Lễ Dầu (06.4.2023)
ĐỨC CHÚA ĐÃ XỨC DẦU TẤN PHONG TÔI
Vatican News Tiếng Việt
Vatican News (06.4.2023) - Lúc 9:30 sáng thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha
đã chủ sự Thánh Lễ Dầu cùng với các linh mục, với rất đông tín hữu tham dự
trong Đền thờ Thánh Phêrô.
Bài giảng của
Đức Thánh Cha trong Lễ Truyền Dầu, thứ Năm Tuần Thánh, 06/04/2023
“Thần
Khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4,18). Từ câu này Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và
đây cũng chính là câu mà chúng ta vừa nghe trong sách ngôn sứ Isaia (Is 61,1) ở
bài đọc 1. Như vậy, khởi đầu là Thánh Thần Chúa.
Anh
em thân mến, hôm nay tôi muốn suy niệm với anh em về Thần Khí của Chúa. Bởi vì
không có Thần Khí của Chúa thì không có đời sống Kitô, và không có sự xức dầu của
Người, sẽ không có sự thánh thiện. Thánh Thần là nhân vật chính và
thật đẹp, hôm nay, trong ngày khai sinh chức linh mục, chúng ta nhìn nhận chính
Người là nguồn gốc của thừa tác vụ linh mục chúng ta, nguồn của đời sống, sức sống
của mỗi Mục tử. Thật vậy, Mẹ Giáo hội thánh thiện dạy chúng ta tuyên xưng Chúa
Thánh Thần “Đấng ban sự sống” như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thần Khí mới làm
cho sống” (Ga 6, 63); giáo huấn đã được thánh Phaolô lấy khi viết: “Chữ viết
thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cr 3, 6). Không có Thần Khí, cả
Giáo hội cũng không phải là Hiền thê sống động của Chúa Kitô, nhưng chỉ là một
tổ chức tôn giáo; không phải Thân Mình Chúa Kitô, nhưng là một đền thờ do tay
con người làm nên. Giáo hội được thiết lập như thế nào nếu không phải khởi đi từ
thực tế rằng chúng ta là “đền thờ của Thánh Thần” Đấng “ngự trong chúng ta”?
(1Cr 6,19; 3, 16). Chúng ta không thể để Thánh Thần ở bên ngoài ngôi nhà hoặc ở
một chỗ sùng kính nào đó. Mỗi ngày, chúng ta cần phải thưa với Người: “Lạy Chúa
Thánh Thần, xin hãy đến, bởi vì con người không thể làm gì được nếu không có sức
mạnh của Ngài”.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Mỗi người chúng ta có thể nói như thế. Đây không
phải là một suy đoán, mà là thực tế. Mỗi Kitô hữu, đặc biệt mỗi linh mục có thể
nói những lời này: “Vì Đức Chúa đã xức dần tấn phong tôi” (Is 61,1). Anh em
thân mến, không bởi công trạng, nhưng nhờ ân sủng chúng ta đã được xức dầu, làm
cho chúng ta trở thành những mục tử của Dân thánh của Chúa. Chúng ta hãy dừng lại
ở chiều kích này của Thánh Thần: xức dầu.
Sau
lần “xức dầu” đầu tiên trong cung lòng Đức Maria, Thánh Thần đã ngự xuống trên
Chúa Giêsu ở sông Giođan. Kết quả là, như thánh Basilio giải thích “mọi hành động
của Chúa Giêsu đã được hoàn thành cùng với sự hiện diện của Thánh Thần”. Thật vậy,
Chúa Giêsu đã rao giảng và làm mọi dấu chỉ nhờ quyền năng từ việc xức dầu, nhờ
đó “Có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6, 19).
