HUN ĐÚC LẠI NIỀM TIN & GẦY DỰNG TIẾN
TRÌNH KITÔ HÓA
Hai đề tài khá phân biệt nhưng cùng nằm chung trong một tiêu đề bài viết, vì cả hai đều mang tính chất là tác động sinh hoạt xã hội trước, rồi sau đó mới tính chuyện hoán cải tâm linh tha nhân. Chủ đích bài viết này nhằm kêu gọi mọi Kitô hữu khi nhìn vào bối cảnh xã hội, đất nước Việt Nam như hiện nay thì có thể nên mang chút động lòng, muốn sao cho môi trường mình đang sống rồi đây sẽ có ngày tươi đẹp về mặt phong cách, mỹ quan đạo đức như những Nước tiến bộ từng có ý thức mà nay người ta đã đạt được. Nếu mỗi Kitô hữu nỗ lực tham gia tác động vào các chuyên đề đại loại như sắp trình bày thì hiển nhiên họ cũng thuộc thành viên trong khuôn khổ thực hiện vì Sứ vụ Loan báo Tin mừng của Giáo Hội trên quê hương.
I. HUN ĐÚC LẠI NIỀM TIN
Trước tiên về mặt ngôn ngữ sử dụng, cụm từ “Hun
đúc lại niềm tin” mang tính chất kém hệ trọng hơn là “Tái truyền giảng Tin
mừng”. Lấy thí dụ bối cảnh Giáo hội Pháp, trước kia 90% dân số là Kitô hữu,
ngày nay không đầy 3% còn gắn bó thường xuyên với sinh hoạt Phụng vụ Giáo Hội.
Đối lại tại Việt Nam, khi xưa có vùng được khoảng 15% thì giờ đây ít là còn
được 5%. Do vậy dùng cụm từ “Hun đúc lại niềm tin” xét thấy phù hợp hơn cho
tình trạng Giáo hội Việt Nam. Tuy nhiên, dù là “Tái truyền giảng” hay “Hun đúc
lại” thì cũng trở thành nỗi đau đầu triền miên đối với các Đấng chủ chăn, vì
tình hình kinh tế không ngừng phát triển luôn tạo ra khuynh hướng nghịch chiều
với việc phát huy đời sống tâm linh.
Trước khi đi vào trình bày phương thức, chúng ta
mạn phép mượn hình ảnh bên kinh tế học để làm điển cứu. Nước Nhật sau thế chiến
II hoàn toàn suy sụp, người ta phải trù tính một kế sách để vực dậy cấp bách
nền kinh tế. Sau khi nghiên cứu họ chọn ra ngành nuôi tằm để sản xuất tơ lụa,
vì nó tạo được nhiều công ăn việc làm mà vốn đầu tư cần rất ít, vả lại hàng làm
ra bao nhiêu liền có người tiêu thụ hết bấy nhiêu, vì lụa Nhật thì cả thế giới
đều ưa chuộng. Sau đó nhờ vốn liếng thu hoạch từ việc bán lụa mà họ phát triển
được nhiều ngành công nghiệp khác. Bài học rút ra từ điển cứu trên là chúng ta
cần chọn cụ thể một hình thái sinh hoạt mục vụ nào đó thật đơn giản nhưng nó là
cớ để khiến các lĩnh vực đạo đức, mục vụ khác trở nên năng động và phong phú
hơn.
Quay sang vận dụng kinh nghiệm trong quá khứ ở
Giáo Hội xứ sở, bài học từ hai vị Chủ chăn lão thành của chúng ta: Đức Cha
Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện. Sau khi thành lập
Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, các Ngài cũng tỏ vẻ không ít bối rối với vai trò Giám
mục Chính tòa mới toanh của mình. Để khởi sự các bước cho đường hướng mục vụ đúng
đắn, các Ngài tiến hành xây dựng hai Trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima, một ở
Bình Lợi và nơi kia cách thị xã Vĩnh long 5 km. Mỗi khi gặp sự cố rắc rối trong
Giáo phận, các Ngài hay mời đương sự trong cuộc cùng đến nơi này để cầu nguyện
dâng Lễ. Kết quả đem lại nhiều lúc thật khả quan và nó còn liên quan đến việc
phát triển hai Giáo phận ấy, làm chứng cứ cho hậu thế có thể thấy được một cách
tỏ tường.
