Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly

Số 736, 737, 755, 787, 1108, 1988, 2074: Đức Kitô là Cây Nho, chúng ta là cành

Số 953, 1822-1829: Đức mến

Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

Bài Ðọc II: 1Ga 3, 18-24

Phúc Âm: Ga 15, 1-8


Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly

2746. Khi đến Giờ của Người, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha[1]. Lời cầu nguyện của Người, lời dài nhất được sách Tin Mừng lưu truyền, bao gồm toàn bộ Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ, cũng như cả cái Chết và sự Phục sinh của Người. Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giêsu vẫn luôn còn là lời cầu nguyện của Người, cũng như cuộc Vượt Qua của Người, đã diễn ra “một lần cho mãi mãi”, vẫn luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh Người.

2747. Truyền thống Kitô giáo gọi lời nguyện này một cách xác đáng là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu. Đây chính là lời cầu nguyện của Vị Thượng Tế của chúng ta, lời cầu nguyện này không thể tách rời khỏi cuộc hiến tế của Người, khỏi cuộc Vượt Qua của Người để về cùng Chúa Cha, trong đó chính Người “được thánh hiến”[2] trọn vẹn cho Chúa Cha.

2748. Trong lời cầu nguyện của cuộc Vượt Qua, của cuộc hiến tế này, mọi sự “được quy tụ”[3] trong Người: Thiên Chúa và thế gian, Ngôi Lời và xác phàm, sự sống vĩnh cửu và thời gian, tình yêu tự trao nộp và tội phản bội lại tình yêu, các môn đệ đang có mặt và những người sẽ tin vào Người nhờ lời của các ông, sự hạ mình và vinh quang. Đó là lời cầu nguyện của sự Hợp nhất.

2749. Chúa Giêsu đã hoàn thành toàn bộ công trình của Chúa Cha và lời cầu nguyện cũng như hy lễ của Người trải rộng tới lúc hoàn tất thời gian. Lời cầu nguyện trong Giờ của Người hoàn thành những thời buổi cuối cùng và dẫn đưa chúng đến chỗ hoàn tất. Chúa Giêsu, Người Con đã được Chúa Cha trao cho mọi sự, đã trao hiến trọn vẹn cho Chúa Cha và đồng thời Người tỏ ra mình hoàn toàn tự do[4], nhờ quyền năng Chúa Cha ban cho Người trên mọi xác phàm. Người Con, Đấng đã trở thành Người Tôi Tớ, là Chúa, là Đấng Toàn Năng (Pantocrator). Vị Thượng Tế cao cả của chúng ta, Đấng cầu nguyện cho chúng ta, cũng là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, và là Thiên Chúa, Đấng nhận lời chúng ta cầu nguyện.

2750. Khi đã thuộc về Danh thánh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đón nhận, từ bên trong, lời cầu nguyện chính Người dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con”. Lời cầu nguyện tư tế của Người, từ bên trong, gợi hứng cho những lời cầu xin quan trọng của kinh Lạy Cha: quan tâm đến Danh Cha[5], nhiệt tình với Nước Cha (vinh quang[6]), chu toàn Ý Cha, kế hoạch cứu độ của Ngài[7] và sự giải thoát khỏi sự dữ[8].

2751. Cuối cùng, trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu mạc khải và dạy chúng ta sự “hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa Cha và Chúa Con[9]. Sự hiểu biết ấy chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.

 

Số 736, 737, 755, 787, 1108, 1988, 2074: Đức Kitô là Cây Nho, chúng ta là cành

736. Nhờ sức mạnh đó của Chúa Thánh Thần, các con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái. Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ làm cho chúng ta mang lại hoa trái của Thần Khí, là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính mình[10], Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động[11].

“Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được phục hồi để vào thiên đàng, được dẫn lên Nước Trời, được ban ơn làm nghĩa tử: chúng ta được vững lòng để gọi Thiên Chúa là Cha của mình, và thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, được gọi là con cái ánh sáng và dự phần vào vinh quang vĩnh cửu”[12].

737. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Sứ vụ phối hợp này từ nay đưa các tín hữu của Đức Kitô vào sự hiệp thông của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần: Thần Khí chuẩn bị người ta, Ngài đến với họ trước bằng ân sủng của Ngài để lôi kéo họ đến với Đức Kitô. Chính Ngài làm tỏ hiện Chúa phục sinh cho họ, nhắc cho họ nhớ Lời của Người và mở trí cho họ hiểu được sự Chết và sự Sống Lại của Người. Ngài làm cho mầu nhiệm của Đức Kitô hiện diện cho họ, nhất là trong bí tích Thánh Thể, để hòa giải họ, và cho họ được hiệp thông với Thiên Chúa, để làm cho họ “mang lại nhiều hoa trái”[13].

