HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ. Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Ðó là lời Chúa.

 

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đoạn Tin Mừng này nằm ở chương nào của Tin Mừng Mát-thêu? Đoạn nào đi trước nó, đoạn nào đi sau nó? Đọc Mt 18,12-14 và Mt 18,21-35.

2. Đọc Mt 18,15. “Nếu người anh em của anh phạm tội…” Tội này có phải là tội nặng không?

3. Đọc Mt 18, 15-17 bạn thấy tiến trình sửa lỗi gồm những bước nào?

4. Đọc Mt 18,15. Đâu là mục đích của việc sửa lỗi cho người anh em? Giúp sửa lỗi là giúp người ấy làm gì?

5. Đọc Mt 18,16. Tại sao trong lần gặp gỡ thứ hai lại phải “đem theo một hay hai người đi với mình” để gặp người phạm tội?

6. Nếu người đó cũng không nghe thì hãy đi nói với Hội Thánh. Trong Mt 18,17 “Hội Thánh” (ekklêsia) phải được hiểu theo nghĩa nào? Có khác với “Hội Thánh” ở Mt 16,18 không?

7. Bạn có thể tìm thấy những câu tương tự với câu Mt 18,18 ở đâu? Đọc Mt 16,19b; Ga 20,23. Có gì khác biệt không trong những câu trên không?

8. Đọc Mt 18,20. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong các nhóm cầu nguyện có giúp gì cho việc sửa lỗi được bàn ở trên không?  

 

GỢI Ý SUY NIỆM

Nơi nào, lúc nào, cũng có những người hay làm gương xấu, gây bất hòa, đổ vỡ... Những người đó có mặt trong gia đình, trong công ty, trong giáo xứ của bạn. Bài Tin Mừng hôm nay có cho giúp bạn biết cách góp ý, sửa lỗi cho họ không?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Đoạn Tin Mừng Mt 18,15-20 về việc sửa lỗi anh em nằm ở chương 18 của Tin Mừng Mát-thêu. Đây là Bài Giảng của Đức Giêsu về đời sống cộng đoàn của người Kitô hữu trong Giáo Hội. Đoạn này nằm ở giữa hai đoạn Tin Mừng khác. Đoạn trước nói về việc Thiên Chúa Cha không muốn cho một ai bị hư mất, vì Ngài quý cả con chiên đi lạc (Mt 18,12-14). Đoạn sau nói về việc Đức Giêsu đòi phải tha thứ vô giới hạn cho anh em trong cộng đoàn (Mt 18,21-35). thế việc sửa lỗi anh em phải được làm trong tình huynh đệ. Sửa lỗi anh em không phải là vì mình không muốn tha thứ cho người anh em, nhưng vì mình quý một người anh em đang đi lạc, và muốn đưa người đó trở về lại cộng đoàn. 

2. Tội ở Mt 18,15 phải được hiểu là tội nặng, gây hại lớn cho một cá nhân hay cộng đoàn. Có những tội mà Đức Giêsu đòi ta phải tha đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,22), nhưng cũng có những tội nghiêm trọng, cần ngăn chặn để tránh những hậu quả tai hại ảnh hưởng đến một cá nhân hay cả cộng đoàn. Chúng ta đã nghe Đức Giêsu nói đến tội “làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã…” (Mt 18,6). Ngài đã tỏ ra dứt khoát và cứng rắn trong việc không để cho chuyện ấy xảy ra, vì Ngài quý từng người bé mọn trong cộng đoàn (Mt 18,10).

3. Khi đọc Mt 18,15-17 ta thấy việc sửa một lỗi nặng của người anh em gồm ba bước. Bước một, gặp gỡ riêng tư giữa người sửa lỗi với người phạm lỗi. Bước hai, gặp gỡ giữa một nhóm hai hay ba người với người phạm lỗi. Bước ba, gặp gỡ giữa cộng đoàn Hội Thánh với người phạm lỗi. Nếu trong cả ba lần gặp gỡ có tính huynh đệ, người phạm lỗi đều “từ chối không nghe” (Mt 18,16.17), thì lúc đó mới sử dụng đến biện pháp cuối cùng là “coi người đó như một người dân ngoại hay một anh thu thuế”, nghĩa là không coi người đó là thành viên của Hội Thánh nữa. Tuy nhiên, ngay cả khi bị cắt đứt như thế, những cánh cửa vẫn mở để người phạm lỗi trở về, vì trong thực tế, Đức Giêsu vẫn đến với dân ngoại và người thu thuế (x. Mt 8,5-13.28-34; 9,9; 15,21-28).