Một hình ảnh khó quên về vị Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II. Khi còn là Linh mục Karol Wojtyla, Ngài cũng có vẻ bình thường như
bao Giáo sĩ khác. Nhưng từ sau sự kiện sắp được kể thì mới trở thành một đối
tượng tiếng tăm được chú ý để rồi người ta không ngừng nâng bậc cho Ngài và
cuối cùng trở thành Giáo Hoàng. Vào lúc Nhà thờ do Ngài làm Chánh xứ đã xuống
cấp đến độ không còn đủ an toàn cho Giáo dân đến dự sinh hoạt, vì thế đành xin
phép chính quyền cho xây dựng lại, tất nhiên thời Cộng sản thì nào được cấp
phép. Ngài bèn tổ chức tụ tập đông Giáo dân Lần hạt xuyên suốt ở đài Đức Mẹ
trước Nhà thờ, hết tốp này luân phiên đến tốp khác 24/24. Ít ngày sau đó thì
chính quyền đã đồng ý nhượng bộ.
Kiến nghị liên quan tới chủ đề:
Một là, trùng tu và phát triển thêm các Trung tâm
Hành hương ở những vùng mà đời sống Đạo đang trong trạng thái kiệt quệ. Đem các
hoạt động từ thiện, truyền giáo và sinh hoạt mục vụ thường xuyên diễn ra tại
các nơi này. Ví dụ Giáo phận Hưng Hóa được lợi thế là sẵn có cơ sở Hành hương
Pháp Trường Năm Mẫu kính các Thánh Tử đạo Việt Nam.
Cụ thể hằng năm vào những dịp như Lễ Hiển linh,
Ngày Khánh nhật truyền giáo, Lễ kính các Thánh Tử đạo VN v.v.. Chúng ta có thể
tổ chức đình đám: Có Cha thuyết giảng thu hút, có Thánh lễ và buổi kinh nguyện
trang nghiêm, có trình diễn Thánh ca hấp dẫn. Ai đến viếng thì được mời bữa cơm
thân hữu miễn phí, người nghèo khi ra về có chút quà nhu yếu phẩm, hỗ trợ lộ
phí v.v... Đưa về nơi đó những buổi tập huấn, hội thảo, họp mặt ban ngành; mục
đích trước là gây sự chú ý đến quần chúng, sau là nhờ lời chuyển cầu của các
Đấng thiêng liêng mà ước mong buổi họp gặt hái thành công.
Hai là, xem xét đến sự hiện diện các Đài Đức Mẹ
trong khuôn viên Nhà thờ. Tập cho giáo dân sau Thánh lễ đến vây quanh Tượng đài
để đọc 3 kinh Kính mừng, hát một khúc ca tôn vinh Đức Mẹ rồi mới ra về. Trong
tháng Năm và tháng Mười thì có những buổi kinh đa dạng phong phú hơn. Nếu con
nhớ không lầm thì Đức Cha Jean Cassaigne, thời Ngài làm Đại diện Tông tòa hạt
Sài Gòn, vì yêu mến Đức Mẹ Lộ Đức nên đã khuyến khích việc xây dựng Núi Đức Mẹ
khắp nơi, vì thế hầu hết các khuôn viên Nhà thờ trong miền Nam đều thấy có bóng
dáng công trình này. Con tin tưởng rằng với việc nhân đức nhỏ nhoi này, nếu vận
động toàn lực trong các Giáo xứ, thì sẽ góp phần không ít cho mục tiêu duy trì
đời sống Đạo, thậm chí còn đem lại hoa trái cho công tác Truyền giáo trong vùng.
