Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A (12.06.2011)
CHÚA THÁNH THẦN LÀM CHO GIÁO HỘI SINH ĐỘNG
Chúa nhật 12-6-2011, Đức Thánh
Cha Bênêđictô XVI đã cử hành thánh lễ trọng thể tại đền thờ Thánh Phêrô trước sự
hiện diện của 9 ngàn tín hữu, để mừng kính biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đúng
9 giờ rưỡi sáng, đoàn giúp lễ, 50 giám mục và 40 hồng y đồng tế đã cùng Đức
Thánh Cha đi rước lên bàn thờ chính giữa tiếng kèn bạc báo hiệu đại lễ khởi đầu.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã dựa vào các bài đọc để giải thích ý nghĩa lễ
Hiện Xuống cũng như vai trò và tương quan của Chúa Thánh Thần với cộng đoàn tín
hữu. Ngài nói:
Anh
chị em thân mến,
Hôm
nay chúng ta cử đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo một nghĩa nào đó, tất cả
các lễ trọng của phụng vụ đều là đại lễ, nhưng Lễ Hiện Xuống là một đại lễ một
cách đặc biệt, vì đánh dấu, vào ngày thứ 50, sự hoàn tất biến cố Vượt Qua, sự
chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, với hồng ân Thần Trí của Đấng Phục Sinh.
Trong những ngày qua, Giáo Hội đã chuẩn bị chúng ta mừng lễ Hiện Xuống qua kinh
nguyện, qua sự liên tục sốt sắng kêu cầu Thiên Chúa để xin Ngài tái đổ tràn Thánh
Thần trên chúng ta. Như thế, Giáo Hội tái cảm nghiệm điều đã xảy ra thời nguyên
thủy, khi các Tông Đồ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, “họ kiên trì và
hòa hợp trong kinh nguyện, cùng với một vài phụ nữ và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu,
và các anh em của Ngài” (Cv 1,14). Họ họp nhau trong sự khiêm tốn chờ đợi và
tin tưởng nơi sự ứng nghiệm lời hứa của Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã thông báo cho
họ: “Chẳng bao lâu nữa, các con sẽ được chịu phép rửa trong Thánh Thần.. các
con sẽ nhận được sức mạnh từ Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con” (Cv
1,5.8).
Trong
phụng vụ Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Thánh Vịnh 104[103] mà chúng
ta đã nghe trong phần Đáp ca, tương ứng với
trình thuật trong Sách Công Vụ Tông Đồ về sự ra đời của Giáo Hội (x. Cv 2:1-11): một bài
thánh vinh ca tụng của toàn thể thụ tạo để tôn vinh Thánh Thần Sáng Tạo, Đấng
đã sáng tạo mọi vật bằng sự khôn ngoan: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy
loài thụ tạo của Ngài.… Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho
Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa”. Qua các đoạn sách thánh này Giáo Hội
muốn nói với chúng ta điều này: Thánh Thần sáng tạo vạn vật, Thánh Thần mà Chúa
Kitô phái xuống từ Chúa Cha trên cộng đoàn các môn đệ là duy nhất và cùng là một:
sự sáng tạo và cứu chuộc thuộc về nhau và, xét cho cùng, họp thành mầu nhiệm
yêu thương và cứu độ duy nhất của Chúa. Thánh Thần trước tiên là Thánh Thần
Sáng Tạo, vì thế Lễ Hiện Xuống là lễ sáng tạo. Đối với chúng ta, thế giới là kết
quả một hành vi yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi sự và Ngài vui
mừng vì “đó là điều tốt”, điều rất tốt đẹp (Xc St 1,1-31). Vì thế, Thiên Chúa
không phải là Đấng hoàn toàn khác, Đấng không thể nêu danh và u tối. Thiên Chúa
tự biểu lộ, Ngài có một khuôn mặt, Thiên Chúa là lý trí, Thiên Chúa là ý chí,
Thiên Chúa là tình thương, Thiên Chúa là vẻ đẹp. Niềm tin nơi Thánh Thần Sáng Tạo
và niềm tin nơi Thần Trí mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các Tông Đồ và mỗi người
chúng ta, là điều gắn liền với nhau, không thể tách rời.
