JON
FOSSE, VĂN HỌC “NHƯ LỜI CẦU NGUYỆN DÂNG LÊN CHÚA”
Jon
Fosse
WGPPD (20.02.2024) - “Những cuốn sách của tôi là một
lời cầu nguyện dâng lên Chúa,” Jon Fosse, người được trao giải Nobel Văn học
vào thứ Năm ngày 5.10.2023, giải thích với nhật báo Vart Land của Na Uy. Vào
thời điểm năm 2015, khi tác giả nổi tiếng với ba mươi vở kịch, thì hai năm trước
đó, ông đã thực hiện một bước quyết định trong cuộc đời: gia nhập Giáo hội Công
giáo, một lựa chọn hiếm có ở một đất nước chỉ quy tụ khoảng 5.000 tín hữu Công
giáo mà một phần là người nước ngoài.
Thực ra, Jon Fosse, hiện 64 tuổi, đã cân nhắc bước phát triển này từ
lâu. Tuy nhiên, ông nói với tạp chí văn học Vision and Sign (Tầm Nhìn
và Dấu Chỉ) rằng ông cảm thấy quá cô lập, không có một người Công
giáo nào xung quanh mình, ở Oslo hay Bergen, thì nhà thờ Thánh Phaolô là nơi thờ
phượng duy nhất theo Công giáo.
Đọc Master Eckhart đã thúc đẩy ông theo đạo Công giáo
Nhà văn này từ lâu đã tự coi mình là người vô thần. Ông lớn lên trong một
môi trường Tin lành với nguồn cảm hứng theo phái sùng đạo (Pietism), một
nét đặc trưng ở phía tây Na Uy. Quê hương của ông, cắt ngang qua “Bible belt”-
“vành đai Kinh thánh” và nơi có một mạng lưới chặt chẽ gồm những ngôi nhà nguyện
“Bedehus” được kế thừa từ thế kỷ 19, vốn duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa người
tín hữu và việc thực hành tôn giáo.
Đặc biệt, chính việc đọc Eckhart đã thúc đẩy ông dấn thân hành động liều
mình ở tuổi 54 vào năm 2013. Đó là một tu sĩ Dòng Đa Minh, người Đức thời Trung
cổ, được coi là cha đẻ của tư duy thần bí vùng Rhineland. Jon Fosse nói với đài
phát thanh Văn hóa Đức vào năm 2015: “Tôi đã đọc ngài rất nhiều kể từ
những năm 1980”. Và tôi tự nhủ: “Nếu ngài có thể là người Công giáo
thì tôi cũng có thể theo Công giáo!”
Và để giải thích rằng “trong Đạo Công giáo, bạn cố gắng đến gần
Thiên Chúa hơn thông qua sự hiệp thông”, trong khi phái sùng đạo tìm cách đạt
tới “sự tĩnh lặng, tới ánh sáng nội tâm cho bản thân và người khác”.
Ngày càng đề cập rõ ràng đến tôn giáo
Trước khi theo Công giáo, trong tác phẩm của ông, các ám chỉ về tôn giáo
chưa được nêu rõ ràng. “Vào những năm 1980, các bản văn của ông có thể
gợi ý một tính tôn giáo nào đó vì chúng tạo ấn tượng rằng ông đang cố gắng đạt
tới một hình thức tuyệt đối bằng ngôn ngữ, nhưng người ta phải cảnh giác với việc
phân tích hồi tưởng”, Christine Hamm, giáo sư văn học tại Đại học
Bergen, nơi Jon Fosse theo học, đã giải thích như thế với tờ “The Cross”. Sau
đó, qua câu chuyện ngụ ngôn mà tôn giáo hiện diện nhiều hơn trong tác phẩm của
ông, đặc biệt là trong bộ ba văn xuôi, trong đó, người ta thấy rõ ràng rằng hai
nhân vật đang tìm nơi trú ẩn là Đức Mẹ Maria và thánh Giuse.
Nhưng sau này, trong cuốn tiểu thuyết Tên Khác -The Other Name,
tập hợp hai phần đầu của một câu chuyện gồm bảy phần có tựa đề Bộ Bảy- Septology,
đức tin của ông mới thực sự tỏa sáng. Asle, nhân vật chính trong tác phẩm, ở một
vài khía cạnh nhất định, đóng vai trò là nhân vật kép của tác giả. Giống như
nhân vật chính, Jon Fosse cũng nghiện rượu – một chủ đề mà ông đã nói đến trong
các cuộc phỏng vấn – và giống như nhân vật đó, ông đã trở thành một người Công
giáo.
Tầm quan trọng của lời cầu nguyện
Lời cầu nguyện chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm. Nó nhấn mạnh
cuộc sống hàng ngày của nhân vật Asle. Người đọc có thể tiếp cận đời sống nội
tâm của nhân vật này thông qua một câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất bị gián
đoạn. Cuốn tiểu thuyết dài hơn 500 trang này chỉ có một câu văn duy nhất. “Tôi
cầu nguyện ba lần một ngày, vào buổi sáng, giữa trưa, vào buổi tối, vâng, giờ
Kinh sáng Chúc tụng, hay đúng hơn là giờ thứ Ba, như người ta nói, rồi giờ thứ
Sáu, và cuối cùng là Kinh Chiều, và tôi thường cầu nguyện với chuỗi Mân Côi với
những hạt gỗ màu nâu, tạo thành từ năm chuỗi, mỗi chuỗi mười hạt,” người
đàn ông lớn tuổi, họa sĩ và góa vợ này nói với chúng tôi, khi lo lắng về số phận
của người trùng tên mình, một người nghiện rượu, sống ở thành phố lớn lân cận.
Mỗi phần trong tác phẩm Bộ Bảy – Septology đều kết thúc bằng một
lời cầu nguyện.
Qua suy tư về sự khác biệt và về khả năng vô hạn của đức tin (“trong
chiều sâu thẳm của sức nặng to lớn này, có ánh sáng êm ái lạ thường, vâng, giống
như một đức tin”, Asle nói với chúng tôi), tác phẩm Tên Khác cũng
mắc nợ một điều gì đó với ân sủng, theo tác giả.
“Đôi khi, khi tôi viết được, tôi coi đó như một món quà, một loại ân sủng”, ông nói với tờ New Yorker vào năm 2022.
(…) “Viết thành công và viết tốt là một hồng ân. Và tôi tin rằng bản thân cuộc
sống cũng có thể coi là một loại ân sủng”. “Viết tốt”: đối
với Jon Fosse, thành tựu thông qua ngôn ngữ, trên hết hệ tại “trong việc
nắm bắt một sự hiện diện sâu sắc, trong việc ấn định một khoảnh khắc”, Giáo
sư Christine Hamm giải thích.
Mặc dù đã chọn Công giáo, một tôn giáo rất nhỏ ở Na Uy, trong khi đưa
tôn giáo này hiện diện mạnh mẽ trong tác phẩm, Jon Fosse vẫn là một tác giả được
công chúng đón nhận rộng rãi ở đất nước ông. Christine Hamm giải thích: “Asle,
anh hùng của Tên Khác, là một người Na Uy điển hình. Một người giản
dị, sống ở vùng nông thôn, gần bờ biển và do đó rất dễ tiếp cận. Giống như Jon
Fosse, một nhà văn khiêm tốn, nhút nhát và không hay gây tranh cãi.”
Đình Chẩn
Trích dịch từ tạp chí time.news (07.10.2023)
Nguồn: phatdiem.org (20.02.2024)