Lời Chúa: Ga 20, 1-2.11-18
Sáng sớm ngày thứ
nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng
đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Ðức
Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng
biết họ để Người ở đâu!”
Bà Maria đứng ở
ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì
thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Ðức Giêsu, một
vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà
thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”
Nói xong, bà quay lại và thấy Ðức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Ðức
Giêsu. Ðức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng
là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói
cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Ðức Giêsu gọi bà: “Maria!”
Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘lạy Thầy’). Ðức
Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy
đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh
em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” Bà Maria
Mađalêna đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều
Người đã nói với bà.
Suy niệm:
Mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna
đã được một vài tác
giả khai thác và dựng thành truyện.
Từ tiếng nức nở của
Maria Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu
trong vở nhạc kịch nổi
tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70,
đến chuyện Đức Giêsu
bị đóng đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con,
trong truyện Cơn
Cám Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis.
Gần đây nhất là
cuốn Mật mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người,
dù câu chuyện giữa Đức
Giêsu và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.
Theo các sách Tin
Mừng, Maria Mađalêna không hề là gái gọi.
Chị không phải là cô
Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39),
hay là cô Maria xức
chân Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3).
Chị cũng không phải là
người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36).
Maria Mađalêna là
người quê ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê.
Chị đã được Đức Giêsu
trừ bảy quỷ,
và đã đi theo Thầy từ
Galilê cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55).
Chị đã theo Thầy đến tận
Núi Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25).
Chị là người đầu tiên
ra viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất (c. 1).
Không thấy xác Thầy,
chị hốt hoảng chạy về báo cho hai môn đệ khác (c. 2).
Sau đó chị lại đến mộ
lần nữa để tìm xác Thầy (c. 11).
Nếu không mến Thầy,
chị chẳng thể can đảm theo đến cùng như vậy.
Ngôi mộ tự nó là nơi
buồn, buồn hơn vì xác Thầy cũng không còn đó.
Những giọt nước mắt
của chị làm ai cũng phải mủi lòng.
Thiên thần và Đấng
phục sinh đều hỏi một câu giống nhau: Sao chị khóc?
Maria khóc vì thấy
mình mất đi một điều quý báu.
Bận tâm duy nhất ám
ảnh chị là tìm lại được xác Thầy.
“Chúng tôi không biết
họ để Người ở đâu?”
Ba lần chị đã nói lời
tương tự như thế (cc. 2.13.15).
Đấng Phục sinh đến với chị với dáng dấp của một ông làm vườn.
Ngài chạm đến nỗi đau
của chị: Sao chị khóc?
Ngài chạm đến khát
vọng của chị: Chị tìm ai?
Ngài gọi tên của chị
bằng tiếng gọi quen thuộc: Maria.
Với giọng nói ấy, chị
nhận ngay ra Thầy và reo lên: Rabbouni.
Đức Giêsu đã lau khô
những giọt lệ của chị và cho tim chị vui trở lại.
Chị chỉ mong tìm được
xác Thầy, thì lại gặp được chính Thầy đang sống.
Maria Mađalêna là
người phụ nữ được thấy Chúa đầu tiên (c. 18),
và được Chúa sai đi
loan Tin Mừng phục sinh cho chính các tông đồ (c. 17).
Đời chúng ta nhiều khi
như ngôi mộ, mất mát và trống vắng.
Chúng ta đau đớn vì
mất Chúa, mất những gì mình yêu quý xưa nay.
Nhưng nếu ngôi mộ
không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?
Chỉ mong chúng ta tìm
kiếm Chúa với rất nhiều tình yêu như chị Maria,
vì biết mình sẽ gặp
được điều quý hơn cái mình đã mất.
Lạy Chúa, Chúa đã chịu
chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết
chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi
ngày
để được sống dồi dào
hơn.
Chúa đã khiêm tốn và
kiên trì
nhận lấy những thất
bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ
của thập giá,
xin biến mọi đau khổ
cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh
chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp
chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa
hơn.
Xin dạy chúng con biết
rằng
chúng con không thể
nên hoàn thiện
nếu như không biết từ
bỏ chính mình
và những ước muốn ích
kỷ.
Ước chi từ nay,
không gì có thể làm
cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm
vui ngày Chúa phục sinh.
là hy vọng hạnh phúc
bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu
nồng nàn;
xin lấy niềm vui của
Người
mà làm cho chúng con
nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây
yêu thương,
bình an và hiệp nhất
giữa chúng con. Amen.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J