Bài
đọc 2 và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy mối liên hệ này. Chúa Thánh Thần là
Đấng làm cho chúng ta nhận ra Chúa nơi Đức Kitô và thúc đẩy chúng ta tuyên xưng
đức tin của Giáo hội: “Chúa Giêsu là Chúa” (x. 1Cr 12,3b). “Chúa” là danh hiệu
được gán cho Thiên Chúa trong Cựu Ước, một danh hiệu mà theo cách giải thích của
Kinh thánh đã thay thế tên “không thể phát âm” của Ngài. Kinh Tin Kính của Giáo
Hội không gì khác hơn là sự phát triển của điều mà chúng ta nói với lời khẳng định
đơn giản này: “Chúa Giêsu là Chúa”. Liên quan đến việc tuyên xưng đức tin này,
Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng điều đó không phải là vấn đề của lời nói, mà
chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta muốn ở trong Thần Khí,
chúng ta phải trung thành với Tín Điều này. Bằng cách biến nó thành của mình, bằng
cách chấp nhận nó như lời nói của mình, chúng ta có thể tiếp cận với sự thực hiện
của Chúa Thánh Thần. Những từ “Chúa Giêsu là Chúa” có thể được giải thích theo
hai nghĩa: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đồng thời: Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Chúa
Thánh Thần soi sáng sự hỗ tương này: Chúa Giêsu có bản tính Thiên Chúa và Thiên
Chúa có khuôn mặt nơi con người của Chúa Giêsu. Thiên Chúa tỏ mình ra nơi Chúa
Giêsu và qua đó cho chúng ta sự thật về chính mình. Hãy để bản chất sâu thẳm nhất
của chúng ta được soi sáng bởi lời tuyên xưng này qua sự kiện Chúa Thánh Thần
hiện xuống. Khi đọc Kinh Tin Kính, chúng ta đi vào mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh
Thần hiện xuống đầu tiên: một sự biến đổi triệt để phát sinh từ sự náo động của
tháp Babel, từ những tiếng kêu gào của mọi người: sự đa dạng trở thành một sự
thống nhất nhiều mặt, sự hiểu biết phát triển từ sức mạnh thống nhất của Sự Thật.
Trong Kinh Tin Kính - tín điều liên kết chúng ta từ mọi nơi trên trái đất và nhờ
Chúa Thánh Thần, đảm bảo rằng chúng ta hiểu nhau ngay cả trong sự khác biệt về
ngôn ngữ - cộng đồng mới của Giáo hội Chúa được hình thành nhờ đức tin, đức cậy
và đức mến.
Bài
Tin Mừng hôm nay cống hiến cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời để làm sáng tỏ
quan hệ giữa Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha: Thánh Thần được trình bày
như hơi thở của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh (Xc Ga 20,22). Ở đây thánh sử Gioan lấy
lại một hình ảnh trong trình thuật về sự sáng tạo, trong đó có kể rằng Thiên
Chúa thổi một luồng sinh khí vào mũi của con người (Xc St 2,7). Hơi thở của
Thiên Chúa là sự sống. Giờ đây, Chúa thổi vào trong linh hồn chúng ta một luồng
sinh khí mới, là Thánh Thần, là yếu tính thâm sâu nhất của Ngài, và qua đó,
Chúa đón nhận chúng ta vào trong gia đình của Thiên Chúa. Qua phép rửa tội và
thêm sức, ơn ấy được ban cho chúng ta một cách đặc biệt và với bí tích Thánh Thể
và Thống Hối, ơn ấy được liên tục lập lại: Chúa thổi vào linh hồn chúng ta một
luồng sinh khí. Tất cả các bí tích, mỗi phép theo thể thức riêng, đều thông
truyền cho con người sự sống thần linh, tạ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động
trong các bí tích ấy.
