Giới thiệu Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn Tổng giáo phận TP.HCM

 

 

 

Thành lập

Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Tp. HCM do Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thành lập ngày 5.12.2009, theo tinh thần của Tuyên ngôn Nostra Aetate và hướng dẫn của Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn.

Đường hướng

1. Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn quy tụ những Kitô hữu tha thiết và muốn dấn thân trong việc tìm hiểu, gặp gỡ các tín đồ thuộc tôn giáo khác, theo hướng dẫn của Hội Thánh Công giáo, nhằm thực hiện giáo huấn của công đồng Vatican II (Nostra Aetate).

2. Học hỏi giáo huấn và kinh nghiệm của Hội Thánh về đối thoại liên tôn, đồng thời tìm hiểu giáo thuyết và thực hành của các cộng đồng tôn giáo lớn đang có mặt trong giáo phận.

3. Thăm viếng, tiếp xúc và trao đổi với các tín đồ tôn giáo khác để xây dựng tình bằng hữu-huynh đệ, gia tăng hiểu biết lẫn nhau và nếu có thể được, cộng tác với nhau trong lĩnh vực từ thiện và ích lợi cộng đồng.

4. Tổ chức và linh hoạt các cuộc gặp gỡ liên tôn. Đây cũng là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm sống đạo và chia sẻ niềm tin Kitô giáo cho các người khác đạo.

5. Sưu tầm và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ liên tôn cũng như hiểu biết về các tôn giáo khác. Phổ biến thời sự và tài liệu liên quan đến mục vụ đối thoại liên tôn.

Hoạt động

1. Văn phòng Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Phòng 5 D – Trung tâm Mục vụ, 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé - Q. 1 – E-mail: doithoailienton@gmail.com

Văn phòng là nơi gặp gỡ, trao đổi và tham vấn về niềm tin cùng đời sống tín đồ các tôn giáo chính đang có mặt trong giáo phận.

Văn phòng Mục vụ Đối thoại Liên tôn (MVĐTLT) duy trì quan hệ với các Ban đại diện, Ban Trị sự, Văn phòng liên lạc cũng như các chức sắc của các tôn giáo bạn.

2. “Tủ sách liên tôn giáo” đang được củng cố và hiện có trên 500 đầu sách, tạp chí tôn giáo để mọi người có nhu cầu tìm hiểu về Kitô giáo và các tôn giáo bạn, có thể tham khảo và nghiên cứu tại Văn phòng MVĐTLT.

3. Các giảng khoá (32 tiết/khóa/học kỳ) đào tạo Mục vụ Đối thoại liên tôn tại Học viện Mục vụ TGP:

“Kitô giáo và các tôn giáo”
“Giáo huấn của Giáo hội về đối thoại liên tôn”
“Thực hành đối thoại liên tôn”
“Công giáo và Phật giáo” (dự kiến cho các Niên khóa tới)

4. Sinh hoạt ngoại khóa gồm các cuộc thăm viếng các cơ sở tôn giáo bạn, đại diện giới Công giáo gửi thư chúc mừng hoặc tham dự các ngày lễ lớn của đạo khác; giao lưu, tiếp xúc và trao đổi với các chức sắc hay đại diện các tôn giáo về một chủ đề, tại Học viện Mục vụ hay cơ sở thờ tự của tôn giáo bạn…

Cuộc Gặp gỡ liên tôn gần đây nhất là Ngày Hội ngộ “Chung tay xây dựng bình an”, 27.10.2011, được tổ chức tại Trung tâm mục vụ, nhằm hiệp thông với “Cuộc hành hương vì chân lý và hòa bình” tại Assisi, nhân kỷ niệm 25 năm ngày các lãnh đạo tôn giáo trên thế giới gặp gỡ và cầu nguyện cho hòa bình tại quê hương của thánh Phanxicô.

5. Tập san Nhịp Cầu Tâm Giao là nơi chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ tín đồ các tôn giáo khác và thu tập thư mục, tài liệu giúp hiểu biết cơ bản về các tôn giáo, đồng thời tạo một diễn đàn đối thoại liên tôn qua văn bút giữa người Kitô hữu và các đạo hữu khác. Tôn chỉ của “Nhịp Cầu Tâm Giao” gồm ba điểm:

– muốn là một bạn đường cho những ai thường xuyên tiếp xúc với anh chị em thuộc các tôn giáo khác, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
– mong mở rộng hiểu biết về các đạo hữu thuộc tôn giáo khác, để chung sống hài hòa - huynh đệ và cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương.
– hy vọng trở nên nơi gặp gỡ giữa những người bạn đạo, để làm phong phú hóa kinh nghiệm sống đạo của nhau, đồng thời góp phần làm tăng triển Nhân Tâm trong cộng đồng.

Tập san do Ban thực hiện liên kết với Nhà xuất bản Phương Đông, phát hành mỗi ba tháng một lần tại Trung tâm mục vụ và đã ra mắt được 6 số. Bạn đọc có thể tìm thấy tại các nhà sách Công giáo và đọc những bài cũ trên trang thông tin điện tử của Tổng giáo phận TP.HCM: tgpsaigon.net

Chủ đề Nhịp Cầu Tâm Giao số mới nhất: chữ Tín trong các truyền thống tôn giáo.

Trích giới thiệu Nhịp Cầu Tâm Giao 6:

TÍN” là một giá trị nhân bản được nhân loại mọi thời đại trân trọng. Nhân đức này trở thành nền tảng cho mọi ứng xử của cá nhân lẫn cộng đồng, do đó mọi dân tộc đều cố gắng thực thi, gìn giữ, để tạo lập các mối tương quan chân thành với Thượng Đế và bằng hữu với tha nhân.

Thực vậy, xã hội chỉ có thể phát triển quân bình và toàn diện khi xây dựng được những con người tín trung, tín nghĩa và tín thành. Từ học đường đến thương trường, từ quan hệ gia đình đời thường đến các mối tương quan đa diện giữa người với người, chữ TÍN luôn cần được vun trồng sâu xa vào lòng người.

Phát xuất từ niềm tin của mình, người tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo được mời gọi trung tín với Đấng mình tin thờ, sống trung thành, phù hợp giáo huấn của những Đấng sáng lập Đạo và tín nghĩa với những người xung quanh.

Nhịp cầu Tâm giao 6 xin gửi đến quý độc giả những cách tiếp cận khác nhau về chữ “Tín”, do các tín đồ hay chức sắc tôn giáo hiểu biết và thực hành niềm tin của mình, trình bày. Những ai muốn tìm hiểu về đức TÍN và quan điểm của tôn giáo Baha’i, Cao Đài, Công giáo, Minh Lý Đạo, Nho giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, có thể tìm thấy nơi tập san liên tôn này, một người bạn đường trên hành trình khám phá và sống đạo.


 ***


Một số hình ảnh sinh hoạt của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Tp. HCM

""

""

""

""

""