HỌC HỎI PHÚC
ÂM CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM A
LM Antôn
Nguyễn Cao Siêu SJ
Phúc Âm: Mt 21, 33-43
“Ông
sẽ cho người khác thuê vườn nho”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão
trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một
vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông
cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền
để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa
này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn
trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình
đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa
thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em!
Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi
vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả
lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ
mùa nộp phần hoa lợi”.
Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh
Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa
làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước
Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh
hoa trái”.
Ðó là lời Chúa.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đức
Giêsu nói dụ ngôn này cho ai?
2. Tìm
những điểm khác biệt giữa đoan Tin Mừng này với đoạn Tin Mừng ở Mc 12,1-12.
3. Trong
dụ ngôn ở Mt 21,33-41 có các nhân vật như: ông chủ vườn nho, các tá điền, các đầy
tớ, và người con của ông chủ. Theo ý bạn, họ là hình ảnh của ai?
4. Bạn
nghĩ gì về thái độ của các tá điền và thái độ của ông chủ?
5. Trong
bài Tin Mừng này, có chỗ nào nói đến cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu
không?
6. Đọc
Mt 3,17; 11,27; 17,5 và 21,37. Đức Giêsu có biết mình là Con Thiên Chúa không?
7. Có
bao nhiêu chữ “hoa lợi” trong bài Tin Mừng này? Hoa lợi có nghĩa gì?
8. Nước
Thiên Chúa sẽ được ban cho “một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” Theo ý
bạn, dân ấy là dân nào? Dân ấy gồm những ai? Đọc 1 Pr 2,9.
GỢI Ý
SUY NIỆM
Bạn nghĩ
gì về chuyện Thiên Chúa sai Con Một của mình để cứu thế gian, nhưng Người Con ấy
lại bị giết chết? Bạn nghĩ Hội Thánh hôm
nay có làm cho Nước Chúa sinh hoa trái không?
PHẦN
TRẢ LỜI
1. Cũng
như dụ ngôn trước (Mt 21,28-32), Đức Giêsu nói dụ ngôn “Những Người Tá điền sát
nhân” cho “các ông” (Mt 21,28.33). “Các ông” ở đây là “các thượng tế và kỳ mục
trong dân” (Mt 21,23). Hơn nữa, Mát-thêu 21,45 còn cho thấy có “những người
Pharisêu” cũng là thính giả đang nghe các dụ ngôn trên của Đức Giêsu. Tin Mừng
Mác-cô còn thêm một loại thính giả nữa, đó là “các kinh sư” (Mc 11,27). Như vậy
có thể nói “các ông” ở đây chính là giới lãnh đạo cấp cao của Do-thái giáo. Đức
Giêsu nói dụ ngôn này (Mt 21,33-43) nhắm vào họ.
2. Rất
có thể Mát-thêu đã dựa vào Mc 12,1-12 để viết dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm
nay. Tuy nhiên, Mát-thêu đã sửa đổi một số chi tiết. Ông chủ vườn nho ở Mt chỉ
sai người đến đòi hoa lợi 3 lần, còn trong Mc cả thảy là 5 lần. Trong Mc, ba lần
đầu ông chủ chỉ sai một người, còn trong Mt, ông chủ thường sai một nhóm đầy tớ.
Trong Mc, đứa con trai thừa tự của ông chủ bị “giết chết rồi quăng ra ngoài vườn
nho” (Mc 12,8); còn trong Mt, đứa con ấy bị “tống ra ngoài vườn nho và giết chết”
(Mt 21,39). Cả hai Tin Mừng Mát-thêu và
Mác-cô đều nói đến việc ông chủ tiêu diệt các tá điền cũ và giao vườn nho cho
các tá điền mới. Nhưng chỉ Mát-thêu mới nói rõ ý nghĩa của dụ ngôn này: các người
tá điền độc ác chính là “các ông,” những nhà lãnh đạo Do-thái giáo; vườn nho là
Nước Thiên Chúa. Vườn nho này sẽ được giao cho một dân mới, biết làm cho nó
sinh hoa lợi (Mt 21,43-44).
3. Trong
dụ ngôn này, ông chủ vườn nho là hình ảnh của Thiên Chúa, còn các tá điền làm
mướn cho ông là những người Do-thái hay những nhà lãnh đạo Do-thái giáo đã xuất
hiện trong dòng lịch sử cứu độ. Các đầy tớ được ông chủ sai đến để thu hoa lợi
là các vị ngôn sứ đã được Thiên Chúa sai đến với dân Ítraen. Họ có nhiệm vụ nhắc
nhở dân Chúa và nhất là các nhà lãnh đạo, phải sinh hoa trái cho xứng đáng. Cuối
cùng, người con trai của ông chủ là hình ảnh của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Người
con này vượt hẳn những đầy tớ khác, vì người này có uy quyền của người cha,
đáng được các tá điền kính nể.
