LÀM PHIM CÔNG GIÁO, TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ TRUYỀN GIÁO
Tác
giả: Jim Graves
Chuyển
ngữ: Vi Hữu
Từ:
catholicworldreport.com
WGPSG (9.12.2020) – Ông Eric Groth là Chủ tịch kiêm
Giám đốc điều hành của ODB Films (Outside Da Box Films) - công ty đã sản xuất
200 phim ngắn cũng như phim truyện, bao gồm phim “Đầy Ơn Phúc” và phim “Thánh
Phaolô Tông Đồ”..
Ông
Eric Groth cho biết: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là chúng tôi phải chính
xác trong việc truyền thông Tin Mừng, và không có gì sai lạc giáo lý trong
những sản phẩm của chúng tôi.”
ODB Films được coi là một sứ vụ sản
xuất video Công giáo phi lợi nhuận “giúp mọi người gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô qua
những bộ phim giàu tính thiêng liêng, được làm một cách nghệ thuật.” Nhóm sứ vụ
này đã sản xuất 200 phim ngắn, trong đó có một loạt gồm 60 phim video giáo lý
dành cho thanh thiếu niên.
Mới đây thôi, họ bắt đầu sản xuất
các bộ phim dài tập, bao gồm phim “Đầy Ơn Phúc” (2015) và phim “Thánh Phaolô
Tông Đồ” (2018). Để sản xuất phim “Thánh Phaolô Tông Đồ”, ODB Films đã hợp tác
với Sony Films, lần đầu tiên có một mối quan hệ hợp tác như vậy giữa một hãng
phim lớn và một nhóm sứ vụ Công giáo.
Công ty ODB Films, có trụ sở chính
ở ngoại ô Chicago, với 4 nhân viên. Eric Groth giữ chức vụ Chủ tịch và Giám đốc
điều hành. Theo Groth, ODB Films “trước hết là một sứ vụ. Nó thuộc về Chúa và
chúng tôi là người trông coi”.
Công ty này đã được dâng hiến cho
Đức Maria - Ngôi sao Phúc âm hóa, và được Đức Giám mục David Malloy Giáo phận
Rockford Illinois làm linh hướng và lãnh đạo tinh thần. Các nhân viên thường
xuyên xin những người ủng hộ cầu nguyện cho sứ vụ của họ được thành công; chẳng
hạn đã có 6 phụ nữ hằng ngày cầu nguyện cho việc sản xuất phim “Thánh Phaolô
Tông Đồ” được tốt đẹp.
Groth lưu ý rằng: “Chúng tôi làm
thành một nhóm thường xuyên cầu nguyện với nhau và cam kết gia tăng đức tin cá
nhân vào Đức Kitô và Giáo hội của Ngài.”
Gần đây, Groth đã nói chuyện với
phóng viên CWR (Catholic World Report).
CWR:
Công ty ODB Films được thành lập như thế nào và tại sao?
Eric Groth:
Tôi xuất thân là người của Mục vụ Giới Trẻ Công giáo. Chúng tôi thành lập ODB
(Outside Da Box) Films vào năm 2005 để giải quyết một nhu cầu mà chúng tôi thực
sự có khi làm việc với thanh niên.
Tôi lớn lên trong một gia đình
Công giáo tốt. Lúc được 16 tuổi, tôi đi tĩnh tâm. Trong một lần xưng tội, một
ánh sáng lóe lên trong đầu tôi; tôi nghe Chúa nói với tôi cách rõ ràng. Tôi
nghe được sứ điệp của Ngài: "Ta yêu con và Ta đã chết trên thập giá vì
con." Sứ điệp này khiến tôi bùng cháy vì Tin Mừng, và tôi muốn chia sẻ nó
với những người bạn đồng lứa với mình. Tôi cảm thấy như Chúa nắm lấy tôi, và
nói: "Ta muốn cuộc đời của con."
Tôi tiếp tục lấy bằng Cử nhân về
Giáo dục Kitô giáo tại Florida Southern College, và bằng Thạc sĩ về Tư vấn Mục
vụ và các môn Mục vụ Chuyên biệt của Đại học Franciscan ở Steubenville. Sau đó,
tôi sinh hoạt mục vụ tại khuôn viên một trường trung học ở Rockford từ năm 1993
đến năm 1997.
