Số 61, 946-962, 1090, 1137-1139, 1370: Hội Thánh, sự hiệp thông của các Thánh (hay các Thánh thông công)

Số 956, 2683: Sự chuyển cầu của các Thánh

Số 828, 867, 1173, 2030, 2683-2684: Các thánh, những mẫu gương của sự thánh thiện

Bài Ðọc I: Kh 7, 2–4, 9–14

Bài Ðọc II: 1Ga 3, 1–3

Phúc Âm: Mt 5, 1–12a


Số 61, 946-962, 1090, 1137-1139, 1370: Hội Thánh, sự hiệp thông của các Thánh (hay các Thánh thông công)

Số 61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng vụ của Hội Thánh.

Số 946. Sau khi tuyên xưng: “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này”, tín biểu các Tông Đồ thêm: “Các Thánh thông công”. Một cách nào đó, mục này là lời giải thích cho mục trước: “Hội Thánh là gì, nếu không phải là cộng đoàn của tất cả các Thánh?”[1]. Quả thật, Hội Thánh là sự hiệp thông của các Thánh.

Số 947. “Bởi vì tất cả các tín hữu là một thân thể duy nhất, nên điều thiện hảo của người này được truyền thông cho người khác…. Bởi đó, giữa những điều khác, … phải tin là có sự truyền thông những điều thiện hảo trong Hội Thánh. Thành phần chủ yếu là Đức Kitô, bởi vì Người là Đầu…. Do đó, điều thiện hảo của Đức Kitô được truyền thông … cho tất cả các chi thể; và sự truyền thông này được thực hiện qua các bí tích của Hội Thánh”[2]. “Thật vậy, Thần Khí duy nhất điều khiển Hội Thánh làm cho bất cứ điều gì được thu thập trong Hội Thánh, đều là của chung”[3].

Số 948. Vì vậy, thuật ngữ “các Thánh thông công” có hai nghĩa: “hiệp thông trong các thực tại thánh (sancta)” và “hiệp thông giữa những người thánh (sancti)”.

Sancta sanctis! (Các thực tại thánh cho những người thánh)” là lời chủ tế xướng lên trong nhiều phụng vụ Đông phương, lúc nâng cao Mình Máu Thánh trước khi cho rước lễ. Các Kitô hữu (sancti) được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Đức Kitô (sancta) để tăng trưởng trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần (Koinônia) và truyền thông sự hiệp thông đó cho trần gian.

Số 949. Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Sự hiệp thông trong đức tin. Đức tin của các tín hữu là đức tin của Hội Thánh, được đón nhận từ các Tông Đồ, là kho tàng của sự sống, một kho tàng khi được truyền thông thì lại thêm phong phú.

Số 950. Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này”[4].

Số 951. Sự hiệp thông các đặc sủng: Trong sự hiệp thông của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội Thánh[5]. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).

Số 952. “Đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32): “Kitô hữu thật sự không sở hữu một điều gì, mà không cho rằng đó là của chung cho mình cùng với tất cả những người khác; vì vậy họ phải mau mắn và sẵn sàng làm nhẹ bớt sự cùng khốn của những người túng thiếu”[6]. Kitô hữu là người quản lý tài sản của Chúa[7].

Số 953. Sự hiệp thông đức mến: Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7). “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là Thân Thể của Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,26-27). Đức mến “không tìm tư lợi” (1 Cr 13,5)[8]. Việc nhỏ nhất trong các hành vi của chúng ta được làm trong đức mến đều sinh lợi ích cho mọi người, trong sự liên đới hỗ tương với tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, sự liên đới đó được đặt nên trong mầu nhiệm “các Thánh thông công”. Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.

Số 954. Ba tình trạng của Hội Thánh. “Cho tới khi Chúa ngự đến trong sự uy nghi của Người, có tất cả các Thiên thần với Người, và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi sự đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ của Chúa, có những người đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những người đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, lại có những người đã được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng ‘cách tỏ tường chính Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, như Ngài là’”[9]:

“Tuy nhiên, tất cả chúng ta, theo mức độ và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và cùng hát lên bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Thật vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Kitô, có Thần Khí của Người, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Người”[10].