Chúa Giêsu và Thánh Thần luôn hoạt động cùng nhau, như hai bàn tay của Chúa Cha
– thánh Irênê nói –, hướng về chúng ta, ôm lấy và nâng chúng ta lên. Và từ Chúa
Giêsu và Thánh Thần, đôi tay chúng ta đã được ghi dấu và thánh hiến. Anh em
thân mến, đúng vậy, Thiên Chúa đã chọn và kêu gọi chúng ta, từ nơi này nơi
khác…: Người đã tuôn đổ trên chúng ta dầu Thánh Thần, như chính Người đã trao
ban cho các Tông đồ. Chúng ta trở nên những người được xức dầu.
Chúng
ta hãy nhìn vào các Tông đồ. Chúa Giêsu đã chọn các ông và theo lời mời gọi,
các ông đã bỏ thuyền, lưới, nhà cửa. Sự xức dầu của Lời Chúa đã thay đổi cuộc đời
các ông. Các ông nhiệt thành theo Thầy và bắt đầu rao giảng, xác tín sẽ hoàn
thành những điều vĩ đại hơn, cho đến Phục Sinh. Vào lúc đó, mọi thứ dường như dừng
lại: các ông chối và bỏ Thầy. Chúng ta đừng sợ. Chúng ta can đảm đọc lại cuộc đời
của mình và những sa ngã của mình. Kẻ đầu tiên chối và bỏ Thầy là Phêrô. Các
ông chấp nhận sự bất xứng và nhận ra rằng đã không hiểu Người: “Tôi không biết
người này” (Mc 17, 71). Việc thánh Phêrô đã khẳng định như thế trong sân thượng
tế sau Tiệc Ly, không chỉ là một sự biện minh tuỳ hứng, nhưng là một sự thú nhận
thiếu hiểu biết tâm linh: có lẽ thánh Phêrô và các Tông đồ khác mong đợi một cuộc
sống thành công đàng sau một Đấng Mêsia có thể lôi cuốn đám đông và thực hiện
những điều kỳ diệu, nhưng các ông đã không nhận ra cớ vấp phạm của thập giá,
làm sụp đổ sự chắc chắn của các ông. Chúa Giêsu biết tự sức các ông, các ông
không thể làm được, vì thế Chúa hứa cho các ông Đấng Bào Chữa. Và chính việc “xức
dầu lần thứ hai”, Lễ Hiện Xuống đã biến đổi các môn đệ, làm cho các ông trở
thành những người chăn dắt đàn chiên Chúa và các ông không còn tự dựa sức chính
mình nữa. Và đây là mâu thuẫn cần phải giải quyết: tôi là mục tử của dân của
Chúa hay của chính tôi? Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho tôi con đường. Chính việc xức
dầu bằng lửa đã dập tắt thứ tôn giáo tập trung vào chính mình và khả năng của
mình. Với việc đón nhận Thánh Thần, nỗi sợ hãi và do dự của Phêrô tan biến;
Giacôbê và Gioan bừng cháy ước muốn trao ban sự sống, ngừng theo đuổi chỗ danh
dự (Mc 10, 35-45); những môn đệ khác không còn khép kín và lo sợ trong Phòng Tiệc
Ly, nhưng ra đi trở thành tông đồ trong thế giới. Chính Chúa Thánh Thần làm
thay đổi trái tim chúng ta, đặt nó ở đây với một kế hoạch khác.
Anh
em thân mến, đời sống linh mục và tông đồ của chúng ta cũng có một hành trình
tương tự như vậy. Lần xức dầu đầu tiên của chúng ta được bắt đầu bằng lời kêu gọi
tình yêu, cướp lấy trái tim chúng ta. Vì lời kêu gọi này chúng ta đã để thuyền
lại và với sự nhiệt thành đơn sơ, sức mạnh Thánh Thần đã ngự xuống và thánh hiến
chúng ta. Rồi theo thời gian của Chúa, mỗi người đến giai đoạn phục sinh, đánh
dấu thời điểm sự thật. Và đó là giai đoạn khủng hoảng, với nhiều hình thức. Tất
cả, sớm hay muộn đều trải qua những thất vọng, mệt mỏi và yếu đuối, với lý tưởng
dường như bị phai nhạt giữa những đòi hỏi của thực tế, trong khi một thói quen
nào đó và một số thử thách, trước đây rất khó hình dung đến, làm cho chúng ta cảm
thấy khó khăn hơn so với trước đây. Giai đoạn này, cám dỗ này, thử thách này mà
chúng ta đã và sẽ gặp, là một quyết định quan trọng cho những ai đã được xức dầu.
