Số 2083: Các điều răn như lời kêu gọi để đáp lại tình yêu Số 2052, 2093-2094: Điều răn thứ nhất Số 1539-1547: Bí tích Truyền Chức Thánh trong Nhiệm cục cứu độ |
Số 2083: Các điều răn như lời kêu gọi để đáp lại tình yêu
Số 2083. Chúa Giêsu tóm tắt các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa bằng giới răn này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37)[1]. Đây là âm vang trực tiếp của lời hiệu triệu long trọng: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4).
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa duy nhất được nhắc đến trong lời thứ nhất của “Mười lời”. Các điều răn sau đó giải thích câu trả lời của tình yêu mà con người được kêu gọi để đáp lại Thiên Chúa.
Số 2052, 2093-2094: Điều răn thứ nhất
Số 2052. “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Để trả lời cho người thanh niên đặt câu hỏi, Chúa Giêsu nêu lên trước tiên sự cần thiết phải nhận biết Thiên Chúa như “Đấng tốt lành mà thôi”, như Điều Thiện tuyệt hảo và như nguồn mạch của mọi điều tốt lành. Rồi Chúa Giêsu tuyên bố với người đó: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”. Và Người liệt kê các điều răn về tình yêu đối với người lân cận: “Ngươi không được giết người, ngươi không được ngoại tình, ngươi không được trộm cắp, ngươi không được làm chứng gian, ngươi phải thờ cha kính mẹ”. Sau cùng, Chúa Giêsu tóm tắt các điều răn kể trên một cách tích cực rằng: “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19,16-19).
Đức mến
Số 2093. Đức tin vào tình yêu Thiên Chúa bao hàm ơn gọi và sự bắt buộc phải đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng một đức mến chân thành. Điều răn thứ nhất dạy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu mến mọi thụ tạo nhờ Ngài và vì Ngài[2].
Số 2094. Người ta có thể phạm tội nghịch với tình yêu Thiên Chúa bằng nhiều cách: sự lãnh đạm là tội thờ ơ hay từ chối không quan tâm đến tình yêu của Thiên Chúa, không công nhận tình yêu đó luôn đi bước trước và phủ nhận sức mạnh của tình yêu đó. Sự vô ơn là tội quên lãng hay từ chối nhận biết tình yêu của Thiên Chúa và quên lãng hay từ chối đáp lại tình yêu này bằng tình yêu của mình. Sự nguội lạnh là tội do dự hay thờ ơ trong việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, cũng có thể bao hàm sự từ chối dấn thân theo đức mến. Sự lười biếng hay uể oải về mặt thiêng liêng có thể đưa tới sự từ khước niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa và khinh chê sự thiện hảo của Thiên Chúa. Sự căm ghét Thiên Chúa là do kiêu ngạo, chống lại tình yêu của Ngài, phủ nhận sự tốt lành của Ngài và cố ý nguyền rủa Thiên Chúa, Đấng cấm các tội lỗi và đặt ra các hình phạt.
Số 1539-1547: Bí tích Truyền Chức Thánh trong Nhiệm cục cứu độ
Chức tư tế của Giao Ước Cũ
Số 1539. Dân Chúa chọn được Thiên Chúa thiết lập như một “vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,6)[3]. Nhưng giữa dân Israel, Thiên Chúa lại chọn một trong mười hai chi tộc, đó là chi tộc Lêvi, được đặt riêng ra để lo công tác phụng vụ[4]; chính Thiên Chúa là phần gia nghiệp của chi tộc này[5]. Một nghi thức riêng biệt đã thánh hiến các tư tế đầu tiên của Giao Ước Cũ[6]. Họ “được đặt lên vì loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội”[7].
Số 1540. Chức tư tế này được thiết lập để rao giảng lời Thiên Chúa[8] và tái lập sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng các hy lễ và lời cầu nguyện, nhưng nó vẫn không có khả năng thực hiện ơn cứu độ, nên tuy lặp lại không ngừng việc dâng các hy lễ, nó vẫn không đạt được sự thánh hoá vĩnh viễn[9]; điều mà chỉ có hy tế của Đức Kitô mới thực hiện được.
Số 1541. Tuy nhiên, phụng vụ của Hội Thánh vẫn nhận ra trong chức tư tế của ông Aaron và việc phục vụ của các thầy Lêvi, cũng như việc thiết lập nhóm bảy mươi “Kỳ mục”[10], những hình ảnh báo trước cho thừa tác vụ có chức thánh của Giao Ước Mới. Trong nghi lễ La tinh, Hội Thánh cầu xin trong lời nguyện thánh hiến để truyền chức Giám mục như sau:
“Lạy Cha là Thiên Chúa và là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, ... Cha đã dùng lời ân sủng mà ban bố các quy tắc trong Hội Thánh. Từ nguyên thủy, Cha đã tiền định cho dòng dõi những người công chính phát xuất từ tổ phụ Abraham. Cha đã thiết lập những vị thủ lãnh và tư tế, và không để thánh điện Cha thiếu người phục vụ...”[11].