Số 955. “Vì vậy, sự kết hợp giữa những người còn đi đường với các anh em đã yên nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội Thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng”[11].

Số 956. Sự chuyển cầu của các Thánh: “Vì được gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô, các Thánh trên trời củng cố toàn thể Hội Thánh một cách vững chắc hơn trong sự thánh thiện…. Các ngài không ngừng chuyển cầu với Chúa Cha cho chúng ta, trong khi dâng các công nghiệp các ngài đã lập được nơi trần thế nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Kitô Giêsu…. Nhờ vậy sự yếu đuối của chúng ta được giúp đỡ rất nhiều bằng sự quan tâm huynh đệ của các ngài”[12]:

“Anh em đừng khóc, bởi vì tôi sẽ có ích cho anh em hơn, ở nơi tôi sắp tới, hơn là lúc tôi ở đây”[13].

“Tôi muốn ở trên trời, để làm việc lành dưới thế”[14].

Số 957. Hiệp thông với các Thánh. “Chúng ta không chỉ kính nhớ các Thánh trên trời vì gương sáng của các ngài, nhưng hơn thế nữa, còn để sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh trong Thần Khí được tăng cường nhờ việc thực thi đức mến huynh đệ. Thật vậy, cũng như sự hiệp thông giữa những người đi đường đưa chúng ta tới gần Đức Kitô hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng kết hợp chúng ta với Đức Kitô, tự nơi Người, với tư cách là nguồn mạch và là Đầu, tuôn chảy mọi ân sủng và sự sống của chính dân Thiên Chúa”[15]:

“Quả vậy, chúng ta tôn thờ Đức Kitô vì Người là Con Thiên Chúa; và chúng ta yêu mến một cách chính đáng các vị Tử Đạo, xét như là những môn đệ và những người bắt chước Chúa, vì sự hết sức tốt lành của các ngài đối với Đấng là Vua và Thầy của mình; ước gì chúng ta được là bạn đồng hành và đồng môn với các ngài”[16].

Số 958. Hiệp thông với những người đã qua đời. “Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2 Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ”[17]. Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu.

Số 959. Trong gia đình duy nhất của Thiên Chúa. “Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Đức Kitô, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong đức mến hỗ tương và trong cùng một lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh”[18].

Số 960. Hội Thánh là “sự hiệp thông của các Thánh”: thuật ngữ này trước hết chỉ sự hiệp thông trong “các thực tại thánh” (sancta), nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích này “biểu thị và thực hiện sự hợp nhất của các tín hữu, những người hợp thành một Thân Thể trong Đức Kitô”[19].

Số 961. Thuật ngữ này cũng chỉ sự hiệp thông của “những người thánh” (sancti) trong Đức Kitô, Đấng “đã chết cho mọi người”. Sự hiệp thông này thâm sâu đến nỗi, điều gì mỗi người làm hoặc chịu, trong và vì Đức Kitô, cũng đều mang lại hoa trái cho mọi người.

Số 962. “Chúng tôi tin sự hiệp thông của tất cả các Kitô hữu, nghĩa là của những người lữ hành nơi trần thế, những người đã qua đời và đang được thanh luyện, và những người đang vui hưởng vinh phúc thiên quốc, tất cả hợp thành một Hội Thánh duy nhất; và chúng tôi cũng tin rằng trong sự hiệp thông đó, chúng tôi được hưởng nhờ tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của các Thánh của Ngài, các Đấng luôn lắng nghe những lời cầu khẩn của chúng tôi”[20].

... Phụng vụ trần thế tham dự vào phụng vụ trên trời

Số 1090. “Trong phụng vụ trần thế, chúng ta tham dự như một cách nếm trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là lữ khách đang tiến về, ở đó, Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, là thừa tác viên của cung thánh, và của nhà tạm đích thực; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa; chúng ta kính nhớ các Thánh, và hy vọng được đồng phận với các ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho đến khi Người, là sự sống của chúng ta, xuất hiện, và chúng ta sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang”[21].