4. Các
tá điền có thái độ không thể chấp nhận được đối với các đầy tớ của ông chủ. Chẳng
những họ đã không nộp hoa lợi như đã định, lại còn hành hạ và giết chết hai
nhóm đầy tớ được ông chủ sai tới. Nhưng ông chủ vẫn kiên nhẫn và tin tưởng nơi
lòng tốt của họ (Mt 21,27). Tội ác của họ lên đến đỉnh điểm khi họ dám giết đứa
con thừa tự của ông chủ, và toan tính chiếm đoạt luôn vườn nho đã được ông chủ
gầy dựng. Chỉ lúc ấy ông chủ mới tiêu diệt họ như họ đã xử với các đầy tớ của
ông, và giao lại vườn nho cho nhóm tá điền khác.
5. Khi
trích dẫn Thánh vịnh 118,22-23, Đức Giêsu ví mình như viên đá bị thợ xây loại bỏ.
Ngài là người con trong dụ ngôn, được người cha sai đến, đã bị các tá điền loại
bỏ và giết đi. Tá điền hay thợ xây là các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu.
Nhưng chính viên đá bị loại bỏ lại trở nên viên đá “đầu của góc” (kephalê
gônias, Mt 21,42). Đây là viên đá quan trọng nhất làm nền cho tòa nhà được vững
(x. Is 28,16), hay đây có thể là viên đá đỉnh vòm nhằm giữ cho các viên đá khác
nằm đúng vị trí. Việc trở nên viên đá này ám chỉ đến việc Đức Giêsu được phục
sinh và tôn vinh sau cái chết. Đây là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, kỳ diệu
vì Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ cho con người qua sự tự hạ và cái chết của Người
Con Một.
6. Có những
lần Thiên Chúa Cha tỏ cho thấy Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài (Mt 3,17;
17,5). Cũng có lần Đức Giêsu cho thấy Ngài ý thức mình Con Thiên Chúa theo một
ý nghĩa độc nhất vô nhị (Mt 11,27). Trong dụ ngôn hôm nay, ta thấy Đức Giêsu ám
chỉ mình là người Con được sai đến vào lúc cuối để thu huê lợi (Mt 21,37). Qua
đó Ngài tiên báo mình sẽ bị bắt và giết đi, nhưng rồi sẽ được Thiên Chúa tôn
vinh (Mt 21,42). Thánh vịnh 118,22-23 thường được Giáo hội sơ khai áp dụng cho
Chúa Giêsu, để nói lên cái chết và sự phục sinh vinh quang của Ngài (x. Cv
4,11; 1 Pr 2,4-8).
7. Có 3
từ “hoa lợi” trong bài Tin Mừng này (Mt 21,34.41.43). Hoa lợi là điều ông chủ
vườn nho quan tâm. Ông cho các tá điền thuê vườn nho để ông có thể thu hoa lợi
từ họ khi đến mùa thu hoạch nho (Mt 21,34). Tiếc thay ông đã không làm được điều
ông muốn. Chẳng những không thu được hoa lợi, ông lại còn chịu mất nhiều đầy tớ
và chính người con ruột. Sau khi trừng phạt các tá điền độc ác, ông chủ vẫn muốn
có hoa lợi đúng mùa từ vườn nho, bằng cách cho một nhóm tá điền khác canh tác
(Mt 21,41). Ông chủ đã đầu tư kỹ càng cho vườn nho của mình (Mt 21,33), và ông
muốn nó sinh lợi cho đúng mức. “Hoa lợi” hay “hoa quả” (karpos, karpoi) là ý niệm
được Tin Mừng Mát-thêu sử dụng nhiều (Mt 3,8.10; 7,16-20; 12,23; 21,34.41.43).
Hoa quả là những thay đổi cụ thể khi người ta sống công chính theo Lề Luật đã
được Đức Giêsu giải thích lại.
8. Vườn nho tượng trưng cho Nước Thiên Chúa. Vườn nho này đã được giao cho các nhà lãnh đạo Do-thái giáo thời Đức Giêsu. Nhưng chính họ đã không nộp hoa lợi của vườn nho, lại còn giết chết người con của ông chủ là chính Đức Giêsu. Chính vì thế Thiên Chúa sẽ lấy lại vườn nho ấy, lấy lại Nước ấy, để ban cho một dân khác biết làm cho nó sinh hoa lợi (Mt 21,43). Dân này (ethnos) chính là Hội Thánh, gồm mọi người tin vào Đức Giêsu, cả gốc Do-thái lẫn Dân Ngoại. Dân này được thư Phêrô gọi là dân thánh (ethnos hagion, 1 Pr 2,9).