Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 21 Thường niên năm C

21/08/2019

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 21 Thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 13,22-30

22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" Người bảo họ: 24 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

25 "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: 'Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!', thì ông sẽ bảo anh em: 'Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!' 26 Bấy giờ anh em mới nói: 'Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.' 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: 'Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!'

28 "Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."

Câu hỏi:

1.  Đang khi Đức Giêsu trên đường lên Giêrusalem, có chuyện gì xảy ra? Bạn nghĩ gì về câu hỏi của một người ở Lc 13,23? Bạn có câu hỏi tương tự không?

2.  Đọc Lc 13,24. Để được cứu độ có dễ không?

3.  Muốn được cứu độ, ta cần có thái độ nào?

4.  Đọc dụ ngôn ở Lc 13,25-27. Dụ ngôn này giống Lc 13,24 ở điểm nào?

5.  Tại sao những người đứng ngoài không được chủ nhà cho vào, dù họ rất muốn? Đọc Lc 13,25.

6.   Đọc Lc 13,26. Đâu là những lý do họ đưa ra để cho ông chủ thấy họ là người quen với ông chủ?

7.  Tại sao ông chủ lại nói hai lần: Ta không biết các anh từ đâu đến? (các câu 25 và 27), dù họ là người quen với ông chủ? Muốn được cứu độ, ta cần gì? Đọc Lc 13,27.

8.  Lc 13,28-29 mô tả biến cố gì, xảy ra khi nào? Ai là những người không được vào dự tiệc? Ai là những người được vào dự tiệc? Đọc Is 25,6.

9.  Bạn thấy câu Lc 13,30 có thể áp dụng cho những nhân vật nào trong bài Tin Mừng này?

Câu hỏi suy niệm: Bạn nghĩ gì về nỗ lực phấn đấu của bạn để qua cửa hẹp mà vào Nước Chúa? Bạn là người Công giáo, được gần gũi với Chúa Giêsu, bạn có sợ mình bị từ chối vào ngày phán xét không?

Phần trả lời:

1. Khi lên Giêrusalem để hoàn thành kế hoạch cứu độ nhân loại qua cái chết của mình (Lc 9,51), Đức Giêsu thường gặp những chuyện bất ngờ xảy ra dọc đường (thí dụ Lc 9,52-62; 10,25; 11,1; 11,27; 13,1). Trong bài Tin Mừng hôm nay, bất ngờ có kẻ hỏi Ngài: số người được cứu độ thì ít phải không? (Lc 13,23). Điều anh ta quan tâm là số lượng người được cứu độ. Nếu chỉ ít người được cứu độ thôi, điều ấy có thể làm anh ta nản lòng, vì thấy mình không chắc nằm trong danh sách những người được cứu. Hôm nay, một số người trong chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi tương tự, vì lo âu cho ơn cứu độ của mình.

2. Đức Giêsu ví việc vào Nước Thiên Chúa với việc phải đi qua một cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa không dễ đi qua. Để đi qua cửa hẹp, cần phấn đấu, cần nỗ lực (Lc 13,24). Đức Giêsu còn cho chúng ta biết lý do tại sao Ngài mời ta phấn đấu như thế: “vì nhiều người tìm cách vào mà không thể vào được.”  Dù đã tìm cách vào và muốn vào, nhưng họ không thể vào được vì họ chưa phấn đấu đủ. Phấn đấu là cố gắng làm cho mình nhẹ đi những của cải trần thế để dễ vào hơn: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Lc 18,24). Phấn đấu là cố gắng làm mình nhỏ lại, cậy dựa và phó thác như trẻ thơ: “Nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

3. Vào Nước Thiên Chúa là chen qua một cửa hẹp. Phải dùng sức mạnh và ý chí kiên cường để làm mình nhỏ lại, để dễ lách qua cửa hẹp ấy. Ơn cứu độ là một ơn nhưng không Chúa ban, nhưng Chúa đòi con người nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Có thể nói con người cần chiến đấu quyết liệt (agônizomai) để qua cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa. Ơn cứu độ không phải là chuyện tình cờ trên trời rơi xuống, nhưng là một ân ban đòi con người đón nhận với tất cả cố gắng của bản thân.   