Với hai kiến nghị đơn sơ như trên làm thí dụ, nếu Giáo Hội có được nhiều Kitô hữu thiện chí thì mỗi hoạt động đóng góp của họ như quản trị Giáo xứ, dạy Giáo lý, ca đoàn v.v... đều giúp ích cho chương trình Hun đúc Niềm tin kẻ khác. Chúng ta không nhất thiết chọn hình thức sinh hoạt mang tính độc đáo, nhưng là những việc có tiêu điểm hành sự dù mang nét giản dị nhưng nó làm kích thích cho sự sinh sôi nảy nở tính năng động sang các lĩnh vực khác như: phong trào đoàn thể, tìm hiểu Thánh kinh, hoạt động từ thiện, Công giáo tiến hành, sinh hoạt cộng đồng, tiếp cận kẻ nguội lạnh, truyền giáo v.v...
II. GẦY DỰNG TIẾN TRÌNH KITÔ HÓA
Trên phương diện ngôn từ, ngữ cảnh Kitô hóa mang
hai ý nghĩa khác nhau, Kitô hóa thời cổ xưa và Kitô hóa thời cận đại. Lướt
nhanh về bản chất Kitô hóa cổ là khởi đầu bởi biến cố Hoàng đế La Mã Theodosius
vào thế kỷ IV đã Quốc giáo hóa Đạo Kitô trong toàn cõi Đế quốc (xin tham khảo
thêm ở Đề mục 17 bài LSGH), từ đó dẫn theo một số dân tộc trong và ngoài Đế
quốc cũng được cải Đạo. Kế đến với sự kiện Hoàng đế Charlemagne cải Đạo cho dân
Saxon trong thế kỷ VIII cũng được xem như là một tiến trình Kitô hóa (Đề mục
30). Và sau cùng là những diễn biến liên tục nhiều quốc gia theo Đạo ở Thế kỷ
IX và X với một quy mô đại trà (Đề mục 35). Như vậy tính cách áp đặt và ngoại
giao chính trị đã đưa đến kết cục của tiến trình Kitô hóa thời cổ.
Về phần Tiến trình Kitô hóa thời cận đại thì mang
tính xã hội hơn là thuộc bình diện quốc sự. Lấy thí dụ xã hội Châu Âu ngày nay,
với các chính sách an sinh xã hội, đài thọ y tế, cân đối chênh lệch giàu nghèo,
coi trọng giáo dục, lễ hội trong Đạo cũng là quốc lễ v.v... đó là hệ quả có
được qua quá trình nhiều thế hệ sinh sống trong khung cảnh xã hội Kitô giáo.
Ngay cả phần lớn người dân tại các nơi này cũng thể hiện phong cách văn minh, ý
thức kỷ luật, tôn trọng lẽ công bằng, rộng tay đóng góp cứu trợ, phấn đấu vì
lợi ích chung ... cũng xem như là thành quả của tiến trình Kitô hóa. Nội dung
sắp được đề cập dưới đây thuộc phạm trù Kitô hóa cận đại. Lại thêm vấn đề khác
của ngôn từ, giữa Kitô hóa và thuật ngữ Phúc âm hóa cũng cần hiểu qua về tính
dị biệt của nó.
Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi ở đoạn số 18,
Đức Phaolô VI định nghĩa: Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào
trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong,
đổi mới chính nhân loại: “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Kh 21,5). Như
vậy nó mang ý nghĩa về sự hiện hữu tôn giáo trong cuộc sống nhân sinh. Còn Kitô
hóa thì: Từ nền tảng luân lý Kitô giáo khiến cho vẻ lành mạnh trong sinh hoạt
xã hội loài người được phát huy. Tóm lại, một đàng là luân lý hóa sinh hoạt xã
hội và ý bên kia thì tâm linh hóa đời sống con người.
