NỘI DUNG CHÍNH

Số 714: Sự mong đợi trong Cựu ước về Đấng Mêsia và Thần Khí

Số 1965-1974: Luật mới và Tin Mừng

Số 106, 108, 515: Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh và những người đọc

Số 787-795: Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô

Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

Bài Ðọc II: 1Cr 12, 12-30 (bài dài)

Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21


Số 714: Sự mong đợi trong Cựu ước về Đấng Mêsia và Thần Khí

Số 714. Chính vì vậy, Đức Kitô khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng của Người bằng cách áp dụng cho mình đoạn sau đây của tiên tri Isaia (Lc 4,18-19)[1]:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa”.

 

Số 1965-1974: Luật mới và Tin Mừng

Số 1965. Luật mới hay Luật Tin Mừng là sự trọn hảo nơi trần thế của Luật thần linh, tự nhiên và được mạc khải. Đây là công trình của Đức Kitô, được trình bày cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi. Đây cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, và nhờ Ngài, nó trở thành luật nội tâm của đức mến: “Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Giuđa.... Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt 8,8.10)[2].

Số 1966. Luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu nhờ tin vào Đức Kitô. Luật này hoạt động nhờ đức mến, và dùng Bài giảng trên núi của Chúa để dạy chúng ta điều phải làm, và dùng các bí tích để truyền thông ân sủng giúp chúng ta thực hiện điều đó:

“Nếu ai sốt sắng và bình tâm suy niệm bài giảng được Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô công bố trên núi, như chúng ta đọc trong sách Tin Mừng theo thánh Matthêu, tôi nghĩ rằng người đó sẽ gặp được ở đó, vì là những lời răn dạy tốt nhất, một quy luật trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Bài giảng này chứa đựng tất cả những mệnh lệnh mà nhờ đó đời sống Kitô hữu được nặn đúc nên”[3].

Số 1967. Luật Tin Mừng hoàn thành[4], tinh luyện, vượt qua và kiện toàn Luật cũ. Trong các mối phúc, Luật mới hoàn thành các lời hứa thần linh khi nâng cao chúng lên và quy hướng chúng về “Nước Trời”. Luật Tin Mừng dành cho những ai sẵn sàng đón nhận niềm hy vọng mới này với lòng tin: những người nghèo, người khiêm tốn, người đau khổ, người có trái tim trong sạch, người bị bách hại vì Đức Kitô, như vậy Luật Tin Mừng phác hoạ những con đường chưa từng thấy của Nước Trời.

Số 1968. Luật Tin Mừng hoàn thành các mệnh lệnh của Lề Luật. Bài giảng của Chúa không hủy bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng rút ra những sức mạnh còn ẩn kín của chúng, và làm cho từ nơi chúng phát sinh ra những đòi hỏi mới: Luật Tin Mừng mạc khải toàn bộ chân lý thần linh và nhân linh của Luật cũ. Luật mới không thêm những mệnh lệnh mới từ bên ngoài, nhưng đi đến chỗ biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim, nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế[5], nơi hình thành đức tin, đức cậy, đức mến, và cùng với chúng, các nhân đức khác. Như vậy, Tin Mừng đưa Lề Luật tới sự viên mãn của nó nhờ bắt chước sự trọn hảo của Cha trên trời[6], nhờ việc tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại, giống như lòng quảng đại của Thiên Chúa[7].

Số 1969. Luật mới thực thi các hành vi tôn giáo: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, khi quy hướng các việc đó về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, khác với những người muốn “được người ta thấy”.[8] Lời cầu nguyện của Luật mới là kinh “Lạy Cha”[9].

Số 1970. Luật Tin Mừng bao hàm sự chọn lựa dứt khoát giữa “hai con đường”[10], và thực hiện các lời dạy của Chúa[11]; Luật Tin Mừng được tóm lược trong khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môisen và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12)[12].

Toàn bộ Luật Tin Mừng được chứa đựng trong điều răn mới của Chúa Giêsu[13], là chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta[14].

