Số 153, 424, 440, 442, 552, 765, 880-881: Thánh Phêrô

Số 442, 601, 639, 642, 1508, 2632-2633, 2636, 2638: Thánh Phaolô

Bài Ðọc I: Cv 12, 1–11

Bài Ðọc II: 2Tm 4, 6–8. 17–18

Phúc Âm: Mt 16, 13-19


Số 153, 424, 440, 442, 552, 765, 880-881: Thánh Phêrô

Số 153. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu nói với ông rằng không phải huyết nhục mạc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Người, “Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17)[1]. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban. “Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho ‘mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý’”[2].

Số 424. Được tác động bởi ân sủng Chúa Thánh Thần và được Chúa Cha lôi kéo, chúng tôi tin và tuyên xưng về Chúa Giêsu rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt l6,l6). Trên tảng đá đức tin, mà ông Phêrô đã tuyên xưng, Đức Kitô đã xây dựng Hội Thánh của Người.[3]

Số 440. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Messia, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đức tin đó, nhưng Người loan báo ngay cuộc khổ nạn đã gần đến của “Con Người”[4]. Người tỏ cho thấy ý nghĩa đích thực của vương quyền Messia của Người, vừa trong căn tính siêu việt của Con Người, “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,l3)[5], vừa trong sứ vụ cứu chuộc của Người với tư cách là Người Tôi trung đau khổ: “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28)[6]. Do đó ý nghĩa đích thực của vương quyền Người chỉ được biểu lộ cách tột đỉnh trên Thập Giá.[7] Chỉ sau khi Người sống lại, thánh Phêrô mới có thể công bố vương quyền Messia của Người trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).

Số 442. Trường hợp thánh Phêrô thì khác, khi ông tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”[8], bởi vì Chúa Giêsu đã long trọng trả lời ông: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt l6,l7). Tương tự như vậy, khi đề cập đến cuộc hối cải của mình trên đường đi Đamas, thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mạc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại” (Gl 1,l5-16). “Lập tức, ông bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9,20). Ngay từ đầu[9], điều này đã là trung tâm của đức tin tông truyền[10], đức tin mà thánh Phêrô, với tư cách là nền tảng Hội Thánh, đã tuyên xưng trước hết[11].

Số 552. Trong nhóm Mười Hai, ông Simon Phêrô giữ địa vị thứ nhất[12]; Chúa Giêsu ủy thác cho ông một sứ vụ độc đáo. Nhờ Chúa Cha mạc khải, ông Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Lúc đó Chúa chúng ta liền tuyên bố với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt l6,l8). Đức Kitô, “Viên đá sống động”[13], bảo đảm rằng Hội Thánh mà Người xây dựng trên Tảng Đá Phêrô sẽ chiến thắng quyền lực tử thần. Nhờ đức tin ông đã tuyên xưng, ông Phêrô sẽ mãi là Tảng Đá kiên vững của Hội Thánh. Ông có sứ vụ gìn giữ đức tin được toàn vẹn và làm cho các anh em mình nên vững mạnh trong đức tin[14].

Số 765. Chúa Giêsu đã thiết lập cho cộng đoàn của Người một cơ cấu tồn tại cho tới khi Nước Thiên Chúa được hoàn thành trọn vẹn. Trước hết, Người tuyển chọn nhóm Mười Hai với ông Phêrô làm thủ lãnh[15]. Những vị này, đại diện cho mười hai chi tộc Israel[16], là những tảng đá nền móng của Giêrusalem mới[17]. Nhóm Mười Hai[18] và các môn đệ khác[19] được tham dự vào sứ vụ của Đức Kitô, vào quyền năng của Người, và cả số phận của Người[20]. Bằng tất cả các hành động này, Đức Kitô chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người.

Giám mục đoàn và vị đứng đầu là Đức Giáo Hoàng

Số 880. “Đức Kitô, khi thành lập nhóm Mười Hai, đã thiết lập các ông theo cách thức một tập thể, một nhóm bền vững; Người đã đặt ông Phêrô, được chọn trong số họ, đứng đầu tập thể đó”[21]. “Cũng như do Chúa thiết lập, thánh Phêrô và các Tông Đồ khác lập thành một Tông Đồ Đoàn, thì Giám mục Rôma, vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Giám mục, những người kế nhiệm các Tông Đồ, cũng được kết hợp với nhau như vậy”[22].

