Số 577-582: Đức Kitô và Lề Luật

Số 1961-1974: Luật cũ và Tin Mừng

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2. 6-8

Bài Ðọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27

Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23


Số 577-582: Đức Kitô và Lề Luật

Số 577. Khởi đầu Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra một giáo huấn long trọng trong đó Người trình bày Lề luật, đã được Thiên Chúa ban tại Sinai dịp Giao Ước đầu tiên, dưới ánh sáng của ân sủng của Giao Ước Mới:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành, và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19).

Số 578. Chúa Giêsu, Đấng Messia của Israel, do đó là người lớn nhất trong Nước Trời, đã phải chu toàn Lề luật, khi tuân giữ toàn bộ Lề luật, theo chính lời Người nói, cho đến cả những điều răn nhỏ nhất. Nói cho đúng, chính Người là Đấng duy nhất đã có thể làm điều này một cách trọn hảo[1]. Những người Do Thái, theo chính họ thú nhận, đã không bao giờ có thể chu toàn trọn bộ Lề luật mà không vi phạm một điều răn nhỏ nhất nào[2]. Vì vậy trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Israel cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm Lề luật của họ. Thật vậy, Lề luật tạo thành một tổng thể và, như thanh Giacôbê nhắc nhở, “ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2,10)[3].

Số 579. Những người Pharisêu rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Israel, họ đã dẫn đưa nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu tới việc hết sức nhiệt thành giữ đạo[4]. Điều này, nếu không bị phá huỷ do việc xét đoán mọi sự cách “giả hình”[5], thì nhất định đã chuẩn bị cho dân hướng tới sự can thiệp chưa từng thấy của Thiên Chúa, là việc thi hành trọn vẹn Lề luật sẽ được hoàn thành bởi Đấng Công Chính duy nhất thay cho mọi tội nhân[6].

Số 580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[7]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[8] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[9], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

Số 581. Trước mắt người Do Thái và các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một “kinh sư”[10]. Người thường tranh luận về cách giải thích Lề luật của các kinh sư[11]. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu tất yếu phải đối đầu với những tiến sĩ Luật bởi vì khi trình bày cách giải thích của mình, Người không tự giới hạn trong những cách giải thích của họ; “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29). Nơi Người, cùng một Lời của Thiên Chúa đã từng vang lên trên núi Sinai để ban hành Lề luật được ghi khắc cho ông Môisen, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc[12]. Đấng là Ngôi Lời không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với một uy quyền thần linh: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5,33-34). Chính Người, với cùng một thẩm quyền thần linh ấy, phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”[13] (Mc 7,8) của nhóm Pharisêu, vì những truyền thống đó hủy bỏ Lời Thiên Chúa[14].

Số 582. Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn kiện toàn Lề luật về sự thanh sạch của các thức ăn, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái, khi Người cho thấy ý nghĩa “quản giáo” của luật ấy[15] bằng lời giải thích thần linh: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế…. Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch…. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền thần linh mà đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề luật, Chúa Giêsu ở trong tình thế đối nghịch với một số kinh sư không chấp nhận lời giải thích của Người, mặc dù lời giải thích này được củng cố bằng những dấu lạ thần linh kèm theo[16]. Điều này đặc biệt đúng, trong vấn đề ngày sabat. Chúa Giêsu thường dựa trên chính lập luận của các kinh sư[17], để nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi ngày sabat không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa[18] hay phục vụ người lân cận[19], như trường hợp các lần Người chữa lành.


Số 1961-1974: Luật cũ và Tin Mừng

Số 1961. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Độ của chúng ta, đã chọn Israel như dân riêng của Ngài, và đã mạc khải cho họ Lề Luật của Ngài và như vậy chuẩn bị cho cuộc Ngự đến của Đức Kitô. Luật Môisen diễn tả nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt tới một cách tự nhiên. Người ta gặp được các chân lý này được công bố và được chứng thực trong Giao ước cứu độ.

