BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A (04.06.2017)
CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG THỰC HIỆN NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ

Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Chúa nhật ngày 04.06.2017, tại Quảng trường Thánh Phê-rô.

Anh chị em thân mến!

Hôm nay sẽ kết thúc mùa Phục Sinh, tức năm mươi ngày kể từ biến cố Phục Sinh của Chúa Giê-su tới ngày Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mà những ngày ấy được đánh dấu một cách đặc biệt thông qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ngài hoàn toàn là ân sủng của sự phục sinh. Ngài là Thần Khí sáng tạo, Đấng luôn luôn thực hiện những điều mới mẻ.

Có hai điều mới mẻ được giới thiệu cho chúng ta trong các Bài Đọc hôm nay: trong Bài Đọc I, Chúa Thánh Thần đã biến các môn đệ thành một dân mới; trong bài Tin Mừng, Ngài tạo nên một con tim mới trong các môn đệ.

Một dân mới: Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã từ trời hiện xuống, trong hình tượng “những chiếc lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra, đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau” (Cv 2,3-4). Lời Chúa đã mô tả sự bao trùm Chúa Thánh Thần, mà trước tiên, sự bao trùm ấy đến trên từng cá nhân, và sau đó đặt tất cả vào trong sự hiệp thông với nhau. Ngài ban cho mỗi người một ơn, và Ngài tập trung tất cả vào trong sự hiệp nhất. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần sáng tạo nên sự khác biệt và sự hiệp nhất, và bằng cách đó, Ngài nhào nặn nên một dân mới, tức dân đa dạng và hiệp nhất: Giáo hội phổ quát. Trước tiên, Ngài tạo nên sự khác biệt một cách đầy sáng tạo và không thể đoán trước. Tùy vào mỗi thời đại khác nhau mà Ngài làm cho những đặc sủng mới và đa dạng được đơm bông kết trái. Sau đó, cũng chính Ngài sẽ hiện thực hóa sự hiệp nhất: Ngài liên kết, quy tụ và tái khôi phục sự hòa điệu: “Với sự hiện diện có khả năng đem đến sự hiệp nhất của Ngài, Ngài nối kết những tinh thần cô độc và riêng rẽ” (Thánh Syrilô thành Alexandria, chú giải Tin Mừng theo Thánh Gio-an, XI, 11), để có sự hiệp nhất thật sự, đó là sự hiệp nhất thuộc về Thiên Chúa, nó không phải là sự đơn điệu, nhưng là sự hiệp nhất trong sự khác biệt.

Và để thực hiện điều ấy, việc ngăn ngừa hai cơn cám dỗ mà chúng thường xuyên tái xuất hiện, đó là điều rất tốt. Cơn cám dỗ thứ nhất đó là cơn cám dỗ xúi người ta tìm kiếm sự khác biệt mà không hề có sự hiệp nhất. Điều này sẽ diễn ra khi người ta muốn phân biệt nhau, khi những phe nhóm và những phân hóa phát sinh, khi người ta cứ khăng khăng với những địa vị độc quyền, trong một cách thức nào đó, người ta đã tự coi mình là tốt nhất, hay coi mình là những người luôn luôn có quyền. Những kẻ đó được gọi là những kẻ bảo vệ chân lý. Và rồi người ta sẽ lựa chọn theo từng thành phần chứ không chọn tất cả, để thuộc về nhóm này hay nhóm kia, trước khi thuộc về Giáo hội; người ta sẽ trở thành “những đối tượng đảng” thay vì trở thành những người anh chị em trong một Chúa Thánh Thần; sẽ trở thành các Ki-tô hữu “thuộc cánh hữu hay cánh tả” thay vì thuộc về Chúa Giê-su; sẽ trở thành những người bảo vệ đầy kiên định của quá khứ, hay trở thành những chiến sĩ tiên phong của tương lai hơn là trở nên những người con trai và con gái đầy khiêm nhượng cũng như đầy tâm tình biết ơn của Giáo hội. Như thế sẽ có rất nhiều sự đa dạng mà không có sự hiệp nhất. Mặt khác, cơn cám dỗ đi ngược lại điều đó chính là việc tìm kiếm sự hiệp nhất nhưng không có sự khác biệt. Và bằng cách đó, sự hiệp nhất sẽ trở thành một sự đơn điệu, một nghĩa vụ phải biến tất cả thành một và ngang nhau, và luôn luôn phải suy nghĩ trong cùng một cách thức. Do đó, sự hiệp nhất sẽ kết thúc ở chỗ trở nên thống nhất và không còn có sự tự do nữa. Nhưng, như Thánh Phao-lô nói: “Ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa, ở đó sẽ có sự tự do” (2Cor 3,17).

