JEAN DE
SAINT-CHERON: BLAISE PASCAL, NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH ĐỂ TÌM KIẾM HẠNH PHÚC THẬT SỰ
Adélaïde Patrignani
Đức Phanxicô dành một Tông thư cho Blaise Pascal
nhân kỷ niệm 400 ngày sinh của ông. Nhà văn Jean de Saint-Cheron nhìn lại tư tưởng
và di sản của một nhân vật phi thường, cả về quan điểm trí thức lẫn tâm linh.
Nhà toán học, nhà vật lý học, nhà phát minh, triết
gia, luân lý gia và thần học gia… Sinh ngày 19/6/1623, Pascal đã ghi dấu lịch sử
bằng thiên tài vĩ đại của mình giúp khai sáng các thời đại về sau. Ông trở lại
đạo Công giáo vào năm 1654 lúc 31 tuổi, và qua đời ở tuổi 39.
“Một người tìm kiếm chân lý không biết mệt mỏi”, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã viết như thế về ông trong Tông thư có tựa đề “Sự cao cả và sự khốn khổ của
con người”.
Jean de Saint-Chéron làm việc tại Học viện Công
giáo Paris. Ông cũng là một nhà văn và nhà báo, và là tác giả của cuốn “Blaise
Pascal, voilà ce que c’est que la foi” (“Blaise Pascal, đây chính là đức
tin”). Trước tiên, ông đề cập đến những gì đã tạo điều kiện cho sự phát triển
trí thông minh của người được Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ việc phong chân phước.
Trên thực tế, trí thông minh hoàn toàn phi thường,
vượt trội của ông đã có từ rất lâu. Một cách nào đó, chúng ta có thể nói ra ừng
đó là một món quà dành cho ông. Bản thân cha của ông thấy con trai Blaise của
mình làm toán một mình trong góc học tập của nó, theo cách tự học: người cha đã
hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sức mạnh của thiên tài này. Vì thế, ngay từ thời
thơ ấu của Pascal đã có điều gì đó huyền nhiệm. Trí thông minh toán học rất mạnh
mẽ này sẽ phát triển vào cuối tuổi vị thành niên khoảng 16, 17, 18 tuổi. Pascal
bắt đầu viết những khảo luận đầu tiên của mình về toán học, vật lý học, về
vấn đề chân không muộn hơn một chút. Ông sẽ là người phát minh ra máy tính cơ học
đầu tiên. Một cách nào đó, Pascal trước hết là một thiên tài vĩ đại trong lãnh
vực khoa học, toán học và hình học. Chắc chắn đó là một ân huệ được ban tặng
cho ông, nhưng cũng có một sức lao động đầy ấn tượng.
Và rồi, ông được thúc đẩy từ rất sớm, rất nổi bật,
bởi một ước muốn lớn lao là nhận biết chân lý cách chắc chắn. Đây có lẽ cũng là
lý do tại sao ông sẽ luôn nỗ lực gấp đôi để cố gắng khám phá đâu là sự thật, để
cố gắng tự mình phân biệt sự thật với sai lầm.
Adélaïde Patrignani: Đâu là những
nguyên tắc chính của triết lý của Blaise Pascal?
Jean de Saint-Chéron: Trước
tiên, ông là độc giả của các triết gia. Pascal rất quan tâm đến công trình của
các đại triết gia trong lịch sử, và điều khiến ông rất ấn tượng, đó là các tư
tưởng của các triết gia này thường rất đẹp, rất mạnh mẽ, rất ấn tượng, nhưng
chúng lại mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, triết học luôn có cùng một mục tiêu,
đó là nói về chân lý, cố gắng giải thích thế giới, giải thích hiện thực.
Thế nhưng, nếu các triết lý mâu thuẫn với nhau, thì
có thể là tất cả đều sai, hoặc mỗi người nói một phần nhỏ của sự thật, nhưng
không thành công trong việc nói ra toàn bộ sự thật.
Điều đó rõ ràng là đặc điểm của triết học của
Pascal: con người, chỉ bằng lý trí của mình, không thể lĩnh hội được một chân
lý quá lớn đối với mình. Vì thế rõ ràng có những phần của sự thật khoa học chẳng
hạn, mà lý trí có khả năng, theo trật tự toán học, nhưng cũng trong trật tự triết
học.
