HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM A
LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ
Phúc Âm: Mt 9, 36 - 10, 8
"Sau khi triệu tập
mười hai môn đệ, Người sai các ông đi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất
tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng:
"Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ
đi gặt lúa".
Và
Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế,
để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười
hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê
con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người
thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt,
kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng: "Các
con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt
hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng:
"Nước Trời đã đến gần". Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết,
chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì
hãy cho nhưng không".
Ðó
là lời Chúa.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc Mt 9,36 và Mt
9,37-38. Hai hình ảnh trong các câu trên đây có điểm nào khác nhau và điểm nào
giống nhau?
2. “Chủ mùa gặt” là ai? Tại
sao phải xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa?
3. Đọc Mt 10,1. Trước khi
sai nhóm Mười Hai đi sứ vụ, Đức Giêsu cho họ quyền gì, để làm gì?
4. Đọc Mt 10,2-4. Bạn có
thấy gì đặc biệt trong danh sách mười hai vị tông đồ này không?
5. Đọc Mt 10,5-6. Đức
Giêsu chỉ cho phép các tông đồ được đến với những hạng người nào? Tại sao Ngài
lại hạn chế như thế? Khi nào các tông đồ được tự do đến với dân ngoại?
6. Đọc Mt 3,2; 4,17. Lời
rao giảng đầu tiên của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu là gì? Bây giờ Đức Giêsu
truyền cho nhóm Mười Hai giảng điều gì? Tại sao lời giảng này lại quan trọng đến
thế?
7. Đọc Mt 10,8a. Đâu là
những việc các ông sẽ làm để minh chứng cho mọi người thấy “Nước Trời đã đến gần.”
Đó có phải là những việc Đức Giêsu đã làm không? Đọc Mt 8,1-4; 8,28-34; 9,18-26; 9,32-33.35.
8. Đọc Mt 10,8b. Đâu là
thái độ các ông cần có khi làm những phép lạ trên đây?
GỢI Ý SUY NIỆM
Thầy Giêsu đã sai nhóm Mười
Hai đi giảng và làm những việc Ngài đã làm (Mt 10,7-8)? Theo ý bạn, nếu hôm nay
Chúa Giêsu sai các kitô hữu đi truyền giáo, Ngài sẽ sai họ đến với ai (Mt
10,5-6)? Ngài sẽ truyền cho họ giảng gì và làm gì?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đức Giêsu đã làm nhiều
điều cho dân chúng ở khắp nơi trên đất Ítraen. Có hai việc chính, đó là rao giảng
Tin Mừng Nước Trời và chữa lành bệnh tật dưới đủ mọi hình thức (Mt 9,35). Như
ngôn sứ Êdêkien ngày xưa, Đức Giêsu chạnh lòng thương dân chúng; họ như bầy
chiên bị tản lạc (Mt 9,36) bởi lẽ các mục tử lãnh đạo đã thiếu trách nhiệm
trong việc chăn dắt chúng (Ed 34,1-6). Đức Giêsu là Mục tử được sai đến để quy
tụ đàn chiên này (x. Ed 34,23), nhưng Ngài thấy cần có những mục tử khác cộng
tác với mình để lo cho đàn chiên.
Đức Giêsu còn dùng một
hình ảnh khác để diễn tả mối quan tâm của Ngài. Đó là hình ảnh đồng lúa chờ
ngày thu hoạch. Vụ gặt thì nhiều, mà thợ gặt lại ít. Cần phải gặt ngay nếu
không lúa chín sẽ bị hư. Vậy cần có nhiều thợ gặt đi gặt lúa chín, cũng như cần
có nhiều mục tử cho đàn chiên bị tản mác. Đức Giêsu đã nói về nhu cầu có thực
và khẩn trương này từ hai ngàn năm qua.
2. Trước tình trạng thiếu
mục tử khiến đàn chiên lầm than vất vưởng, trước tình trạng thiếu thợ gặt cho
mùa lúa chín, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy “xin” với Chủ của vụ thu hoạch,
để Chủ sai các thợ gặt đi gặt lúa (Mt 9,38). “Chủ của vụ thu hoạch” ở đây được
hiểu là Thiên Chúa. Ngài có toàn quyền trên vụ mùa, trên việc phân bổ các người
thợ cho việc thu hoạch. Và Thiên Chúa sai các môn đệ qua Đức Giêsu (Mt
10,5.16). Như thế để có các thợ gặt mới hay các mục tử mới, chúng ta phải cầu
xin Thiên Chúa. Đây không phải là điều tự sức chúng ta làm được bằng nỗ lực của
mình. Cầu nguyện cho ơn thiên triệu là
điều cần thiết phải làm trong bất cứ thời đại nào, nhất là trong hiện tại, khi
ơn gọi bị giảm sút đáng kể.