Số 1971. Phải thêm vào bài giảng của Chúa giáo lý luân lý trong giáo huấn của các Tông Đồ, như các đoạn Rm 12-15; 1 Cr 12-13; Cl 3-4; Ep 4-5; v.v.... Giáo huấn này lưu truyền đạo lý của Chúa với quyền bính của các Tông Đồ, đặc biệt trong việc trình bày các nhân đức xuất phát từ đức tin vào Đức Kitô và là các nhân đức được đức mến, hồng ân chủ yếu của Chúa Thánh Thần, làm cho sinh động. “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.... thương mến nhau với tình huynh đệ... Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truan, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,9-13). Giáo lý này cũng dạy chúng ta giải quyết những vấn đề lương tâm dưới anh sáng của mối tương quan giữa chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh[15].

Số 1972. Luật mới được gọi là luật của tình yêu, bởi vì dạy chúng ta hành động vì tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ, hơn là vì sợ hãi; Luật mới được gọi là luật của ân sủng, bởi vì mang lại sức mạnh của ân sủng để hành động nhờ đức tin và các bí tích; Luật mới được gọi là luật của sự tự do[16], bởi vì giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc về nghi thức và pháp lý của luật cũ, khiến chúng ta sẵn sàng tự nguyện hành động theo sự thúc đẩy của đức mến, và sau hết làm cho chúng ta chuyển từ thân phận của một tôi tớ “không biết việc chủ làm”, sang tình trạng là bạn hữu của Đức Kitô “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15), hoặc còn tới địa vị là một người con thừa tự nữa[17].

Số 1973. Luật mới, ngoài các điều răn của mình, cũng bao gồm những lời khuyên Phúc Âm. Sự phân biệt của truyền thống giữa các điều răn của Thiên Chúa với các lời khuyên Phúc Âm được thiết lập liên quan đến đức mến, là sự trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Các điều răn nhằm giúp tránh những gì không phù hợp với đức mến. Các lời khuyên có mục tiêu giúp tránh những gì, mặc dầu không đối nghịch, nhưng có thể ngăn cản sự phát triển của đức mến[18].

Số 1974. Các lời khuyên Phúc Âm biểu lộ sự sung mãn sống động của một đức mến không bao giờ hài lòng, vì đã không cho đi nhiều hơn nữa. Các lời khuyên chứng tỏ sự thúc đẩy của đức mến và khích động sự sẵn sàng thiêng liêng của chúng ta. Luật mới chủ yếu cốt tại các điều răn là mến Chúa yêu người. Các lời khuyên chỉ ra những con đường trực tiếp hơn, những phương tiện dễ dàng hơn và phải được thực thi tùy theo ơn gọi của mỗi người:

“Thiên Chúa không muốn mỗi người đều phải giữ tất cả các lời khuyên, nhưng chỉ những lời khuyên nào thích hợp với sự khác biệt của các nhân vị, các thời đại, các hoàn cảnh và các sức lực, như đức mến đòi hỏi; thật vậy, chính đức mến, như là nữ hoàng của mọi nhân đức, mọi giới răn, mọi lời khuyên, và cuối cùng, mọi lề luật và mọi hành động Kitô giáo, nên đức mến ban cho tất cả những điều đo chỗ đứng, trật tự, thời gian và giá trị của chúng”[19].


Số 106, 108, 515: Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh và những người đọc

Số 106. Thiên Chúa đã linh hứng cho các tác giả phàm nhân viết ra các sách thánh. “Để viết ra các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó thôi”[20].

Số 108. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của Sách vở”. Kitô giáo là tôn giáo của “Lời” Thiên Chúa: Lời đó “không phải là lời được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời nhập thể và sống động”[21]. Cần thiết là phải có Đức Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa hằng sống, nhờ Chúa Thánh Thần, mở trí cho chúng ta, thì chúng ta mới hiểu được Thánh Kinh[22], nếu không thì các sách đó chỉ là văn tự chết.

Số 515. Các sách Tin Mừng đã được viết ra bởi những người trong số những người đầu tiên đã có đức tin[23], và muốn cho những người khác được tham dự vào đức tin đó. Đã được biết Chúa Giêsu là ai trong đức tin, họ có thể thấy và chỉ cho người khác thấy những dấu tích của mầu nhiệm của Người trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Từ những mảnh tã quấn thân ngày Người Giáng Sinh[24], cho đến chút giấm lúc Người chịu khổ hình[25], và tấm khăn liệm ngày Người Phục Sinh[26], mọi sự trong cuộc đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người. Qua những cử chỉ, những phép lạ, những lời nói của Người, Người mạc khải “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Như vậy, nhân tính của Người xuất hiện như một “bí tích”, nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người, và của ơn cứu độ mà Ngươi mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và sứ vụ cứu chuộc của Người.


