Bài Ðọc I: Xh 3, 13-20
"Ta là Ðấng tự hữu. Ðấng tự hữu sai tôi đến với anh em".
Trích sách Xuất Hành.
(Khi nghe tiếng Thiên Chúa phán ra từ giữa bụi gai), Môsê thưa với Người rằng: "Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ có hỏi con "Tên Người là gì", con sẽ nói sao với họ?" Thiên Chúa nói với Môsê: "Ta là Ðấng Tự Hữu". Chúa nói: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em".
Thiên Chúa lại nói với Môsê: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ. Ngươi hãy đi họp các kỳ lão Israel lại và bảo họ rằng: Chúa là Thiên Chúa tổ phụ anh em, là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacóp hiện ra với tôi và phán rằng: Ta đã thăm viếng các ngươi, Ta đã thấy tất cả những sự ngược đãi đối với các ngươi trong đất Ai-cập, nên Ta nói rằng: Ta sẽ dẫn đưa các ngươi khỏi cảnh khốn khó ở Ai-cập, mà đem vào đất Canaan, Hêthê, Amorrha, Phêrêzê, Hêvê và Giêbusa, là đất chảy đầy sữa và mật.
"Chúng sẽ nghe lời ngươi. Vậy ngươi và các kỳ lão Israel hãy đi đến vua Ai-cập và tâu cùng vua rằng: Chúa là Thiên Chúa người Do-thái đã gọi chúng tôi. Chúng tôi phải đi ba ngày đàng lên nơi hoang địa, để tế lễ Chúa là Thiên Chúa chúng tôi.
"Nhưng Ta biết rằng vua Ai-cập sẽ không để cho các ngươi ra đi đâu, trừ khi ra tay hùng mạnh. Vì thế Ta sẽ giơ tay ra đánh phạt Ai-cập bằng những phép lạ mà Ta sẽ làm giữa họ. Khi đó, vua mới để cho các ngươi đi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca:
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người; hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ, và những điều miệng Người phán quyết.
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
2) Tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Người đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Người đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Người đã thề với Isaac.
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
3) Chúa đã khiến dân Người sinh sản rất đông, và làm cho họ uy dũng hơn cả quân thù. Người đã đổi lòng chúng để chúng ghét dân Người, và đối xử gian ngoan với các tôi tớ của Người.
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
4) Bấy giờ Người đã sai Môsê là tôi tớ của Người và Aaron mà Người đã chọn. Các ông thực hiện những phép lạ của Người giữa bọn chúng, và những điều kỳ diệu trong lãnh thổ họ Cam.
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 28-30
"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Sống làm người ở đời ai tránh được gánh nặng.
Chẳng phải chỉ những người bốc vác ở cảng mới
mang gánh nặng.
Gánh nặng gắn liền với phận người.
Có gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp,
gánh nặng tuổi tác.
Có gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng
lo âu cho tương lai.
Xem ra mỗi người không vác nổi gánh nặng của
mình.
Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác.
Đức Giêsu nhìn thấy những ai đang mang gánh
nặng vào thời của Ngài.
Đặc biệt những kẻ phải giữ chi li hơn 600 điều
luật của phái Pharisêu.
Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh
phúc,
thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên
vai người ta” (Mt 23, 4).
Đức Giêsu mời đến với Ngài tất cả những ai
đang vất vả,
tất cả những ai chưa là môn đệ của Ngài.
Ngài hứa sẽ cho họ được nghỉ ngơi trong tâm
hồn (cc. 28. 29).
Sự nghỉ ngơi ở đây chính là sự bình an sâu
xa của người được cứu độ,
được hưởng các mối phúc ngay từ bây giờ,
và bắt đầu được sống trong ngày Sabát vĩnh cửu
với Thiên Chúa.
“Hãy
đến với tôi; hãy mang ách của tôi; hãy học với tôi.”
Lời mời của Đức Giêsu lôi kéo những ai vất vả
đến với Ngài.
Ngài mời họ làm môn đệ và sống theo giáo huấn
của Ngài.
Trong Cựu Ước, ách tượng trưng cho Luật
Thiên Chúa ban cho Môsê
Đi theo làm học trò Đức Giêsu, không phải là
không có ách.
Ách của Đức Giêsu chính là lời giáo huấn của
Ngài.
Lời giáo huấn ấy chúng ta đã được nghe trong
Bài Giảng trên núi.
“Ách
của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng” (c. 30).
Nhiều người không hiểu tại sao Đức Giêsu lại
bảo ách mình êm ái,
khi mà Ngài đưa ra những đòi hỏi triệt để
hơn,
tận căn hơn những đòi hỏi của Luật được giải
thích bởi Môsê.
Thật ra sự êm ái nhẹ nhàng không bắt nguồn từ
việc được đòi hỏi ít hơn,
nhưng đến từ tình yêu của tôi đối với Đức
Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay có 7 chữ tôi.
Cái tôi hiền hậu và khiêm nhường của Đức
Giêsu thu hút tôi mến Ngài
Chính tình yêu làm cho ách và gánh của Ngài
trở nên êm nhẹ.
Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ
các luật lệ bên ngoài,
nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một
tình yêu bên trong.
Tự do hơn và vui tươi hơn, đó là điều ta cảm
thấy khi sống cho Giêsu.
Làm sao để việc giữ đạo, theo đạo, sống đạo,
không trở thành một gánh nặng đè trên người
Kitô hữu?
Làm sao để chúng ta tự do hơn và vui tươi
hơn khi đến gặp Giêsu
và tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn mình?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng
cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu
Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở
đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên
Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của
chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J