Chia sẻ Phúc Âm với người trẻ luôn
là niềm đam mê của tôi. Tuy nhiên, luôn có những thách đố trong việc sử dụng
các công nghệ tiên tiến để tiếp cận thanh thiếu niên, bắt đầu với việc xuất hiện
vô số các máy hát và máy chiếu, rồi chuyển sang tất cả các dạng công nghệ sẵn
có cho chúng ta ngày nay. Tôi luôn cố gắng làm những điều mang tính sáng tạo và
đổi mới.
Trong quá trình tìm kiếm các video
Công giáo có thể sử dụng, tôi thường không thể tìm thấy bất kỳ video nào. Vì vậy,
tôi bắt đầu mày mò và tạo ra nội dung của riêng mình. Công nghệ luôn được cải
tiến, vì vậy tôi có thể sử dụng máy vi tính, chương trình và phần mềm biên tập
cùng nhiều cái khác nữa, nhờ đó, tôi có thể làm những bộ phim nhỏ để sử dụng
trong các buổi học Kinh Thánh, các lớp học và các buổi tĩnh tâm. Tôi rất thích
sử dụng nó như phương tiện thu hút thanh thiếu niên.
Sau đó, tôi đã làm việc 5 năm với
các Ban Mục vụ Đào Tạo - chuyên hỗ trợ Mục vụ Giới trẻ Công giáo, chủ yếu ở khu
vực Chicago và Michigan. Chúng tôi được các giáo phận thuê tổ chức các cuộc mít
tinh trẻ cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, cũng như các đại
hội giới trẻ quốc gia với hàng ngàn thanh thiếu niên.
Tại những sự kiện này, mọi người bắt
đầu xem những bộ phim tôi đã làm và họ muốn mượn xem những phim này. Vì vậy,
tôi muốn chia sẻ chúng với những người khác. Tôi không ngừng mày mò, học cách sản
xuất video và thực hiện các dự án phi lợi nhuận. Khi biết về công nghệ, tôi cảm
thấy rằng Chúa đang kêu gọi tôi sử dụng các phương tiện truyền thông mới để
truyền giáo.
Công ty ODB Films kể từ đó đã tặng
hơn 30.000 đĩa DVD và sản xuất hơn 200 phim ngắn có độ dài từ 2 đến 8 phút. Dự án
lớn nhất mà chúng tôi đã thực hiện trong 5 năm, đó là bộ video giáo lý gồm 60
phim. Phần lớn tài liệu này được tải xuống miễn phí trên trang web của chúng
tôi. Chúng tôi xem mình như là một tổ chức cung cấp tài nguyên, luôn tìm ra những
phương cách sáng tạo mới mẻ để truyền bá thông điệp Tin Mừng.
Vài năm trước đây, chúng tôi đã
thêm một bộ phận mới vào sứ vụ của mình, đó là phim truyện, với những bộ phim đầu
tiên của chúng tôi là “Đầy Ơn Phúc” và “Thánh Phaolô Tông Đồ”. Hy vọng những
phim này sẽ khơi động niềm tin nơi người xem.
CWR:
Có hàng giáo sĩ Công giáo tham gia vào sứ vụ của bạn không?
Groth:
Có. chúng tôi có một hội đồng quản trị với các giáo sĩ ở trong hội đồng này.
Cha David Peck - cha sở của tôi tại Nhà thờ Thánh John Neumann ở St. Charles,
Illinois - là một thành viên. Đức Giám mục David Malloy đóng vai trò liên lạc với
Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ. Điều quan trọng đối với chúng tôi là chúng
tôi phải chính xác trong việc truyền thông Tin Mừng, và không có gì sai lạc
giáo lý trong những sản phẩm của chúng tôi.
CWR:
Bạn bắt đầu sản xuất phim truyện như thế nào?
Groth:
Trong khoảng thời gian 8 năm, chúng tôi phát hành mỗi tháng một phim ngắn. Vào
năm 2013, chúng tôi được yêu cầu làm phim về đời sống các vị thánh. Chúng tôi bắt
đầu gặp gỡ và nói về những gì chúng tôi muốn làm, rồi cuối cùng chúng tôi đã
làm phim “Đầy Ơn Phúc”, nói về thời gian sau cùng của Đức Mẹ trên Trái đất. Ban
đầu, chúng tôi không có ý định làm một bộ phim dài tập.
Tuy nhiên, khi quay phim, chúng
tôi biết có điều gì đó đặc biệt ở đây. Chúng tôi đã tổ chức buổi chiếu phim cho
người mua phim ở Beverly Hills và chúng tôi đã bán phim này cho Cinedigm và
Mission Pictures International. Chúng tôi nhận được một khoản trợ cấp từ Our
Sunday Visitor để lồng tiếng Tây Ban Nha.