Những người cử hành Phụng vụ thiên quốc

Số 1137. Sách Khải Huyền của thánh Gioan, được đọc trong phụng vụ của Hội Thánh, trước tiên cho chúng ta thấy một cái ngai được đặt trên trời; và Đấng ngự trên ngai[22]: đó là “Chúa” (Is 6,1)[23]. Rồi đến “Một Con Chiên trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6)[24]: đó là Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, là vị Thượng Tế duy nhất của cung thánh đích thực[25], chính Người “vừa là người dâng vừa là lễ vật được dâng lên, vừa là người tặng vừa là quà được hiến tặng”[26]. Cuối cùng là “con sông có nước trường sinh, … chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22,1), đó là một trong những biểu tượng đẹp nhất về Chúa Thánh Thần[27].

Số 1138. “Những ai được quy tụ” trong Đức Kitô tham dự vào việc phục vụ là ca ngợi Thiên Chúa và việc chu toàn kế hoạch của Ngài là: các Quyền thần trên trời[28], toàn thể thụ tạo (tượng trưng bằng bốn Con vật), các thừa tác viên thời Cựu và Tân Ước (24 Kỳ mục), dân mới của Thiên Chúa (144 ngàn người)[29], đặc biệt là các vị tử đạo “những người đã bị giết vì đã rao giảng lời Thiên Chúa” (Kh 6,9), và Mẹ chí thánh của Thiên Chúa (Người Phụ nữ[30]; Hiền thê của Con Chiên[31]), cuối cùng là “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước, và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9).

Số 1139. Chúa Thánh Thần và Hội Thánh cho chúng ta được tham dự vào Phụng vụ vĩnh cửu này, khi chúng ta cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các bí tích.

Số 1370. Không những các chi thể của Đức Kitô còn ở trần gian, mà cả những vị đang hưởng vinh quang trên trời cũng được kết hợp với lễ tế của Đức Kitô: Hội Thánh dâng hy tế Thánh Thể trong sự hiệp thông với Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, và nhớ đến ngài cũng như đến tất cả các Thánh nam nữ. Trong Thánh lễ, Hội Thánh một cách nào đó đứng dưới Thánh Giá, cùng với Mẹ Maria, kết hợp với lễ tế và lời chuyển cầu của Đức Kitô.


Số 956, 2683: Sự chuyển cầu của các Thánh

Số 956. Sự chuyển cầu của các Thánh: “Vì được gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô, các Thánh trên trời củng cố toàn thể Hội Thánh một cách vững chắc hơn trong sự thánh thiện…. Các ngài không ngừng chuyển cầu với Chúa Cha cho chúng ta, trong khi dâng các công nghiệp các ngài đã lập được nơi trần thế nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Kitô Giêsu…. Nhờ vậy sự yếu đuối của chúng ta được giúp đỡ rất nhiều bằng sự quan tâm huynh đệ của các ngài”[32]:

“Anh em đừng khóc, bởi vì tôi sẽ có ích cho anh em hơn, ở nơi tôi sắp tới, hơn là lúc tôi ở đây”[33].

“Tôi muốn ở trên trời, để làm việc lành dưới thế”[34].

Số 2683. Những chứng nhân đã đi trước chúng ta vào Nước Thiên Chúa[35], nhất là những vị được Hội Thánh nhìn nhận là “các Thánh”, hiệp thông vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện, bằng gương sáng đời sống, bằng việc lưu truyền các văn phẩm và bằng lời cầu nguyện hiện nay của các ngài. Các ngài đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ca tụng Ngài và không ngừng chăm sóc những người còn ở trần gian. Các ngài, những vị đã đi vào “hưởng niềm vui” của Chúa mình, đã được đặt lên trông coi “nhiều việc”[36]. Sự chuyển cầu của các ngài là việc các ngài phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa cách cao cả nhất. Chúng ta có thể và phải cầu nguyện để các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.


Số 828, 867, 1173, 2030, 2683-2684: Các thánh, những mẫu gương của sự thánh thiện

Số 828. Khi phong thánh cho một số tín hữu, nghĩa là khi long trọng tuyên bố những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh dũng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa, Hội Thánh nhìn nhận quyền năng của Thần Khí thánh thiện đang ngự nơi mình và Hội Thánh nâng đỡ niềm hy vọng của các tín hữu khi đưa các thánh làm gương mẫu và làm người chuyển cầu cho họ[37]. “Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất suốt dòng lịch sử Hội Thánh, các Thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và là khởi điểm của sự canh tân”[38]. “Quả thật, sự thánh thiện của Hội Thánh là nguồn mạch bí ẩn và là thước đo không thể sai lầm của hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh”[39].

