Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG
CHƯƠNG I: HÀNH HƯƠNG THỜI CỰU ƯỚC
Phần 3: HÀNH HƯƠNG LÊN ĐỀN THÁNH
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
‘Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!’
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành ta đã dừng chân…”
(Tv 122,1-2).
Từ Abraham tới vua Salomon, phải mất khoảng 1000 năm người Do Thái mới được hát lời Thánh Vịnh trên đây. Số là sau khi vào Đất hứa năm 1200 TCN, Giôsuê là đồ đệ trung thành của Môsê tiếp tục mở mang bờ cõi. Họ chọn Gilgal làm bản doanh và Sikem (Gs 24,25) làm nơi thờ phượng, nơi có Hòm Bia Giao Ước[1]. Hòm Giao Ước từng được đặt trong nơi chí thánh của đền tạm. Sau 200 năm về lại Đất Hứa, dưới tài lãnh đạo của vua David (Đa-vít, 1040-970 TCN), nước Do Thái ở đỉnh cao của thịnh vượng cả về tôn giáo lẫn chính trị.
Về chính trị, vua đã thống nhất đất nước, và chọn Giêrusalem làm thủ đô. Về mặt tôn giáo, vua Đavít rước hòm bia về Giêrusalem (2 Sm 6) với hy vọng xây dựng đền thờ. Lúc đó, người ta chỉ đưa Hòm Bia Đức Chúa đặt vào chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. (2 Sm 6,1-16). Chỉ là một cái lều! Khi “Vua Đavít được chôn cất trong thành vua Đa-vít” (1 V 2,10), Đền thờ vẫn chỉ là dự án. Tuy nhiên phải chờ đến Salomon, con của Đavít, Đền Thờ Thứ Nhất mới được hoàn thành (1V 5-8). Từ đó ý nghĩa hành hương lên Đền Thánh Chúa phát triển một cách nhanh chóng (1V 12,27).
Khi đến Giêrusalem, gần mộ vua Đavít là khu Đền thờ Giêrusalem hay còn gọi là Đền Thánh tọa lạc trên một ngọn núi bên trong thành phố cổ Giêrusalem. Theo đức tin của người Do Thái thì đây là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta cũng tin như thế.
Người Do Thái thường hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Lễ Vượt Qua (the Feast of Unleavened Bread, hay Passover), Lễ Ngũ Tuần (the Feast of Weeks, hay Pentecost), và Lễ Lều (Feast of Tabernacles, hoặc Festival of Ingathering). Trên đường đi, họ hát những bài thánh ca hành hương, hoặc thánh vịnh.
Vui mừng là thế, hạnh phúc là vậy, nhưng đền thờ thứ nhất này chẳng tồn tại được bao lâu. Số là vua Salomon mỗi lúc một trụy lạc, chạy theo những thú ăn chơi và không trung thành với Giao Ước. Sau khi vua Salomon băng hà, các chi tộc nhà Israel tan rã, Nam Bắc chia cắt[2] (vào năm -931). Khoảng 200 năm sau vua Sargon II nước Assyri đã chiếm được thủ đô Samari của Israel. Miền Bắc thất thủ. Vua bắt những thành phần ưu tú của Israel đi lưu đày, rồi lại đưa những dân khác đến cư ngụ. Họ sống chung với những người Israel còn được ở lại, từ sinh hoạt chung đó phát sinh một thứ tôn giáo pha trộn, không còn tinh tuyền nữa. Vì vậy mà sau này người Do thái rất ghét và khinh bỉ người Samari, coi họ là dân lai căng lạc đạo.
Miền Nam có phần tự hào hơn, nhưng cũng bị đế quốc Babylon của vua Nabucôđônoso xâm chiếm năm 598 TCN. Đến năm 587 TCN, Nabucôđônoso phá hủy bình địa Giêrusalem và Đền Thờ, bắt nhiều người đi lưu đày sang Babylon. Sử sách ghi lại tình cảnh người Do Thái bên Babylon có thể tóm gọn trong một câu: “Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion... Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại.” (Tv 137,1.4-5). Tưởng nhớ Sion nghĩa là hoài niệm về Đền Thờ, về quê cha đất tổ. Họ lại mơ đến cuộc hành hương về nhà của mình!