755. “Hội Thánh là thửa ruộng, hay cánh đồng của Thiên Chúa[14]. Trong cánh đồng đó, mọc lên cây ôliu cổ thụ mà gốc rễ thánh là các Tổ phụ, và nơi cây này, sự giao hoà giữa những người Do thái và các dân ngoại đã được và sẽ được thực hiện[15]. Hội Thánh được Nhà Làm Vườn thiên quốc trồng như một cây nho được tuyển chọn[16]. Đức Kitô là cây nho thật, ban sức sống và sự sinh sôi nảy nở các ngành, tức là chúng ta, những kẻ được ở trong Người nhờ Hội Thánh, và không có Người, chúng ta không thể làm gì được[17][18].

787. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kết hợp các môn đệ Người vào cuộc đời Người[19]; Người đã mạc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời[20]; và cho họ được tham dự vào sứ vụ, niềm vui[21] và những đau khổ của Người[22]. Chúa Giêsu còn nói đến một sự hiệp thông mật thiết hơn nữa giữa Người với những ai đi theo Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em…. Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,4-5). Và Người loan báo một sự hiệp thông bí nhiệm và thật sự giữa thân thể của Người và thân thể của chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

1108. Mục đích của sứ vụ Chúa Thánh Thần trong mọi hoạt động phụng vụ là để chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô để làm nên Thân Thể Người. Chúa Thánh Thần như nhựa sống trong cây nho của Chúa Cha, mang lại hoa trái nơi các ngành nho[23]. Trong phụng vụ, sự cộng tác mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh được thực hiện. Chính Ngài, Thần Khí của sự hiệp thông, luôn hiện diện trong Hội Thánh, và do đó, Hội Thánh là bí tích lớn của sự hiệp thông của Thiên Chúa, một bí tích quy tụ các con cái Thiên Chúa còn đang tản mác. Hoa trái của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ là, một cách không thể tách rời, sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh và sự hiệp thông huynh đệ[24].

1988. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô khi chết cho tội lỗi, và được tham dự vào sự phục sinh của Người khi được sinh vào đời sống mới; chúng ta là những chi thể của Thân Thể Người là Hội Thánh[25], là những ngành nho được ghép vào Cây nho là chính Đức Kitô[26]:

“Nhờ Thần Khí chúng ta được dự phần vào Thiên Chúa. Nhờ sự truyền thông Thần Khí, chúng ta được trở nên những người đồng phận với bản tính thần linh…. Vì thế, những ai có Thần Khí ngự nơi mình, đều được thần linh hóa”[27].

2074. Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Hoa trái được nói đến trong lời này là sự thánh thiện của một đời sống được sinh sôi nảy nở nhờ kết hợp với Đức Kitô. Khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta truyền thông các mầu nhiệm của Người và tuân giữ các điều răn của Người, thì chính Người là Đấng Cứu Độ đến trong chúng ta để yêu thương Cha Người và các anh em Người, cũng là Cha chúng ta và các anh em chúng ta. Nhờ Thần Khí, bản thân Chúa Giêsu trở thành quy luật sống động và nội tâm cho cách hành động của chúng ta. “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

 

Số 953, 1822-1829: Đức mến

953. Sự hiệp thông đức mến: Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7). “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là Thân Thể của Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,26-27). Đức mến “không tìm tư lợi” (1 Cr 13,5)[28]. Việc nhỏ nhất trong các hành vi của chúng ta được làm trong đức mến đều sinh lợi ích cho mọi người, trong sự liên đới hỗ tương với tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, sự liên đới đó được đặt nên trong mầu nhiệm “các Thánh thông công”. Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.

Đức mến

1822. Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình.

1823. Chúa Giêsu lấy đức mến làm điều răn mới[29]. Khi yêu thương những kẻ thuộc về Người “đến cùng” (Ga 13,1), Người biểu lộ tình yêu của Chúa Cha mà Người đã đón nhận. Khi yêu mến nhau, các môn đệ bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu mà họ cũng đã đón nhận. Vì vậy, Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Và Người còn nói: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

1824. Là hoa trái của Thần Khí và là sự viên mãn của Lề luật, đức mến giữ các điều răn của Thiên Chúa và của Đức Kitô của Ngài: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9-10)[30].