Số 1962. Luật cũ là cấp độ đầu tiên của Lề Luật được mạc khải. Các quy định luân lý của luật cũ được tóm lại trong Mười Điều Răn. Các mệnh lệnh của Mười Điều Răn đặt nền tảng cho ơn gọi của con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Các điều răn đó ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và quy định những đòi hỏi căn bản của tình yêu đó. Mười Điều Răn là ánh sáng được ban tặng cho lương tâm của mỗi người, giúp họ nhận ra lời kêu gọi của Thiên Chúa, và những con đường Ngài biểu lộ cho họ, và bảo vệ họ khỏi điều xấu:

“Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong trái tim họ”[20].

Số 1963. Theo truyền thống Kitô giáo, Lề Luật thì thánh thiện[21], thiêng liêng[22], và tốt lành[23], nhưng vẫn chưa trọn hảo. Như một nhà sư phạm[24], luật đó cho thấy điều phải làm, nhưng tự nó không ban sức mạnh, ân sủng của Thần Khí để người ta chu toàn nó. Vì không xóa được tội lỗi, nên luật cũ vẫn còn là luật của tình trạng nô lệ. Theo thánh Phaolô, luật cũ có nhiệm vụ tố cáo và vạch trần tội lỗi, vì tội lỗi tạo ra thứ “luật của dục vọng”[25] trong trái tim con người. Tuy nhiên, Lề Luật vẫn là chặng đầu tiên trên con đường dẫn đến Nước Trời. Nó chuẩn bị và giúp dân Chúa chọn và mỗi Kitô hữu sẵn sàng để hối cải và tin vào Thiên Chúa Cứu Độ. Với tính cách là lời của Thiên Chúa, Luật cũ đem lại đạo lý tồn tại đến muôn đời.

Số 1964. Luật cũ là một sự chuẩn bị nào đó cho Tin Mừng. “Lề Luật là môn sư phạm và lời tiên báo về các điều sẽ đến”[26]. Luật cũ nói tiên tri và báo trước công trình giải phóng khỏi tội lỗi sẽ được hoàn thành với Đức Kitô, cung cấp cho Tân Ước những hình ảnh, “những tiên trưng”, những biểu tượng, để diễn tả đời sống theo Thần Khí. Cuối cùng, luật được kiện toàn bởi đạo lý của các sách khôn ngoan và các Tiên Tri, các vị này quy hướng luật cũ tới Giao ước Mới và Nước Trời.

“Dưới chế độ của Giao Ước Cũ, nhiều người đã có được đức mến và ân sủng của Chúa Thánh Thần và mong chờ những lời hứa thiêng liêng và vĩnh cửu. Và nhờ đó, họ đã được liên kết với Luật mới. Ngược lại, trong thời Giao Ước Mới, lại có những con người vẫn sống theo xác thịt, chưa đạt tới sự trọn hảo của Luật mới, vậy những người trong thời Giao Ước Mới này phải được dẫn tới các công việc nhân đức bằng sự sợ hãi các hình phạt, và bằng những lời hứa trần thế nào đó. Dù Luật cũ có dạy các điều răn của đức mến, nhưng Chúa Thánh Thần không được ban xuống nhờ luật đó, mà nhờ Chúa Thánh Thần, ‘Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta’ (Rm 5,5)”[27].

Số 1965. Luật mới hay Luật Tin Mừng là sự trọn hảo nơi trần thế của Luật thần linh, tự nhiên và được mạc khải. Đây là công trình của Đức Kitô, được trình bày cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi. Đây cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, và nhờ Ngài, nó trở thành luật nội tâm của đức mến: “Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Giuđa.... Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt 8,8.10)[28].

Số 1966. Luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu nhờ tin vào Đức Kitô. Luật này hoạt động nhờ đức mến, và dùng Bài giảng trên núi của Chúa để dạy chúng ta điều phải làm, và dùng các bí tích để truyền thông ân sủng giúp chúng ta thực hiện điều đó:

“Nếu ai sốt sắng và bình tâm suy niệm bài giảng được Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô công bố trên núi, như chúng ta đọc trong sách Tin Mừng theo thánh Matthêu, tôi nghĩ rằng người đó sẽ gặp được ở đó, vì là những lời răn dạy tốt nhất, một quy luật trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Bài giảng này chứa đựng tất cả những mệnh lệnh mà nhờ đó đời sống Kitô hữu được nặn đúc nên”[29].