Chúng ta có thể trở nên tồi tệ, đi tới một sự tầm thường nào đó, kéo lê sự mệt
mỏi trong “sự bình thường” nơi ba cám dỗ nguy hiểm len lỏi vào: sự thỏa
hiệp, chúng ta hài lòng với những gì mình có thể làm; những bù trừ,
chúng ta cố gắng “nạp năng lượng” cho mình bằng thứ gì đó xa lạ với sự xức dầu
của chúng ta; sự chán nản – cái này phổ biến –, không hài
lòng, bước đi một cách trì trệ. Điều này rất nguy hiểm: trong khi vẻ bên ngoài
dường dư còn nguyên vẹn, “tôi là linh mục” -, chúng ta rút lui vào chính mình
và cố gắng vượt qua một cách uể oải; hương thơm của việc xức dầu không còn là
hương thơm sự sống và tâm hồn không mở rộng nhưng thu mình lại, bao quanh bởi sự
vỡ mộng. Khi một linh mục dần trượt vào chủ nghĩa giáo sĩ trị, và linh mục quên
mình là mục tử của dân, thì trở thành giáo sĩ nhà nước.
Nhưng
cuộc khủng hoảng này cũng có thể trở thành bước ngoặt cho đời linh mục, “giai
đoạn quyết định của đời sống thiêng liêng, trong đó phải chọn lựa dứt khoát giữa
Chúa Giêsu và thế gian, giữa tính anh hùng của đức ái và sự tầm thường, giữa thập
giá và hạnh phúc nào đó, giữa sự thánh thiện và sự trung thành trung thực với dấn
thân ơn gọi”. Vào cuối Thánh Lễ, tôi tặng anh em một món quà cổ điển, một cuốn
sách liên quan đến vấn đề này: cuốn sách “Lời kêu gọi thứ hai”, là một cuộc
sách cổ điển của cha Voillaume. Anh em hãy đọc nó. Rồi tất cả chúng ta cần phản
tỉnh về giây phút này của ơn gọi linh mục của chúng ta.
Đây
là giây phút được chúc phúc như các môn đệ trong ngày Phục Sinh, chúng ta được
mời gọi “khiêm nhường để thú nhận mình đã được Chúa Kitô chịu sỉ nhục và chịu
đóng đinh chinh phục, và chấp nhận bắt đầu một hành trình mới, hành trình của
Thần Khí, đức tin và một tình yêu mạnh mẽ và không ảo tưởng”. Đó là sự
hạ mình để khám phá ra rằng “mọi sự không chỉ dừng lại ở việc bỏ thuyền
và lưới để theo Chúa Giêsu trong một thời gian nhất định, nhưng đòi hỏi phải đi
đến đồi Canvê, đón nhận bài học và đón nhận hoa trái từ đó, và ra đi với sự trợ
giúp của Chúa Thánh Thần cho đến cuối cuộc đời, cần phải kết thúc
trong sự hoàn thiện của Đức Ái Thiên Chúa”. Với sự trợ giúp của Thánh
Thần: đã đến lúc, đối với chúng ta cũng như với các Tông đồ, cho một sự “xức
dầu lần thứ hai”, chúng ta phải lắng nghe lời kêu gọi lần hai, chúng ta đón nhận
Thần Khí không phải vì sự nhiệt thành của những giấc mơ, nhưng trên sự yếu đuối
của thực tại chúng ta. Đó là sự xức dầu làm cho chân lý trở nên sâu thẳm, cho
phép Thần Khí xức dầu những yếu đuối, gian truân, nghèo nàn nội tâm. Như thế, xức
dầu làm cho có hương thơm mới: của Người, không phải của chúng ta. Vào lúc này,
trong thâm tâm, tôi đang nhớ đến một số trong anh em đang gặp khủng hoảng, có
thể nói là những người bị mất phương hướng và không biết bước đi thế nào, không
biết quay trở lại con đường của việc xức dầu Thánh Thần lần hai này như thế
nào. Với những anh em này, tôi chỉ nói: can đảm lên, Chúa lớn hơn những yếu đuối
của anh em, tội lỗi của anh em. Hãy tin cậy Chúa và để cho mình được kêu gọi lần
thứ hai, lần này với sự xức dầu của Thánh Thần. Cuộc sống hai mặt sẽ không giúp
ích gì cho anh em; ném mọi thứ đó ra ngoài cửa sổ. Hãy nhìn về phía trước, để
cho mình được xoa dịu từ sự xức dầu của Chúa Thánh Thần.