Số 881. Chúa đã đặt một mình ông Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, làm đá tảng của Hội Thánh Người. Người đã trao cho ông các chìa khóa của Hội Thánh[23]; và đặt ông làm mục tử của toàn thể đoàn chiên[24]. “Tuy nhiên, nhiệm vụ tháo gỡ và cầm buộc, đã được ban cho ông Phêrô, rõ ràng cũng đã được trao ban cho Tông Đồ đoàn, hợp nhất với đầu của mình”[25]. Nhiệm vụ mục tử này của thánh Phêrô và của các Tông Đồ khác thuộc về nền móng của Hội Thánh. Nhiệm vụ đó được tiếp tục bởi các Giám mục dưới quyền tối thượng của Giám mục Rôma.

 

Số 442, 601, 639, 642, 1508, 2632-2633, 2636, 2638: Thánh Phaolô

Số 442. Trường hợp thánh Phêrô thì khác, khi ông tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”[26], bởi vì Chúa Giêsu đã long trọng trả lời ông: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt l6,l7). Tương tự như vậy, khi đề cập đến cuộc hối cải của mình trên đường đi Đamas, thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mạc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại” (Gl 1,l5-16). “Lập tức, ông bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9,20). Ngay từ đầu[27], điều này đã là trung tâm của đức tin tông truyền[28], đức tin mà thánh Phêrô, với tư cách là nền tảng Hội Thánh, đã tuyên xưng trước hết[29].

Số 601. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công Chính” bị giết[30] đã được báo trước trong Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi[31]. Thánh Phaolô, trong lời tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”[32], tuyên xưng rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3)[33]. Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Kitô hoàn thành một cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi trung đau khổ[34]. Chính Chúa Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh sáng về Người Tôi trung đau khổ[35]. Sau khi Người sống lại, Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Emmaus[36], rồi cho chính các Tông Đồ[37].

Số 639. Mầu nhiệm của sự Sống lại của Đức Kitô là một biến cố có thật, với những cuộc tỏ hiện đã được kiểm chứng theo lịch sử, như Tân Ước làm chứng. Khoảng năm 56, thánh Phaolô đã có thể viết cho tín hữu Côrintô: “Trước het, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh. Ngươi đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm Mười Hai” (1 Cr l5,3-4). Ở đây vị Tông Đồ nói đến truyền thống sống động về sự Sống lại mà ngài đã học được sau cuộc hối cải của ngài ở cổng thành Đamas[38].

Số 642. Tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày lễ Vượt Qua đó, đòi buộc mỗi vị Tông Đồ, đặc biệt là ông Phêrô, xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đã bắt đầu từ sáng ngày Vượt Qua. Với tư cách là những chứng nhân của Đấng Phục Sinh, các ngài mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh Người. Đức tin của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của những con người cụ thể mà các Kitô hữu quen biết và phần đông lúc đó còn sống giữa họ. “Những chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô”[39] trước hết là ông Phêrô và Nhóm Mười Hai, nhưng không chỉ có các vị ấy: ông Phaolô nói đến hơn năm trăm người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt, rồi với ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ[40].

Số 1508. Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho một số người đoàn sủng chữa lành[41] để biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Đấng phục sinh. Tuy nhiên những lời cầu nguyện sốt sắng nhất cũng không luôn luôn chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Thánh Phaolô phải học nơi Chúa điều này: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); và những đau khổ phải chịu có thể có ý nghĩa này: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Số 2632. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu[42], trọng tâm lời kinh cầu xin của Kitô giáo là sự khao khát và tìm kiếm Nước Chúa đang đến. Vì thế cần phải có một trật tự trong lời cầu xin: trước tiên là Nước Chúa, rồi đến những gì cần thiết cho chúng ta để đón nhận và cộng tác cho Nước Chúa trị đến. Việc cộng tác như vậy vào sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, nay là sứ vụ của Hội Thánh, là đối tượng cầu xin của cộng đoàn thời các Tông Đồ[43]. Kinh nguyện của thánh Phaolô, vị Tông Đồ ngoại hạng, mạc khải cho ta thấy sự quan tâm thánh thiện đến tất cả các giáo đoàn, phải gợi hứng cho kinh nguyện Kitô giáo như thế nào[44]. Bằng cầu nguyện, mọi người đã chịu Phép Rửa đều hoạt động cho Nước Chúa trị đến.

Số 2633. Khi tham dự vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa như thế, chúng ta cần hiểu rằng mọi nhu cầu đều có thể trở thành đối tượng của lời kinh cầu xin. Đức Kitô, Đấng đã đón nhận tất cả để cứu chuộc tất cả, được tôn vinh nhờ những lời cầu xin mà chúng ta nhân danh Người dâng lên Chúa Cha[45]. Được bảo đảm nhờ điều đó nên thánh Giacôbê[46] và thánh Phaolô khuyến khích chúng ta cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh[47].