Số 1967. Luật Tin Mừng hoàn thành[30], tinh luyện, vượt qua và kiện toàn Luật cũ. Trong các mối phúc, Luật mới hoàn thành các lời hứa thần linh khi nâng cao chúng lên và quy hướng chúng về “Nước Trời”. Luật Tin Mừng dành cho những ai sẵn sàng đón nhận niềm hy vọng mới này với lòng tin: những người nghèo, người khiêm tốn, người đau khổ, người có trái tim trong sạch, người bị bách hại vì Đức Kitô, như vậy Luật Tin Mừng phác hoạ những con đường chưa từng thấy của Nước Trời.

Số 1968. Luật Tin Mừng hoàn thành các mệnh lệnh của Lề Luật. Bài giảng của Chúa không hủy bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng rút ra những sức mạnh còn ẩn kín của chúng, và làm cho từ nơi chúng phát sinh ra những đòi hỏi mới: Luật Tin Mừng mạc khải toàn bộ chân lý thần linh và nhân linh của Luật cũ. Luật mới không thêm những mệnh lệnh mới từ bên ngoài, nhưng đi đến chỗ biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim, nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế[31], nơi hình thành đức tin, đức cậy, đức mến, và cùng với chúng, các nhân đức khác. Như vậy, Tin Mừng đưa Lề Luật tới sự viên mãn của nó nhờ bắt chước sự trọn hảo của Cha trên trời[32], nhờ việc tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại, giống như lòng quảng đại của Thiên Chúa[33].

Số 1969. Luật mới thực thi các hành vi tôn giáo: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, khi quy hướng các việc đó về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, khác với những người muốn “được người ta thấy”.[34] Lời cầu nguyện của Luật mới là kinh “Lạy Cha”[35].

Số 1970. Luật Tin Mừng bao hàm sự chọn lựa dứt khoát giữa “hai con đường”[36], và thực hiện các lời dạy của Chúa[37]; Luật Tin Mừng được tóm lược trong khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môisen và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12)[38].

Toàn bộ Luật Tin Mừng được chứa đựng trong điều răn mới của Chúa Giêsu[39], là chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta[40].

Số 1971. Phải thêm vào bài giảng của Chúa giáo lý luân lý trong giáo huấn của các Tông Đồ, như các đoạn Rm 12-15; 1 Cr 12-13; Cl 3-4; Ep 4-5; v.v.... Giáo huấn này lưu truyền đạo lý của Chúa với quyền bính của các Tông Đồ, đặc biệt trong việc trình bày các nhân đức xuất phát từ đức tin vào Đức Kitô và là các nhân đức được đức mến, hồng ân chủ yếu của Chúa Thánh Thần, làm cho sinh động. “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.... thương mến nhau với tình huynh đệ... Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,9-13). Giáo lý này cũng dạy chúng ta giải quyết những vấn đề lương tâm dưới anh sáng của mối tương quan giữa chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh[41].

Số 1972. Luật mới được gọi là luật của tình yêu, bởi vì dạy chúng ta hành động vì tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ, hơn là vì sợ hãi; Luật mới được gọi là luật của ân sủng, bởi vì mang lại sức mạnh của ân sủng để hành động nhờ đức tin và các bí tích; Luật mới được gọi là luật của sự tự do[42], bởi vì giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc về nghi thức và pháp lý của luật cũ, khiến chúng ta sẵn sàng tự nguyện hành động theo sự thúc đẩy của đức mến, và sau hết làm cho chúng ta chuyển từ thân phận của một tôi tớ “không biết việc chủ làm”, sang tình trạng là bạn hữu của Đức Kitô “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15), hoặc còn tới địa vị là một người con thừa tự nữa[43].

Số 1973. Luật mới, ngoài các điều răn của mình, cũng bao gồm những lời khuyên Phúc Âm. Sự phân biệt của truyền thống giữa các điều răn của Thiên Chúa với các lời khuyên Phúc Âm được thiết lập liên quan đến đức mến, là sự trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Các điều răn nhằm giúp tránh những gì không phù hợp với đức mến. Các lời khuyên có mục tiêu giúp tránh những gì, mặc dầu không đối nghịch, nhưng có thể ngăn cản sự phát triển của đức mến[44].

