Bài Ðọc
I: Ds 21, 4-9
"Kẻ
nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống".
Bài trích
sách Dân Số.
Trong những
ngày ấy, các người Do-thái rời bỏ núi Hor, theo con đường về phía Biển Ðỏ, để
vòng quanh xứ Eđom. Dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách Chúa
và Môsê rằng: "Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng
tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức
ăn nhàm chán này".
Bởi đó Chúa
cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng:
"Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản
nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn". Môsê cầu
nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đúc một con rắn đồng
và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống".
Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn
lên rắn đồng, thì được chữa lành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca:
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa.
Xướng: 1) Lạy
Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa. Xin Chúa
đừng ẩn giấu thánh nhan, trong ngày con phải phiền muộn. Xin Chúa lắng tai nghe
con, khi con cầu nguyện, Chúa mau nhậm lời.
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa.
2) Lạy Chúa,
muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh
quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn;
Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa.
3) Những điều
này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên
Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống
trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử.
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm:
Hôm nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.
Phúc
Âm: Ga 8, 21-30
"Khi
nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa
Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm
Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".
Người Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói
"Nơi Ta đi các ông không thể tới được"?"Chúa Giêsu nói tiếp:
"Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế
gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết
trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của
các ông". Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời:
"Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và
đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra
trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài". Nhưng họ không
hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa
Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì.
Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta;
Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài".
Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
“Khi các ông
giương cao Con Người lên…” (c.
28).
Đó là cách diễn tả về
cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.
Cái chết trên thập
giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.
Đức Giêsu bị treo
lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Những kẻ giương cao
Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.
Họ đã giết Đức Giêsu
vì nhiều lý do.
Lý do lớn nhất là vì
Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.
Sống công chính đã
khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.
Cái chết của Đức
Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác
của những người vô tội
trong suốt dòng lịch sử.
Nhưng cái chết của Đức
Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã biến
cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.
Nhìn lên thánh giá,
chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.
Cha đã tặng tình yêu
lớn nhất là chính Con Một của mình.
Vì thế có thể nói
chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá.
“Như ông Môsê đã
giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ
phải được giương cao như vậy” (Ga
3, 14).
Đức Giêsu được
giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.
Như dân Do thái xưa
đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống,
ai nhìn lên thánh
giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.
Thập tự giá không
còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.
Nó đã trở nên thánh
giá với sức mạnh phi thường.
“Phần tôi, một
khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi
người lên với tôi” (Ga
12, 32).
Qua việc giương cao
này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.
Cả nhân loại được
nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.
Đấng chịu đóng đinh
vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.
Cuối cùng, có thể
nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.
“Mạng sống của
tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự
ý hy sinh mạng sống mình” (Ga
10, 18).
Cái chết là kết quả
tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.
“Tôi không tự
mình làm bất cứ điều gì…
Chúa Cha dạy tôi
thế nào thì tôi nói như vậy…
Tôi luôn luôn làm
những điều đẹp ý Người” (cc.
28-29).
Đức Giêsu đã sống
trung tín như một Người Con, người được Cha sai.
Cha lúc nào cũng ở với
Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).
Mỗi Kitô hữu cũng được
giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.
Và khi tôi gắn thánh
giá của tôi với thánh giá của Giêsu,
thánh giá nhỏ bé ấy
sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi. (Karl Rahner)
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.