Số 2636. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã nhiệt thành sống hình thức chia sẻ này[48]. Thánh Tông Đồ Phaolô đã cho các cộng đoàn đó tham gia vào thừa tác vụ Tin Mừng của ngài bằng cách này[49] nhưng ngài cũng chuyển cầu cho họ nữa[50]. Lời chuyển cầu của các Kitô hữu không có ranh giới: “cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền” (1 Tm 2,1), cho những người bách hại[51], cho ơn cứu độ của những người từ khước Tin Mừng[52].

Số 2638. Cũng như trong lời kinh cầu xin, mọi biến cố và nhu cầu đều có thể trở thành lễ phẩm tạ ơn. Các thư của thánh Phaolô thường khởi đầu và kết thúc bằng một lời tạ ơn, và Chúa Giêsu luôn hiện diện trong việc tạ ơn đó. “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5,18). “Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn” (Cl 4,2).

 

Bài Ðọc I: Cv 12, 1–11

“Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê”.

Trích sách Tông Đồ Công Vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do Thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: “Hãy chỗi dậy mau”. Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: “Hãy thắt lưng và mang giày vào”. Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: “Hãy khoác áo vào mà theo ta”.

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do Thái”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 33, 2–3. 4–5. 6–7. 8–9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

 

Bài Ðọc II: 2Tm 4, 6–8. 17–18

“Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.  

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 16,18

Alleluia, alleluia! – Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

“Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

Ðó là lời Chúa.

_______

[1] X. Gl 1,15-16; Mt 11,25.

[2] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5: AAS 58 (1966) 819.

[3] X. Mt 16,18; Thánh Lêô Cả, Sermo 4, 3: CCL 88, 19-20 (PL 54, 151); Sermo 51,1: CCL 88A, 296-297 (PL 54, 309); Sermo 62, 2: CCL 88A, 377-378 (PL 54, 350-351); Sermo 83, 3: CCL 88A, 521-522 (PL 54, 432).

[4] X. Mt l6,l6-23.

[5] X. Ga 6,62; Đn 7,13.

[6] X. Is 53,10-12.

[7] X. Ga l9,19-22; Lc 23,39-43.

[8] X. Mt 16,16.

[9] X. 1 Tx 1,10.

[10] X. Ga 20,3l.

[11] X. Mt l6,l8.

[12] X. Mc 3,16; 9,2; Lc 24,34; 1 Cr 15,5.

[13] X. 1 Pr 2,4.

[14] X. Lc 22,32.

[15] X. Mc 3,14-15.

[16] X. Mt 19,28; Lc 22,30.

[17] X. Kh 21,12-14.

[18] X. Mc 6,7.

[19] X. Lc 10,1-2.

[20] X. Mt 10,25; Ga 15,20.

[21] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 19: AAS 57 (1965) 22.

[22] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 25; x. Bộ Giáo Luật, điều 330.

[23] X. Mt 16,18-19.

[24] X. Ga 21,15-17.

[25] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.

[26] X. Mt 16,16.

[27] X. 1 Tx 1,10.

[28] X. Ga 20,3l.

[29] X. Mt l6,l8.

[30] X. Is 53,11; Cv 3,14.

[31] X. Is 53,11-12; Ga 8,34-36.

[32] X. 1 Cr 15,3.

[33] X. Cv 3,18; 7,52; 13,29; 26,22-23.

[34] X. Is 53,7-8; Cv 8,32-35.

[35] X. Mt 20,28.

[36] X. Lc 24,25-27.

[37] X. Lc 24,44-45.

[38] X. Cv 9,3-18.

[39] X. Cv 1,22.

[40] X. 1 Cr 15,4-8.

[41] X. 1 Cr 12,9.28.30.

[42] X. Mt 6,10.33; Lc 11,2.13.

[43] X. Cv 6,6; 13,3.

[44] X. Rm 10,1; Ep 1,16-23; Pl 1,9-11; Cl 1,3-6; 4,3-4.12.

[45] X. Ga 14,13.

[46] X. Gc 1,5-8.

[47] X. Ep 5,20; Pl 4,6-7; Cl 3,16-17; 1 Tx 5,17-18.

[48] X. Cv 12,5; 20,36; 21,5; 2 Cr 9,14.

[49] X. Ep 6,18-20; Cl 4,3-4; 1 Tx 5,25.

[50] X. 2 Tx 1,11; Cl 1,3; Pl 1,3-4.

[51] X. Rm 12,14.

[52] X. Rm 10,1.