Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A (08.06.2014)
CHÚA THÁNH THẦN DẠY DỖ, NHẮC NHỚ VÀ LÀM CHO CHÚNG TA
NÓI
Chúa
nhật ngày 08.06.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong bài giàng, Đức Thánh Cha
giải thích cho các tín hữu về ba hoạt động của Chúa Thánh Thần đối với các tín
hữu: dạy dỗ, nhắc nhớ và làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa và tha nhân. Sau
đây là bài giảng của Đức Thánh Cha.
“Tất
cả được tràn đầy Chúa Thánh Thần” (Cv 2,4).
Khi
nói với các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói rằng sau khi rời khỏi thế
giới này, Ngài sẽ gửi đến họ hồng ân của Chúa Cha, tức là Thánh Thần (Xc Ga
15,26). Lời hứa này được thể hiện mạnh mẽ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh
Thần ngự xuống trên các môn đệ tụ họp tại Nhà Tiệc Ly. Sự đổ tràn Thánh Thần ấy,
tuy là ngoại thường, nhưng không phải là xảy ra một lần duy nhất và giới hạn
vào lúc ấy, nhưng là một biến cố đã và vẫn còn được tái diễn. Chúa Kitô vinh hiển
ở bên hữu Chúa Cha tiếp tục thực hiện lời hứa, gửi đến Giáo Hội Thánh Thần ban
sự sống, Người dạy dỗ, nhắc nhớ và làm cho chúng ta nói.
Chúa Thánh Thần dạy dỗ chúng ta, Người là Thầy nội tâm. Người hướng dẫn chúng
ta trên đường ngay nẻo chính qua những hoàn cảnh của cuộc sống. Người chỉ đường
cho chúng ta. Trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, Kitô giáo được gọi là “con đường”,
là “đạo” (Xc Cv 9,2) và chính Chúa Giêsu là Đường. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta
bước theo Chúa Giêsu, tiến bước theo vết của Ngài. Thánh Thần là thầy dậy cuộc
sống hơn là thầy dậy đạo lý. Và thuộc về cuộc sống chắc chắn cũng có sự hiểu biết,
kiến thức, nhưng trong một chân trời rộng lớn và hòa hợp hơn của đời sống Kitô.
Chúa
Thánh Thần nhắc nhớ chúng ta, Người nhắc nhở chúng ta về tất cả những gì Chúa
Giêsu đã nói. Đó là ký ức sinh động của Giáo Hội. Và trong khi nhắc nhở chúng
ta, Người làm cho chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu.
Việc
nhắc nhớ này trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần không thu hẹp vào một sự kiện
ký ức, và là một khía cạnh thiết yếu trong sự hiện diện của Chúa Kitô nơi chúng
ta và trong Giáo Hội. Thánh Thần chân lý và tình thương nhắc nhớ chúng ta về tất
cả những gì Chúa Kitô đã nói, làm cho chúng ta ngày càng đi sâu vào trọn vẹn ý
nghĩa những lời của Chúa. Điều này đòi chúng ta phải đáp lại: hễ chúng ta càng
quảng đại đáp lại, thì lời Chúa Giêsu càng trở thành sự sống trong chúng ta, trở
thành những thái độ, chọn lựa, cử chỉ, chứng tá. Nói tóm lại, Chúa Thánh Thần
nhắc nhớ chúng ta về giới răn yêu thương, và kêu gọi chúng ta hãy sống giới răn
ấy.
Một
Kitô hữu không có ký ức thì không phải là một Kitô hữu chân chính: họ là một
người nam nữ tù nhân của thời điểm hiện tại, không biết biến lịch sử của mình
thành kho tàng, không biết đọc và sống lịch sử ấy như lịch sử cứu độ. Trái lại,
với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể giải thích những soi sáng nội
tâm và những biến cố của cuộc sống dưới ánh sáng lời Chúa Giêsu. Và như thế sự
khôn ngoan của ký ức, sự khôn ngoan của con tim, sẽ tăng trưởng trong chúng ta
và đó là một hồng ân của Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần hồi sinh trong tất cả
chúng ta ký ức Kitô giáo! Và ở đó, trong ngày hôm đó với các Tông đồ là Đức
Maria – người Mẹ Ký ức của chúng ta – người ngay từ đầu đã suy niệm về tất cả
những điều đó trong lòng. Đức María, Mẹ của chúng ta, đã ở đó. Xin Đức Mẹ giúp
chúng ta trên con đường ký ức này.
Chúa
Thánh Thần dạy dỗ chúng ta, nhắc nhớ cho chúng ta - và một điểm khác nữa, Người
làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa và với con người. Không có người tín hữu
không thể nói, không có tâm hồn câm; không, không có chỗ cho việc này.
Chúa
Thánh Thần làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện
là một hồng ân chúng ta nhận được nhưng không; đó là cuộc đối thoại với Thiên Chúa
trong Thánh Thần, là Đấng cầu nguyện trong chúng ta và để chúng ta ngỏ lời với
Thiên Chúa, gọi Chúa là Cha, là Ba, là Abba (Xc Rm 8,15; Gl 4,4); và điều này
không phải chỉ là “một kiểu nói”, nhưng là thực tại, chúng ta thực sự là con
cái Thiên Chúa. Thực vậy, tất cả những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn,
thì họ là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).
Chúa
Thánh Thần làm cho chúng ta nói trong hành động của đức tin. Không có Chúa
Thánh Thần, không ai trong chúng ta có thể nói: “Chúa Giêsu là Chúa” – chúng ta
đã nghe điều này hôm nay. Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nói chuyện với
mọi người trong cuộc đối thoại huynh đệ. Ngài giúp chúng ta nói với tha nhân,
nhìn nhận họ là anh chị em; diễn tả với tinh thần thân hữu, dịu dàng, hiểu những
lo âu và hy vọng, buồn sầu và vui mừng của tha nhân.
Nhưng
Chúa Thánh Thần cũng làm cho chúng ta nói với con người như ngôn sứ, nghĩa là
biến chúng ta thành những “máng” khiêm tốn và ngoan ngoãn chuyển Lời Chúa. Lời
ngôn sứ được thực hiện trong sự thẳng thắn, để công khai chứng tỏ những mâu thuẫn
và bất công nhưng luôn luôn với sự dịu dàng và ý hướng xây dựng. Được Thánh Thần
tình thương thấu nhập, chúng ta có thể là dấu hiệu và là dụng cụ của Thiên
Chúa, Đấng yêu thương, phục vụ và trao ban sự sống.
Nói
tóm lại, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta con đường, nhắc nhớ và giải thích cho
chúng ta Lời Chúa Giêsu; Người làm cho chúng ta cầu nguyện và gọi Thiên Chúa là
Cha, làm cho chúng ta nói với con người trong cuộc đối thoại huynh đệ và như
ngôn sứ.
Ngày
lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi các môn đệ “được tràn đầy Thánh Thần”, Giáo
Hội được chịu phép rửa, được sinh ra “để đi ra”, “khởi hành” để loan báo Tin Mừng
cho mọi người. Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông Đồ: họ không được rời xa khỏi
thành Jerusalem trước khi lãnh nhận từ trên cao Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần
(Xc Cv 1,4.8). Không có Chúa Thánh Thần thì không có sứ vụ truyền giáo, không
có việc loan báo Tin Mừng. Vì thế cùng với Giáo Hội chúng ta hãy kêu cầu: Lạy
Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: archivioradiovaticana.va (08.06.2014)