Thật khó mà đưa ra một phương thức hoạt động thực
tiễn để hiển thị cho công việc mệnh danh: Gầy dựng tiến trình Kitô hóa trong xã
hội Việt Nam, nhất là ở những nơi đã từng chịu ảnh hưởng bởi các diễn biến lịch
sử làm lu mờ đời sống tôn giáo. Nói vậy cũng không có nghĩa cho phép được làm
ngơ với chủ đề này. Vì ngày xưa, Kitô giáo giúp cho hình thành ra xã hội văn
minh, nhưng ngày nay vai trò Kitô hóa làm tiền trạm cho công cuộc Phúc âm hóa.
Một xã hội suy thoái luân lý đến mức tồi tệ mà lại đề cập tới đời sống tâm linh
thì đâu có ai chịu lắng tai nghe. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết cũng như
khả năng của người viết, chúng ta chỉ nắm bắt phần nào khái niệm là cảm thấy
lạc quan rồi, hy vọng trong tương lai sẽ có vị chuyên môn nào đó hoàn thiện ý
tưởng này.
Gầy dựng tiến trình là trải qua khoảng thời gian
dài, người ta phân ra thành nhiều công đoạn để từng bước thực hiện và đánh giá,
hệ quả từ chỉ tiêu bước trước sẽ khởi sự cho giai đoạn vận hành bước tiếp sau,
và cứ như thế cho đến khi biểu hiện ra thành quả kỳ vọng như mong muốn. Lấy thí
dụ: Vận động với người Kitô hữu chín chắn làm việc ở những nơi nhạy cảm với
tình trạng tham quan ô lại, kêu gọi và cầu nguyện cho họ thực thi lời dạy của
Thánh Gioan Tẩy giả trong Lc 3, 14: Hãy an phận với đồng lương của mình. Nếu họ
đón nhận và nghe theo thì hệ quả là, gia đình sống cần kiệm, lương tâm đặng an
bình, con cái lo ăn học cho có công danh sự nghiệp, không bén mảng đến chốn sa
đọa, chưa hết, quan hệ xã hội của họ dễ gặp thành phần ưu tú, hôn nhân tìm được
nơi chốn đàng hoàng v.v... Hoặc vả nơi một thí dụ khác, dạy cho các gia đình
Công giáo hãy có thói quen ham đọc sách kiến thức hữu ích, hệ quả là con cái họ
cũng bắt chước hiếu tìm nơi sách vở, từ đó không còn giờ tiếp xúc với những thứ
tiêu cực, không nghiện ngập vào chơi game, internet đồi trụy, mở mang kiến
thức, học hành tấn tới, tạo kích thích tham gia vào sinh hoạt cộng đồng vì
không bị mặc cảm ngu dốt v.v...
Kiến nghị liên quan tới chủ đề:
Tại nhiều thành thị, nhất là khu vực công nghiệp
hóa, nhu cầu nhà trẻ mầm non rộ lên khá phổ biến, tức nhiều em nhỏ trước khi
vào lớp một đã phải trải qua thời kỳ bị đem gởi tập thể, cách ly cha mẹ từ sáng
đến chiều. Nhiều Dòng tu nữ cũng tranh thủ, được Nhà nước cấp phép và gánh lấy
trọng trách vào sinh hoạt này, tất nhiên họ cũng phụ giúp cho Cộng đoàn có thêm
điều kiện kiếm sống. Ngờ đâu đây chính là một tiềm năng vô cùng to lớn cho tiến
trình Kitô hóa. Không cần bàn luận chi nhiều cũng có thể hiểu ngay, khai thác
đứng đắn vai trò này sẽ đem lại hiệu quả tốt lành biết bao. Một câu chuyện có
thật đầy dí dỏm, có em bé con cán bộ được gởi nơi cơ sở các Dì phước, hôm nọ
bữa cơm chiều em ngồi bên mâm cơm và đặt câu hỏi với cha nó: sao Ba trước khi
ăn cơm không làm dấu Thánh giá? Rõ ràng em là một chiến sĩ cho công cuộc Kitô
hóa đúng nghĩa.
