Hoa
trái của Thánh Thần là bình an …
Cách đây ít năm,
William Young viết cuốn tiểu thuyết mang tựa đề The Shack, cuốn tiểu
thuyết vừa hấp dẫn vừa gây nhiều tranh cãi. Đó là câu chuyện về một người có cô
con gái bị bắt cóc và bị giết cách dã man.
Làm sao có thể
không giận dữ với nỗi đau khủng khiếp như thế? Mang mối căm hờn và giận dữ
trong lòng, nhân vật chính một mình đi đến hiện trường, nơi cô con gái thân yêu
của ông bị sát hại, với hi vọng tìm được tên sát nhân và trả thù cho con. Nhưng
điều ông không ngờ là chính ở đó, ông lại gặp Chúa, vị Thiên Chúa vô cùng nhận
hậu, cởi mở, giầu lòng thương xót và tha thứ. Một đàng, Ngài an ủi vỗ về ông,
và đàng khác, Ngài đưa ra điều kiện không khoan nhượng nếu ông muốn được vào Nước
Trời. Ấy là phải tha thứ, không những tha thứ cho tên sát nhân mà phải tha thứ
cho hết mọi người. Ông không thể vào Nước Trời khi tâm hồn còn chất chứa giận dữ
và hận thù.
Đúng là người đọc
có thể có những phản ứng khác nhau khi đọc cuốn tiểu thuyết này, nhưng điều hiển
nhiên là tác giả đã đi vào trọng tâm của vấn đề: rũ bỏ mọi giận dữ căm thù là điều
kiện không thể khoan nhượng cho những ai muốn vào Nước Trời. Có lẽ trong từ vựng
về đời sống tâm linh, chỉ có ba từ này cần thiết nhất: tha thứ, tha thứ, và tha
thứ.
Đối nghịch lại
với giận dữ là lòng biết ơn và hình như trong cuộc sống, chúng ta thường sống
trong giận dữ hơn là biết ơn, và đương nhiên, ta tìm cách biện minh cho sự giận
dữ của mình. “Tôi giận dữ thật, nhưng tôi có lý chứ! Cũng như Chúa Giêsu đã giận
dữ hất tung bàn của những kẻ đổi tiền trong đền thờ”. “Tôi giận dữ; nhưng làm
sao không giận được khi những kẻ bảo thủ trong Giáo Hội có thái độ cố chấp như
thế và chẳng quan tâm gì đến nỗi đau của người nghèo!” “Tôi giận dữ; nhưng làm
sao không giận được khi những tên cấp tiến phá hoại Giáo Hội như thế!”
Thực ra, ta nên
cảnh giác trước những lối biện minh như thế. Chúa Giêsu khóc thương thành
Giêrusalem, và giọt nước mắt của Ngài là giọt nước mắt của tình yêu và phiền muộn
khi thấy những chia rẽ và ngộ nhận trong cuộc sống con người. Còn nước mắt của
chúng ta nhiều khi chỉ là những giọt nước mắt lạnh lẽo của đắng cay và thù hận
khi tự cho mình là người cởi mở, khôn ngoan, tận tuỵ, mà lại phải sống chung với
những kẻ chật hẹp, ngu dốt và lười biếng. Hình như nhiều khi chúng ta rất giống
với người con cả trong dụ ngôn Tình phụ tử, một người con bên ngoài chu
toàn đủ thứ bổn phận nhưng tâm hồn lúc nào cũng đắng cay chua chát vì giận dữ.
Rất ít người trong chúng ta dám nhìn nhận sự thật này là trong thẳm sâu tâm hồn,
ta vẫn mang nỗi giận dữ căm thù, và có những con người, những biến cố mà cho đến
nay, ta vẫn không chấp nhận tha thứ.
Ta có thể che đậy
cơn giận dữ của mình bằng cách tung hô người này người khác bằng những từ ngữ
hào phóng nhất, nhưng cũng ngay sau đó lại nguyền rủa người này, mạ lỵ người
khác bằng những ngôn từ thấp hèn nhất. Chính khuynh hướng tách biệt tha nhân
thành hai loại “thiên thần” và “ác quỷ” như thế đã bộc lộ mối căm thù và giận dữ
đang chế ngự lòng ta.
Phải thẳng thắn
và khiêm tốn lắm mới dám nhìn nhận sự thật này. Tất cả chúng ta đều mang trong
lòng nỗi giận dữ nào đó, giận Chúa hay giận người, giận xã hội hay giận cuộc đời,
nỗi giận âm ỉ hoặc nung nấu trong tâm hồn và chỉ chờ cơ hội bộc phát. Đừng lừa
dối mình nhưng hãy thẳng thắn và can đảm đối diện với sự thật đó. Có nhận diện được
sự thật mới mong được giải thoát.
Một tín hữu
chia sẻ: “Tôi là con người nóng giận và tôi tự biện minh cho mình rằng ngay cả
Chúa Giêsu cũng nóng giận khi Người hất tung bàn của những kẻ đổi tiền trong đền
thờ. Thế nhưng dần dần tôi khám phá ra mình đang tự lừa dối bản thân, đang tìm
cách biện minh cho nỗi đau của mình. Càng lớn tuổi, tôi càng thấy mình giống như
anh con cả trong dụ ngôn Tình phụ tử, ở trong nhà mà hoá ra ở ngoài, ở
trong cộng đoàn nhưng không nếm hưởng và chia sẻ được bầu khí ấm áp của cộng đoàn…
May mắn thay, tôi đang trên đường hồi phục”.
“Những việc do
tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy,
phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè
phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả
của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung
tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.”
(Galata 5,21-23).