4. Ở Lc 13,24 Đức Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp” để nói về việc khó vào Nước Thiên Chúa: người ta cần phấn đấu mới nhận được ơn cứu độ. Còn Lc 13,25-27 lại là một dụ ngôn nói về “cửa đóng” để nói về việc một số người không thể vào Nước Thiên Chúa, không thể được ơn cứu độ. Cả hai đoạn văn trên đều dùng hình ảnh “cửa” khi nói về Nước Thiên Chúa: để vào Nước này, cần phải qua cửa. Có “nhiều người” không thể qua cửa hẹp vì thiếu phấn đấu (Lc 13,24). Có những người không thể vào Nước vì cửa đã đóng rồi.

5. Khi chủ nhà đã đứng lên và đóng cửa lại rồi thì dù những người đứng ngoài có gõ cửa và xin mở, ông cũng từ chối. Lý do ông đưa ra là ông không biết gốc gác của họ (Lc 13,25). Họ đã gọi chủ nhà một cách kính trọng: “Thưa Ngài” (kyrie) và xin vào nhà như những người quen với ông. Nhưng đối với ông, họ là người xa lạ, nên ông không thể mở cửa cho họ. 

6. Đế đáp lại việc ông chủ nhà không chịu mở cửa cho họ vào, lấy cớ là không quen biết với họ, những người đứng ngoài mới chứng minh cho ông chủ thấy họ là người quen thân với ông chủ: “Chúng tôi đã ăn, đã uống trước mặt ngài”, và ông chủ cũng chẳng hề xa lạ với họ: “Ngài đã giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26). Tuy vậy, ông chủ vẫn nhắc lại điều ông đã nói: “Ta không biết các anh từ đâu đến” (Lc 13,27).  

7. Dù họ đã gần gũi thân quen với ông chủ nhà trên bàn ăn hay trên đường phố, họ vẫn là người xa lạ với ông chủ, vì đối với ông, họ là “những kẻ làm điều bất chính” (Lc 13,27). Dù thân quen đến mấy, nhưng nếu họ là kẻ làm điều bất chính thì họ vẫn là người xa lạ với ông chủ. Ông chủ không thể mở cửa để mời họ vào nhà. Ông chỉ có thể từ chối họ bằng một câu nặng nề: “Cút đi cho khuất mắt Ta!” (Lc 13,27). Như thế để được vào nhà, để được ơn cứu độ, chuyện đã dùng bữa với Đức Giêsu hay đã được nghe Ngài dạy dỗ (Lc 13,26), chẳng phải là điều kiện cần và đủ. Điều quan trọng hơn là chính lối sống của chúng ta. Nước Thiên Chúa không có chỗ cho những kẻ làm điều bất chính.  Nói cách khác, cửa Nước Thiên Chúa chỉ mở ra trước ai sống công chính.

8. Luca 13,28-29 là một minh họa cho biến cố sẽ xảy ra vào ngày tận thế. Thiên Chúa sẽ đãi một đại tiệc trong Nước Thiên Chúa. Những người vào tham dự là các vị tổ phụ Abraham, I-xa-ác, Gia-cóp và tất cả các ngôn sứ. Ngoài ra những người từ bốn phương thiên hạ, trong đó có những người Do-thái đạo đức (Cv 2,5-11), và cả dân ngoại nữa, cũng được mời vào dự đại tiệc này (x. Is 25,6). Tiếc thay, một số người Do-thái lại “phải khóc lóc và nghiến răng” và “bị tống ra ngoài” (Lc 13,28). Họ là những người đã được sống gần bên Đức Giêsu, sống cùng thời với Ngài, được nghe Ngài giảng và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, nhưng chưa thật sự hoán cải, chưa thật sự tin vào Ngài.   

9. Luca 13,30 cho thấy có một sự đảo ngược vị trí giữa người đứng chót và đứng đầu. Những người có cơ hội gần gũi với Đức Giêsu rốt cuộc lại là những người bị loại. Những người dân ngoại tưởng là bị loại, lại được nhận vào dự tiệc Nước Thiên Chúa. 

*** Mời Quý vị nghe phần trả lời tại "Audio học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 21 Thường niên năm C (gồm 3 phần)" 

                                                                                                                                                                                            Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.  

Xem album hình

LỊCH PHỤNG VỤ