Làm sao để các Nữ tu đang công tác trong lĩnh vực
này nhận thức được, Quý vị ấy phải nắm lấy chức năng thay thế mẹ hiền nơi cơ
sở, thể hiện lòng yêu mến dịu dàng, tâm tình nhân hậu, thái độ ân cần, sự âu
yếm ngọt ngào trong suốt thời gian được tiếp xúc với các em, và rốt cùng tất
nhiên là gương đạo đức. Làm thế nào phải mường tượng cho ra cái hậu quả của
viễn cảnh lâu dài về sau, hàng chục năm sau đó, các em này khi lớn lên có dịp
quay lại chốn xưa mà cảm thấy trong lòng đầy bùi ngùi xúc động, thì đó mới là
thành công mỹ mãn vô cùng ngoạn mục của các vị.
Tiếc thay trước đây con cũng từng chứng kiến vài
nơi có mấy Dì tỏ ra nóng nảy quát tháo các em, nơi khác thì quá khích gò ép các
em vào khuôn khổ kỷ cương một cách vô lý, lại còn màn coi trọng phụ huynh có
thế lực, xem thường các em gia đình nghèo, bỏ rơi những trẻ có dị tật bẩm sinh,
hình ảnh ấy thật là phản cảm với Truyền giáo. Khẩn xin các Đấng bề trên, giới
quản nhiệm trong Giáo Hội nghiên cứu thêm và tìm điều kiện tiếp cận, trao đổi
với các Chị, Dì đang trong nhiệm vụ. Khi tiếp xúc, cần tỏ ra tâm tình đầy thân
ái và thái độ khâm phục đối với Quý nữ tu này, vì rằng: khi phải yêu thương kẻ
khác thì bản thân mình cũng từng cần được thương yêu. Bằng mọi giá, hãy cùng
nhau khai thác một cách triệt để về lợi điểm này nhằm cống hiến cho chủ đề Kitô
hóa. Chúng ta cũng không quên nỗ lực sưu tìm những Cô nhà trẻ là Kitô hữu, nhờ
các Cha quản xứ thông tin, tìm cách dẫn dụ họ đến những buổi hội thảo được tổ
chức về chuyên đề này để tận dụng thêm nguồn nhân lực cống hiến cho Tiến trình
Kitô hóa.
III. LỜI GÓP Ý KẾT THÚC
Trong khả năng giới hạn nơi thân phận con người
phàm trần, nhưng lại đứng trước các chủ đề lắm nhiêu khê như thế này, chúng ta
chỉ còn cách dùng tôn chỉ cho hoạt động theo như lời trong Thư Thánh Phaolô 1Cr
3, 6: Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Tuy vậy
cũng phải cùng nhau đồng tâm hợp lực và gắng sức thực thi thì mới hy vọng vẹn
toàn Thánh Ý Chúa. Kính mong mọi người có thể quan sát và đi đến nhận định: Có
những công trình mà ngày nay thế giới có được là do khởi xướng của những nhà
bác học và kế đến thêm nhiều người có kiến thức tầm cỡ cộng tác vào, ví dụ công
trình loài người lên cung trăng. Tuy vậy còn có những thành quả khác mà toàn xã
hội hoặc cộng đồng, không trừ một ai, cùng ý thức chung để gầy dựng nên cũng
đạt được không kém phần ngoạn mục, ví dụ nước Nhật được phục hồi sau Chiến
tranh. Một xã hội có được số đông phần tử thiện chí xuất phát từ nhiều Tôn giáo
mà cùng chung ý thức gầy dựng thì chắc chắn sẽ nhanh chóng đạt tới một khung
cảnh sống đầy nét hoàn mỹ.
Michel Trương
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 114 (tháng
9&10 năm 2019)
Nguồn: WHĐ