Về mặt chính trị, sau thời Nabucôđônoso (604-552), đế quốc Babylon bắt đầu suy thoái và tan rã, nhường chỗ cho đế quốc Ba Tư của vua Kyrô. Ông vua này có thiện cảm với người Do Thái, nhất là tôn trọng văn hóa và tôn giáo của họ. Năm 538 TCN, vua ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái ở Babylon được hồi hương. Thật may khi vua còn trao trả lại những vật dụng quí giá mà Nabucôđônoso đã lấy của Đền Thờ Giêrusalem. Hơn nữa, chính vua này đã tài trợ tiền để xây lại đền thờ. Vì nghĩa cử cao đẹp này mà vị ngôn sứ lừng danh thời này là Isaia đã gọi Kyrô là “Đấng Được Xức Dầu Của Thiên Chúa”, hay là “Mục Tử Của Thiên Chúa”, là người được Chúa chọn để cứu Dân Chúa. Dầu sao cuối cùng dân Chúa lại có nơi thờ phượng trên chính vùng đất hứa, nơi đền thờ thứ hai được khánh thành năm 515 TCN[3].
Quý độc giả thân mến,
Kể ra một chút dài dòng về lịch sử như thế để cho thấy Đền thờ có vai trò vô cùng quan trọng đối với dân tộc Do Thái. Thánh Đường không chỉ là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng còn hội tụ vô số nét đẹp về kiến trúc, hội họa, văn hóa và phụng tự lễ nghi. Khi hành hương đến một Ngôi Thánh đường, chúng ta được hòa nhập trong dòng lịch sử thánh. Có lẽ chúng ta không có nhiều giờ để tiếp cận mọi ngóc ngách của ngôi thánh đường. Trên hết, khi hòa mình vào dòng lịch sử với những kiến trúc nguy nga của thánh đường, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa.
Về mặt kiến trúc hay nghệ thuật thánh của Đền Thờ, chúng ta sẽ bàn sau ở chương thứ ba. Ở đây, chúng ta thấy tâm thức của người hành hương khao khát về Đền Thờ. Họ có một mục đích là gặp gỡ Thiên Chúa. Gần đây Giáo hội cũng hướng dẫn cụ thể hơn: “Theo giáo luật, Giáo hội chỉ công nhận chính thức một nơi thánh thiêng nhằm mục đích cụ thể là đón nhận những cuộc hành hương của dân Chúa, là đến đó để thờ phượng Chúa Cha, tuyên xưng đức tin và để hòa giải với Thiên Chúa, và để cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa hoặc một trong các Thánh.”[4] Dĩ nhiên điều này cần một ngôi đền thờ xứng hợp. Tất cả những nơi hành hương đều có Đền thờ hoặc vương cung Thánh đường.
Có lẽ vì mục đích nền tảng trên mà Giáo hội đã viết cả một cuốn sách “Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ” của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Trong đó tài liệu dành cả một chương 8 đề bàn về Các Đền thánh và các cuộc Hành hương. Tôi xin trích số 287 dưới đây với 5 chiều kích vốn xác định Linh đạo đặc thù của việc hành hương (Spirituality of Pilgrimage)[5]:
1. Chiều kích Cánh Chung
“Chiều kích chính yếu này là nguồn gốc của việc hành hương: đó là một cuộc “đi lên Đền Thánh”, nghĩa là một thời điểm và một ẩn dụ về con đường dẫn đưa tới Nước Trời. Thực thế, cuộc hành hương giúp người tín hữu nhận thức chiều kích cánh chung của đời mình với tư cách là một người đã chịu phép rửa. Người tín hữu là một khách lữ hành, mà sự hiện hữu lại ở giữa bóng tối của niềm tin và sự khao khát thấy thực tại muôn đời, ở giữa giới hạn chật hẹp của thời gian và khát vọng một cuộc sống vĩnh hằng, ở giữa sự mệt nhọc phải bước đi trên đường và sự đợi chờ được an nghỉ luôn mãi, ở giữa nước mắt chốn lưu đày với ước mong hạnh phúc nơi quê hương trên trời, ở giữa sự xôn xao của cuộc đời hoạt động và niềm say mê sự thanh thản của chiêm niệm.