Bộ phim đầu tiên đó đã trở thành
‘danh thiếp’ của chúng tôi. T.J. Berden, nhà sản xuất chính của chúng tôi tại
ODB Films, đã làm việc với một người nào đó tại Affirm Films, một công ty sản
xuất khác, và đã đưa đến sự liên kết giữa chúng tôi với Sony. Sony đã mua kịch
bản “Thánh Phaolô Tông Đồ” rồi thuê chúng tôi làm bộ phim và tiếp thị nó cho thế
giới Công giáo.
CWR:
Bạn có hài lòng với việc bán vé phim “Thánh Phaolô Tông Đồ” không?
Groth:
Tôi rất hài lòng. Chúng tôi có 3 mục tiêu nơi việc này: 1) nhiều người đi xem
phim, thấy nó truyền cảm hứng và chạm đến cuộc sống của họ, 2) đặc biệt là những
người Công giáo đã đi xem phim, và 3) bộ phim đó có lợi nhuận. Bộ phim Kitô
giáo này thành công vì có 11% người bán vé là Công giáo; dữ liệu tiếp thị của
chúng tôi cho thấy 34% người đi xem phim là Công giáo. Rồi vì ngân sách tiếp thị
và sản xuất khiêm tốn, nên phim này của chúng tôi có lợi nhuận nhờ mảng kinh
doanh giải trí tại gia. Từ đó tôi mới biết rằng, phòng vé thường tiếp thị việc
mua phim thông qua giải trí tại gia.
CWR:
Bạn có dự định gì cho tương lai?
Groth:
Chúng tôi đang phát triển hai dự án phim truyện mới mà chúng tôi hy vọng sẽ
phát hành vào mùa Xuân 2019 và mùa Xuân 2020. Chúng tôi đang lên kế hoạch vươn
xa hơn để thu hút thêm lượng người xem cả ở bên ngoài Kitô giáo. Chúng tôi muốn
trở thành những người am hiểu việc truyền bá Tin Mừng, lôi cuốn càng nhiều người
vào câu chuyện Tin Mừng càng tốt.
CWR:
ODB Films có tham gia vào các lĩnh vực khác không?
Groth:
Có. Ngoài những bộ phim ngắn và phim truyện, các nhà thờ còn thuê chúng tôi thực
hiện các sứ vụ ở giáo xứ. Chúng tôi đến giáo xứ vào buổi tối để cầu nguyện với
người dân, cũng như kể cho họ nghe những câu chuyện về quá trình sản xuất của
chúng tôi. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức từ 30 đến 50 sự kiện như thế.
CWR:
Là một tổ chức phi lợi nhuận, bạn cần hỗ trợ gì?
Groth:
Chúng tôi cần các nhà tài trợ. Khoảng 50-65% ngân sách của chúng tôi đến từ các
nhà tài trợ và viện trợ không hoàn lại. Chúng tôi có các nguồn thu khác, nhưng
chúng tôi dựa vào các nhà tài trợ để hoạt động. Chúng tôi có thể nhận được tiền
từ một trong những bộ phim của mình, nhưng chúng tôi thường tái đầu tư số tiền
đó vào sứ vụ của chúng tôi.
CWR:
Bạn cũng xin những người ủng hộ cầu nguyện cho bạn?
Groth:
Vâng. Chúng tôi sẽ chết chìm nếu không có điều đó. Sứ vụ này không thuộc về
chúng tôi, mà thuộc về Chúa. Chúng tôi chỉ đóng vai trò là người quản lý và
trông coi.
Chúng tôi luôn cầu nguyện để biết
ý Chúa trên đời mình, biết thuê những ai và theo đuổi những dự án nào. Chúng
tôi không ngừng tìm kiếm sự trợ giúp thiêng liêng và coi đó như bộ mặt và trung
tâm của sứ vụ. Ví dụ, khi chúng tôi sản xuất phim “Đầy Ơn Phúc”, chúng tôi có
hàng chục người hằng ngày đọc kinh “Hãy Nhớ” để cầu cho chúng tôi chọn đúng dàn
diễn viên và đoàn làm phim. Tôi nghĩ đó là chìa khóa để làm nên thành công của
bộ phim.
Nguồn: tgpsaigon.net