Trong
phụng vụ hôm nay, chúng ta còn nhận thấy một sự nối kết nữa. Chúa Thánh Thần là
Đấng Sáng Tạo, đồng thời cũng là Thần Trí của Chúa Giêsu Kitô, nhưng theo thể
thức: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất. Dưới
ánh sáng bài đọc thứ I, chúng ta có thể nói thêm rằng Chúa Thánh Thần làm cho
Giáo Hội sinh động. Giáo Hội không xuất phát từ ý chí loài người, từ suy tư, sự
tài khéo và khả năng tổ chức của con người, vì nếu như thế, thì Giáo Hội đã bị
tàn lụi từ lâu rồi, như vẫn xảy ra đối với mọi điều phàm nhân. Trái lại Giáo Hội
là Thân Mình của Chúa Kitô, được Thánh Thần làm cho sinh động. Những hình ảnh
như gió và lửa, được thánh Luca dùng để diễn tả sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần
(Xc Cv 2,2-3), gợi lại núi Sinai nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Israel và
ban cho họ giao ước của Ngài; sách Xuất Hành kể lại: “núi Sinai đầy khói, vì
Chúa ngự xuống trên đó trong lửa” (19,18). Thực vậy, dân Israel mừng ngày thứ
50 sau lễ Vượt Qua, sau khi tưởng niệm cuộc di tản khỏi Ai Cập, như là lễ
Sinai, lễ Giao Ước. Khi thánh Luca nói về những lưỡi lửa để diễn tả Chúa Thánh
Thần, Giao ước cũ ấy được nhắc nhớ, Giao ước được thiết lập trên căn bản Luật
mà dân Israel đã nhận từ trên núi Sinai. Như thế, biến cố Ngũ Tuần, Chúa Thánh
Thần hiện xuống, được trình bày như một biến cố Sinai mới, như hồng ân giao ước
mới trong đó giao ước với Israel được nới rộng cho tất cả các dân tộc trên trái
đất, trong đó tất cả các hàng rào của Luật cũ đều sụp đổ và xuất hiện con tim
thánh thiện và bất biến, tức là tình yêu, mà chính Thánh Thần thông ban và phổ
biến, là tình yêu bao trùm mọi sự. Đồng thời Luật được mở rộng, cởi mở, tuy trở
nên đơn sơ hơn: đó là Giao Ước mới mà Thánh Thần “viết” trong con tim của những
người tin nơi Chúa Kitô. Sự nới rộng Giao Ước cho mọi dân tộc trên trái đất được
thánh Luca diễn tả qua sự liệt kê các dân tộc đáng kể thời ấy (Xc Cv 2,9-11).
Qua sự kiện đó, Ngài nói với chúng một điều rất quan trọng: đó là Giáo Hội là
Công Giáo ngay từ lúc đầu tiên, đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội không phải là kết
quả của hành động dần dần tháp nhập các cộng đoàn khác nhau. Thực vậy, ngay từ
giây phút đầu tiên, Chúa Thánh Thần đã kiến tạo Giáo Hội như Hội Thánh của tất
cả các dân tộc; Giáo Hội bao trùm toàn thể thế giới, vượt lên trên mọi biên
cương chủng tộc, giai cấp, quốc gia; sau khi phá đổ mọi hàng rào, Giáo Hội liên
kết con người trong việc tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Ngay từ đầu,
Giáo Hội là duy nhất, Công Giáo, và tông truyền: đây chính là bản chất đích thực
của Giáo Hội và phải được nhìn nhận như thế. Giáo Hội là thánh thiện không phải
do khả năng của các phần tử, nhưng vì chính Thiên Chúa cùng với Thần Trí của
Ngài, sáng tạo và luôn thánh hóa Giáo Hội.
Cuối
cùng, bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta những lời đẹp đẽ này: “các
môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa” (Ga 20:20). Những lời
này mang tính nhân văn sâu sắc. Người bạn đã mất thì nay lại hiện diện và những
người trước đây quẫn trí thì nay lại vui mừng. Nhưng những lời này còn nói nhiều
hơn thế. Vì Người Bạn đã mất không đến từ bất cứ đâu mà từ đêm đen của cái chết;
và Người đã vượt qua cái chết! Người không chỉ là một người như bất cứ ai; mà
còn thực sự là Người Bạn và đồng thời là Sự Thật ban sự sống cho con người; và
điều Người ban tặng không chỉ là bất kỳ loại niềm vui nào mà chính là niềm vui,
một món quà của Chúa Thánh Thần. Vâng, thật đẹp khi sống cuộc sống mà biết mình
được yêu và chính Sự Thật yêu mình. Các môn đệ vui mừng khi thấy Chúa. Hôm nay,
vào Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, những lời này cũng được nói với chúng ta, bởi
vì trong đức tin, chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Giêsu. Trong đức tin, Người đến
giữa chúng ta và với chúng ta, Người cũng cho thấy tay và cạnh sườn của Người
và chúng ta vui mừng. Vì thế chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa tỏ
mình ra! Xin làm cho chúng con món quà là sự hiện diện của Chúa và chúng con sẽ
có món quà đẹp nhất: niềm vui của Chúa. A-men!
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: archivioradiovaticana.va (12.06.2011)