Và
cách để đạt được điều này là nhìn nhận sự thật về yếu đuối của chính mình. “Thần
Khí sự thật” (Ga 16,13) khuyến khích chúng ta điều này, Đấng thúc đẩy chúng ta
nhìn vào bên trong, để chúng ta tự hỏi: sự thành công của tôi tùy thuộc vào tài
khéo, vai trò, những lời khen ngợi mà tôi nhận được, từ công việc tôi làm, từ bề
trên hay những người cộng tác, từ những tiện nghi mà tôi có thể
đảm bảo, hay từ sự xức dầu làm cho đời tôi toả hương thơm? Anh em thân mến, sự
trưởng thành của linh mục đến từ Chúa Thánh Thần, được hoàn thành khi Người trở
thành nhân vật chính trong cuộc đời chúng ta. Tất cả thay đổi cách nhìn, ngay cả
những thất vọng, cay đắng và cả tội lỗi, bởi vì không còn là chuyện cố gắng trở
nên tốt hơn bằng cách sửa chữa một điều gì đó, nhưng là trao chính mình, không
giữ lại bất cứ điều gì, cho Đấng đã xức dầu chúng ta và muốn xuống với chúng ta
đến tận cùng. Rồi chúng ta tái khám phá ra rằng đời sống thiêng liêng trở nên tự
do và vui tươi không phải khi các hình thức được cứu vãn và một miếng vá được
khâu lại, nhưng khi chúng ta buông mình cho sáng kiến của Thần Khí và phó thác
cho ý muốn của Người, chúng ta sẵn sàng phục vụ ở đâu và như thế nào khi chúng
ta được yêu cầu: Chức tư tế của chúng ta không phát triển bằng sự chắp vá,
nhưng bằng cách tràn đầy!
Nếu
chúng ta để Thần chân lý hành động trong mình, chúng ta sẽ giữ được sự
xức dầu, vì những giả dối, giả hình giáo sĩ, mà chúng ta bị cám dỗ sống
theo sẽ bị đưa ra ánh sáng. Và Thánh Thần, Đấng “rửa sạch những gì ô uế”, sẽ
không ngừng nhắc nhở chúng ta “đừng làm vấy bẩn sự xức dầu”, dù chỉ một chút.