Nhưng khi chúng ta tự đặt cho mình những câu hỏi
lớn nhất liên quan đến con người, chẳng hạn sự sống đời đời, Thiên Chúa, những
gì chúng ta đang làm ở đời này, ý nghĩa của số phận chúng ta… thì lúc đó chỉ lý
trí mà thôi của con người sẽ không thể mang lại câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề
này. Và cần phải tìm thấy ở một nơi khác cho phép trả lời những câu hỏi này một
cách chắc chắn.
Adélaïde Patrignani: Làm thế
nào tư tưởng của Pascal có thể giúp chúng ta ngày nay đối mặt với sự phức tạp của
thế giới chúng ta?
Jean de Saint-Chéron: Những gì rất
đẹp trong tư tưởng của Pascal, tước hết đó là ông nói về chúng ta một cách tuyệt
vời. Ông nói về thân phận con người như ít nhà tư tưởng trước và sau ông
đã nói. Ông có khả năng nói và nắm bắt cả sự cao cả và sự khốn khổ của chúng ta
cùng nhau. Điều mà ông khiển trách nhiều triết gia, một cách đúng đắn, đó
là, một mặt, hoặc đã muốn quá nhấn mạnh đến sự cao cả của con người, hoặc, ngược
lại, có một tư tưởng quá bi thảm và chỉ thấy sự khốn khổ.
Pascal nói: “con người vĩ đại và khốn khổ”,
vĩ đại bởi tư tưởng của mình, cũng vĩ đại bởi vì nó có khả năng về Thiên
Chúa, nhưng khốn khổ bởi vì nó không thể biết được mọi sự, bởi vì nó không đạt
tới hạnh phúc bằng chính bản thân nó, bởi vì nó yếu đuối, bởi vì nó hư danh, bởi
vì nó nực cười, bởi vì nó để mình bị cuốn theo trí tưởng tượng hoặc thú giải
trí của mình… Tại sao điều đó co thể giúp chúng ta trong thời đại của chúng ta?
Trước tiên vì một tư tưởng như thế là vượt thời gian, nghĩa là nó không phải là
một tư tưởng của thế kỷ XVII. Một diễn ngôn về con người cho phép giải thích cả
sự nực cười, thói đạo đức giả và khát vọng lớn lao của chúng ta về chân lý và hạnh
phúc, không thay đổi qua các thế kỷ.
Vả lại, Blaise Pascal mang lại cho chúng ta những
chìa khóa để đọc rất thú vị về khía cạnh chính trị và những vấn đề xã hội , về
cách chúng ta tự tổ chức với nhau, ở đời nay, để sống tốt nhất có thể, bất chấp
sự yếu đuối, lỗi lầm của chúng ta.
Pascal rất ấn tượng việc chúng ta đã thành công
trong việc tạo ra các xã hội có phẩm trật. Đó là một hỗ trợ tốt để chúng ta hiểu
được một số vấn đề lớn của chính trị.
Ông cũng phi thường trong trật tự triết học tri
thức. Vào thời đại như của chúng ta, đôi khi chúng ta có cảm giác rằng khoa học
sẽ giải quyết được mọi thứ, Pascal cũng rất đáng quý để cho chúng ta thấy khoa
học có những giới hạn khách quan ở mức độ nào đó và rằng có một một ảo tưởng
khi tin rằng nghệ thuật khoa học của chúng ta sẽ cho phép chúng ta có lý về mọi
thứ, hay lý trí của chúng ta sẽ cho phép chúng ta biết được toàn bộ chân lý.
Đặc biệt, những gì ông khai triển – đó là một
trong những đoạn nổi tiếng nhất của cuốn “Pensées” – về trật tự của trái tim và
trật tự của lý trí, cho phép chúng ta khiêm tốn nhận ra một, cùng với ông,
chính xác những giới hạn của lý trí chúng ta, để xem xét rằng có những cơ quan
khác, những phương tiện tri thức khác với chỉ lý trí mà thôi.