Số 787-795: Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô

Số 787. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kết hợp các môn đệ Người vào cuộc đời Người[27]; Người đã mạc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời[28]; và cho họ được tham dự vào sứ vụ, niềm vui[29] và những đau khổ của Người[30]. Chúa Giêsu còn nói đến một sự hiệp thông mật thiết hơn nữa giữa Người với những ai đi theo Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em…. Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,4-5). Và Người loan báo một sự hiệp thông bí nhiệm và thật sự giữa thân thể của Người và thân thể của chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

Số 788. Khi không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ của Người, Chúa Giêsu đã không để họ phải mồ côi[31]. Người hứa Người sẽ ở với họ cho đến tận thế[32]. Người sai Thần Khí của Người đến với họ[33]. Như vậy sự hiệp thông với Chúa Giêsu một cách nào đó đã trở nên mật thiết hơn: “Quả thật, bằng việc truyền thông Thần Khí của Người, Chúa Giêsu đã thiết lập các anh em Người, được triệu tập từ muôn dân, thành thân thể của Người một cách mầu nhiệm”[34].

Số 789. Việc so sánh Hội Thánh với một thân thể làm sáng tỏ sự ràng buộc thân mật giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Hội Thánh không chỉ được quy tụ quanh Đức Kitô; Hội Thánh được nên một trong Người, trong Thân Thể của Người. Có ba khía cạnh của Hội Thánh – Thân Thể Đức Kitô, cần được lưu ý đặc biệt: sự hợp nhất của mọi chi thể với nhau nhờ họ kết hợp với Đức Kitô; Đức Kitô là Đầu của Thân Thể; và Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô.

“Một Thân Thể duy nhất”

Số 790. Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể của Thân Thể Đức Kitô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Đức Kitô: “Trong thân thể đó, sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô chịu nạn và được tôn vinh”[35]. Điều này đặc biệt là thật đối với bí tích Rửa Tội, nhờ bí tích này chúng ta được kết hợp với cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô[36], và đối với bí tích Thánh Thể, nhờ bí tích này “khi chúng ta được tham dự thật sự vào Thân Thể của Chúa, chúng ta được nâng lên đến sự hiệp thông với Người và với nhau”[37].

Số 791. Sự hợp nhất trong Thân Thể không làm mất tính đa dạng của các chi thể: “Trong việc xây dựng Thân Thể của Đức Kitô, có sự đa dạng của các chi thể và các phận vụ. Chỉ có một Thần Khí, Đấng phân phát các hồng ân khác nhau của Ngài, theo sự phong phú của Ngài và theo nhu cầu của các thừa tác vụ để mang lại lợi ích cho Hội Thánh”[38]. Sự hợp nhất của Nhiệm Thể làm phát sinh và cổ võ đức mến giữa các tín hữu. “Từ đó, nếu một chi thể đau khổ, thì tất cả các chi thể đều đau khổ; còn nếu một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể đều chung vui”[39]. Sau cùng, sự hợp nhất của Thân Thể Đức Kitô chiến thắng mọi chia rẽ nhân loại: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô; không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,27-28).

Đức Kitô là Đầu của Thân Thể này

Số 792. Đức Kitô là “Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18). Người là Nguyên Lý của cả công trình tạo dựng và công trình cứu chuộc. Khi được siêu thăng vào trong vinh quang của Chúa Cha, “Người đứng hàng đầu trong mọi sự” (Cl 1,18), nhất là trong Hội Thánh, và qua Hội Thánh, Người mở rộng Nước của Người trên mọi sự.

Số 793. Chính Người kết hợp chúng ta với cuộc Vượt Qua của Người: Mọi chi thể phải trở nên giống như Người “cho đến khi Đức Kitô được hình thành” nơi họ (Gl 4,l9). “Chính vì thế chúng ta… được đảm nhận lấy các mầu nhiệm của cuộc đời Người, hiệp thông với những đau khổ của Người như thân thể hiệp thông với Đầu, cùng chịu đau khổ với Người, để cùng được tôn vinh với Người”[40].

Số 794. Chính Người làm cho chúng ta được tăng trưởng[41]: Để làm cho chúng ta tăng trưởng trong Người, là Đầu của chúng ta[42], Đức Kitô phân phối các hồng ân và các thừa tác vụ trong Thân Thể Người là Hội Thánh, nhờ đó chúng ta giúp đỡ lẫn nhau trên con đường cứu độ.