Số 867. Hội Thánh thánh thiện: Thiên Chúa chí thánh là Đấng sáng lập Hội Thánh; Đức Kitô, Phu Quân của Hội Thánh đã tự hiến để thánh hóa Hội Thánh; Thần Khí thánh thiện làm cho Hội Thánh được sống. Dù bao gồm những người tội lỗi, Hội Thánh vẫn là “cộng đoàn không tội lỗi được tạo thành từ những người tội lỗi”. Nơi các Thánh, Hội Thánh chiếu tỏa sự thánh thiện của mình. Nơi Đức Maria, Hội Thánh đã thánh thiện trọn vẹn.

Số 1173. Trong chu kỳ hằng năm, khi kính nhớ các Thánh tử đạo và các vị Thánh khác, Hội Thánh “công bố mầu nhiệm Vượt Qua” nơi các người nam và người nữ đó, là “những vị đã cùng chịu đau khổ và cùng được vinh hiển với Đức Kitô, và Hội Thánh trình bày cho các tín hữu những mẫu gương của các ngài, để lôi kéo tất cả đến với Chúa Cha nhờ Đức Kitô, và nhờ công nghiệp của các ngài, Hội Thánh nhận được những ơn lành của Thiên Chua”[40].

Số 2030. Chính trong Hội Thánh, trong sự hiệp thông với tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội mà Kitô hữu chu toàn ơn gọi của mình. Từ Hội Thánh, họ đón nhận Lời Thiên Chúa chứa đựng các đạo lý của “Luật Đức Kitô”[41]. Từ Hội Thánh, họ lãnh nhận ân sủng của các bí tích nâng đỡ họ trên “đường”. Từ Hội Thánh, họ học mẫu gương của sự thánh thiện; họ nhận ra hình ảnh và nguồn mạch của sự thánh thiện này nơi Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, phân định ra sự thánh thiện này qua chứng từ chân chính của những người đang sống theo sự thánh thiện; họ khám phá sự thánh thiện này trong truyền thống linh đạo và trong lịch sử lâu dài của các Thánh, những vị đã đi trước họ và phụng vụ đang mừng kính các ngài theo chu kỳ các Thánh.

Đông đảo các chứng nhân

Số 2683. Những chứng nhân đã đi trước chúng ta vào Nước Thiên Chúa[42], nhất là những vị được Hội Thánh nhìn nhận là “các Thánh”, hiệp thông vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện, bằng gương sáng đời sống, bằng việc lưu truyền các văn phẩm và bằng lời cầu nguyện hiện nay của các ngài. Các ngài đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ca tụng Ngài và không ngừng chăm sóc những người còn ở trần gian. Các ngài, những vị đã đi vào “hưởng niềm vui” của Chúa mình, đã được đặt lên trông coi “nhiều việc”[43]. Sự chuyển cầu của các ngài là việc các ngài phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa cách cao cả nhất. Chúng ta có thể và phải cầu nguyện để các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Số 2684. Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, đã có nhiều đường hướng linh đạo phát sinh suốt dòng lịch sử Hội Thánh. Đặc sủng riêng của từng chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa đối với con người, có thể được truyền lại, như “thần trí” của ông Êlia được truyền lại cho ông Êlisê[44] và cho ông Gioan Tẩy Giả[45], để các môn đệ có thể tham dự vào thần trí ấy[46]. Một linh đạo nào đó cũng là kết tinh của những trào lưu phụng vụ và thần học khác nhau, và làm chứng cho sự hội nhập đức tin vào một môi trường nhân văn trong lịch sử. Các linh đạo Kitô giáo tham dự vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện và là những hướng dẫn cần thiết cho các tín hữu. Các linh đạo này, tuy rất đa dạng, đều toả chiếu ánh sáng tinh tuyền và duy nhất của Chúa Thánh Thần.