3. Đây là lần đầu tiên Đức
Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi sứ vụ. Nhóm này được nhắc đến ba lần trong Mt
10,1.2.5. Họ là những thợ gặt hay mục tử mà chính họ đã xin Thiên Chúa ban cho
dân. Nhóm này được gọi là các tông đồ (Mt 10,2). Họ được trao quyền (exousia) để
làm được những gì Thầy Giêsu đã làm như trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh tật (Mt
10,1). Như thế Nhóm Mười Hai sẽ tiếp nối công trình của Thiên Chúa đã khởi sự
nơi Đức Giêsu, và họ được được trao đủ quyền để thực hiện.
4. Thánh sử Mát-thêu cho
thấy danh sách mười hai tông đồ (10,2-4), được xếp thành 6 cặp. Hai cặp đầu gồm
4 môn đệ đầu tiên được gọi ở Mt 4,18-22. Si-môn đứng đầu trong danh sách, và Giuđa
Ít-ca-ri-ốt được đặt ở sau cùng. Một người trở nên đá tảng làm nền cho Hội
Thánh (Mt 16,18), một người trở thành kẻ phản bội và nộp Thầy. Trong Nhóm Mười
Hai cũng có ông Mát-thêu làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma (Mt 10,5), và ngược
lại có ông Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, nhóm ái quốc này có khuynh hướng nổi
loạn chống Rôma. Có người nghĩ rằng Đức Giêsu biết trước Giuđa sẽ phản bội,
nhưng Ngài cứ chọn Giuđa. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Đức Giêsu đã chọn
những người tốt nhất, và Giuđa sau này có thể trở nên bất trung và phản bội Thầy
vì một lý do nào đó.
5. Trong Mt 10,5-6 Đức
Giêsu chỉ thị cho các ông đừng đến với Dân Ngoại hay dân Samari, nhưng chỉ đến
với dân Ítraen thôi, dân này được coi như một đoàn chiên lạc. Chính Đức Giêsu
cũng nói mình chỉ được sai đến với Ítraen (Mt 15,24). Tuy nhiên, đôi khi Ngài
cũng đến với Dân Ngoại để giúp họ (Mt 8,5-13. 28-34; 15,21). Vậy có thể nói lệnh
của Đức Giêsu chỉ áp dụng trong giai đoạn đầu của việc loan báo Tin Mừng Nước
Trời, vì Ngài muốn dành ưu tiên cho Ítraen là dân riêng của Chúa. Sau phục
sinh, Ngài mới sai Nhóm này đến với mọi dân tộc khác (Mt 28,19).
6. “Nước Trời đã đến gần”:
Đây là lời rao giảng đầu tiên của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu khi bắt đầu sứ
vụ (Mt 3,2; 4,17). Bây giờ, khi sai các môn đệ đi sứ vụ, Đức Giêsu cũng dạy họ
hãy rao giảng như thế (Mt 10,7). Đây thật là “Tin Mừng” trọng đại (Mt 9,35).
Người Do-thái mong Nước Trời đến, và giờ đây Nước ấy đã bắt đầu hoạt động với sự
xuất hiện của Đức Giêsu. Nhưng Nước Trời không chỉ cho dân Do-thái, Nước này
đem lại sự giải phóng và cứu độ cho cả nhân loại. Chúng ta đã trải nghiệm được
Nước Trời ngay từ bây giờ, dù Nước Trời chỉ đến cách viên mãn trong tương lai.
7. Lời rao giảng của các
môn đệ đi kèm với các việc làm của họ cho những người khổ đau. Những việc Đức
Giêsu bảo họ làm là những việc Ngài đã làm: chữa lành, hoàn sinh kẻ chết, làm sạch
người phong và trừ quỷ (xem chương 8 & 9 của Mát-thêu). Như vậy họ được
tham dự vào sứ mạng của Đức Giêsu, và được Ngài chia sẻ quyền năng trong lời
nói và hành động.
8. Các môn đệ làm được những việc kỳ diệu nhờ ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Vì thế họ được mời gọi hãy làm cách nhưng không, nghĩa là không đòi hỏi đền đáp bất cứ điều gì. Nhận nhưng không, nên cho nhưng không. Đó là thái độ thanh thoát, không vụ lợi, không tìm tiếng tăm của người rao giảng Tin Mừng.