Số 1974. Các lời khuyên Phúc Âm biểu lộ sự sung mãn sống động của một đức mến không bao giờ hài lòng, vì đã không cho đi nhiều hơn nữa. Các lời khuyên chứng tỏ sự thúc đẩy của đức mến và khích động sự sẵn sàng thiêng liêng của chúng ta. Luật mới chủ yếu cốt tại các điều răn là mến Chúa yêu người. Các lời khuyên chỉ ra những con đường trực tiếp hơn, những phương tiện dễ dàng hơn và phải được thực thi tùy theo ơn gọi của mỗi người:

“Thiên Chúa không muốn mỗi người đều phải giữ tất cả các lời khuyên, nhưng chỉ những lời khuyên nào thích hợp với sự khác biệt của các nhân vị, các thời đại, các hoàn cảnh và các sức lực, như đức mến đòi hỏi; thật vậy, chính đức mến, như là nữ hoàng của mọi nhân đức, mọi giới răn, mọi lời khuyên, và cuối cùng, mọi lề luật và mọi hành động Kitô giáo, nên đức mến ban cho tất cả những điều đo chỗ đứng, trật tự, thời gian và giá trị của chúng”[45].


Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2. 6-8

“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa?

Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa?

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa?

3) Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa?


Bài Ðọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27

“Anh em hãy thực thi lời đã nghe”.

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 14,5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. - Alleluia.


Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do Thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Ðó là lời Chúa.

______

[1] X. Ga 8,46.

[2] X. Ga 7,19; Cv 13,38-41; 15,10.

[3] X. Gl 3,10; 5,3.

[4] X. Rm 10,2.

[5] X. Mt 15,3-7; Lc 11,39-54.

[6] X. Is 53,11; Dt 9,15.

[7] X. Gl 4,4.

[8] X. Gl 3,13.

[9] X. Gl 3,10.

[10] X. Ga 11,28; 3,2; Mt 22,23-24.34-36.

[11] X. Mt 12,5; 9,12; Mc 2,23-27; Lc 6,6-9; Ga 7,22-23.

[12] X. Mt 5,1.

[13] X. Mc 7,8.

[14] X. Mc 7,13.

[15] X. Gl 3,24.

[16] X. Ga 5,36; 10,25.37-38; 12,37.

[17] X. Mc 2,25-27; Ga 7,22-24.

[18] X. Mt 12,5; Ds 28,9.

[19] X. Lc 13,15-16; 14,3-4.

[20] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 57, 1: CCL 39, 708 (PL 36, 673).

[21] X. Rm 7,12.

[22] X. Rm 7,14.

[23] X. Rm 7,16.

[24] X. Gl 3,24.

[25] X. Rm 7.

[26] Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 15, 1: SC 100, 548 (PG 7, 1012).

[27] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I-II, q. 107, a. 1, ad 2: Ed. Leon. 7, 279.

[28] X. Gr 31,31-34.

[29] Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 1, 1, 1: CCL 35, 1-2 (PL 34, 1229-1231).

[30] X. Mt 5,17-19.

[31] X. Mt 15,18-19.

[32] X. Mt 5,48.

[33] X. Mt 5,44.

[34] X. Mt 6,1-6.16-18.

[35] X. Mt 6,9-13.

[36] X. Mt 7,13-14.

[37] X. Mt 7,21-27.

[38] X. Lc 6,31.

[39] X. Ga 13,34.

[40] X. Ga 15,12.

[41] X. Rm 14; 1 Cr 5-10.

[42] X. Gc 1,25; 2,12.

[43] X. Gl 4,1-7.21-31; Rm 8,15-17.

[44] X. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 184, a. 3: Ed. Leon. 10, 453-454.

[45] Thánh Phanxicô Salêsiô, Traité de l’amour de Dieu, 8, 6: Oeuvres, v. 5 (Annecy 1894) 75.