“Thần Khí thật sự là nơi lưu ngụ của các Thánh. Thánh nhân cũng là nơi lưu ngụ riêng của Thần Khí, vì thánh nhân đã tự hiến để ở cùng Thiên Chúa và được gọi là đền thờ của Ngài”[47].


Bài Ðọc I: Kh 7, 2–4, 9–14

“Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.

Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.

Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 23, 1–2. 3–4ab. 5–6

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa.

Xướng: 1) Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi.

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa.

2) Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá.

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa.

3) Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp.

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa.


Bài Ðọc II: 1Ga 3, 1–3

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Mc 11,28

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”. – Alleluia.


Phúc Âm: Mt 5, 1–12a

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.

Ðó là lời Chúa.

______

[1] Thánh Nicetas Remesianae, Instructio ad competentes, 5, 3, 23 [Explanatio Symboli, 10]: TPL 1, 119 (PL 52, 871).

[2] Thánh Tôma Aquinô, In Symbolum Apostolorum scilicet “Credo in Deum” Expositio, 13: Opera omnia, v. 27 (Parisiis 1875) 224.

[3] Catechismus Romanus, 1, 10, 24: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 119.

[4] Catechismus Romanus, 1, 10, 24: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 119.

[5] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 16.

[6] Catechismus Romanus, 1, 10, 27: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 121.

[7] X. Lc 16,1-3.

[8] X. 1 Cr 10,24.

[9] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 (1965) 54.

[10] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 (1965) 54-55.

[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 (1965) 55.

[12] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 (1965) 55.

[13] Thánh Đôminicô, khi hấp hối, nói với các anh em mình: Relatio iuridica 4 (Frater Radulphus de Faventia) 42: Acta sanctorum, Augustus I, 636; x. Iordanus de Saxonia, Vita 4, 69: Acta Sanctorum, Augustus I, 551.

[14] Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, Verba (17-7-1897): Derniers Entretiens (Paris 1971) 270.

[15] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 50: AAS 57 (1965) 56.

[16] Martyrium sancti Polycarpi 17, 3: SC 10bis, 232 (Funk 1, 336).

[17] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 50: AAS 57 (1965) 55.

[18] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 51: AAS 57 (1965) 58.

[19] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[20] ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 30: AAS 60 (1968) 445.

[21] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 8: AAS 56 (1964) 101; x. Id., Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 50: AAS 57 (1965) 55-57.

[22] X. Kh 4,2.

[23] X. Ed 1,26-28.

[24] X. Ga 1,29.

[25] X. Dt 4,14-15; 10,19-21; etc.

[26] Liturgia Byzantina. Anaphora Iohannis Chrysostomi: F.E. Brightman, Liturgies Eastern and Western (Oxford 1896) 378 (PG 63, 913).

[27] X. Ga 4,10-14; Kh 21,6.

[28] X. Kh 4-5; Is 6,2-3.

[29] X. Kh 7,1-8; 14,1.

[30] X. Kh 12.

[31] X. Kh 21,9.

[32] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 49: AAS 57 (1965) 55.

[33] Thánh Đôminicô, khi hấp hối, nói với các anh em mình: Relatio iuridica 4 (Frater Radulphus de Faventia) 42: Acta sanctorum, Augustus I, 636; x. Iordanus de Saxonia, Vita 4, 69: Acta Sanctorum, Augustus I, 551.

[34] Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, Verba (17-7-1897): Derniers Entretiens (Paris 1971) 270.

[35] X. Dt 12,1.

[36] X. Mt 25,21.

[37] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 40: AAS 57 (1965) 44-45; Ibid., 48-51: AAS 57 (1965) 53-58.

[38] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 16: AAS 81 (1989) 417.

[39] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 17: AAS 81 (1989) 419-420.

[40] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 104: AAS 56 (1964) 126; x. Ibid., 108: AAS 56 (1964) 126; Ibid., 111: AAS 56 (1964) 127.

[41] X. Gl 6,2.

[42] X. Dt 12,1.

[43] X. Mt 25,21.

[44] X. 2 V 2,9.

[45] X. Lc 1,17.

[46] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 2: AAS 58 (1966) 703.

[47] Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 26, 62: SC 17bis, 472 (PG 32, 184).