PHÚC ÂM: Ga 13,31-33a.34-35
31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ' Nơi tôi đi, các người không thể đến được ', bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau."
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đức Giêsu nói những lời này khi nào, trong khung cảnh nào? Xin đọc từ đầu chương 13 của Tin Mừng Gioan.
2. Đọc Ga 13,31-32. Tại sao khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu lại nói: Giờ đây Con được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người?
3. Hai câu sau đây có gì đặc biệt: “Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31) và “Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người nơi chính mình” (Ga 13,32)?
4. Trong Cựu Ước, lúc nào là lúc vinh quang Thiên Chúa tỏ lộ huy hoàng nhất? Trong Tân Ước, lúc nào là lúc vinh quang Thiên Chúa tỏ lộ huy hoàng nhất? Chúng ta có chờ một tỏ lộ huy hoàng nào khác không? Đọc Ga 17,24.
5. Đọc Ga 13,33-34. Trong thời gian Thầy trò xa nhau, vì Thầy về với Cha, Thầy Giêsu dặn các môn đệ sống như thế nào? Tại sao đây lại là một điều răn mới? Mới ở điểm nào?
6. Trong bài Tin Mừng này Đức Giêsu có dạy các môn đệ yêu thương người ngoài không? Điều này có khác với Mc 12,28-34 và Mt 5,43-45 không?
7. Tình yêu thương giữa các Kitô hữu có phải là điều quan trọng trong Tin Mừng Gioan không? Đọc Ga 15,12-13; 13,14-15.
8. Đọc Ga 17,20-23. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu có giúp ích gì cho thế gian không?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Kitô hữu là những người yêu thương nhau, phục vụ nhau, dám chết cho nhau như những người bạn, và hiệp nhất nên một với nhau. Người Công giáo chúng ta đã sống như thế nào để tôn vinh Chúa trên quê hương Việt Nam?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đây là những lời đầu tiên của Đức Giêsu trong Bài Từ biệt các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc Khổ Nạn. Bài này bắt đầu từ Ga 13,31 đến hết chương 16. Khung cảnh của những lời từ biệt này là khung cảnh bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu trước khi Ngài về lại với Chúa Cha qua cái chết. Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-20) và đã báo cho họ biết về việc một người trong nhóm sẽ nộp Ngài (Ga 13,21). Ngài đã chấm miếng bánh trao cho Giuđa và anh ấy đã rời khỏi phòng tiệc lúc trời tối (Ga 13, 22-30).
2. Khi Giuđa ra đi trong đêm để chuẩn bị cho việc bắt Thầy mình, Đức Giêsu biết rõ “giờ” của mình đã gần kề. Đây là giờ Ngài bước vào cuộc Khổ Nạn vì vâng phục, và cũng là giờ Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Mặt khác, đây cũng là giờ Chúa Cha tôn vinh Ngài khi cho Ngài được phục sinh: “Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và sẽ tôn vinh Người ngay lập tức” (Ga 13,32). Qua Ga 13,31-32, Đức Giêsu nói đến việc Con tôn vinh Cha và được Cha tôn vinh, Cha tôn vinh Con và được Con tôn vinh. Như thế Chúa Cha và Đức Giêsu tôn vinh nhau trong mầu nhiệm chết và phục sinh của Đức Giêsu. Xem thêm Ga 17,4-5.
3. Câu 31 cho thấy Đức Giêsu tôn vinh Thiên Chúa Cha nơi chính con người của mình. Câu 32 cho thấy Thiên Chúa Cha tôn vinh Đức Giêsu nơi chính Cha. Như thế Đức Giêsu trở nên nơi bừng tỏa vinh quang của Cha; và ngược lại, Chúa Cha trở nên nơi bừng tỏa vinh quang của Đức Giêsu. Chúa Cha và Chúa Con không tự tôn vinh chính mình, nhưng Ngôi này được tôn vinh bởi Ngôi kia.