“…Khách hành hương nhận ra rằng: ‘trên đời này chúng ta không có thành trì nào bền vững’ (Dt 13,14), vì thế, ngoài mục đích trước mắt là Đền Thánh, người ấy tiến bước qua sa mạc của cuộc đời, hướng về Nước Trời là Đất Hứa đích thực.” Với nhiều tín hữu, đây cũng là “một cơ hội đặc biệt thuận lợi để tiếp cận Bí tích.”
“Khi cuộc hành hương được thực hiện đúng cách, người tín hữu sẽ rời ngôi đền thánh với quyết tâm ‘thay đổi cuộc đời’, nghĩa là hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa một cách cương quyết hơn; như thế, người hành hương ước mong đem lại cho cuộc sống của mình một chiều kích siêu việt hơn.”
2. Chiều kích Lễ hội
“Trong cuộc hành hương, chiều kích Sám Hối đi đôi với chiều kích lễ hội. Người ta thậm chí có thể xác quyết, chiều kích lễ hội nằm ngay trung tâm của cuộc hành hương.”
3. Chiều kích Phụng tự
“Hành hương chủ yếu là một việc phụng tự: khi tiến bước về ngôi Đền Thánh, người hành hương đến gặp gỡ Thiên Chúa để hiện diện trước tôn nhan Người, thờ lạy Người và cởi mở tấm lòng ra với Người… Lời cầu nguyện của họ mang chiều kích rất đa dạng: ca ngợi và tôn thờ Chúa vì lòng nhân từ và sự thánh thiện của Ngài; cảm tạ vì những ân huệ đã lãnh nhận; cầu nguyện nhằm thực hiện một lời khấn đã cam kết trước nhan Chúa; cầu nguyện để được các ơn lành cần thiết cho cuộc sống; cầu nguyện để xin Chúa tha thứ những tội lỗi đã phạm”.
4. Chiều kích Tông Đồ
“… Cuộc hành hương là một việc loan báo đức tin, và khách hành hương là những ‘sứ giả lưu động của Chúa Kitô’.”
5. Chiều kích Hiệp Thông
“Người hành hương đi đến đền thánh, hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong ‘cuộc hành trình thánh’ (Tv 84,6) mà còn với chính Chúa nữa…” Họ cũng hiệp thông với cộng đoàn địa phương của mình và qua cộng đoàn ấy với toàn thể Hội Thánh, tức là với các thánh trên trời. Họ cùng hiệp thông với toàn thể nhân loại mà những nỗi đau khổ và niềm hy vọng được đưa vào lời cầu nguyện.
Mách nhỏ khi hành hương:
- Để ý đến gian cung thánh có gì đặc biệt.
- Dành giờ ngồi thinh lặng trong Thánh đường.
- Khi chụp hình cũng có thể cầu nguyện!
Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024
______
[1] Hòm Bia Giao Ước (Hebrew: אָרוֹן הַבְּרִית, tiêu chuẩn: Arōn Ha'brēt, Tiberian: ʾĀrôn Habbərîṯ) hoặc Hòm Chứng Ngôn là một chiếc rương bằng gỗ nạm vàng chứa hai tấm thạch bia khắc Mười Điều Răn, xuất hiện lần đầu trong Xuất hành kí và được coi như một trong những bảo vật cực thánh của các tín ngưỡng Abram.
[2] Lập tức cuộc ly khai của 10 chi tộc miền Bắc bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Giơrôbôam (thuộc chi tộc Ê-phra-im), thành lập một quốc gia mới lấy tên là Israel. Vương quốc Giuđa của Rôbôam chỉ còn duy nhất chi tộc Giuđa và một phần nhỏ của hai chi tộc Bengiamin và Simêon. Đây cũng là nguồn gốc của sự xung đột giữa Palelestin và Israel ngày nay?.
[3] https://vi.wikipedia.org (Jerusalem)
[4] Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 264
[5] Trích lại từ: https://giaophankontum.com/muc-vu/phung-vu/hanh-huong