4. Trong Mt 18,15 có hai từ “anh em” (adelphos). Điều đó cho thấy đây là chuyện cần giải quyết giữa hai người anh em trong một cộng đoàn. Mục đích của việc sửa lỗi anh em trong cộng đoàn được nói đến trong câu Mt 18,15. Nếu người anh em của anh chịu “lắng nghe” ngay từ lần gặp gỡ riêng tư đầu tiên với anh, thì “anh đã giữ được người anh em của anh.” Lắng nghe ở đây có nghĩa là nhận mình sai, ăn năn và muốn sửa mình. Thật ra cuộc gặp gỡ này không nhằm mục đích “chinh phục” cho bằng là “giữ được” người anh em, nghĩa là không để mất người ấy (xem động từ kerdainô ở Mt 25,16; Mc 8,36). “Giữ được” người anh em là giúp người ấy nhận lỗi, làm hòa với người đã bị xúc phạm, làm hòa với Hội Thánh và làm hòa với Thiên Chúa. Vậy mục đích của cuộc gặp gỡ không phải là để kết án hay bêu diếu, nhưng là để cứu vãn và chữa lành.

5. Theo sách Đệ nhị luật 19,15, muốn kết tội ai thì cần có hai hay ba nhân chứng, như thế mới hợp luật. Ở Mt 18,16, Đức Giêsu cũng đòi người sửa lỗi đem theo một hay hai người nữa, như vậy sẽ có đủ hai hay ba nhân chứng. Tuy nhiên, mục đích ở đây không phải để kết tội, nhưng là để người phạm tội ý thức được sự trầm trọng của tội mình. Có thể nhóm hai hay ba người này sẽ cho người phạm tội thấy những bằng chứng khách quan về tội người ấy đã phạm, nếu người ấy cứ ngoan cố. Dù sao một nhóm hai hay ba người sẽ có tiếng nói mạnh hơn.

6. Nếu người ấy không chịu nghe nhóm hai hay ba người, thì cuối cùng phải “nói với Hội Thánh.” Hội Thánh (ekklêsia) ở đây là Hội Thánh địa phương, khác với Hội Thánh phổ quát được Đức Giêsu giao cho Phêrô ở Mt 16,18. Đưa người ấy ra trước Hội Thánh không phải để kết tội hay phán xét, nhưng là cho người ấy một cơ hội cuối cùng để nhận tội và làm hòa với các bên, bởi lẽ tội của người ấy ảnh hưởng đến cả Hội Thánh. Chỉ khi từ chối cơ hội này, lúc ấy người ấy mới chịu hình thức kỷ luật, đó là bị cắt đứt khỏi Hội Thánh, nghĩa là không còn là thành phần của Hội Thánh nữa, tuy thật ra chính người ấy đã tự khép lại và cô lập mình trước.

7. Có những câu tương tự với Mt 18,18. Trong Mt 16,19 Đức Giêsu trao cho ông Phêrô quyền ràng buộc và tháo cởi trên Giáo Hội phổ quát. Đồng thời cho biết việc ông buộc và cởi dưới đất thì cũng được công nhận ở trên trời. Trong Mt 18,18 Đức Giêsu long trọng trao quyền ràng buộc và tháo cởi cho các môn đệ hay cho Giáo Hội địa phương. Trong Ga 20,23 Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ cũng cho họ quyền này, nhưng được diễn tả một cách rõ hơn: “Nếu anh em tha tội cho ai thì tội của họ được tha, nếu anh em cầm buộc tội của ai thì tội ấy sẽ bị cầm buộc.” Nhìn chung, việc Đức Giêsu ban quyền tha tội cho các môn đệ là điều không thể chối cãi, dù tha tội là đặc quyền của Thiên Chúa (Mt 9,2-6).

8. Mát-thêu 18,19 là câu tuyên bố long trọng thứ hai của Đức Giêsu sau câu Mt 18,18. Ngài hứa, nếu ở dưới đất, hai người hợp ý cầu xin bất cứ chuyện gì, thì Cha trên trời sẽ ban cho. Đức Giêsu còn hứa sẽ hiện diện ở giữa nhóm gồm hai ba người họp lại nhân danh Ngài. Như vậy, nếu đây là một cuộc họp để đưa ra biện pháp kỷ luật ai đó, thì Đức Giêsu vẫn có mặt, để trong bầu khí cầu nguyện, nhóm có thể đưa ra một quyết định đúng theo ý Thiên Chúa.