HỒ NƯỚC BẾTSAIĐA TRONG KINH THÁNH, HUYỀN THOẠI
HAY CÓ THỰC?
WGPQN (24.03.2023) - Trong
nhiều thế kỷ, sự tồn tại của một hồ nước với năm cổng ở Giêrusalem được coi là
hư cấu. Tuy nhiên, một nhà khảo cổ học người Đức đã chứng minh rằng Gioan đã ám
chỉ đến một địa điểm có thật khi tường thuật về phép lạ xảy ra ở hồ Bếtsaiđa
trong Phúc âm của mình.
Một trong những phép lạ nổi tiếng nhất được mô tả trong Tin mừng Gioan
(5,2-9) kể về việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bất toại ngồi cạnh một
"hồ bơi" hoặc "hồ nước" có "năm cổng" mà trong tiếng
Do Thái gọi là Bếtsaiđa, nghĩa là “ngôi nhà của lòng thương xót” hay “ngôi nhà
của ân sủng”.
Trong nhiều thế kỷ, các nhà sử học đã cố gắng định vị hồ nước này. Trong
số các hồ quan trọng nhất được cho là “Hồ Bếtsaiđa” gồm có Birket Israel (Hồ
Israel) tọa lạc gần lối vào Thung lũng Kidron, phía Đông thành cổ Giêrusalem và
suối nước Trinh nữ hiện nay, trong thung lũng Kidron, cách hồ Silôê không xa.
Tuy nhiên, không có lựa chọn nào trong số này phù hợp với mô tả của Gioan có đủ
"năm cổng" trong suốt thời gian dài, và do đó người ta cho rằng hồ nước
của Gioan là một tác phẩm hư cấu hơn là một địa điểm lịch sử thực sự.
Tranh của Robert
Bateman (1877).
Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, Conrad Schick, nhà khảo cổ học người Đức, đã
phát hiện ra một bể chứa khổng lồ cách nhà thờ thánh Anna khoảng 30 mét về phía
Tây-Bắc, đầu đường Thánh giá (Via Dolorosa) nằm trong khu vực của người Hồi
giáo thuộc phố cổ Giêrusalem. Schick là một chuyên gia về hệ thống nước thời
Giêrusalem cổ đại và sớm phát hiện ra rằng hồ nước phù hợp với mô tả của Gioan
về "năm cổng". Thực ra, hồ nước này bao gồm hai khoang được ngăn bởi
một bức tường, tạo thành năm "bức tường" cả thảy.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mặt khảo cổ, chức năng của hai hồ
riêng biệt bắt đầu lộ diện. Ở hồ nước phía Nam, người ta thấy một loạt các bậc
thang rộng, đóng vai trò như mikveh (hồ tắm dùng để ngâm mình theo nghi thức Do
Thái giáo), trong khi hồ phía Bắc lớn hơn, làm hồ chứa, liên tục cấp nước cho hồ
phụ.
Chắc chắn, Tin mừng Gioan có đề cập đến những người bất toại và tàn tật
khác đang ngồi bên hồ nước và đợi cho nước khuấy lên trước khi họ bước xuống để
được chữa lành. Thực vậy, người ta tin rằng mỗi ngày một lần, một thiên thần xuống
hồ khuấy nước lên, khiến nước khuấy động và vào thời điểm đó người nào bước xuống
hồ đầu tiên sẽ được chữa lành.
Điều này xác nhận sự tồn tại của các "bậc thang" nơi mọi người
ngồi chờ đợi, không chỉ thế, nó còn xác nhận câu chuyện chữa bệnh xảy ra trước
cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu. Việc xây dựng "các hồ tắm chữa bệnh"
bên cạnh các con suối tự nhiên, có các cột bao quanh là chuyện thường xảy trong
thế giới Hy Lạp hóa. Các bệnh nhân uống nước và tắm rồi ngủ trong đền thờ,
tương tự như những gì Gioan đã mô tả trong Phúc âm.
Các cuộc khai quật
khảo cổ sau đó đã phát hiện ra các địa điểm khác cho thấy Bếtsaiđa vẫn tiếp tục
là nơi chữa bệnh qua nhiều thế hệ. Vào thế kỷ thứ 2, người Rôma cho xây dựng đền
thờ Esculapius, tên vị thần chữa lành của người Rôma. Vào thế kỷ thứ 5, một
vương cung thánh đường Byzantine được xây lên cách hồ nước không xa, tiếp theo
là một nhà nguyện nhỏ hơn được xây dựng vào thế kỷ 12, thời kỳ diễn ra các cuộc
Thập tự chinh.
Ngày nay, dù
không còn thấy nước chảy qua nhưng du khách có thể nhìn thấy phế tích này bằng
cách đi bộ một đoạn ngắn từ nhà thờ thánh Anna, gần Cổng Sư tử (Puerta de los
Leones) ở đầu đường Via Dolorosa. Tuy nhiên, ký ức về nơi này sống mãi trong một
Công viên lớn ở New York, nơi có đài phun nước cùng tên chứa bức tượng
"Thiên thần của nước", do nhà điêu khắc người Mỹ, Emma Stebbins, thiết
kế và được xây dựng từ năm 1859 - 1864 như để tưởng nhớ đến phép lạ của Chúa
Giêsu ở Bếtsaiđa.
La piscina bíblica de Betesda, ¿mito o realidad?
Dịch: G.
Võ Tá Hoàng
Nguồn: gpquinhon.org (24.03.2023)