HỌC TẬP
THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’
BÀI 1 - TỔNG
QUAN VỀ THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI'
Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.
Liên kết mật thiết giữa những tiếng khóc than của
người nghèo và những tiếng rên xiết của trái đất đã gây ra tiếng vang xa rộng
nơi Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhờ các cuộc khảo cứu
khoa học và những kinh nghiệm huấn luyện ở Châu Mỹ La tinh mà Đức Thánh Cha đã
dành sứ vụ của ngài ưu ái cho người nghèo, những con người đang mang trong mình
những nỗi đau khổ về việc khan hiếm nước sạch, phá rừng, thực phẩm thiếu an
toàn, ô nhiễm môi trường… Đức Thánh Cha đã nhận thấy rằng phải khẩn cấp thúc đẩy
chăm sóc tạo thành mà bấy lâu nay các giáo huấn Giáo Hội về xã hội chưa làm đầy
đủ đối với trái đất đang bị tàn phá nặng nề. Ngày nay chúng ta có thể sáng kiến
cách thức khác để thực hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại như chính
mình. Nhớ lại hai lệnh truyền trong Tin Mừng Mát-thêu (23, 37-40) để cải thiện
mối tương quan với Thiên Chúa, tạo thành và chính mình là cuộc hoán cải môi
sinh đã được Đức Phanxicô kêu gọi các giáo phận, giáo xứ, gia đình cùng và các
tổ chức khác cùng thực hiện: chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
Đưa Laudato si’ vào đời sống, trước hết đòi hỏi
thành tâm thừa nhận rằng chúng ta đã có nhiều lỗi lầm khi thực sự nghiêm túc
xét thấy “chúng ta sẽ để lại cho thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta, một
thế giới như thế nào?” Laudato si’ là thông điệp hỗ tương, giúp chúng ta sống
liên đới với những người khác và vạn vật không chỉ trong hiện tại mà cả tương
lai. Thông điệp Laudato si’ giúp người đọc trả lời câu hỏi câu hỏi căn bản nêu
trên bằng cách nêu lên một số vấn đề mà chúng ta đang đối diện, liên kết với thần
học Laudato si’ và vạch ra những phương hướng cho các tín hữu đi từ lý thuyết tới
thực hành và dấn thân cách trung tín với tạo thành như một chương trình loan
báo Tin Mừng.
Với tinh thần này, chúng ta không tìm cách phân
tích Laudato si’ và không đưa Thông điệp này của Đức Phanxicô vào chiều hướng
nghiên cứu mang tính học thuật, cũng không tìm hiểu khía cạnh chính trị-kinh tế
xã hội, đúng hơn chúng ta cố gắng tìm kiếm lợi ích từ Thông điệp này bằng cách
đọc và tìm ra những phương thế để sống tinh thần Laudato si’ trong đời sống hằng
ngày.
Thật sự biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho
nhân loại cơ hội để lấp đầy những vực thẳm ngày càng lan tỏa sâu rộng trong một
thế giới con người đang sa ngã.
Với sự phát triển của thời đại kỷ thuật, chúng
ta đang sống rất xa cách với thiên nhiên và thành thật thừa nhận rằng con người
đang gặp nhiều “vấn đề” trầm trọng. Đức Phanxicô đã nhận thấy rõ ràng những mối
nguy hại đó trong thế giới của chúng ta và ngài đã viết Thông điệp Laudato si’
để dạy dỗ và thúc đẩy nhân loại nỗ lực vươn tới mục đích sứ vụ mà Thiên Chúa đã
trao cho con người trông nom trái đất.
Với trách nhiệm của người chăm sóc trái đất,
chúng ta cố gắng sống giáo huấn của Giáo Hội thông qua Thông điệp Laudato si’,
bằng cách:
- Tiếp xúc thiên nhiên với sự tỉnh thức và
ngạc nhiên. Đức Thánh Cha phản tỉnh cách thức này theo gương thánh
Phanxicô Assisi, ngài “gọi các tạo vật là anh em hoặc chị em và nếu chúng
ta tiếp xúc thiên nhiên, mà không mở lòng ngạc nhiên, nếu chúng ta không
nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ huynh đệ và tốt lành, thì
thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ sở hữu chủ, của người
tiêu thụ hay chỉ là của những người bóc lột tài nguyên, không có khả
năng thiết đặt ranh giới cho chú tâm trực tiếp của mình. Nhưng nếu
chúng ta cảm nghiệm được liên kết với tất cả những gì đang hiện
hữu, thì sự điều độ và chăm sóc sẽ tự đến. Sự nghèo khó và đơn sơ
của thánh Phanxicô không phải là sự khổ hạnh ở bên ngoài, nhưng là
một điều gì triệt để: một sự từ chối biến thực tại trở thành đối
tượng sử dụng và thống trị.” (số 11).
- Giảm thiểu chất thải, tái sử dụng những
vật dụng còn có thể sử dụng và thu gom xử lý các loại rác thải. Đức
Thánh Cha nhìn thấy nơi chúng ta sinh sống “bắt đầu trông ra như một đống rác
rưởi” đang vùi lấp những cảnh quang vốn rất đẹp (số 22). Điều này phát sinh từ
“văn hóa sa thải” những món đồ cũ xem ra vẫn còn sử dụng được. Trong cuộc sống,
chúng ta luôn tìm kiếm những “cái mới” và thay vì trân quý những “cái cũ” đang
có, thì chúng ta dễ dàng vứt bỏ chúng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc tái sử dụng
như là phần quan trọng trong cuộc sống, cách thức này sẽ làm hạn chế các rác thải
và sẽ giúp các thế hệ tương lai có một môi trường sinh sống tốt đẹp.
- Bảo tồn sự đa dạng của thiên nhiên.
Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta “không chỉ suy nghĩ rằng các chủng loại được
xem như tài nguyên hữu ích đang bị khai thác, mà còn nhìn thấy các chủng loại có
những giá trị tự thân của chúng” (số 33). Ngài cho biết rằng “mỗi năm mất đi
hàng nghìn loại cây cối và thú vật, mà chúng ta không còn khả năng nhận ra, cả
con cái của chúng ta cũng chưa thấy được, hoàn toàn mất đi vĩnh viễn”. Đây là hậu
quả trầm trọng không chỉ trong thế giới tự nhiên mà cho cả sức khỏe của con người
nữa. Phá hoại các chủng loại sinh thái trong môi trường sống của con người,
chúng ta đang đánh mất các tiềm năng miễn dịch có chức năng chữa trị tự nhiên
cho những người đau bệnh cũng như sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Thiên
Chúa tạo dựng trái đất với “bản giao hưởng” tự nhiên và bằng cách loại bỏ các
chủng loại trong một thực thể, thì chúng ta đang làm hư mất “bản nhạc” vẹn toàn
của tạo thành.
Nguồn: ubclhb.com (27.2.2022)
Đọc thêm:
Giới thiệu chương trình học tập về Thông điệp Laudato si' |