1825. Đức Kitô đã chịu chết vì yêu mến chúng ta, khi chúng ta còn là “thù nghịch” (Rm 5,10). Chúa đòi chúng ta rằng, cũng như Người, chúng ta phải yêu mến cả kẻ thù của chúng ta[31], rằng chúng ta phải trở thành người lân cận cho những kẻ ở xa nhất[32], rằng chúng ta phải yêu thương trẻ em[33] và người nghèo như chính Người[34].

Thánh Tông Đồ Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

1826. Thánh Tông Đồ còn nói: không có đức mến, “tôi chẳng là gì”. Và bất cứ điều gì là đặc ân, công việc phục vụ, thậm chí nhân đức… nếu tôi không có đức mến, thì cũng “chẳng ích gì cho tôi”[35]. Đức mến cao trọng hơn mọi nhân đức. Đức mến đứng đầu các nhân đức đối thần: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13).

1827. Việc thực thi tất cả các nhân đức được nên sinh động và được gợi hứng bởi đức mến. Nhân đức này là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14); là mô thể của các nhân đức; liên kết và phối hợp các nhân đức; là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức Kitô giáo. Đức mến củng cố và thanh luyện khả năng yêu thương của con người. Đức mến nâng khả năng này lên mức trọn hảo siêu nhiên của tình yêu của Thiên Chúa.

1828. Việc thực hành đời sống luân lý, được sinh động nhờ đức mến, đem lại cho Kitô hữu sự tự do thiêng liêng của con cái Thiên Chúa. Người đó đứng trước Thiên Chúa, không còn như một kẻ nô lệ, trong sự sợ hãi tôi đòi, hay như người làm công ăn lương, nhưng như là người con đáp lại tình yêu của “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19):

“Nếu chúng ta xa lánh điều xấu vì sợ hình phạt, chúng ta sẽ sống trong tâm trạng của người nô lệ; nếu chạy theo sự cám dỗ của phần thưởng, … chúng ta sẽ giống như người làm thuê; nhưng nếu vì chính sự đáng kính và vì tình yêu của Đấng ban hành lề luật…, chúng ta mới thật sự sống trong tâm tình của con cái”[36].

1829. Niềm vui, sự bình an và lòng thương xót là như hoa trái của đức mến. Đức mến đòi hỏi phải làm điều tốt và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ; đức mến thì nhân hậu; nó khơi dậy sự tương thân tương ái, không tìm tư lợi, và quảng đại; đức mến là tình bằng hữu và sự hiệp thông:

“Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ”[37].

 

Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

“Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy Lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.

Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội.

Xướng: 1) Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”.

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội.

2) Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội.

3) Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Ðiều đó Chúa đã làm”.

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội.

 

Bài Ðọc II: 1Ga 3, 18-24

“Ðây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.

Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.

Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 15,4.5b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

 



[1] X. Ga 17.

[2] X. Ga 17,11.13.19.

[3] X. Ep 1,10.

[4] X. Ga 17,11.13.19.24.

[5] X. Ga 17,6.11.12.26.

[6] X. Ga 17,1.5.10.22.23-26.

[7] X. Ga 17,2.4.6.9.11.12.24.

[8] X. Ga 17,15.

[9] X. Ga 17,3.6-10.25.

[10] X. Mt 16,24-26.

[11] X. Gl 5,25.

[12] Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 15,36: SC 17bis, 370 (PG 32, 132).

[13] X. Ga 15,5.8.16.

[14] X. 1 Cr 3,9.

[15] X. Rm 11,13-26.

[16] X. Mt 21,33-43 và song song; Is 5,1-7.

[17] X. Ga 15,1-5.

[18] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 8.

[19] X. Mc 1,l6-20; 3,l3-l9.

[20] X. Mt l3,l0-l7.

[21] X. Lc l0,l7-20.

[22] X. Lc 22,28-30.

[23] X. Ga 15,1-17 ; Gl 5,22.

[24] X. 1 Ga 1,3-7.

[25] X. 1 Cr 12.

[26] X. Ga 15,1-4.

[27] Thánh Athanasiô Alexandria, Epistula ad Serapionem, 1, 24: PG 26, 585-588.

[28] X. 1 Cr 10,24.

[29] X. Ga 13,34.

[30] X. Mt 22,40; Rm 13,8-10.

[31] X. Mt 5,44.

[32] X. Lc 10,27-37.

[33] X. Mc 9,37.

[34] X. Mt 25,40.45.

[35] X. 1 Cr 13,1-3.

[36] Thánh Basiliô Cả, Regulae fusius tractatae, prol. 3: PG 31, 896.

[37] Thánh Augustinô, In epistulam Ioannis ad Parthos tractatus, 10, 4: PL 35, 2056-2057.