Số 795. Vì vậy, Đức Kitô và Hội Thánh là “Đức Kitô toàn thể” (Christus totus). Hội Thánh là một với Đức Kitô. Các Thánh ý thức một cách rất sống động về sự hợp nhất này:

“Vậy chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ, vì không những chúng ta trở thành Kitô hữu, mà còn trở thành chính Đức Kitô. Thưa anh em, anh em có hiểu ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là Đầu, trên chúng ta không? Anh em hãy cảm phục và vui mừng: chúng ta được trở thành Đức Kitô. Quả vậy, nếu Người là Đầu và chúng ta là chi thể, thì con người toàn thể (totus homo) chính là Người và chúng ta…. Vậy sự viên mãn của Đức Kitô, là Đầu và các chi thể. Nhưng Đầu và các chi thể là gì? Đó là Đức Kitô và Hội Thánh”[43].

“Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã tỏ cho thấy, Người cùng với Hội Thánh mà Người đã đảm nhận, là như một người duy nhất”[44].

“Đầu và các chi thể là như một người huyền nhiệm duy nhất”[45].

Một câu nói của thánh nữ Jeanne d’Arc trước toà án tóm tắt đức tin của các Thánh tiến sĩ và cũng diễn tả lương tri của tín hữu: “Về Chúa chúng ta và Hội Thánh thì tôi nghĩ cả hai chỉ là một, không phải rắc rối làm gì”[46].


Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Trích sách Nơkhêmia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơkhêmia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống.

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống.

2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống.

4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con.

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống.


Bài Ðọc II: 1Cr 12, 12-30 (bài dài)

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.


Hoặc đọc bài này: 1Cr 12, 12-14. 27

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Lc 4, 18-19

Alleluia, alleluia! - Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. - Alleluia.


Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêôphilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.

______

[1] X. Is 61,1-2.

[2] X. Gr 31,31-34.

[3] Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 1, 1, 1: CCL 35, 1-2 (PL 34, 1229-1231).

[4] X. Mt 5,17-19.

[5] X. Mt 15,18-19.

[6] X. Mt 5,48.

[7] X. Mt 5,44.

[8] X. Mt 6,1-6.16-18.

[9] X. Mt 6,9-13.

[10] X. Mt 7,13-14.

[11] X. Mt 7,21-27.

[12] X. Lc 6,31.

[13] X. Ga 13,34.

[14] X. Ga 15,12.

[15] X. Rm 14; 1 Cr 5-10.

[16] X. Gc 1,25; 2,12.

[17] X. Gl 4,1-7.21-31; Rm 8,15-17.

[18] X. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 184, a. 3: Ed. Leon. 10, 453-454.

[19] Thánh Phanxicô Salêsiô, Traité de l’amour de Dieu, 8, 6: Oeuvres, v. 5 (Annecy 1894) 75.

[20] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 11: AAS 58 (1966) 823.

[21] Thánh Bênađô Clairvaux, Homilia super “Missus est”, 4, 11: Opera, ed. J. Leclercq-H. Rochais, v. 4 (Romae 1966) 57.

[22] X. Lc 24,45.

[23] X. Mc 1,1; Ga 21,24.

[24] X. Lc 2,7.

[25] X. Mt 27,48.

[26] X. Ga 20,7.

[27] X. Mc 1,l6-20; 3,l3-l9.

[28] X. Mt l3,l0-l7.

[29] X. Lc l0,l7-20.

[30] X. Lc 22,28-30.

[31] X. Ga l4,l8.

[32] X. Mt 28,20.

[33] X. Ga 20,22; Cv 2,33.

[34] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.

[35] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.

[36] X. Rm 6,4-5; 1 Cr 12,13.

[37] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.

[38] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.

[39] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.

[40] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.

[41] X. Cl 2,19.

[42] X. Ep 4,11-16.

[43] Thánh Augustinô, In Iohannis evangelium tractatus, 21, 8: CCL 36, 216-217 (PL 35, 1568).

[44] Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Iob, Praefatio, 6, 14: CCL 143, 19 (PL 75, 525).

[45] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 48, a. 2, ad 1: Ed. Leon. 11, 464.

[46] Thánh Jeanne d’Arc, Dictum: Procès de condamnation, ed. P. Tisset (Paris 1960) 166.