Adélaïde Patrignani: Tại sao ở
một thời điểm nào đó trong cuộc đời của mình, Blaise Pascal đã chuyển
sang thuyết Jansen, một trào lưu tôn giáo vào thời của ông?
Jean de Saint-Chéron: Blaise
Pascal ở Rouen với cha mình vào năm 1646. Cha của ông đã trượt chân trên một tảng
băng và bị trật khớp chân. Có hai quý ông đến giúp cha của Pascal, vốn là một
quan chức cấp cao nổi tiếng của nhà vua. Tuy nhiên, hai ông này, có thể nói là
hơi chăm sóc một chút, lại là đồ đệ của thuyết Jansen và của Dòng Port-Royal. Với
sự hiện diện của hai ông này trong nhà của cha mình ở Rouen, Pascal bắt đầu
nghe về học thuyết này và rất quan tâm đến nó, và những quý ông này trao cho
ông các bản văn để đọc.
Tiếp đến, vài năm sau, Pascal trở lại Paris. Ông
đã phần nào nối lại cuộc sống trần tục.
Em của ông, Jacqueline, người đã chịu cùng sự ảnh
hưởng như ông, tiếp tục đào sâu theo hướng đó và gia nhập giới theo thuyết
Jansen. Thậm chí cuối cùng cô ấy sẽ trở lại Port-Royal với tư cách là một nữ
tu. Chính dưới ảnh hưởng của em gái Jacqueline của mình mà Pascal đã trở lại
Port-Royal và do đó với thuyết Jansen.
Rồi, sau khi ông trở lại vào năm 1654, “đêm lửa
sáng” của ông, có thể nói là cuộc hoán cải vĩ đại của ông, ông đi tĩnh tâm vào
tháng Giêng ở Port-Royal, và ở đó ông đã được đánh dấu rất nhiều bởi các cuộc gặp
gỡ mà ông đã thực hiện, như với Antoine Arnaud hay Pierre Nicole. Chính
hai người này sẽ khuyến khích và giúp ông trong các cuộc tranh cãi của họ, cách
riêng chống lại các tu sĩ Dòng Tên. Vì thế, chính từ đó mà cuộc mạo hiểm của
các Thư Tỉnh (Provinciales) sẽ bắt đầu.
Các triết gia theo thuyết Jansen ở Port-Royal
này, một cách nào đó bị lóa mắt bởi trí thông minh, nhưng cũng bởi nghệ thuật
hùng biện của Pascal, sẽ xin ông trở thành người quản bút của họ, chúng ta có
thể nói, để chống lại các tu sĩ Dòng Tên.
Adélaïde Patrignani: Ông đã
mang lại điều gì cho nền thần học của thời đại mình?
Jean de Saint-Chéron: Blaise Pascal,
trong sự nỗ lực to lớn bảo vệ Kitô giáo, để chứng minh rằng Kitô giáo là đáng
yêu, đáng kính và đáng khao khát – theo cách nói của ông -, và nó là tất cả trừ
phi trái với lý trí, trong nỗ lực to lớn này mà đỉnh điểm là những gì ngày nay
chúng ta gọi là “Pensées” (“Những suy tư”) – mà, như chúng ta biết rõ, là một bản
văn chưa hoàn thành, một tập hợp các các mảng của các ấn phẩm di cảo mà chúng
ta hoàn toàn không chắc chắn về thứ tự, tổ chức -, công việc to lớn của “Pensées”
đặt sang một bên những bằng chứng siêu hình, triết học về sự hiện hữu của Thiên
Chúa và cả những bằng chứng khoa học. Và điều đó khá là độc đáo vào thế kỷ
XVII.
Pascal nói với chúng ta rằng những bằng chứng của
triết học siêu hình không thuyết phục chúng ta, chúng quá thoát xác. Chúng ta
có thể nghe chúng, một giờ sau, điều đó có vẻ quá mơ hồ đối với chúng ta và
chúng ta sợ đã bị nhầm lẫn.
