HỌC HỎI PHÚC ÂM LỄ VỌNG PHỤC SINH NĂM A

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ

LỜI CHÚA

Phúc Âm: Mt 28, 1-10

"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

Ðó là lời Chúa.


CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc Mt 28,1. Hai bà Maria đi viếng mộ vào lúc nào? Đọc thêm Mc 16,2 và Lc 24,1.

2. Hai bà Maria này là hai bà nào? Đọc Mt 27,55-56.61.

3. Theo Mc 16,1 và Lc 24,1 hai bà ra mộ để làm gì? Còn theo Mt 28,1 hai bà ra mộ để làm gì? Tại sao hai bà lại không xức dầu ướp xác Thầy? Đọc Mt 26,6-13.

4. Đọc Mt 28,2. Đây là lần động đất thứ mấy trong Tin Mừng Mát-thêu? Đọc Mt 8,24; 27,51.54.

5. Bạn nghĩ gì về hình ảnh vị thiên sứ của Chúa được mô tả trong Mt 28,2-3. Đọc thêm Mt 17,2.

6. Đọc Mt 28,5-6. Các bà ra mộ để tìm ai? Thiên sứ mời các bà làm gì để họ tin Đức Giêsu đã được nâng dậy?

7. Đọc Mt 28,7-8. Bạn nghĩ gì về việc thiên sứ giao cho các bà sứ mạng loan báo tin mừng phục sinh cho các môn đệ khác? Đọc thêm Mt 28,10.

8. Các bà bái lạy Đức Giêsu ở Mt 28,9. Có khi nào Đức Giêsu được bái lạy trong Tin Mừng Mát-thêu không? Đọc Mt 2,2.8.11; 8,2; 9,18; 14,33; 15,25.


GỢI Ý SUY NIỆM

Đọc Mt 28,9-10. Bạn thấy Đức Giêsu phục sinh có lịch sự và dễ mến không? Ngài có quan tâm đến các phụ nữ không? Ngài có quan tâm đến các môn đệ không?


PHẦN TRẢ LỜI

1. Maria Mácđala và một bà Maria khác đi viếng mộ vào ngày thứ nhất trong tuần, tức là sau khi hết ngày sabát, “khi ngày thứ nhất trong tuần sắp bắt đầu” (Mt 28,1). Ngày thứ nhất tro ng tuần (Chúa nhật) bắt đầu vào khoảng 6 giờ chiều ngày sabát (thứ Bảy). Dựa theo Mt 28,1, ta có thể hiểu là hai bà viếng mộ vào tối thứ Bảy, sau 6 giờ chiều, ngay khi vừa hết ngày sabát. Nhưng theo Mc 16,2 và Lc 24,1 thì các bà đợi đến sáng sớm Chúa nhật, mới ra mộ. Điều này hợp lý hơn.

2. Hai bà Maria này thuộc nhóm những phụ nữ ở vùng Galilê. Họ “đã đi theo Đức Giêsu từ Galilê để phục vụ Người” (Mt 27,55). Vào giây phút cuối đời của Đức Giêsu, họ đã trung thành đi theo Ngài trên Đường Thánh giá, đã “đứng nhìn từ xa” cảnh Đức Giêsu chịu đóng đinh. Hai bà còn là người đã chứng kiến toàn bộ việc chôn táng Đức Giêsu trong ngôi mộ mới của ông Giô-xếp thành Aramathia (Mt 27,59-60), và đã ngồi quay mặt vào ngôi mộ mới của Thầy (Mt 27,61). Hai bà cũng là người đầu tiên ra viếng mộ (Mt 28,1). Tất cả những hành vi trên cho thấy tình yêu nồng nàn của các bà đối với vị Thầy khả kính. Xem thêm Lc 23,49.55; 24,1-11.22-24.

3. Theo Mc 16,1 và Lc 24,1 các bà ra mộ với mục đích ướp xác Đức Giêsu bằng hương liệu họ đã mua. Còn theo Mt 28,1 có vẻ các bà chỉ có mục đích viếng mộ thôi. Viếng mộ là thói quen của người Do-thái (Ga 11,31). Các bà biết rất rõ về vị trí của ngôi mộ (Mt 27,61). Có thể thánh sử Mátthêu không muốn nhắc đến chuyện ướp xác bằng hương liệu vì trước đây ít ngày Đức Giêsu đã được xức dầu thơm quý giá để chuẩn bị cho việc cho việc mai táng rồi (Mt 26,6-13).

4. Khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, có một trận “động đất”, “đất rung chuyển và đá vỡ ra” (Mt 27,51.54). Đi kèm với trận động đất này có nhiều hiện tượng lạ lùng khác (Mt 27,52-53). Lúc các bà ra viếng mộ, lại có một trận động đất lớn khác (Mt 28,2). Thánh Mát-thêu muốn dùng hình ảnh “động đất” để cho chúng ta thấy rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là một biến cố lớn, có ảnh hưởng đến cả trái đất và vũ trụ. Sự phục sinh của Chúa Giêsu là khởi đầu cho sự phục sinh của nhiều người trong chúng ta. Mát-thêu dùng lối văn khải huyền trong các đoạn văn trên, nên ta không cần chúng hiểu theo nghĩa đen.  Còn một trận động đất thứ ba ở Mt 8,24 (“động đất lớn trên biển” = biển động mạnh).

5. Mátthêu 28,2b-3 cho thấy vị thiên sứ này là nhân vật từ trời mà xuống, đến mộ, lăn tảng đá che mộ ra và ngồi trên tảng đá đó. Thiên sứ đến lăn tảng đá không phải để cho Đức Giêsu được phục sinh, mà để cho các bà thấy ngôi mộ của Đức Giêsu giờ đây không còn xác Ngài nữa. Cử chỉ ngồi lên trên tảng đá che mộ cho thấy tử thần đã bị đánh bại và sự sống đã chiến thắng. Cách Mát-thêu mô tả hình dáng vị thiên sứ gợi cho ta thấy những nét của Đức Giêsu lúc hiển dung. Khuôn mặt Đức Giêsu thì sáng như mặt trời, y phục Ngài trắng như ánh sáng (Mt 17,2). Còn ở đây, diện mạo vị thiên sứ như ánh chớp, còn quần áo vị này trắng như tuyết (Mt 28,3). Trận động đất lớn và sự hiện ra bất ngờ của vị thiên sứ uy nghi đã làm toán lính được phái đến canh mộ phải kinh hoàng run rẩy (Mt 28,4).

6. Các bà ra viếng mộ để “tìm Đức Giêsu”, hay nói đúng hơn để khóc thương trước ngôi mộ mà họ biết có xác của Thầy mình đang nằm trong đó. Họ không hề tin chuyện Đức Giêsu đã phục sinh. Sứ thần đã loan báo Tin Mừng phục sinh làm các bà ngỡ ngàng: “Người không ở đây, vì Người đã được nâng dậy.” Đừng đến mộ để tìm xác Người. Sứ thần mời các bà kiểm chứng bằng cách vào trong mồ, đến xem chỗ Người nằm, để thấy xác Người không còn đó (Mt 28,6).

7. Thiên sứ truyền cho hai bà đi mau mau đi loan báo cho các môn đệ của Thầy Giêsu về Tin Mừng, đó là “Người đã được trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người” (Mt 28,7). Điều lạ ở đây là sứ mạng đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ phái nam lại được giao cho các phụ nữ, dù trong xã hội thời Đức Giêsu, lời chứng của phụ nữ không hề được coi là có giá trị. Sau này, khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp hai bà, Ngài đã nhắc lại cho hai bà về sứ mạng ấy (Mt 28,10). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của cái hẹn này trong cái nhìn của Đức Giêsu phục sinh! Chính Đức Giêsu đã nói về cái hẹn này cho các môn đệ ngay trước khi Ngài chịu khổ nạn (Mt 26,32). Đây là một cái hẹn của Thầy với các môn đệ, có nói rõ chỗ hẹn ở Galilê là nơi buổi ban đầu Thầy Giêsu đã kêu gọi họ. Bây giờ Galilê sẽ là nơi họ sẽ gặp lại Thầy, gặp lại người Thầy đáng kính đã chịu đóng đinh và đã chết chôn trong mộ, nay đã được sống lại từ cõi chết. Thầy của họ bây giờ là một người đang sống, vì được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết. Thầy có thể đi được, thậm chí sẽ đến Galilê trước các ông. Các ông có thể thấy Thầy được và nhận ra Thầy. Thầy Giêsu không nhắc gì đến sự hèn nhát của họ hay sự chối Thầy của Phêrô. Khi hẹn gặp lại các môn đệ, Thầy Giêsu muốn nối lại mối dây đã bị phá vỡ bởi sự yếu đuối bất trung của họ. Thầy đã hoàn toàn tha thứ cho họ rồi.

8. Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu được bái lạy nhiều lần bởi nhiều người (các nhà chiêm tinh: Mt 2,2.8.11; người phong: 8,2; một vị thủ lãnh: 9,18; các môn đệ: 14,33; người phụ nữ Canan: 15,25; các phụ nữ: 28,9). Bái lạy là quỳ gối xuống (proskyneô). Đây là một cử chỉ hết sức cung kính, có thể mang ý nghĩa thờ phượng (latreuô) dành cho Thiên Chúa (Mt 4,10). Trong hoang địa, quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu bái lạy nó, và Ngài đã khẳng định chỉ bái lạy và thờ phượng một mình Thiên Chúa (Mt 4,9-10).