NỘI DUNG CHÍNH Số 148, 495, 717, 2676: Cuộc viếng thăm Số 462, 606-607, 2568, 2824: Chúa Con nhập thể để làm theo ý Chúa Cha |
Số 148, 495, 717, 2676: Cuộc viếng thăm
Số 148. Đức Trinh Nữ Maria thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin. Trong đức tin, Đức Maria đón nhận lời sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, vì ngài tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)[1], và ngài bày tỏ lòng quy phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Bà Êlisabét chào Đức Maria bằng những lời này: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc[2].
Số 495. Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là “Thân mẫu Chúa Giêsu” (Ga 2,l; l9,25)[3]. Cả trước khi Con Mẹ chào đời, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được gọi là “Thân mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)[4].
Số 717. “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1,6). Ông Gioan được “đầy Thánh Thần, ngay khi còn trong lòng mẹ” (Lc 1,15)[5], do chính Đức Kitô mà Đức Trinh Nữ Maria vừa thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Như vậy, việc Đức Maria “viếng thăm” bà Êlisabeth đã trở thành việc Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài[6].
Số 2676. Hai động thái nói trên của kinh nguyện dâng lên Đức Maria được diễn tả cách độc đáo trong kinh Kính Mừng:
“Kính mừng Maria” (Ave, Maria – Laetare, Maria): lời chào của thiên sứ Gabriel mở đầu kinh Kính mừng. Chính Thiên Chúa, qua vị thiên sứ của Ngài, chào Đức Maria. Lời kinh của chúng ta dám lặp lại lời chào Đức Maria với tâm tình của Thiên Chúa khi Ngài đoái thương nhìn đến người nữ tỳ hèn mọn của Ngài[7] và hân hoan vì niềm vui mà Thiên Chúa gặp được nơi Đức Maria[8].
“Bà đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”: hai phần lời chào của vị thiên sứ soi sáng cho nhau. Đức Maria đầy ân sủng vì Chúa ở cùng Mẹ. Ân sủng, mà Mẹ được ban tràn đầy, chính là sự hiện diện của Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng. “Reo vui lên… hỡi thiếu nữ Giêrusalem… Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi” (Sp 3,14.17a). Đức Maria, vì được chính Chúa đến và ngự nơi Mẹ, nên Mẹ chính là thiếu nữ Sion, là Hòm bia Giao Ước, nơi vinh quang Chúa ngự trị: chính Mẹ là “nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21,3). Được “đầy ơn phúc”, Mẹ đã tận hiến cho Đấng đến ngự nơi Mẹ và là Đấng Mẹ sắp trao ban cho thế gian.
“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Sau lời chào của thiên sứ, chúng ta lấy lời chào của bà Êlisabeth làm lời chào của chúng ta. “Được tràn đầy Thánh Thần” (Lc 1,41), bà Êlisabeth là người đầu tiên trong chuỗi dài những thế hệ tung hô Đức Maria là người có phúc[9]: “Em thật có phúc vì đã tin…” (Lc 1,45). Đức Maria “có phúc lạ hơn mọi người nữ” vì Mẹ đã tin rằng lời Chúa sẽ được hoàn thành. Nhờ đức tin, ông Abraham đã trở thành phúc lành cho “mọi gia tộc trên mặt đất” (St 12,3). Nhờ đức tin, Đức Maria đã trở thành Mẹ của các kẻ tin; nhờ Mẹ, mọi dân tộc trên mặt đất được đón nhận Đấng là chính phúc lành của Thiên Chúa: “Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ”.
Số 462, 606-607, 2568, 2824: Chúa Con nhập thể để làm theo ý Chúa Cha
Số 462. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói về mầu nhiệm ấy như sau:
“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7, trích Tv 40,7-9, bản LXX).
Số 606. Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”[10], “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).
Số 607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[11], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).
Số 2568. Mạc khải về cầu nguyện trong Cựu Ước diễn ra giữa việc con người sa ngã và được nâng dậy, giữa tiếng đau thương của Thiên Chúa gọi những đứa con đầu tiên của Ngài: “Ngươi ở đâu?… Ngươi đã làm gì?” (St 3,9.13), và lời đáp lại của Người Con độc nhất lúc Người bước vào trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[12]. Như vậy, việc cầu nguyện gắn liền với lịch sử loài người; cầu nguyện là tương quan với Thiên Chúa trong những biến cố của lịch sử.
Số 2824. Ý Cha được thực hiện một cách tuyệt hảo và một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô, và qua ý chí nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[13]. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8,29). Khi cầu nguyện trong cơn hấp hối, Người hoàn toàn vâng phục ý Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42)[14]. Vì vậy, Chúa Giêsu “đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa” (Gl 1,4). “Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Dt 10,10).
Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a (Dt 1,4a)
“Nơi người sẽ xuất hiện Đấng thống trị Israel”.
Trích sách Tiên tri Mikêa.
Đây lời Chúa phán: Hỡi Bêlem – Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuda, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em ngươi, sẽ trở về với con cái Israel. Ngươi sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa ngươi. Và họ sẽ trở về, vì bây giờ ngươi sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, ngươi sẽ là chính sự bình an.
Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin đoái nhìn chúng tôi, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng tôi sẽ được rỗi
Xướng: 1) Lạy Đấng chăn dắt Israel, xin lắng tai nghe, Chúa là Đấng ngự trên các Vệ Binh Thần và hiện ra trong ánh huy hoàng. Xin Chúa hãy tỏ quyền lực của Chúa, và hãy đến cứu thoát chúng tôi.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin đoái nhìn chúng tôi, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng tôi sẽ được rỗi
2) Lạy Chúa các đạo binh, xin hãy trở lại, từ trời cao, xin Chúa nhìn xem và thăm viếng vườn nho nầy. Xin che chở cây nho mà tay Chúa đã trồng và ngành mà Chúa đã chọn.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin đoái nhìn chúng tôi, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng tôi sẽ được rỗi
3) Xin hãy đưa tay che chở ở bên phải Chúa, trên con người mà Chúa đã chọn. Và chúng tôi không còn lìa xa Chúa nữa, xin Chúa ban cho chúng tôi sự sống, thì chúng tôi sẽ kêu cầu thánh danh Chúa.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin đoái nhìn chúng tôi, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng tôi sẽ được rỗi
Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10
“Này đây tôi đến để thi hành thánh ý Chúa”.
Trích thư gởi tín hữu Do Thái.
Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: Lạy Chúa, này tôi đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về tôi ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Đoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây tối đến để thi hành thánh ý Chúa. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.
Đó là lời Chúa.
Alleluia: Is 61,1; x.Lc 4,18
Alleluia, alleluia! – Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 38-45
“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabeth, và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện.
Đó là lời Chúa.
_____
[1] X. St 18,14.
[2] X. Lc 1,48.
[3] X. Mt 13,55.
[4] X. CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 251.
[5] X. Lc 1,41.
[6] X. Lc 1,68.
[7] X. Lc 1,48.
[8] X. Sp 3,17.
[9] X. Lc 1,48.
[10] X. Ga 6,38.
[11] X. Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23.
[12] X. Dt 10,5-7.
[13] X. Tv 40,8-9.
[14] X. Ga 4,34; 5,30; 6,38.