: “Hãy chăn dắt các chiên của Thầy” (Ga 21,16.17).

Niềm vui linh mục là niềm vui có người em là đức vâng phục. Có thể nói đó là vâng phục Giáo Hội theo phẩm trật được ban cho chúng ta không những trong lãnh vực bên ngoài nhất của đức vâng phục: giáo xứ mà chúng ta được gửi đến, các năng quyền của sứ vụ, trách vụ đặc thù.. cả sự kết hiệp với Thiên Chúa Cha, từ đó nảy sinh mọi tình phụ tử. Cả sự vâng phục Giáo Hội trong việc phục vụ: sẵn sàng và mau mắn phục vụ tất cả mọi người, luôn luôn và theo thể thức tốt đẹp hơn, theo hình ảnh “Đức Mẹ sẵn sàng (Xc Lc 1,39) chạy đến giúp đỡ bà chị họ và quan tâm đến cả việc bếp núc ở tiệc cưới Cana trong đó rượu bị thiếu. Sự sẵn sàng của linh mục làm cho Giáo Hội trở thành căn nhà có những cánh cửa mở rộng, là nơi mương náu cho những người tội lỗi, là tổ ấm cho những người sống ở đường phố, là nhà săn sóc các bệnh nhân, nơi cắm trại cho người trẻ, là nơi học giáo lý cho các trẻ em lớp xưng tội rước lễ lần đầu.. Nơi nào dân Chúa có ước mong hoặc nhu cầu, nơi ấy có linh mục biết lắng nghe, và cảm thấy một mệnh lệnh yêu thương của Chúa Kitô, Đấng sai linh mục đến đáp ứng, với lòng từ bi, những nhu cầu hoặc nâng đỡ những ước muốn tốt lành với lòng bác ái sáng tạo.

Người được gọi hãy biết rằng trong thế giới này có một niềm vui chân thành và viên mãn: niềm vui được đón nhận nơi dân mà linh mục yêu thương và để được sai đến với họ như người ban phát các hồng ân và sự an ủi của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành duy nhất, đầy lòng từ bi thương xót đối với mọi người bé nhỏ và bị gạt ra ngoài lề trên trái đất này, những người vất vả và bị đè nén như những con chiên không người chăn dắt; Vị Mục Tử ấy đã muốn cho nhiều người được tham gia sứ vụ của Ngài để ở lại và hoạt động như chính Ngài trong các linh mục, để mưu ích cho dân Ngài.

Trong ngày thứ năm của chức linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho nhiều người trẻ khám phá thấy một tâm hồn nồng nhiệt khiến họ có được một niềm vui bừng cháy vừa khi một người can đảm mau mắn và vui mừng đáp lại tiếng Chúa gọi.

Trong ngày Thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu bảo tồn ánh mắt vui mừng của các tân linh mục, họ ra đi để tận tụy phục vụ thế giới này, để bị tiêu hao giữa dân trung thành của Thiên Chúa, xin Chúa cho các linh mục ấy vui mừng dọn bài giảng đầu tiên, thánh lễ mở tay, cử hành bí tích rửa tội đầu tiên, giải tội lần đầu tiên... Đó là niềm vui được kinh ngạc chia sẻ kho tàng Phúc Âm lần đầu tiên trong tư cách là những người được xức dầu và cảm thấy rằng đối lại, dân trung thành xức dầu cho linh mục theo một thể thức khác: họ cúi đầu xin linh mục chúc lành cho họ, xiết tay linh mục, đưa con cái họ đến gần linh mục và xin đặt tay trên chúng.. Xin Chúa giữ gìn nơi các linh mục trẻ niềm vui được khởi hành, làm mọi sự như điều mới mẻ, niềm vui tiêu hao cuộc sống vì Chúa.

Trong ngày thứ năm linh mục này, tôi cầu xin Chúa củng cố niềm vui linh mục nơi những người đã thi hành sứ vụ này trong nhiều năm trời. Niềm vui ấy không biến mất khỏi đôi mắt, đậu trên vai của những người đang vác gánh nặng của sứ vụ, những linh mục đã bắt mạch công việc, đang dồn toàn lực và tái võ trang: “họ đổi không khí” như các thể tháo gia vẫn nói. Xin Chúa gìn giữ sự sâu xa và sự trưởng thành khôn ngoan của niềm vui nơi những linh mục đứng tuổi. Chúng ta hãy biết cầu nguyện như ngôn sứ Neemia: niềm vui của Chúa là sức mạnh của tôi (Xc Ne 8,10).

Sau cùng, trong ngày thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho niềm vui của các linh mục cao niên, lành mạnh hay yếu đau, được chiếu tỏa rạng ngời. Đó là niềm vui của Thập Giá, xuất phát từ ý thức mình có một kho tàng không thể hư nát trong một bình sành dễ bị vỡ. Chúng ta hãy biết an vui trong bất kỳ nơi nào, cảm thấy niềm vui về sự vĩnh cửu trong sự mau qua của thời gian (Guardini). Họ hãy cảm thấy niềm vui vì được chuyển ngọn đuốc cho người kế tiếp, niềm vui được thấy cảc con cái của các con cái lớn lên, và cảm nghiệm những lời hứa, trong nụ cười và dịu dàng, trong đó niềm hy vọng không làm thất vọng.

Nguồn: archivioradiovaticana.va/storico (17.04.2014)