Tôi nhớ đến một câu trong sách Giảng Viên: “Một con ruồi chết làm thối cả bình
dầu thơm; một chút ngu si gây phương hại cho cả khôn ngoan và danh giá” (10,
1). Đúng là mọi sự dối trá, hai mặt, lẻn vào đều nguy hiểm: không nên dung thứ
cho nó, nhưng hãy đưa nó ra ánh sáng Thánh Thần. Bởi vì nếu “không gì nham hiểm
và bất trị như lòng người, ai dò thấu được” (Gr 17,9), thì Chúa Thánh Thần, chỉ
một mình Người, chữa lành chúng ta khỏi những điều bất trung (Hs 14, 5). Đối với
chúng ta, đó là một cuộc đấu tranh cần thiết: thực tế, như thánh Grêgôriô Cả đã
viết, “ai công bố lời Chúa, trước tiên hiến thân cho chính lối sống của mình, bởi
vì sau đó, rút ra từ chính cuộc sống của mình, người ấy học được phải nói gì
và nói như thế nào. . [...] Không ai dám nói ra bên ngoài điều mà trước đây
chưa từng nghe bên trong”. Và Thánh Thần là vị thầy nội tâm để chúng ta lắng
nghe, biết rằng không có điều gì trong chúng ta mà Người không muốn xức dầu.
Anh em thân mến, chúng ta hãy bảo vệ sự xức dầu: khẩn cầu Thánh Thần không phải
là việc thực hành thỉnh thoảng, nhưng là hơi thở mỗi ngày. Tôi được Người thánh
hiến, được kêu gọi đắm mình trong Người, để ánh sáng Người chiếu vào rất nihều
chỗ mờ tối của tôi để tái khám phá sự thật về con người tôi. Chúng ta hãy để
cho Người thúc đẩy chúng ta chiến đấu với những điều giả dối đang khuấy động
bên trong chúng ta; và chúng ta hãy để cho mình được tái sinh bởi Người trong sự
tôn thờ, bởi vì khi chúng ta tôn thờ, Chúa sẽ đổ Thần Khí của Người vào tâm hồn
chúng ta.
“Thần
Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi; Người đã sai tôi đi”,
lời ngôn sứ tiếp tục, để mang tin mừng, giải thoát, chữa lành và ân sủng (Is
61,1-2; Lc 4,18-19): tóm lại, mang lại sự hài hòa cho những
nơi không có. Bởi như thánh Basiliô nói “Thánh Thần là sự hài hoà”, thì chính
Người cũng tạo nên sự hài hoà. Sau khi nói về việc xức dầu, tôi muốn nói với
anh em đôi điều về sự hài hòa bắt nguồn từ sự xức dầu. Thật vậy, Chúa Thánh Thần
là sự hài hòa. Trước hết là trên Trời Cao: Thánh Basilio giải thích rằng “tất cả
sự hài hòa siêu nhiên và không thể diễn tả được trong việc phụng sự Thiên Chúa
và trong bản giao hưởng hỗ tương của các sức mạnh siêu vũ trụ, thì không thể được
gìn giữ nếu không bởi quyền năng Thánh Thần”. Và trên mặt đất: thực tế, trong
Giáo hội, Thánh Thần là “Sự Hài hoà âm nhạc và sự thánh thiêng” liên kết tất cả.
Mà anh em hãy nghĩ, một linh mục không có sự hài hoà, không có Thần Khí thì
không ổn. Đấng khơi dậy sự đa dạng của các đặc sủng và quy tụ trong sự hiệp nhất,
tạo ra một sự hòa hợp không dựa trên sự đồng nhất hóa, nhưng trên sự sáng tạo đức
ái. Sự hòa hợp giữa nhiều người cũng vậy. Sự hoà hợp giữa các linh mục cũng vậy.
Trong những năm của Công đồng Vatican II, vốn là một ân ban của Chúa Thánh Thần,
một thần học gia đã công bố một nghiên cứu, mời gọi suy nghĩ về Thánh Thần như
một Ngôi vị Thiên Chúa không phải ở số ít, mà ở “số nhiều”, giống như “chúng ta
của Thiên Chúa”, chúng ta của Chúa Cha và Chúa Con, bởi vì Người là mối liên hệ
của Cha và Con, Thánh Thần hòa hợp trong chính Người, hiệp thông, hài hòa.