Như vậy, việc dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên cùng Chúa Chúa Thánh Thần có nghĩa là, cầu xin cho được ơn đón nhận sự hiệp nhất của Ngài, đạt tới được một viễn tượng mà nó bao hàm cũng như yêu mến Giáo hội của Ngài, Giáo hội của chúng ta, vượt lên trên những ham thích cá nhân. Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn biết chăm lo cho sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau, loại bỏ những câu chuyện phiếm mà chúng rắc gieo cỏ dại và sự ghen tị đầy độc hại; vì việc trở nên những người nam và những người nữ của Giáo hội có nghĩa là, trở nên những người nam và những người nữ của sự hiệp thông; nó cũng có nghĩa là, cầu xin cho mình có được một con tim có khả năng cảm nhận được rằng, Giáo hội chính là Mẹ và là nhà của chúng ta: ngôi nhà gọi mời và rộng mở, nơi người ta có thể chia sẻ với nhau niềm vui đa dạng của Chúa Thánh Thần.

Và chúng ta đến với điều mới mẻ thứ hai: một con tim mới. Khi hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ của Ngài, Chúa Giê-su Phục Sinh đã nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần! Anh em tha tội cho ai thì người đó sẽ được tha” (Ga 20,22). Chúa Giê-su đã không kết án các môn đệ của Ngài vì họ đã bỏ rơi Ngài cũng như đã chối bỏ Ngài trong cuộc khổ hình của Ngài, Nhưng Ngài đã ban cho họ Thần Khí thứ tha. Thần Khí là ân sủng đầu tiên của Đấng Phục Sinh, và được ban một cách đặc biệt để tha thứ tội lỗi. Ở đây là sự bắt đầu của Giáo hội, ở đây là phương tiện hiệp thông, phương tiện này liên kết chúng ta lại với nhau, là xi-măng gắn kết những viên gạch và những viên đá của ngôi nhà: sự tha thứ. Vì sự tha thứ chính là ân sủng trong khả năng cao nhất, nên nó cũng là Tình Yêu lớn lao, mà bất chấp tất cả, Tình Yêu ấy luôn giữ cho được hiệp nhất, luôn ngăn cản sự tan vỡ, nhưng củng cố và làm cho thêm vững chắc. Sự tha thứ sẽ giải phóng con tim và cho phép tái bắt đầu: sự tha thứ ban tặng niềm hy vọng, không có sự tha thứ thì người ta sẽ không thể xây dựng Giáo hội.

Thần Khí tha thứ, Đấng điều trị tất cả trong sự hiệp nhất, sẽ thôi thúc chúng ta loại bỏ những con đường khác khỏi chúng ta: những con đường vội vàng hấp tấp của những kẻ chỉ biết kết án, những con đường không lối thoát của kẻ đóng sập mọi cánh cửa, những con đường một chiều của kẻ chỉ biết chỉ trích người khác. Trái lại, Thần Khí sẽ khuyến khích chúng ta bước đi trên con đường hai chiều của sự tha thứ vừa được lãnh nhận vừa được trao đi, thuộc về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà Lòng Thương Xót ấy sẽ quan tâm tới tha nhân trong Đức Ái, mà con đường Đức Ái chính là “tiêu chuẩn duy nhất để hành động hay để bỏ qua, để thay đổi hay để duy trì.” (Thánh Isac Stella, Bài Giảng 31). Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn biết làm cho khuôn mặt của Mẹ Giáo hội chúng ta ngày càng trở nên tuyệt mỹ hơn, bằng cách là chúng ta hãy canh tân bản thân mình nhờ vào sự tha thứ, cũng như hãy cải thiện chính bản thân mình: chỉ có thế chúng ta mới có thể khuyên dạy những người khác trong Đức Ái.

Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng là ngọn lửa Tình Yêu luôn luôn bừng cháy trong Giáo hội và trong chúng ta, ngay cả khi chúng ta thường che phủ ngọn lửa ấy bằng tro bụi phát sinh từ những lầm lỗi của chúng ta: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa hãy luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con và trong con tim của Giáo hội; xin Chúa hãy mang Giáo hội tiến về phía trước, bằng cách là hãy tạo dáng cho Giáo hội trong sự đa dạng, xin Chúa hãy đến. Để sống, chúng con cần tới ơn Chúa giống như cần tới nước: Xin hãy tái xuống trên chúng con và dậy cho chúng con sự hiệp nhất, canh tân con tim chúng con cũng như dậy cho chúng con biết yêu thương như Chúa vẫn thương yêu chúng con, để tha thứ như Chúa vẫn thứ tha cho chúng con. Amen.”

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Nguồn: daminhtamhiep.net (06.06.2020)