Số 1542. Khi truyền chức linh mục, Hội Thánh cầu nguyện:
“Lạy Chúa là Cha chí thánh, ... ngay ở thời Cựu Ước xa xưa đa phát sinh những chức vụ được thiết lập qua các nhiệm tích: vì khi Cha đặt ông Môisen và ông Aaron cai trị và thánh hoá dân chúng, Cha đã chọn những người có phẩm hàm và địa vị thấp hơn để giúp đỡ tập thể và công việc của các ông. Vì vậy, trong hoang địa, Cha đã phân phát thần trí của ông Môisen cho bảy mươi người có trí thông minh…. Cũng vậy, Cha đã thông ban sự sung mãn của ông Aaron cho con cháu ông”[12].
Số 1543. Và trong lời nguyện thánh hiến để truyền chức Phó Tế, Hội Thánh tuyên xưng:
“Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, … Cha ban cho Thân Thể ấy (là Hội Thánh của Cha) tăng trưởng và triển nở thành Đền Thờ mới mẻ rộng lớn. Bằng các nhiệm vụ thánh, Cha thiết lập ba cấp thừa tác viên phục vụ Danh Cha, như Cha đã chọn con cháu ông Lêvi từ thuở đầu, để chu toàn thừa tác vụ nơi đền thánh cũ”[13].
Chức tư tế duy nhất của Đức Kitô
Số 1544. Tất cả hình ảnh của Giao Ước Cũ báo trước về chức tư tế đã được hoàn tất nơi Đức Kitô Giêsu, “Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1 Tm 2,5). Ông Melchisedech, “tư tế của Thiên Chúa tối cao” (St 14,18), được truyền thống Kitô giáo xem như hình ảnh báo trước chức tư tế của Đức Kitô, Đấng duy nhất là “Thượng tế theo phẩm trật Melchisedech” (Dt 5,10; 6,20), “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội” (Dt 7,26), “Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo” (Dt 10,14), nghĩa là Người chỉ dâng một hy lễ thập giá.
Số 1545. Hy lễ cứu chuộc của Đức Kitô là duy nhất, được thực hiện một lần cho mãi mãi. Tuy nhiên, hy lễ này hiện diện trong hy lễ Thánh Thể của Hội Thánh. Cũng có thể nói y như vậy về chức tư tế duy nhất của Đức Kitô: chức tư tế của Người hiện diện nhờ chức tư tế thừa tác mà tính duy nhất của chức tư tế của Đức Kitô không bị suy giảm: “Thật vậy, Đức Kitô là vị Tư tế đích thực duy nhất, còn những người khác chỉ là thừa tác viên của Người”[14].
Hai cách tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô
Số 1546. Đức Kitô, là thượng tế và trung gian duy nhất, đã làm cho Hội Thánh thành vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người[15]. Như vậy, toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do Phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Kitô là Tư tế, Tiên tri và Vương đế. Nhờ các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, các tín hữu “được thánh hiến để trở nên... một hàng tư tế thánh”[16].
Số 1547. Chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của các Giám mục và linh mục và chức tư tế cộng đồng của tất cả các tín hữu, “mỗi chức theo cách của mình, tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô”[17]; tuy khác nhau về bản chất, nhưng “cả hai tuỳ thuộc lẫn nhau”[18]. Theo nghĩa nào? Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu được thực hiện qua việc làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa, đời sống tin cậy mến, đời sống theo Chúa Thánh Thần; còn chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa của mọi Kitô hữu. Đó là một trong những phương tiện Đức Kitô không ngừng sử dụng để xây dựng và dẫn dắt Hội Thánh Người. Vì vậy mà chức tư tế thừa tác được trao ban qua một bí tích riêng, là bí tích Truyền Chức Thánh.
Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6
“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
3) Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28
“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.
Trích thư gởi cho tín hữu Do Thái.
Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4,4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 28b-34
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
________
[1] X. Lc 10,27: “… hết sức lực ngươi”.
[2] X. Đnl 6,4-5.
[3] X. Is 61,6.
[4] X. Ds 1,48-53.
[5] X. Gs 13,33.
[6] X. Xh 29,1-30; Lv.8.
[7] X. Dt 5,1.
[8] X. Ml 2,7-9.
[9] X. Dt 5,3; 7,27; 10,1-4.
[10] X. Ds 11,24-25.
[11] Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione Episcopi. Prex ordinationis, 47, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 24.
[12] Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione presbyterorum. Prex ordinationis, 159, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 91-92.
[13] Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione diaconorum. Prex ordinationis, 207, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 121.
[14] Thánh Tôma Aquinô, Commentarium in epistolam ad Hebraeos, c. 7, lect. 4: Opera omnia, v. 21 (Parisiis 1876) 647.
[15] X. Kh 1,6; 5,9-10; 1 Pr 2,5.9.
[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
[17] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
[18] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.