Bài Ðọc I: Xh 2, 1-15a
"Bà đặt tên cho trẻ là Môsê, vì vớt nó dưới nước lên; và khi đã khôn lớn Môsê đi thăm anh em".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông thuộc nhà Lêvi đi cưới vợ cũng trong chi tộc mình. Nàng mang thai và sinh hạ một con trai. Thấy con trẻ khôi ngô tuấn tú, nàng giấu kín trong ba tháng. Khi thấy không thể nào giấu kín được nữa, nàng liền lấy chiếc thúng trét nhựa thông, rồi bỏ đứa trẻ vào trong, đem thả trong đám sậy ở bờ sông. Chị đứa bé đứng xa xa để quan sát sự việc xảy ra thế nào.
Bấy giờ có công chúa con Pharaon xuống tắm dưới sông, còn các nữ tỳ đi bách bộ theo bờ sông. Khi thấy cái thúng mây ở giữa bụi sậy, nàng sai một nữ tỳ xuống vớt lên, vừa mở ra, thấy một trẻ nam nằm khóc trong đó, nàng thương hại và nói: "Ðây là đứa trẻ Do-thái". Bấy giờ chị đứa trẻ thưa với công chúa rằng: "Bà có muốn tôi đi tìm cho bà một phụ nữ Do-thái có thể nuôi đứa trẻ này không?" Công chúa đáp: "Ði tìm đi". Chị đứa trẻ liền đi kêu mẹ nó. Công chúa Pharaon nói với mẹ đứa trẻ rằng: "Chị hãy lãnh nuôi đứa trẻ này giùm tôi, tôi sẽ trả công cho chị". Chị ta liền nhận nuôi đứa trẻ, và khi nó lớn lên, thì đem đến cho công chúa Pharaon. Công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Môsê và nói: "Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên".
Trong những ngày ấy, Môsê đã khôn lớn, liền đi thăm anh em mình, người thấy họ cơ cực, và thấy một người Ai-cập đang hành hung một người Do-thái là anh em của mình. Sau khi đã nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, Người liền hạ sát tên Ai-cập và vùi thây dưới cát. Hôm sau, người đi ra, thấy hai người Do-thái đang đánh lộn với nhau, người bảo kẻ có lỗi rằng: "Tại sao anh đánh người bạn của anh?" Anh ta trả lời: "Ai đã đặt anh làm lãnh tụ và quan án xét xử chúng tôi? Anh cũng muốn giết tôi như anh đã giết người Ai-cập hôm qua sao?" Môsê lo sợ và nói: "Việc này người ta đã hay biết rồi sao?"
Pharaon nghe biết câu chuyện, liền tìm giết Môsê. Nhưng Môsê đã lánh mặt nhà vua, trốn sang xứ Mađian.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca:
Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.
Xướng: 1) Tôi bị dìm trong hố bùn lầy, không có chỗ để đặt chân nương tựa. Tôi bị rơi trong đầm sâu nước lớn, và ba đào đang lôi cuốn thân tôi.
Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.
2) Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa. Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa.
Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.
3) Phần con, con đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.
Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.
4) Các bạn khiêm cung hãy nhìn coi và hoan hỉ; các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.
Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 20-24
"Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: "Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời
mời sám hối (Mt 4, 17).
Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời
tương tự.
Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của
uy quyền và tình thương
nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của
Con Ngài.
Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước
Trời đã gần đến.
Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa
không chịu sám hối,
dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ
Ngài làm (c. 20).
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho
ngươi, hỡi Bếtxaiđa!”
Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn
phiền và đau đớn,
trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã
đặt chân và thi ân.
Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê
(Mc 10, 13).
Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu
tích của một hội đường.
Bếtxaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông
Giođan đổ vào Hồ nói trên.
Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị
tràn ngập bởi phù sa.
Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai
thành dân ngoại Tia và Xiđôn.
Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của
Đức Giêsu,
hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).
Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu
khi thi hành sứ vụ.
Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4,
13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).
Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng
mang ơn cứu độ.
Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những
ơn Chúa ban?
“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao?
Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”
Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Xơđôm.
Xơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu
hủy hoàn toàn (St 19, 25).
Ngài cho rằng Xơđôm mà được thấy những điều
kỳ diệu Ngài làm,
hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay
(c. 23).
Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.
Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.
Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã
nhận được bao nhiêu.
Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người
được gần gũi Chúa.
“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt
Ngài,
và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường
phố của chúng tôi” (Lc 13,26).
Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe
giảng và đã thấy phép lạ.
Điều quan trọng là sám hối.
Những ơn lộc Chúa ban cho đời Kitô hữu lại
đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.
Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để
khinh Xơđôm được.
Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng
con người,
từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất
hay từng tôn giáo.
Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày?
Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường
nên tôi không nhận ra.
Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là
phép lạ.
Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ
yêu thương.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban
cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự
nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng
ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn
hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu
Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J