Các bằng chứng khoa học, về phần chúng, không
nói về Thiên Chúa đích thực, về Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac,
Thiên Chúa của Giacóp, Chúa Giêsu-Kitô, là Thiên Chúa mà chúng ta gặp đích thân
và được nhận biết trong trật tự của trái tim.
Vì thế, cám dỗ chứng minh Thiên Chúa bằng khoa học,
trong thực tế, dẫn chúng ta đến hữu thần thuyết vốn biến chúng ta thành những
người tôn thờ một kiến trúc sư vĩ đại, một Thiên Chúa tác giả của các chân lý
hình học, nhưng không cho phép chúng ta gặp được Thiên Chúa đích thực.
Một cách nào đó, đó là đóng góp phi thường của
Pascal cho triết học của thời ông – trước tiên, có một học thuyết về ba trật tự,
trật tự thân xác, trật tự trí óc, trật tự trái tim vốn là một tượng đài của triết
học tây Phương mà ngày nay vẫn giúp chúng ta phân biệt cách chính xác các phạm
trù của những gì chúng ta ngưỡng mộ và những gì chúng ta có thể giải thích, tùy
theo điều đó thuộc về thân xác, trí óc hay trái tim, nghĩa là đức ái. Đồng thời,
ông báo hiệu sự thất bại của triết học trong việc đạt đến một sự trình bày chắc
chắn về chân lý.
Adélaïde Patrignani: Tại sao
Giáo hội, vào thời của ông đã tỏ ra dè dặt và thậm chí là phê bình đối với các
tác phẩm và những khám phá của Blaise Pascal, ngày nay lại tìm cách làm nổi bật
ông?
Jean de Saint-Chéron: Blaise
Pascal không phải là nhà tư tưởng duy nhất bị Giáo hội đặt sang một bên trong một
thời gian, rồi được phục hồi trở lại, nếu tôi có thể nói, một vài năm hay thậm
chí một vài thế kỷ sau, một khi Giáo hội có thể nhận ra rằng tư tưởng của ông
có thể giúp chúng ta sống tốt hơn và thậm chí trở thành những Kitô hữu tốt hơn.
Những gì Giáo hội ngày nay nhận thấy rất cấp bách trong tư tưởng của Blaise
Pascal là phát biểu của ông về việc tìm kiếm hạnh phúc.
Vả lại trong Tông thư của mình, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã hai lần nói về hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực là gì? Đó
là một câu hỏi mà mọi người nam và người nữ thiện chí, Kitô hữu hay không, đều
tự hỏi. Đức Thánh Cha nói với chúng ta, Blaise Pascal chính là một người bạn đồng
hành tốt, để giúp chúng ta tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Trái với những gì đôi
khi chúng ta muốn ám chỉ, Blaise Pascal không phải là một nhà tư tưởng bi kịch.
Ông thừa nhận sự thất bại của triết học, nhưng
ông cũng biết rằng con người có khả năng về chân lý và hạnh phúc, và điều đó chỉ
có thể ngang qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.
Diễn ngôn này vừa hết sức hợp lý, vì chúng ta
đang đứng trước một trong những bộ óc hợp lý và sáng chói nhất trong lịch sử,
và đồng thời cũng rất tâm linh, vì nó góp phần vào sự hiểu biết của chúng ta về
Thiên Chúa ẩn mình, hoàn toàn phù hợp với diễn ngôn mà Giáo hội phải mang đến
cho thế kỷ XXI.
Adélaïde Patrignani: Jean de Saint-Cheron,
ông đã dành tác phẩm cuối cùng của mình cho Blaise Pascal, và trước đó ông đã
dành một cuốn sách cho thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Điều gì kết nối hai nhân vật
này?
Jean de Saint-Cheron: Có nhiều
điều kết nối Blaise Pascal và thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan. Nhưng
nếu tôi phải giữ lại chỉ một điều thôi, thì tôi tin rằng đó sẽ là ước muốn bao
la về hạnh phúc, và việc khám phá ra sự kiện rằng hạnh phúc này chỉ có thể đạt
được trong chừng mực chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa chân thật, là Chúa
Giêsu-Kitô, Đấng dạy chúng ta sống khiêm tốn và yêu thương.
Tý Linh
(theo Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (20.06.2023)