4. Có thể nói, trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang cách huy hoàng nhất ở trên núi Xinai. Núi được mây bao phủ trong sáu ngày, ngày thứ bảy vinh quang ĐỨC CHÚA xuất hiện trên đỉnh núi như ngọn lửa thiêu (Xh 24,1-18). Còn trong Tân Ước, theo cái nhìn của Tin Mừng Gioan, vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ khi Đức Giêsu được giương cao trên thập giá (x. Ga 13,31-32). Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu và quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn chờ đến ngày chúng ta được ở với Chúa và được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài (Ga 17,24).
5. Khi sắp xa các môn đệ, Đức Giêsu để lại cho họ một điều răn mới. Đó là: Hãy yêu mến nhau như thầy đã yêu mến anh em. Tin Mừng Gioan nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải yêu mến nhau (Ga 13,34-35; 15,12-13; 1 Ga 4,7-11). Tình yêu giữa các môn đệ được diễn tả qua việc rửa chân phục vụ nhau theo gương Ngài (Ga 13,14-15). Đây là điều răn mới vì họ phải yêu nhau như Thầy đã yêu họ, nghĩa là yêu đến cùng (Ga 13,1), yêu đến độ hy sinh mạng sống, và yêu bằng tình yêu lớn nhất (Ga 15,12-13).
6. Tin Mừng Gioan nhấn mạnh đến tình yêu thương giữa các môn đệ, giữa các người tín hữu trong cộng đoàn, nhưng không nói đến việc yêu người thân cận (Mc 12,28-34) hay yêu thương kẻ thù (Mt 5,43-45) như các Tin Mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên, cộng đoàn kitô hữu trong Tin Mừng Gioan không phải là cộng đoàn khép kín, hay tự cô lập mình với những người không cùng đức tin. Đức Giêsu đã trò chuyện với người phụ nữ ngoại giáo Samaria, đã ở lại thành phố của bà (Ga 4,1-26). Ngài cũng mời các môn đệ đưa mắt nhìn những cánh đồng lúa chín mênh mông và mời họ đi gặt lúa (Ga 4,34-38). Ngay cả chuyện các môn đệ yêu thương nhau cũng có tính “truyền giáo”, vì yêu thương nhau là dấu hiệu để mọi người nhận biết họ là môn đệ Đức Giêsu (Ga 13,35). Khi cầu nguyện với Cha, Đức Giêsu đã không chỉ cầu xin cho các môn đệ hiện tại, Ngài còn cầu cho “những ai nhờ lời của họ mà tin vào Ngài” (Ga 17,20). Như thế Ngài ám chỉ đến việc truyền giáo sau này của các cộng đoàn tín hữu.
7. Tình yêu thương giữa các kitô hữu phải được thể hiện bằng công việc phục vụ thấp hèn như rửa chân cho nhau, như Thầy đã nêu gương (Ga 13,14-15). Thậm chí tình yêu đòi họ phải sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nhau như Thầy (Ga 15,12-13). Yêu thương trở thành điều răn mới và quan trọng cho đời sống người kitô hữu.
8. Trong Lời Cầu nguyện cuối dâng lên Cha ở chương 17 của Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự hiệp nhất hay “nên một” của cộng đoàn kitô hữu, và coi đây là nét đặc trưng của cộng đoàn này. Sự hiệp nhất không phải chỉ là đoàn kết theo chiều ngang, nhưng đặt nền ở trong tình yêu thâm sâu giữa Cha và Con: “Xin cho họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Cộng đoàn hướng đến lý tưởng cao cả là nên một như Cha và Con: “Để họ nên một như Chúng Ta là một” (Ga 17,22). Hiệp nhất trở nên một dấu hiệu để thế gian tin và nhận biết rằng Cha đã sai Con (Ga 17,21.23). Vậy hiệp nhất là cách các kitô hữu trong cộng đoàn làm chứng rằng Đức Giêsu chính là người được Thiên Chúa Cha sai đến.