Thánh
Thần mong muốn tạo ra sự hòa hợp, đặc biệt qua những ai Người đã xức dầu. Anh
em thân mến, xây dựng sự hòa hợp giữa chúng ta không phải là một phương pháp tốt
để liên kết Giáo hội tiến triển tốt hơn, đó không phải là vấn đề chiến lược hay
sự nhã nhặn: đó là một đòi hỏi nội tại của đời sống Thần Khí. Chúng ta phạm tội
chống Thần Khí là Đấng hiệp thông khi chúng ta trở thành công cụ chia rẽ; rơi
vào tay kẻ thù, ưa thích những tin đồn và bóng gió, xúi giục đảng phái, nuôi dưỡng
hoài niệm quá khứ, ngờ vực, bi quan, sợ hãi. Chúng ta hãy cẩn thận, không làm vấy
bẩn sự xức dầu của Chúa Thánh Thần và y phục của Mẹ Giáo hội bằng sự bất hoà,
phân cực, thiếu bác ái và hiệp thông. Chúng ta hãy nhớ rằng Thần Khí, “chúng ta
của Thiên Chúa”, ưa thích hình thức cộng đoàn hơn, nghĩa là: sự sẵn sàng hơn là
nhu cầu cá nhân, vâng lời hơn là sở thích riêng, khiêm nhường hơn là ước muốn
riêng.
Hài
hoà không chỉ là một đức tính trong số những đức tính khác, mà còn hơn thế.
Thánh Grêgôriô Cả viết: “Nhân đức hòa thuận rất có giá trị, nếu không có nhân đức
này, tất cả các nhân đức khác chẳng có giá trị gì”. Chúng ta hãy giúp đỡ nhau để
giữ gìn sự hòa thuận. Đây là một nhiệm vụ, không bắt đầu từ người khác, nhưng từ
chính mỗi người; chúng ta hãy tự hỏi: trong lời nói, nhận xét của tôi, trong điều
tôi nói và viết, có dấu ấn của Thần Khí hay của thế gian? Tôi cũng nghĩ đến sự
tử tế của linh mục, - mà nhiều khi các linh mục, chúng ta mất lịch sự. Chúng ta
hãy nghĩ đến sự tử tế của linh mục: nếu dân chúng thấy nơi chúng ta những con
người không hài lòng và bất mãn, hay chỉ trích, thì họ sẽ thấy sự hài hòa ở
đâu? Biết bao người không đến gần hoặc bỏ đi vì trong Giáo hội, họ không cảm thấy
được chào đón và yêu thương, nhưng bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ và phán xét!
Nhân danh Chúa, chúng ta luôn chào đón và tha thứ! Và chúng ta hãy nhớ rằng
phát cáu và than phiền, ngoài việc không tạo ra điều gì tốt đẹp, còn làm hỏng
việc loan báo, vì nó là phản chứng về Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông và hòa
hợp. Trên hết, điều này phiền lòng Thánh Thần, Đấng mà Tông đồ Phaolô khuyên
chúng ta chớ làm phiền (Ep 4, 30).
Anh
em thân mến, tôi để lại cho anh em những suy nghĩ phát ra tự đáy lòng và tôi kết
luận bằng cách nói với anh em một lời đơn giản và quan trọng: cám ơn anh em.
Cám ơn anh em vì chứng tá và sự phục vụ của anh em; cám ơn anh em vì rất nhiều
việc làm tốt đẹp âm thầm, vì sự tha thứ và an ủi mà anh em đã trao ban nhân
danh Chúa: hãy tha thứ luôn luôn, vui lòng đừng từ chối tha thứ; cám ơn anh em
vì thừa tác vụ linh mục, thường được thực hiện giữa nhiều khó khăn, không được
hiểu và ít được công nhận. Xin Thần Khí Thiên Chúa, Đấng không để những ai đặt
niềm tin vào Người thất vọng, ban bình an cho anh em và hoàn tất điều Người đã
khởi sự nơi anh em, để anh em trở thành ngôn sứ xức dầu của Người và là tông đồ
của sự hài hòa.
Nguồn: vaticannews.va/vi